Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do khai báo y tế kiểu đối phó
Việc bắt buộc khai báo y tế đang thực hiện tại nhiều địa điểm ở các thành phố lớn như: Sân bay, nhà ga, các bệnh viện… Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV Lao Động những ngày qua, dù lượng khách tập trung rất đông tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng như các bệnh viện lớn, song việc khai báo y tế diễn ra rất lơ là, thậm chí chỉ mang tính đối phó để qua được cổng kiểm tra. Việc này dẫn đến tình trạng sót lọt những người đến từ vùng dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.
Khai báo y tế cho có để qua cửa an ninh
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay ngoài những hành khách thường xuyên di chuyển bay nên có kinh nghiệm khai báo y tế trên mạng trước khi tới sân bay, còn lại khá nhiều hành khách khác gặp trục trặc trong việc khai báo y tế do chưa quen với việc làm thủ tục trực tuyến hay khai báo qua hình thức online. Do đó, dẫn tới việc nhiều người bối rối không biết khai báo như thế nào cho đúng với quy định hoặc khai báo cho có.
Chị Lê Thị Thật - Hành khách đi từ TPHCM đến Gia Lai cho biết, khi tới sân bay chị mới biết thông tin phải khai báo y tế bắt buộc xong mới được lấy vé thẻ lên máy bay, đối với chị thủ tục này mất khá nhiều thời gian.
“Khi không được hỗ trợ khai báo y tế tôi và nhiều người thấy bối rối không biết khai thế nào mà còn sợ trễ chuyến. Được nhân viên hướng dẫn thì tôi điền thông tin cá nhân và những nội dung bắt buộc thôi, xong rồi tôi tranh thủ làm giúp những người đi cùng không biết khai báo”. Thậm chí, nhiều người còn không sử dụng điện thoại thông minh, khiến việc khai báo trở thành một quy định khá rắc rối cho những hành khách này tại sân bay. Hay có nhiều trường hợp, hành khách đến bay cũng đã được bên đại lý bán vé làm thủ tục khai báo và check-in sẵn. Như trường hợp ông Trần Văn Dung, hành khách bay từ TPHCM đi Hà Nội, khi được phóng viên hỏi về việc có gặp khó khăn gì về việc khai báo không, ông Dung đã cho biết: “Khi đến sân bay không gặp khó khăn gì vì đại lý vé đã hoàn thiện từ trước đó rồi”.
Ông Lưu Việt Hùng, Chánh văn phòng Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trong suốt những ngày vừa qua, tình trạng hành khách khai báo y tế sai thông tin hoặc chưa khai báo y tế khi lên cửa an ninh soi chiếu không chỉ trở thành nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, mà nguy hiểm hơn là khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách cũng như đảm bảo việc kiểm soát sức khoẻ cộng đồng.
“Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo phân công việc kiểm soát và hỗ trợ khai báo y tế của hành khách cho phía các hãng hàng không phụ trách để giảm tải cho phía an ninh sân bay. Tuy nhiên trước đó khi khách đi qua cửa an ninh, nhân viên an ninh cũng chỉ kiểm tra mã khai báo chứ không thể kiểm tra hết toàn bộ nội dung mà hành khách đã khai trước đó” - ông Hùng cho biết.
Phải kiểm soát được khai báo y tế
Chúng tôi cũng ghi nhận tại các Bệnh viện Đại học Y dược, Quân y 175, Từ Dũ, Ung bướu... trước cổng bệnh viện đều có khu vực khai báo y tế và đo thân nhiệt cho người đến khám chữa bệnh trước khi vào bên trong.
Theo đó, những trường hợp khai bị sốt, ho, khó thở hoặc đi từ vùng dịch về sẽ được đưa đến khu vực sàng lọc. Sau đó, nhân viên y tế của bệnh viện sẽ báo đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) để có hướng xử lý tiếp theo.
Qua tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ dữ liệu khai báo y tế của mỗi bệnh nhân sẽ chuyển tải về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Sở Y tế để được giám sát liên tục. Cán bộ phụ trách của HCDC sẽ thường xuyên truy cập hệ thống khai báo y tế để nắm bắt tình hình khai báo y tế của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. HCDC sẽ chịu trách nhiệm cách ly, xét nghiệm kịp thời và chính xác hơn các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn thành phố.
Siết chặt các biện pháp dự phòng chống dịch COVID - 19
* PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Khai báo y tế thì bắt buộc người dân phải khai báo trung thực. Việc kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên, đồng thời nhắc nhở người dân khai báo y tế trung thực là rất cần thiết. Cơ quan kiểm dịch y tế sân bay, chủ các phương tiện vận tải hành khách, bệnh viện, cơ sở y tế... đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên nhắc nhở người dân việc khai báo y tế. “Quan trọng nhất là cơ quan chức năng cần phải nắm được thông tin tên tuổi, địa chỉ thực tế của người khai báo y tế, để có thể truy vết được khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Tên tuổi, số căn cước công dân, số hiệu chuyến bay là không thể khai báo sai được. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ một ca bệnh COVID-19 dương tính thì buộc phải truy vết nhanh nhất, truy ngược lại từ khai báo y tế là rất quan trọng” - PGS. TS Phu nhấn mạnh.
* Theo ông Hoàng Đức Hạnh- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, các cửa khẩu quốc tế vẫn đang sử dụng máy theo dõi nhiệt độ từ xa (còn gọi là máy tầm nhiệt), kiểm tra nhiệt độ phát hiện các hành khách có dấu hiệu ốm, sốt, cách ly ngay tại cửa khẩu. Đồng thời áp dụng khai báo y tế đối với tất cả các hành khách, người dân đến các cơ sở y tế... Ông Hạnh cho rằng việc hành khách có khai báo trung thực về những điểm đã đi/đến hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải kêu gọi, giám sát người dân khai báo y tế trung thực. Như vậy mới có thể góp phần khống chế, khoanh vùng nếu dịch bệnh xảy ra. T.Linh
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, về trường hợp khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo sai sự thật, căn cứ vào từng trường hợp và lời khai cụ thể của từng người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra, người dân có thể đối diện với mức phạt hành chính lên tới 200 triệu đồng và thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: Về xử phạt hành chính, người gian dối trong việc khai báo y tế sẽ phải đối diện với mức phạt từ 10-20 triệu đồng theo điều 7 Nghị định 117/2020-CP. Trường hợp người vi phạm biết rõ tình trạng bệnh của bản thân và người khác mà cố tình che giấu thông tin gây hậu quả lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người sẽ bị phạt tiền tối đa lên tới 200 triệu đồng và phạt tù từ 1-5 năm; Trường hợp làm chết người có thể phạt tù lên đến 10 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét