Hành khách tăng cao, hàng không siết chặt phòng dịch COVID-19
Tình trạng ùn tắc, hàng nghìn hành khách phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ làm thủ tục soi chiếu an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) liên tục xảy ra khi nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát, cục đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan siết chặt công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30.4-1.5.
Ùn ứ ở sân bay Tân Sơn Nhất
Anh Nguyễn Văn Bình (hành khách đi chuyến bay TPHCM - Thanh Hóa lúc 10h sáng ngày 18.4.2021) cho biết, anh phải xếp hàng chờ kiểm tra an ninh từ 8h15 đến 9h15 mới xong, do lượng khách quá đông trong khi công tác soi chiếu an ninh chậm khiến tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn cục bộ.
Với nhu cầu du lịch tăng cao, sân bay Tân Sơn Nhất được dự báo tiếp tục ùn tắc nghiêm trọng vào dịp lễ 30.4-1.5 tới khiến cho nhiều hành khách lo lắng về vấn đề an toàn phòng chống dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Thanh (bay chuyến TPHCM - Đà Nẵng sáng ngày 18.4) cho biết di chuyển bằng đường hàng không trong thời gian này cần phải nhanh chóng các khâu thủ tục.
Chị Thanh cho hay trước khi ra sân bay đã check-in online, khai báo y tế trên điện thoại, sau đó chỉ vào thẳng khu vực an ninh khá nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đến khu vực an ninh soi chiếu thì chị Thanh “sốc" vì đông nghẹt. Hành khách phải chen chúc, nhích từng li từng tí để đến khu vực soi chiếu.
“Mặc dù mọi người ai cũng ý thức được việc phải mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhưng với lượng người quá đông và cứ đứng san sát nhau để chờ qua cửa an ninh thì vấn đề an toàn dịch bệnh COVID-19 rất đáng lo ngại” - chị Thanh lo lắng.
Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện nay, nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không tăng cao vào các khung giờ sáng và đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Thống kê hai ngày cuối tuần vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 80.000 lượt khách đi - đến mỗi ngày. Để giải toả khách nhanh nhất, sân bay đã mở tối đa các cổng soi chiếu an ninh; các hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân viên hỗ trợ hành khách, nhất là những đối tượng ưu tiên như người già, trẻ nhỏ.
“Nhu cầu đi lại của hành khách tăng mạnh, trong đó có khách du lịch là tín hiệu tích cực đối với ngành Hàng không và du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng sân bay hạn chế thì việc ùn ứ, tắc nghẽn cục bộ ở khu vực làm thủ tục, khu vực soi chiếu là khó tránh” - đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch toàn diện từ mặt đất đến trên không, bao gồm: Hành khách khai báo y tế và đo nhiệt độ trước chuyến bay; từ chối vận chuyển hành khách có biểu hiện bất thường về sức khỏe; lắp đặt thảm khử khuẩn tại cửa lên tàu bay; hành khách, tổ bay đeo khẩu trang trong suốt hành trình...
Xây dựng tiêu chuẩn an toàn cho từng chuyến bay
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cảng hàng không, tránh lây lan ra cộng đồng. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không, các cảng hàng không, Cảng vụ hàng không khu vực và các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không khẩn trương, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về yêu cầu bắt buộc khai báo y tế trước chuyến bay và công tác phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Ban chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các hãng hàng không thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn hành khách khai báo y tế, đồng thời từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế và các quy định về an toàn dịch bệnh. Trường hợp để hành khách chưa khai báo y tế theo quy định lên tàu bay, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các cảng hàng không để triển khai thông báo cho hành khách yêu cầu phải khai báo y tế trước chuyến bay trên hệ thống màn hình thông báo tại các cảng hàng không và qua các pano thông báo tại khu vực khách dễ quan sát như quầy làm thủ tục, khu vực an ninh soi chiếu và khu vực kiểm tra trước khi ra tàu bay (khu vực gate ra tàu bay). Yêu cầu các cảng hàng không, sân bay phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách hoàn thành việc khai báo y tế và bố trí nhân sự kiểm tra khai báo y tế của hành khách trước khi xếp hàng vào khu vực soi chiếu an ninh, đảm bảo 100% hành khách khai báo y tế và tránh ùn tắc khi qua điểm kiểm tra soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, đã thực hiện phương án khoanh vùng cụ thể trong trường hợp dịch bệnh lây lan; phối hợp với đơn vị y tế để xử lý; bố trí bổ sung nhân sự, điều động nhân sự từ các cảng hàng không khác trong trường hợp cán bộ, nhân viên bị cách ly; đảm bảo quy trình hoạt động, khai thác liên tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đại diện Vietnam Airlines, nhằm bảo vệ sức khỏe của hành khách, người lao động và cộng đồng trước dịch COVID-19, đơn vị thường xuyên nắm bắt thông tin với cơ quan y tế tại cảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội, của Bộ Giao thông Vận tải luôn được chú trọng để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh. Hãng đã triển khai nhiều biện pháp đặc biệt, nâng mức độ an toàn phòng, chống dịch cao hơn tiêu chuẩn của ngành hàng không trong nước và quốc tế. Thường xuyên cập nhật thông tin của hãng liên quan đến dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông; Xây dựng tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh cho từng chuyến bay; Bố trí đội bay riêng cho từng đường bay để hạn chế lây chéo; Sát khuẩn trang thiết bị và dụng cụ phục vụ hành khách nhiều lần trong ngày; Bố trí thảm phun dung dịch khử khuẩn tại cửa ra máy bay; Khoảng cách giữa các ghế của loại máy bay nhỏ nhất rộng hơn 73cm (rộng hơn mức trung bình các hãng gần 3cm). Phun khử khuẩn máy bay áp dụng với chuyến bay từ Nội Bài, Cát Bi đến Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; các chuyến đến sân bay khác được phun khử khuẩn sau khi thực hiện hành trình kế tiếp đáp tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
Hiện có 269 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, gồm: 18 tàu Boeing B787, 14 tàu Airbus A350, 33 tàu A320, 136 tàu A321, 1 tàu A319, 1 tàu A330, 7 tàu ATR72, 3 tàu Embraer và 22 trực thăng. Tính đến hết quý I/2021, có 39 tàu bay đang phải thực hiện bảo quản dừng bay do hoạt động khai thác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, Vietnam Airlines phải dừng 18 tàu bay, Bamboo Airways dừng 3 tàu bay, Pacific Airlines dừng 4 tàu bay và Vietjet dừng 14 tàu bay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét