Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Tận mắt ngắm bãi cọc gỗ cổ trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288

Tận mắt ngắm bãi cọc gỗ cổ trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288

 LÃ TIẾN
(GDVN) - Bãi cọc gỗ cổ khoảng nghìn năm tuổi được phát hiện tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thuộc trận chiến Bạch Đằng năm 1288.
Ngày 20/12/19, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà sử học, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã khảo sát thực địa tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên).
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sử học khảo sát thực địa bãi cọc gỗ cổ tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) (Ảnh: Lã Tiến)
Từ khoảng 13 giờ, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cùng hàng trăm người dân đã có mặt tại khu vực bãi cọc gỗ cổ.
Theo quan sát của phóng viên, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo Cổ học đã khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ 3 hố với diện tích gần 1.000 m2.
Tại 3 hố này có nhiều cọc gỗ cổ năm dưới lòng đất với độ sâu khoảng 50 cm đến gần 2 mét.
Bãi cọc với nhiều cọc gỗ cổ có niên đại hàng nghìn năm được cho thuộc trận chiến Bằng Đằng 1288 (Ảnh: Lã Tiến)
Báo cáo sơ bộ của Bảo tàng Hải Phòng cho biết, chiều 1/10/2019, trong quá trình đào vườn tại cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ở thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 mét, đường kính hơn 30 cm.
Ông Triệu cùng nhiều người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng.
Các cọc gỗ cổ nằm sâu dưới lòng đất (Ảnh: Lã Tiến)
Nhận được tin báo, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng Hải Phòng đã đến lấy mẫu để giám định.
Đến ngày 1/11, đoàn khảo sát do ông Nguyễn Gia Đồi, quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học đã xuống hiện trường và phát hiện thêm 9 đầu cọc gỗ khác.
Các cọc gỗ cổ được khai quật có đường kính từ 26 đến 46 cm (Ảnh: Lã Tiến)
Các cọc gỗ này đã gãy phần đầu, màu đỏ sẫm, rắn chắc, phân bố không thẳng hàng, nằm cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5 - 7 mét, chiều bắc nam 3,5-5 mét.
Đường kính cọc từ 26-46 cm, một cọc đường kính 14 cm. Trong đó có 4 cọc nằm nghiêng từ 20-45 độ theo các hướng tây, nam.
Kết quả giám định C14 cho kết quả niên đại các cọc gỗ là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên.
Các cọc gỗ cổ có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen có niên đại khoảng nghìn năm (Ảnh: Lã Tiến)
Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực phát lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc phát lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích.
Trên các cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.
Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288.
Các nhà khảo cổ bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288. (Ảnh: Lã Tiến)
Dựa trên các kết quả trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hải Phòng, kết quả khai quật tại 3 hố đã phát hiện 27 cọc gỗ.
Bên cạnh đó, một số người dân tại xã Liên Khê cũng cho biết từng tìm thấy các cọc gỗ tương tự khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ.
Bãi cọc nằm sâu dưới lòng đất với độ sâu khoảng 50 cm đến gần 2 mét (Ảnh: Lã Tiến)
Bước đầu, Viện Khảo Cổ học nhận định: Bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn;
Đồng thời buộc quân Mông - Nguyên đi theo đường sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận một số hình ảnh thực địa bãi cọc gỗ cổ tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng):
Các cọc gỗ cổ được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích. (Ảnh: Lã Tiến)
Nhiều chiếc cọc to được làm bằng gỗ lim, nằm sau dưới lòng đất (Ảnh: Lã Tiến)
Nhiều chiếc cọc to, nằm nghiêng có ngoàm dùng để luồn dây hoặc để giằng ngang (Ảnh: Lã Tiến)
Theo các nhà khảo cổ, một số chiếc cọc đã bị mục ruỗng (Ảnh: Lã Tiến)
Các chiếc cọc gỗ cổ phân bố không thẳng hàng, nằm cách nhau 5-7 mét (Ảnh: Lã Tiến)
Khu vực bãi cọc được khai quật có thể liên quan đến trận chiến Bằng Đằng năm 1288. (Ảnh: Lã Tiến)
LÃ TIẾN

Không có nhận xét nào: