Lối ra nào cho khủng hoảng ở Myanmar?
TTO - Cuộc gặp thượng đỉnh của các lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể là sự kiện mang tính bước ngoặt cho căng thẳng chính trị và xã hội ở Myanmar.
Hôm 15-4-21, trang tin Thai PBS World của Đài Thai PBS (Thái Lan) và báo Jakarta Post (Indonesia) dẫn nguồn quan chức cấp cao cho biết các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí gặp gỡ tại Jakarta (Indonesia) vào ngày 24-4 tới.
Tướng Min Aung Hlaing tham dự?
Theo các nguồn tin trên, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar, cũng sẽ có mặt ở Jakarta để gặp gỡ các lãnh đạo khác của ASEAN lần đầu tiên kể từ khi cuộc chính biến ngày 1-2.
Sau chính biến, Myanmar chìm ngập trong các cuộc biểu tình chết người và trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính trường quốc tế cũng như ASEAN nói riêng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đó đã kêu gọi khối ASEAN họp thảo luận về tình hình Myanmar, sau đó các nước như Singapore và Malaysia cũng ủng hộ đề xuất này.
Tại cuộc gặp với ngoại trưởng một số quốc gia Đông Nam Á cách đây hai tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng ủng hộ vai trò trung gian của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định.
Tại Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) ASEAN theo hình thức trực tuyến ngày 7-4, các nước đã trao đổi sơ bộ về việc tổ chức cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao ASEAN bàn về các vấn đề xây dựng cộng đồng, phòng chống COVID-19, quan hệ đối ngoại của ASEAN, tình hình quốc tế và khu vực.
Phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc áp dụng các phương thức của ASEAN trong tiếp cận tình hình Myanmar. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên tích cực phối hợp hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua khó khăn hiện nay vì hòa bình, hòa giải và ổn định tại khu vực.
Nền tảng quan trọng
Thông tin về cuộc họp thượng đỉnh ASEAN được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại rằng tình hình Myanmar có thể leo thang căng thẳng, dẫn tới khủng hoảng như những gì xảy ra ở Syria.
Lo ngại của cộng đồng quốc tế đồng nghĩa với sức ép lên ASEAN ngày càng lớn. Việc xử lý mối quan hệ với Myanmar cũng như hỗ trợ nước này tìm giải pháp là vấn đề quan trọng đối với không chỉ nội bộ ASEAN mà còn là mối quan hệ giữa ASEAN với các nước khác, trong bối cảnh ASEAN là trung tâm của nhiều sáng kiến hợp tác quốc tế.
Hiện nay ASEAN vẫn gặp khó khăn về vấn đề Myanmar vì phải tôn trọng nguyên tắc không can thiệp nội bộ các nước thành viên. Chính vì vậy, ưu tiên của ASEAN vẫn là tạo nền tảng đối thoại, thuyết phục các bên kiềm chế và đề nghị thái độ hợp tác của quân đội Myanmar.
Hiện nay ASEAN có thể đóng vai trò là cầu nối cho bên ngoài để chung tay, góp phần xử lý cuộc khủng hoảng Myanmar. Lấy ví dụ, Liên Hiệp Quốc hiện nay có thể tiếp cận Myanmar thông qua cơ chế hợp tác với ASEAN. Đây là kênh đối thoại quan trọng trong bối cảnh Myanmar gần đây khẳng định không tiếp đặc sứ Liên Hiệp Quốc, bà Christine Schraner Burgener.
Liệu cuộc họp ASEAN với sự có mặt của lãnh đạo quân đội Myanmar sẽ là viên gạch đầu tiên trên đường tìm ra lối thoát cho khó khăn tại Myanmar?
Phe phản đối muốn lập "chính phủ mới"
Ngày 16-4, những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar đã công bố thành lập một "chính phủ thống nhất quốc gia", gồm các thành viên quốc hội đã bị lật đổ cùng lãnh đạo của các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và các nhóm dân tộc thiểu số, theo Hãng tin Reuters.
"Xin hãy chào đón chính phủ mới của nhân dân" - nhà hoạt động Min Ko Naing phát biểu trong video công bố thành lập "chính phủ thống nhất quốc gia". "Một ngày mới đã đến với người dân chúng ta và một kỷ nguyên mới với Myanmar đã bắt đầu" - ông Sasa, "bộ trưởng hợp tác quốc tế" của chính phủ thống nhất này, phát biểu.
Quân đội Myanmar chưa lên tiếng ngay về động thái này.
BẢO ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét