Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Hệ lụy khi dùng bừa bãi thuốc nam

 

Hệ lụy khi dùng bừa bãi thuốc nam

Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh mới chỉ nghe lời mách bảo, truyền miệng đã vội vàng tìm đến các loại thuốc nam để chữa bệnh hoặc uống bổ sung sức khỏe. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc nam tràn lan, bừa bãi, không có hướng dẫn cụ thể của người có chuyên môn rất dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
0:00/0:00
0:00

Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe một trường hợp bị ngộ độc thuốc nam

Nhiễm độc gan

Với mong muốn sinh được con trai đầu lòng, chị N.T.H. (25 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) đã tìm hiểu và được một số người mách bảo mua thuốc nam về uống. Sau khi uống thuốc khoảng 3 tuần, bệnh nhân liên tục đau bụng quặn, buồn nôn nên được người thân đưa tới Bệnh viện (BV) Đa khoa Sóc Sơn.

Tại đây, chị H. được điều trị không còn buồn nôn, huyết động ổn định nhưng da niêm mạc nhợt, đi ngoài phân đen kèm máu tươi. Sau đó, bệnh nhân này được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng men gan tăng cao gấp 20 lần bình thường. Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm độc gan do uống thuốc nam.

Bác sĩ Vũ Minh Đức, Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, men gan tăng cao khoảng 2,5-3 lần so với bình thường đã rất nguy hiểm nhưng trường hợp của nữ bệnh nhân này tăng gấp 20 lần, may là bệnh nhân được phát hiện sớm nên chưa bị tổn thương gan quá nặng. Sau khi nhập viện điều trị, các bác sĩ yêu cầu chị H. dừng ngay uống thuốc nam, đồng thời cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc gan, bổ gan để giúp gan hồi phục.

Cũng tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ mới đây đã cấp cứu một cụ bà 73 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp kèm tổn thương gan và thận rất nặng do nhiễm độc thuốc nam.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, cho biết, bệnh nhân cao tuổi này có tiền sử viêm khớp nên có sử dụng thuốc tây và thuốc nam để điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân mua thuốc nam theo lời truyền miệng, không rõ nguồn gốc.

Cũng theo bác sĩ Nam, trường hợp như cụ bà phải nhập viện do biến chứng khi sử dụng thuốc nam không phải là hiếm.

“Những người bệnh cao tuổi nhập viện đa phần đều không tìm hiểu, tiếp cận được thông tin của thuốc mà mình sử dụng. Cùng với đó, bệnh nhân cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc tây lâu dài nên gánh nặng về kinh tế khiến họ thường tìm đến thuốc nam do giá thành rẻ. Mặt khác, các loại thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tây”, bác sĩ Nam chia sẻ và cảnh báo với các trường hợp sử dụng thuốc đông y tùy tiện thường phải nhập viện trong tình trạng nặng. Đa phần bệnh nhân nhập viện đều có các tổn thương gan, thận, phải lọc máu cấp cứu, thậm chí tử vong.

Phức tạp hơn tân dược

Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, BV Trung ương Quân đội 108, cho biết, đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì nhiều lý do. Trong đó, bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, nhưng vì đông dược thường là hỗn hợp gồm rất nhiều chất nên khó xác định dị nguyên cụ thể. Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc. Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt, chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc... dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.

Do đó, để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.

Về phía thầy thuốc cũng phải khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Cần hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc nam một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho người bệnh.

Thuốc đông y hay tân dược dùng để trị bệnh không phải muốn uống là uống. Việc sử dụng thuốc phải có liều lượng và do thầy thuốc chỉ định. Người bệnh nếu dùng thuốc đông y cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cấp phép để tránh tình trạng mua, sử dụng thuốc bị trộn lẫn các hóa chất độc hại, chất cấm gây ra biến chứng khi sử dụng.

MINH KHANG

Không có nhận xét nào: