Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ cuối)

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ cuối)
Copy từ http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=521697 , đăng ngày 18/07/14, mục Phóng sự điều tra.
Hiện nay, khi hệ thống kinh tế cửa khẩu Mộc Bài “tầm nhìn chiến lược hàng chục năm” gần như bị phá sản, thì ngược lại bên kia biên giới, người Campuchia lại hả hê về sự thành công của chuỗi phức hợp casino: trung bình hàng năm các sòng bạc giáp biên nộp vào ngân sách nước này hàng chục triệu đôla.
Kỳ cuối: Hệ lụy từ các sòng bạc bên kia biên giới
Trong một sòng bạc bên kia biên giới Ảnh: internet
Điều đáng nói là lượng tiền các casino thu được phần lớn do người Việt Nam mang qua “cống nộp”. Theo con số thống kê, hiện nay dọc biên giới Bến Cầu có 13 sòng bạc lớn và một sòng nhỏ (mới thành lập). Trung bình tại cửa khẩu mỗi ngày có khoảng 300 - 500 người đi đánh bạc, ngoài ra còn nhiều tốp theo đường “tiểu ngạch” (nhờ cánh xe ôm đưa lậu sang). Tổng số tiền họ mang theo qua biên giới đánh bạc mỗi ngày lên đến hàng tỷ đồng. Từ khi có chủ trương mở rộng cửa khẩu Mộc Bài, tăng cường giao thương giữa nhân dân hai nước, lượng người Việt sang casino đánh bạc nhiều hơn so với số dân xứ chùa tháp qua mua sắm ở các siêu thị miễn thuế bên này. Con số chênh lệch khá rõ khi doanh số bán ra (tham khảo) của một siêu thị miễn thuế trong 3 tháng đầu năm 2011 đạt 296 tỷ đồng, trong khi tỷ trọng giá trị hàng hóa bán cho khách Campuchia chỉ chiếm khoảng 9%.
Tại vùng biên, những chiếc ô tô biển số tỉnh có, thành phố có chở khách sang Campuchia đánh bạc nép mình trong những chòi lá, nhà dân... Thấy chúng tôi chạy tà tà, nhiều cò vây quanh, chìa ra những tấm danh thiếp đầy đủ số điện thoại liên lạc, sẵn sàng đưa qua biên giới mà không cần lấy tiền công vì sẽ được các “chủ sổ” túc trực ở sòng bạc phía bên kia ghi nhận, trả sau. Theo một “cò” tên Phượng, do hiện nay tình hình khó khăn cộng với việc các chủ sòng ít “buông” cho khách ăn nên lượng người đến casino giảm hẳn, đa phần là các con bạc chuyên nghiệp vì thua nhiều nên phải “gỡ”, số ít còn lại chủ yếu tham gia cho biết. Nhưng mặc dù “chủ sổ” hiện đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt song thu nhập vẫn thuộc hàng khủng. Theo người dân địa phương, nổi đình nổi đám nhất trong giới hiện giờ là ông L.- chủ một tiệm vàng ở xã Tiên Thuận (Bến Cầu). Hơn chục năm “thâm niên” trong “nghề”, ông này thu lợi hàng chục tỷ đồng, hiện do bệnh tình hành hạ nên phải vào bệnh viện điều trị, giao lại quyền điều hành cho con ruột.
Cảnh báo về hậu quả cờ bạc ở vùng biên, nhiều cơ quan truyền thông đã lên tiếng khi hầu hết con bạc đều tay trắng trở về trong lúc tài sản bị cầm cố, nợ nần chồng chất..., nhưng rõ ràng vẫn chưa mấy tác dụng đối với những kẻ “nghiện” nặng món này. Ở Trảng Bàng có bà B. - giàu nhất nhì thị trấn với khối tài sản lên đến hàng chục tỷ, đồng thời là thành viên của một dòng họ nhiều đời chuyên kinh doanh món bánh canh Trảng Bàng nổi tiếng. Hàng ngày, bà chẳng phải làm gì ngoài việc chờ đến chiều tối tới kiểm tra tiền thu được ở nhà hàng. “Nhàn cư vi bất thiện”, khi rảnh rỗi bà nghe lời rủ rê của người bạn (cũng là nữ đại gia, ở TPHCM, chuyên kinh doanh bánh mì) sang casino giải khuây. Những ngày đầu tham gia, hai bà được chủ sòng cắt cử người phục vụ hơn cả nữ hoàng. Mất cảnh giác, cả hai lao vào trò đen đỏ và “lậm” nặng lúc nào không biết. Kết quả chỉ sau vài năm, hai nữ đại gia đều phải sang nhượng lại thương hiệu trị giá vài chục tỷ đồng mà mình đã cất công gầy dựng suốt mấy mươi năm. Máu đỏ đen khó bỏ nên thi thoảng người đàn bà trên 50 tuổi này vẫn góp tiền sang casino đánh bạc. Nhưng mấy tháng nay, người dân Trảng Bàng không thấy bóng dáng bà B. đâu, nghe đồn hiện bà đang cầm mạng nên không còn lối về.
Kể về nỗi ám ảnh mang tên casino, anh Tú (ở Gò Dầu), người từng thế thân lắc đầu ngao ngán. Gia cảnh khó khăn, vợ chồng anh được nhà nước duyệt cho vay 50 triệu đồng mua bò nuôi. Trong một lần nghe lời bạn bè, Tú sang cầm mạng cho các chủ nợ đổi lấy 30 triệu. Lần ấy vợ anh không kịp bán đàn bò chuộc về nên anh bị bọn đầu gấu chặt đứt một lóng tay để dằn mặt.
Chiều xuống, khi trở về, đi qua cây cầu bê tông bắc ngang sông Vàm Cỏ, chúng tôi được người lái xe ôm bỏ nhỏ rằng đây chính là cây cầu nổi tiếng trong giới kỳ bẽo bởi nó được mệnh danh là “cầu xóa nợ” khi có hơn 10 con bạc cháy túi không còn đường giải thoát đã chọn đây làm nơi... kết thúc!
Theo lời của một công an huyện Bến Cầu, hiện nay do lượng người sang đánh bạc giảm mạnh khiến lợi nhuận sa sút, các chủ sòng đã tung ra nhiều chiêu câu khách: ngoài khách sạn tiện nghi, tiếp viên trẻ đẹp phục vụ..., họ còn đưa thêm các chương trình khuyến mãi trúng thưởng xe hơi, hàng điện máy..., tất cả đều được trao tận nhà. Đặc biệt gần đây, một số sòng không cần đổi tiền ra phỉnh mà chấp nhận cho con bạc sử dụng tiền Việt, trong số này có một sòng nhỏ vừa khai trương càng làm cơ quan chức năng Việt Nam thêm nặng gánh
Chiều cuối tuần, dòng người vẫn đáp xe sang bên kia biên giới trong cơn say đỏ đen. Nhiều người vì sợ mang tiếng với xóm giềng nên nói dối rằng đi siêu thị miễn thuế Mộc Bài mua sắm. Đến nơi, họ gửi xe rồi nhờ cánh xe ôm đưa sang casino, chiều lại về. Theo đà trên, dòng tiền vẫn âm thầm đổ vào casino trong khi các nhà hoạch định của chúng ta vẫn đang loay hoay với giải pháp phát triển Mộc Bài thành khu đô thị để có thể thu hút đầu tư, mang lại lợi nhuận cho ngân sách. Thương mại và dịch vụ đã “trở thành dĩ vãng”, còn công nghiệp? Chắc hẳn không phải, vì cho đến giờ này chưa thấy dấu hiệu nào của sự thành công, trong khi lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa chắc đã vượt trội so với các khu công nghiệp khác như Trảng Bàng, Bourbon... cũng thuộc tỉnh Tây Ninh!
Nguyễn Vinh - Ngọc Huy

Không có nhận xét nào: