Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Độc đáo làng bí đao khổng lồ xứ Nẫu

 

Độc đáo làng bí đao khổng lồ xứ Nẫu


 https://bnews.vn/... đăng ngày 15/05/2019 09:42


BNEWS Tới làng Chánh Trạch 1 (Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định) vào thời điểm tháng 5, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những giàn bí đao khổng lồ đang vào mua thu hoạch.
Du khách thích thú khi được chụp ảnh cùng những quả bí đao khổng lồ nặng trên 50 kg. Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Vốn nổi tiếng từ lâu với sản phẩm bí đao khổng lồ, nhưng người dân làng Chánh Trạch 1 (Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định) vẫn gặp khó khăn trong việc thu lợi nhuận từ sản phẩm độc đáo này.

Hiện nay, một số gia đình đã có những chuyển đổi trong cách thức trồng, chăm sóc, chế biến để gắn việc gìn giữ giống bí đao khổng lồ với các tour du lịch cộng đồng.

* Gian nan tìm đầu ra cho bí khổng lồ

Tới làng Chánh Trạch 1 vào thời điểm tháng 5, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những giàn bí đao khổng lồ đang vào mua thu hoạch.

Rất nhiều gia đình trồng giàn bí trước sân nhà, trên các khung giàn đan kín bằng tre, gỗ chắc chắn có hàng chục quả bí khổng lồ.

Nói là khổng lồ vì mỗi quả bí nặng từ 50 - 80 kg, nặng đến nỗi phải nâng đỡ, gia cố bằng hệ dây buộc xung quanh. Không ai biết giống bí đao khổng lồ đã được trồng ở làng từ khi nào, nhưng người dân ở đây luôn có ý thức trong việc trồng và giữ gìn giống bí đặc biệt này, vì khi trồng ở nơi khác bí sẽ không thể to được.

Ông Nguyễn Đảm năm nay đã 80 tuổi, sinh ra và lớn lên dưới những giàn bí khổng lồ. Ông cho biết, nghề này đã tồn tại ít nhất từ 4 đời trước, những hạt giống khổng lồ được truyền lại từ đời này qua đời khác giống như một nét truyền thống.

Để trồng loại bí này, ngoài việc dùng loại giống đặc biệt, còn phải thiết kế bộ giàn theo cách đặc biệt; đồng thời chăm chỉ bón phân gấp nhiều lần các cây trồng khác, rất vất vả nhưng lợi nhuận thu hoạch lại không cao.

Ông Nguyễn Đảm lo lắng: “Loại bí này nếu bán ra chợ thì phải chia nhỏ từng quả để bán, nên nếu bán không hết thì rất nhanh hỏng. Các thương lái địa phương khác về thu mua thì được số lượng nhiều hơn, nhưng họ trả giá khá thấp.

Năm nay, thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, mỗi quả bí nặng 50 kg có giá 250.000 đồng, gần như không có lãi sau cả năm chăm sóc”.

Một nông dân khác luôn trăn trở gìn giữ giống bí của làng Chánh Trạch là ông Nguyễn Bảy khẳng định, mình vẫn sẽ trồng giống bí này dù có khó khăn đến đâu.

Trước mắt, khi chính quyền và người dân địa phương chưa tìm được giải pháp đầu ra bền vững, gia đình ông vẫn trồng để ăn, một nguồn thức ăn sạch và tốt cho sức khỏe.

Ông Bảy cho biết: “Quả bí, ngọn bí thì dùng để làm thức ăn, rất bổ dưỡng. Lấy chai sạch thu nước bí chảy ra từ cuống dây sau khi thu hoạch, khi uống rất mát và tốt cho sức khỏe. Quả bí có thể dùng làm mứt tết hoặc cắt nhỏ phơi khô làm trà bí đao để dùng dần. Vì vậy, tôi quan niệm nếu không bán được giá thì cũng vẫn trồng để giữ lại giống bí cho các đời con cháu”.

Tuy nhiên, không còn nhiều hộ gia đình có điều kiện để tiếp tục gìn giữ giống bí khổng lồ này. Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thọ, có những thời điểm diện tích trồng bí đao trên toàn xã lên 20 ha, giờ đây chỉ còn chưa tới 1 ha, với khoảng 60 hộ trồng bí. Rõ ràng, nếu không ổn định được đầu ra cho sản phẩm, nguy cơ mai một giống bí này đang tăng dần.

* Tìm hướng phát triển theo mô hình du lịch cộng đông

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thọ Phạm Văn Thọ, nếu tìm được hướng phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định cho bà con thì việc phục hồi và phát triển nghề truyền thống - trồng bí đao khổng lồ sẽ rất thuận lợi.

Ông Thọ cho hay: “Hiện nay, các hộ chủ yếu trồng từ 100m2 cho đến 500m2 bí, mỗi vụ (6 tháng) thu được khoảng 1 tấn bí/100m2. Nếu tính theo giá thương lái thu mua hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg bí đao thì mỗi sào thu được 5 triệu đồng. Tiền bán bí đã ít mà số lượng bí thương lái thu mua mỗi năm mỗi khác, không ổn định, dẫn đến tâm lý chán nản cho người nông dân”.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bình Long (bên phải) cùng tác giả thu hoạch bí đao khổng lồ từ vườn. Ảnh: TTXVN

Theo ông Thọ, các cấp chính quyền cùng người trồng bí rất tích cực giới thiệu, quảng bá giống bí này tại các hội chợ, trên các phương tiện truyền thông, nhưng vì quả bí rất nặng, khó di chuyển, lại không để được lâu nên vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền trên báo, đài, cũng có nhiều du khách hiếu kỳ tới tham quan, vì vậy ở địa phương đang dần hình thành các dịch vụ về du lịch cộng đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Bình Long là người đầu tiên có ý tưởng hình thành các tour đưa khách du lịch về khám phá vùng quê tươi đẹp của Bình Định này.

Vốn là một người con của huyện Phù Mỹ, anh Ngọc Thạch luôn mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của quê hương mình.

Theo anh Thạch, các tour du lịch tham quan vườn bí đao khổng lồ, khám phá đầm Châu Trúc, các danh thắng biển, đảo của huyện Phù Mỹ chỉ mới được anh triển khai trong vòng 2 năm nay.

Tuy còn nhiều khó khăn do cách thành phố Quy Nhơn khoảng 70 km, nhiều dịch vụ địa phương còn hạn chế nhưng các đoàn khách trong nước và quốc tế luôn rất ấn tượng về đặc sản bí đao khổng lồ, cũng như tính cách mến khách của người dân nơi đây.

Anh Thạch nói: “Bí đao khổng lồ tại làng Chánh Trạch 1 là loại đặc sản hiếm có trong nước và trên thế giới, khách du lịch luôn trầm trồ thích thú mỗi khi được tham quan và chụp hình với chúng. Nhưng có một điều khó là bí to nhất và chỉ thu hoạch được trong khoảng tháng 4 âm lịch, chứ không có quanh năm, nên cũng rất khó để thu hút khách trong suốt mùa du lịch”.

Chính vì vậy, anh Thạch đã chủ động bàn với một số người dân trong làng thay đổi về thời gian gieo hạt, để các giàn bí của các hộ sẽ lần lượt tới kỳ thu hoạch trong các khoảng thời gian khác nhau.

Nhưng cũng chỉ kéo dài được trong khoảng 3 tháng, từ tháng 4 - 6 dương lịch, nếu trái mùa sẽ không ra quả được. Anh cũng sẽ trả phí 10.000 đồng/khách tham quan để hỗ trợ các hộ dân.

Hộ ông Nguyễn Bảy là một trong những hộ thường xuyên đón du khách tới tham quan. Gia đình ông còn kết hợp nấu các món ăn truyền thống từ bí đao phục vụ khách và làm mứt bí, trà bí phơi khô cho khách mua mang về làm quà.

Kể từ ngày có khách trong và ngoài nước tới tham quan, ông Bảy vui hơn hẳn: “Tuy lượng khách còn ít, thu nhập chưa nhiều, nhưng thấy họ về thăm quê mình, tôi cũng tự hào lắm. Nếu có thể thu hút thêm nhiều du khách tới tham quan, tôi sẽ trồng nhiều hơn và cùng các anh em khôi phục lại nghề trồng bí của cha ông để lại”.

Trong những năm gần đây, Quy Nhơn - Bình Định đang là một điểm đến du lịch nổi bật tại khu vực duyên hải miền Trung. Nếu phát triển và đẩy mạnh những tuyến du lịch cộng đồng để khám phá các nét độc đáo, thiên nhiên, con người tại các vùng nông thôn thì tỉnh không những gìn giữ được các truyền thống quý báu, mà còn tạo động lực phát triển cho các vùng khó khăn và góp phần quảng bá thêm nhiều hình ảnh đẹp của Bình Định đến với du khách trong nước và quốc tế./.

Không có nhận xét nào: