Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng

 Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng

Phúc Tuấn
Văn Thanh
Văn Thanh     
https://baogiaothong.vn/... đăng ngày 06/04/2021 06:38

5 tuổi, ông Phạm Minh Chính theo cha mẹ đi lên vùng kinh tế mới ở Cẩm Thủy. Ở vùng quê nghèo, cậu học trò ấy nỗ lực từng ngày...

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 1

Trường THPT Cẩm Thủy 1 - nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính từng theo học

Ông Phạm Minh Chính sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, nhà đông con nên rất khó khăn. Khi ông Chính mới 5 tuổi, bố mẹ đã quyết đưa cả gia đình rời quê đi kinh tế mới ở Cẩm Thuỷ...

Cậu trò nghèo học giỏi, siêng năng

Những ngày đầu tháng 4, khi đón nhận thông tin Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân quê biển Hậu Lộc và miền sơn cước Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hoá cảm thấy tự hào.

Ông Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958 tại thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, trong một gia đình có 8 anh chị em. Tuy nhiên, phần lớn tuổi thơ và thời niên thiếu của ông lại gắn liền với vùng đất Cẩm Thủy.

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 2

Bà Hà Thị Việt, chị gái họ của ông Phạm Minh Chính kể, dù nhà nghèo nhưng anh em ông Chính ai cũng học rất giỏi

Nhớ lại những kỷ niệm với người em họ của mình, bà Hà Thị Việt (SN 1949, trú thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) kể: “Từ năm 1963, khi cậu Chính được 5 tuổi thì theo bố mẹ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cũng vì thế mà phần lớn tuổi thơ của Chính gắn bó với Cẩm Thủy.

Dạo đó, tôi thường đạp xe lên chơi, đợt lâu nhất ở lại hơn một tháng. Nhà nghèo nhưng mấy anh em Chính ai cũng học giỏi cả. Lúc nhỏ, chị em còn hay gặp nhau, nhưng sau này, do công tác bận rộn nên thỉnh thoảng cậu Chính mới có điều kiện về quê. Dù vậy nhưng tình cảm chị em lúc nào cũng như xưa”.

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 3

Thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), quê hương của ông Phạm Minh Chính

Kể về những lần ông Phạm Minh Chính về thăm quê hương, ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc chia sẻ: “Bận rộn với công việc nhưng bác Chính vẫn hay sắp xếp về quê, dù ít khi nán lại lâu được. Mỗi lần về, bác đều hỏi han tình hình phát triển kinh tế của địa phương, cuộc sống của bà con và động viên anh em chúng tôi ra sức làm việc để địa phương vững mạnh”.

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 4

Ông Nguyễn Xuân Thu, bạn học cấp 3 với ông Phạm Minh Chính kề về những kỷ niệm khó quên thời đi học

Tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cầm Thủy, chúng tôi gặp ông Nguyên Xuân Thu, bạn học cấp 3 với ông Phạm Minh Chính.

Ông Thu kể lại: “Tôi học chung với anh Chính hồi năm 1972, học khóa 10 của Trường phổ thông cấp 3 Cẩm Thủy, nay là Trường THPT Cẩm Thủy 1. Thời điểm đó chúng tôi phải sơ tán vì chiến tranh.

Anh Chính được thầy phân công làm lớp phó học tập kiêm Bí thư đoàn. Mọi người đều có cảm tình người bạn hòa đồng, có tố chất lãnh đạo từ rất sớm ấy. Chính rất siêng năng, mặc dù nhà xa, phải đi bộ 4 - 5km tới lớp nhưng hầu như không bỏ buổi nào. Lớp tôi có khoảng 50 người. Khi trường xây dựng mới, lớp được các thầy cô giao nhiệm vụ nung vôi, anh Chính làm phụ trách tổ. Suốt một thời gian dài, mọi người cùng nhau đi khuân đá, vác củi về tự đắp lò đốt lửa, nung đá thành vôi. Công việc vất vả, chưa có kinh nghiệm nên vôi bị sống nhiều, nhưng ai cũng vui vì được thầy cô khen ngợi!”.

Ông Phạm Minh Chính sinh ra trong gia đình có 8 người con, ông là con cả. Cha ông là cán bộ địa phương đã nghỉ hưu, mẹ ông đã mất. Hiện cha ông đang sinh sống cùng gia đình tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo lời kể của ông Thu, ngoài giờ học trên lớp, người bạn Phạm Minh Chính rất thích chơi thể thao và có năng khiếu chạy việt dã, đá bóng...

“Năm 1974, tỉnh có cuộc thi chạy việt dã do báo Tiền Phong tổ chức, cả trường có tôi và anh Chính đi thi. Nhưng gần ngày thi tôi ốm nên chỉ có anh Chính đi và đạt giải nhất giải chạy quần chúng”, ông Thu nhớ lại.

Nhắc tới những kỷ niệm với người bạn học, ông Thu không thể nào quên một lần bị thầy giáo nghi ngờ là thủ phạm sửa sổ điểm của lớp.

"May nhờ anh Chính giải thích giúp với thầy nên mới “thoát án”. Tôi nhớ hồi đó không biết ai sửa điểm trong sổ đầu bài mà toàn bộ những người trong lớp được nâng điểm.

Thầy giáo chủ nhiệm nghi ngờ tôi sửa nên tôi bị chậm kết nạp đoàn. Không dám gặp thầy, tôi nhờ anh Chính tìm cách giải thích hộ và 1 tháng sau tôi được vào Đoàn Thanh niên như mong mỏi. Vì Chính không nhắc lại nên sau này, tôi cũng chỉ nói được một câu cảm ơn”.

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 5

Thầy Nguyễn Văn Được, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Thủy 1, chia sẻ, Phạm Minh Chính là cậu học trò ham học và có nghị lực hiếm thấy

Nghị lực hiếm thấy

Trong căn nhà phía sau trường THPT Cẩm Thủy 1 (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy), thầy Nguyễn Văn Được (70 tuổi, nguyên giáo viên dạy toán, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Thủy 1) chia sẻ, năm 1974, thầy ra trường được cử về giảng dạy và đảm nhiệm phó chủ nhiệm lớp 10B, nơi cậu học trò Phạm Minh Chính theo học.

“Chính là người rất ham học. Đặc biệt, bố mẹ Chính rất quan tâm và thường xuyên động viên con học hành. Có thời gian, Chính đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, được cấp bằng đặc cách nhưng Chính là người duy nhất xin ở lại học tiếp rồi tự thi tốt nghiệp, sau đỗ cả đại học.

Ngày ấy ở huyện miền núi Cẩm Thủy nghèo lắm, khổ lắm, thầy trò ăn cơm độn thường xuyên. Đa phần học sinh sau khi rời quân ngũ đều chọn đi làm luôn hoặc về phụ bố mẹ. Còn bám trụ lại, chịu khó học tập như Chính thì hiếm”, thầy Được nhớ lại.

Nghị lực của cậu bé nghèo vượt khó thành Thủ tướng 6

Khu nhà truyền thống trong trường THPT Cẩm Thủy 1 đã được tu sửa lại

Trong trí nhớ của các thầy ở Trường THPT Cẩm Thủy 1, cậu học trò Phạm Minh Chính là người rất gần gũi, dễ mến. Dù sau này thành đạt, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng nhưng Chính vẫn thường dành thời gian về thăm trường, thăm thầy cô, bạn bè.

“Có lần, vào Tết năm 2009, Chính về thăm tôi và hỏi trường có thiếu gì không, tôi bảo chỉ thiếu phòng hiệu bộ, còn nhà ở giáo viên thì sắp tới cũng được làm rồi. Không ngờ, cậu ấy đứng ra kêu gọi bạn bè cùng đóng góp xây phòng làm việc và cả khu nhà truyền thống cho nhà trường...

Những lần sau về thăm trường, trò Chính luôn hỏi về chất lượng giáo dục của trường và mong muốn trường ngày càng phát triển”, thầy Được chia sẻ thêm.

Phúc Tuấn - Văn Thanh

Không có nhận xét nào: