Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ 1)

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ 1)
Copy từ http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=521492 , đăng ngày 15/07/14 mục Phóng sự diều tra.
Được thành lập vào tháng 10-1998, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài lập tức thu hút các nhà đầu tư. Theo phác thảo ban đầu thì nơi đây sẽ trở thành khu đô thị sầm uất, có vị thế đòn bẩy kinh tế cho tỉnh Tây Ninh và cả khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm hình thành với hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư đổ vào, hệ thống siêu thị miễn thuế đang dần tàn lụi, trong khi “Thành phố Mặt trời” giờ đây cũng chỉ là... cánh đồng mênh mông gió và chang chang nắng, mãi đợi “bình minh” lên!
Căn biệt thự xây dở thành nhà nuôi yến
Kỳ 1: “Thành phố mặt trời” mong chờ “bình minh”
Những ngày này đi trên tuyến đường nhựa thênh thang từ thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) ra Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu), không khó khăn lắm để có thể “mục sở thị” những “tàn tích” của một dự án tầm cỡ có “tầm nhìn chiến lược hàng chục năm” mang tên “Thành phố Mặt trời”. Qua cầu Gò Dầu (còn có tên là cầu “xóa nợ”), dọc hai bên đường là hình ảnh một số công trình cơ sở hạ tầng ban đầu cần có của khu đô thị. Những cống thoát nước bằng xi - măng đường kính gần một mét chạy đều tăm tắp nhuốm màu thời gian hoặc bám đầy rêu xanh. Nhiều tấm pa-nô ghi rõ thông tin quy hoạch của dự án giờ bay hết nước sơn, đang hoen rỉ “trơ gan cùng tuế nguyệt”! Những cánh đồng mênh mông mà trước đây người ta đua nhau “xí phần” chào bán giờ mọc đầy cỏ lác. Một số cọc xi - măng cắm vội của thời chụp giật phân lô bán nền giờ vẫn nằm bất động, chẳng ai đoái hoài đến...
Chạy đến gần cửa khẩu Mộc Bài, hình ảnh khu vực trung tâm một thời là thỏi nam châm thu hút không ít nhà đầu tư hiện ra càng rõ hơn. Những con đường nhựa mở rộng khang trang, các công trình cơ sở hạ tầng như đèn đường, điện nước... được đầu tư chỉn chu hơn. Từng khối nhà liên kế với gần 20 căn dạng phố của các nhà đầu tư Amasco, Phi Long, Tây Nam... sừng sững giữa cánh đồng mênh mông vẫn không thể “chống đỡ” nổi hình ảnh của một thành phố dần “chết yểu”. Những địa điểm đắc địa hứa hẹn sẽ được xây dựng thành công trình trọng điểm giờ cũng chỉ là cánh đồng bát ngát gió và chang chang nắng đặc trưng của Tây Ninh. Đó là tất cả những gì của “Thành phố Mặt trời” nhận diện được hôm nay!
Bãi ô tô dành cho khu vực siêu thị miễn thuế vẫn nằm bên cạnh con đường dẫn vào siêu thị, khác chăng là giờ này cả ngày chỉ lác đác vài chuyến xe buýt xuất bến. Một nhân viên điều hành than thở: “Trước đây ô tô cá nhân trong và ngoài tỉnh đổ xô lên siêu thị miễn thuế mua hàng giá rẻ khiến cánh nhân viên chúng tôi điều hành mệt nghỉ. Nay chỉ còn lèo tèo vài chuyến buýt, ô tô cá nhân đánh bạc dại gì vào đây, tất cả đã có nhà dân gần đấy phục vụ tận răng: tài xế có võng nằm chờ và bàn cờ tướng giải trí, lại còn cơm bưng nước rót tận nơi, hơi đâu vào bến cho mệt!”.
Ghé vào quán nước giải khát quen thuộc của chị T., không khó khăn lắm để chị nhận ra khách quen hơn mười năm về trước. Mặc dù thời gian khá dài, con người cũng thay đổi nhiều nhưng khi nhắc lại những ngày tháng ăn dầm nằm dề, lấy quán này làm “trụ sở điều nghiên” thì vị chủ nhân “kiên trì bám trụ” nhận ra chúng tôi ngay. Khung cảnh nơi đây chẳng có gì thay đổi, chỉ có điều lạ là ngày ấy khi chúng tôi vừa ngả lưng xuống chiếc ghế bành của quán đã xuất hiện hàng chục tay “cò” vây kín xung quanh chào mời, giới thiệu các lô đất nền; còn bây giờ thì chẳng ma nào đoái hoài đến, có chăng là cánh xe ôm kè theo chèo kéo mời qua casino đánh bạc.
Rỉ tai rằng có người bạn túi rủng rỉnh tiền, muốn “ghim” vài nền giá rẻ chờ thời, chúng tôi nhờ chị T. liên hệ với vài tay “cò” bản địa. Loay hoay mãi, cuối cùng chị cũng tìm được một đối tượng ở Gò Dầu, tuy nhiên gã bảo phải chờ đến cuối ngày vì đang bận đưa khách sang casino đánh bạc. Cánh xe ôm khi nghe chúng tôi đặt vấn đề mua đất cũng ngạc nhiên vì “chẳng ai dại gì vung tiền ở thời điểm này để “chôn” xuống những mảnh đất trống trong khi tương lai mờ mịt, ở thì chẳng ổn mà bán cũng không thể. Vậy mấy cha này đích thị là nhà báo đi điều tra rồi”- một tài xế xe ôm tỏ ra có kinh nghiệm “phán” rồi nháy mắt ra hiệu cho gã “cò” đang giới thiệu các lô đất cho chúng tôi “hô biến”.
Còn nhớ khi dự án mới hình thành, “cánh đồng chó ngáp” này là tâm điểm của “cơn sốt” đất nền. Ngày ấy chỉ cần bỏ một ít tiền đặt cọc, sáng ra nhà đầu tư có thể kiếm vài chục đến vài trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay. Chính vì kiểu sang qua bán lại này mà có thời điểm một nền nhà 5x20m ở đây giá còn cao hơn cả TP.Hồ Chí Minh và các tay “cò” đất nền hoạt động chẳng khác gì “cò” casino bây giờ. Họ thao thao bất tuyệt, vẽ ra tương lai tươi sáng mà ngay cả các nhà hoạch định cũng chưa thể hình dung nổi.
Vậy mà chỉ trong chớp mắt, hàng tỷ tỷ đồng của các nhà đầu tư (lẫn đầu cơ) bất ngờ “nằm” lại trong khối bất động sản của dự án khu đô thị “Thành phố Mặt trời”. Đi ngang những khối nhà liên kế xây dở dang đang phủ rêu mà người viết không khỏi chạnh lòng. Nhiều khoản tiền đầu tư khủng đã đổ vào đây để rồi cuối cùng cũng chỉ lèo tèo vài hộ vào ở. Hình ảnh đó tương phản hoàn toàn với những khu ổ chuột dọc đường mà chúng tôi ghi nhận được. Ngay cả Công ty Phi Long, chủ đầu tư ôm hoài bão lớn trong việc góp phần thực hiện ý tưởng biến nơi đây thành khu đô thị tầm cỡ, giờ dường như cũng bất lực. Thôi thì tận dụng các lô đất trống để nuôi heo rừng, đào vài cái ao thả cá hay tận dụng căn biệt thự đang xây dở nuôi... chim yến, chờ cơ hội mới cũng là giải pháp vớt vát trong thời điểm này.
Còn nhớ những năm đầu thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ông Dương Minh Thành - Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu, người có công “đặt nền móng” đầu tiên cho khu này - từng hồ hởi “khoe” với mọi người (trong đó có giới truyền thông) về sự “thay da đổi thịt” tại đây trong tương lai. Ngay cả một nhân viên ban quản lý cũng khẳng định chắc nịch: “Đảm bảo với anh chỉ vài năm nữa nơi này sẽ sánh ngang Little Saigon chứ chẳng chơi!”. Và như để “bảo chứng” cho lời nói của mình, vị này còn cung cấp cho chúng tôi các số liệu thống kê. Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có qui mô 21.283 hécta gồm bốn xã của huyện Bến Cầu và ba xã thuộc huyện Trảng Bàng, có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Svay Rieng (Campuchia) dài 34km với cửa khẩu chính là Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận. Tính đến năm 2006, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã có hơn 40 nhà đầu tư tham gia với gần bốn mươi dự án, được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận cho đi vào hoạt động, thu hút khoảng trên 5.000 tỷ đồng (làm tròn); còn số nhà đầu tư nhỏ lẻ (hay gọi chính xác là nhà... đầu cơ) phải lên đến hàng trăm, ngàn...
Những hình ảnh lạc quan trên vẫn còn in đậm dấu ấn trong đầu chúng tôi, vậy mà hôm nay đi trên con đường mênh mang gió và chang chang nắng này, chợt nhớ lại câu nói cùng với những con số “bảo chứng” một thời, chúng tôi không khỏi thở dài cho một “Thành phố Mặt trời” vẫn mãi đợi... bình minh!
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào: