Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Đại biểu Quốc hội: "Cây phong lá đỏ thất bại là bài học cay đắng!"

 Đại biểu Quốc hội: "Cây phong lá đỏ thất bại là bài học cay đắng!"

Phùng Đô
https://baogiaothong.vn/... đăng ngày 08/04/2021 12:07

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu đã luận bàn về việc TP Hà Nội thay thế cây phong sau khi trồng được 3 năm.

Được kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội, thế nhưng, sau 3 năm hàng cây phong lá đỏ luôn trong tình trạng khô héo

Nên chọn loài cây dễ trồng, có bản sắc Việt

Liên quan đến thông tin TP Hà Nội lên phương án thay thế cây phong lá đỏ bằng cây bàng vì sau ba năm trồng, loại cây phong lá đỏ này phát triển kém, thậm chí chết khô, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng đây là bài học không chỉ cho Hà Nội và các địa phương khác.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, các đây vài năm, bản thân ông và một số người dân Thủ đô đã không hài lòng về việc đưa các loại cây "ngoại lai" không có bản sắc Việt, không có giá trị kinh tế, cũng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vào trồng ở đường phố Hà Nội.

"Sao không trồng những cái cây mang bản sắc Việt Nam, có giá trị kinh tế, bóng mát?", ông Nhưỡng nêu vấn đề và dẫn chứng ở một số con đường đã trồng gỗ lát, một cây gỗ quý, có bóng mát rất đẹp và lại có giá trị kinh tế sau vài chục năm. Ví dụ như con đường vào Nghĩa Lộ, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) có những hàng cây gỗ lát rất là đẹp. Hay huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa có những cây gỗ lát lớn mà Huyện ủy, Ủy ban vẫn giữ.

Cho rằng "trồng cây phong lá đỏ là một bài học cay đắng", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, khi trồng loại cây nào cho đường phố, công cộng cần phải lấy ý kiến của người dân, liên hệ với nhân dân, phải xin ý kiến các nhà khoa học để đảm bảo làm sao cho phù hợp.

"Như bây giờ chúng ta lại trồng cây bàng lá nhỏ, cái cây này không phải của Việt Nam mà của Đài Loan. Cây này khi rụng lá rất bẩn, chúng ta cần nghiên cứu cho kỹ. Việc trồng cây xanh phải xác định là một chương trình, dự án, phải nghiên cứu có khoa học, trồng cây gì, ở chỗ nào để thích hợp với loại cây đó. Trồng cây vừa là giải quyết vấn đề môi trường, về cảnh quan, về bài toán kinh tế và thậm chí còn liên quan đến vấn đề thiên tai, bão tố. Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước thì trồng cây cũng là một nhiệm vụ chính trị", ông Nhưỡng nói.

Cần xem xét trách nhiệm

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cây phong đỏ là loại cây nhập ở nước ngoài về và sống có thể là ở thời tiết lạnh, ở Việt Nam thì thời tiết nhiệt đới, còn ở Hà Nội có thời gian cũng có thời tiết lạnh.

"Thực tế cây này qua kiểm nghiệm nhiều năm rồi, nó vẫn sống nhưng không phát huy tác dụng, không hiệu quả, chất lượng không cao như là lá không đỏ, không ra hoa hoặc cây không phát triển. Bài học trồng cây phong lá đỏ cần rút kinh nghiệm", đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hòa, trong vụ việc cây phong lá đỏ này, cần xem xét trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan. Không thể vì một vấn đề nào đó, mà thậm chí vì "lợi ích nhóm" mà nhập những cây, con không có lợi cho quốc gia, dân tộc, không có lợi cho điều kiện hoạt động của Việt Nam sẽ gây ra lãng phí hay có tác hại lây lan sang những loại khác.

"Đây là bài học không những của Hà Nội mà chung cho cả nước", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất thay thế cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10-15 cm; chiều cao vút ngọn 6-8 m. Việc trồng cây phong lá đỏ nằm trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Trên phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, 217 cây phong còn sống sẽ được đánh chuyển về vườn ươm của Công ty cây xanh Hà Nội và được trồng tại khu vực có điều kiện phù hợp. Việc thay thế cây dự kiến thực hiện trong tháng 4.

Về nguồn chi phí cho cây phong đã trồng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 262 cây phong do một đơn vị tặng thành phố và được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Sau 3 năm thử nghiệm, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Hiện 45 cây đã chết, 217 cây sống, nhưng sinh trưởng, phát triển kém.

Phùng Đô

Không có nhận xét nào: