Tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”
http://baodongkhoi.vn/... đăng ngày 30/12/2019 - 06:53.
BDK - Nông dân Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1971 (ngụ ấp Tân Qui, xã Tân Phú, huyện Châu Thành) là một trong 16 người cả nước được vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2019, tại Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ hai năm 2019, do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào đêm 27-12-2019, tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Hòa trong vườn sầu riêng của gia đình.
Cắt tỉa tán cây
Từ thực tiễn sản xuất sầu riêng, anh Hòa đã tìm tòi, tìm ra giải pháp “Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp”. Giải pháp này đạt giải nhì (không có giải nhất) tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VII năm 2018-2019, được đánh giá có khả năng ứng dụng rộng rãi, giúp phát triển kinh tế địa phương.
Anh Hòa cho biết: Khoảng năm 1995, tôi bắt đầu trồng cây sầu riêng. Lúc đầu là sầu riêng khổ qua xanh, trồng được vài chục gốc và phát triển tăng dần. Đến năm 2000, tôi bắt đầu chuyển sang trồng sầu riêng giống Ri6. Năm 2005, cây cho trái. Lúc đó, cây quá cao, nhánh mọc um tùm, mất ánh nắng, khó khăn cho việc chăm sóc.
Theo quy trình chăm sóc được khuyến cáo cũng như nhiều nhà vườn đang thực hiện là nên tỉa cành cho cây ngay khi còn trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, trước khi xử lý ra hoa và sau khi thu hoạch xong. Các cành cần tỉa, gồm: cành mọc đứng, cành bên trong tán, cành ốm yếu, cành sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất. Các cành cần giữ lại: cành mọc ngang, cành khỏe mạnh, cành từ độ cao 1m trở lên so với mặt đất. Số cành cấp 1 khoảng 18 - 20 cành/cây. Mỗi tầng khoảng 3 cành phân bố đều các hướng. Mỗi tầng cách nhau 0,5 - 0,7m. Cây cao 4,5 - 5m. Tỉa cành cần tiến hành sớm từ năm thứ 2 để cây tạo tán sớm, cân đối, hiệu quả.
Do cây sầu riêng càng lâu năm thì tán cây càng lớn. Khi tiến hành tỉa hoa cho cây, treo trái sầu riêng còn gặp không ít khó khăn về lao động nam, nhất là lao động có chút tay nghề để biết chọn và tỉa bỏ hoa hay phun thuốc đúng cách. Khi leo trèo cây cao, cành rộng, phải luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn lao động.
Từ thực tế khó khăn trên, anh Hòa đã nghĩ đến việc khống chế tán cây hình chóp (hay còn gọi là hình đống rơm) giúp cho vườn nhà đạt năng suất ngày một cao hơn. Theo cách này, giảm độ che phủ của tán cây trên đơn vị diện tích đất, giảm công chăm sóc, giải quyết được vấn đề thiếu lao động; an toàn trong sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả đầu tư.
Hiệu quả từ giải pháp giúp giảm đổ ngã do mưa bão đến 90%. “Điển hình như cơn bão số 9 năm 2008 đổ bộ vào vào Bến Tre vườn không tỉa cành tạo tán đổ ngã lên đến 70%, vườn tôi bị đổ ngã khoảng 5%” - anh Hòa cho biết. Giải pháp này giúp quản lý sâu bệnh đạt trên 95%, giảm được phân bón thuốc bảo vệ thực vật đến 40%, giảm chi phí thu hoạch, ngược lại năng suất tăng khoảng 30%.
Chia sẻ kinh nghiệm
Anh Hòa chia sẻ, việc cắt tỉa các cành đảm bảo khi cây cho trái cành thấp nhất cách mặt đất từ 1 - 1,5m. Những cành tầng thấp để dài, càng về gần ngọn cành được cắt ngắn dần tạo dáng cây hình chóp. Cắt tỉa các cành không có khả năng mang trái hoặc mang trái nhưng chất lượng không cao. Từ đó, dinh dưỡng được tập trung cho các cành còn lại, giúp cây đậu nhiều trái. Chất lượng trái đồng đều hơn. Cành tạo cây có dáng hình chóp giúp cây quang hợp tốt, việc phun thuốc, phân được cây tiếp nhận tốt hơn.
Về các giải pháp hỗ trợ chăm sóc cây, anh cho hay, sau khi thu hoạch xong từ 1 - 2 ngày bắt đầu xới xáo xung quanh (cách gốc 50cm), bón vôi 3 - 4kg/gốc (CaCO3) xung quanh gốc để diệt khuẩn, tưới nước đẩm gốc (sau 2 ngày bón vôi).
Sau 10 ngày thì tưới nước, bón phân hữu cơ (tùy theo loại phân có hàm lượng hữu cơ cao hay thấp mà bón từ 2 - 4kg/gốc). Sau 1 tuần, bón bổ sung phân hóa học loại có hàm lượng đạm cao (20-10-10, 30-10-10) 1kg/gốc. Giai đoạn này cần theo dõi khi cây bắt đầu nhú đọt. “Chúng ta tiến hành cắt cành khống chế tán có chiều cao 6 - 7m (tính từ mặt đất). Tỉa bỏ tất cả các cành quá gần mặt đất (từ mặt đất lên 1,5m cắt trống). Sau đó, cắt cành sao cho cây có dạng hình chóp. Cần tỉa các cành dài, những nhánh nhỏ không khả năng mang trái hoặc những cành già cỏi, sâu bệnh, tạo cây có khung tán cân đối. Giai đoạn cây ra hoa, mang trái chăm sóc theo quy trình bình thường” - anh Hòa cho biết.
Lắp đặt hệ thống tưới kết hợp phun thuốc, bón phân tự động. Tuy nhiên, việc lắp đặt này cũng cần lưu ý hệ thống vẫn đảm bảo sao cho việc tưới theo ý muốn (khi cây ra hoa giảm lượng nước tưới). Có những giai đoạn hay những cây cần tưới ít hay hạn chế phun phân thuốc hệ thống vẫn đáp ứng được yêu cầu.
Với những giải pháp chăm sóc cây đồng bộ, năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha, tăng 4 - 5 tấn so với những vườn cây cùng tuổi được chăm sóc theo cách truyền thống.
Thông tin từ UBND xã Tân Phú, với mô hình canh tác hiệu quả, mỗi năm, anh Hòa đã đóng góp cho địa phương trên 10 triệu đồng để thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương. Ngoài ra, anh trực tiếp hướng dẫn cho trên 100 nông dân trồng sầu riêng trong huyện canh tác sầu riêng nghịch vụ (có vườn đạt thu nhập lên đến 1 tỷ đồng/năm).
Hiện anh Nguyễn Văn Hòa là hội viên Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ trồng cây sầu riêng, thành viên Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh. Anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện từ năm 2014 - 2018, nông dân sản xuất, kinh doanh cấp tỉnh năm 2019. |
Bài, ảnh: Nhiên Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét