Thực trạng này cần lý giải như thế nào, để có cách ứng xử hợp lý? NNVN đã có cuộc trò chuyện với nhà báo - nhạc sĩ Hà Quang Minh, một cây bút không chỉ quen thuộc ở hai mảng thể thao và văn hóa, mà còn là một nhà bình luận các sự kiện nóng bỏng trong xã hội.
|
Nhà báo - nhạc sĩ Hà Quang Minh. |
Thưa anh Hà Quang Minh! Chắc anh cũng biết mạng xã hội đang ầm ĩ vụ “Ngân 98”. Từ một cô gái vô danh, chỉ cần mấy hình ảnh sexy táo bạo, “Ngân 98” chiếm lĩnh hầu hết mọi diễn đàn. Đi đâu cũng nghe nói về “Ngân 98”. Phải chăng, chính cái sự tò mò của đám đông đã tiếp tay cho những hiện tượng tiêu cực được dịp bùng nổ một cách khó lường?
Tôi thì không ngạc nhiên lắm với trường hợp “Ngân 98”. Thậm chí, tôi tin rằng, tiếp theo sẽ còn xuất hiện những trường hợp tương tự nữa. Ở đây, tôi tạm chấp nhận nếu “Ngân 98” giải thích rằng do cô ấy rủi ro bị mất điện thoại nên những hình ảnh nhạy cảm đã tung tóe khắp nơi.
Quan trọng hơn là giới trẻ đã hình thành tâm lý “thử mới biết, liều mới được”. Những chàng trai hoặc những cô gái tự vẽ nhọ bôi hề để thu hút sự chú ý của dư luận đều thừa thông minh để biết rằng, con người hiện đại rất mau quên. Cái scandal ồn ào hôm nay, chưa chắc ngày mai còn dấu vết gì. Vì vậy, họ tự cho phép bản thân táo tợn hơn, quái đản hơn, ngược ngạo hơn.
Nghĩa là công chúng tiếp nhận scandal như một nhu cầu giải trí?
Đúng, nhu cầu giải trí rẻ tiền và thảm hại. Thế nhưng, những người bình tĩnh và sáng suốt một chút sẽ dễ dàng nhận ra, sự bát nháo ấy không riêng trong lĩnh vực show biz. Ai cũng lao theo danh vọng bất chấp thủ đoạn, thì mọi cái xấu đều phơi bày đến mức trâng tráo và bệnh hoạn.
Có nhiều nhân vật show biz sau khi tạo scandal đã biện minh rằng, họ chỉ khoe cơ thể của họ, họ chỉ khoe hàng hiệu của họ, họ chỉ khoe siêu xe của họ, họ chỉ khoe tình yêu của họ… chứ họ có làm gì sai phạm đâu. Thực tế, sự càn quấy của họ cũng không phải sự trộm cắp hay sự tham nhũng, được quy định chế tài theo pháp luật. Do đó, chuẩn mực đạo đức bỗng dưng trở thành một khái niệm rất chông chênh.
Chưa bao giờ ranh giới thiện - ác, cao đẹp - đê hèn… mong manh như bây giờ. Mọi rao giảng luân lý đều vô nghĩa, nếu lời nói và việc làm của những người được xem là thành đạt trong cộng đồng lại không đi đôi với nhau. Người được ca tụng năm trước thì năm sau đã ra tòa với tư cách tội phạm, thì cũng khó trách giận những bạn trẻ yêu cuồng sống vội.
Sự hỗn loạn trên mạng xã hội không đáng lo ngại, vì đó là xu hướng chung. Vài năm trước, nhiều người day dứt với Lệ Rơi hoặc Bà Tưng thì hôm nay chẳng còn ai bận tâm nữa. Nhịp điệu thời đại đã gấp gáp hơn, thì cuộc sống bình thường cứ bị cuốn theo như một sự tất yếu.
Đành rằng, trên biển đời thị phi luôn tiếp diễn lớp sóng nọ xô lớp sóng kia. Thế nhưng, ngoài vai trò dẫn dắt trào lưu thì mạng xã hội cũng góp phần thay đổi tư duy và hành động của từng cá nhân. Tôi hình dung mạng xã hội như một lò lửa hừng hực thử thách sự chịu đựng của mỗi người. Ai yếu bóng vía thì chao đảo, ai tự chủ được thì ung dung. Tâm lý người Việt thể hiện qua mạng xã hội rất rõ nét, có cả sự a dua, có cả sự lì lợm và có cả sự cay nghiệt, có cả sự nanh độc…
Tôi cho rằng, mạng xã hội đã trực tiếp tố cáo sự thất bại của nền giáo dục về mặt lý thuyết. Nếu nói trường lớp chỉ nhồi nhét những kiến thức lạc hậu thì e rằng hơi quá khích, nhưng thực tế trường lớp không cung cấp được kỹ năng sống cho học sinh. Và mạng xã hội đang phát huy ít nhiều tính tích cực của nó trong việc rèn luyện con người về những sự cựa quậy để sinh tồn.
Tôi nói ví dụ về các cầu thủ trẻ hiện nay như Công Phượng, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Hậu… Cứ nhìn mà xem, cách họ nói chuyện trước mọi người và cách họ trả lời phỏng vấn đã rất chững chạc, khác hẳn thế hệ Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Trần Minh Chiến… Nhờ đâu? Nhờ mạng xã hội.
Bản lĩnh ấy không phải từ những lò đào tạo bóng đá. Không phải ông Đoàn Nguyên Đức vừa dạy bóng đá vừa dạy văn hóa cho lứa cầu thủ mới. Các cầu thủ vẫn lười học và vẫn chểnh mảng việc học, nhưng họ có cơ hội tiếp xúc với mạng xã hội từ lứa tuổi lên 9, lên 10.
Chính vì họ sống chung với mạng xã hội, nên họ đối mặt thường xuyên với những áp lực mà trưởng thành.
Để cô lập cái xấu, rất cần tiếng nói của tri thức. Vậy mà, phần lớn tri thức hôm nay lại tỏ ra dửng dưng với được mất của cộng đồng. Thậm chí, tôi thấy không ít tri thức chỉ giỏi ăn theo nói leo, mà thuật ngữ thịnh hành gọi là “đu trend”.
Khi tri thức bị cuốn theo xu hướng thời thượng thì rất khó làm chủ chính mình. Nếu không đủ dữ kiện và không đủ hiểu biết thì tốt nhất nên im lặng. Nếu cảm tính chi phối hoàn toàn lý tính, thì cái xấu lẫn lộn cái tốt, người xấu chen lấn người tốt mà thành tai họa thôi.
|
Tôi đồng ý với anh ở góc độ này. Mạng xã hội không có giới hạn của yêu ghét. Những người được đám đông dõi theo như các cầu thủ, lại học được từ mạng xã hội cách ứng xử với những lời khen hào hứng lẫn lời chê mạt sát mà khôn ngoan hơn, bình tĩnh hơn, khéo léo hơn.
Đấy là sự thích nghi để tiến bộ. Khi mỗi con người và mỗi hành vi được soi chiếu bởi những sắc thái hỉ nộ dị biệt thì giá trị càng được hiển lộ. Mạng xã hội đã giúp các cầu thủ cũng như những người khác tự điều chỉnh chính mình, tự đào tạo chính mình.
Xưa nay, một loại gạo vẫn có thể nuôi trăm loại người. Cũng loại gạo ấy, có người ăn mà thành đại hiệp, và có người ăn mà thành tiểu nhân. Mạng xã hội cũng không ngoại lệ…
Nếu mạng xã hội nảy nở “Ngân 98” thì mạng xã hội cũng sinh sôi Sơn Tùng M-TP. Chính tôi là một trong những người đầu tiên mở đường đưa Sơn Tùng M-TP từ Thái Bình vào Sài Gòn, và đặt nghệ danh cho cậu ấy. Sơn Tùng M-TP biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để bật lên hàng ngũ ngôi sao rất nhanh. Sơn Tùng M-TP nhạy bén và tiêu biểu cho thế hệ nghệ sĩ mới của Việt Nam.
Từ câu chuyện của Sơn Tùng M-TP đã khẳng định được đời sống văn hóa tồn tại song song giá trị giải trí và giá trị nghệ thuật. Người mưu cầu giá trị giải trí thì dùng “tiểu xảo”, còn người khao khát giá trị nghệ thuật thì dùng “nghề nghiệp”.
Mạng xã hội chia đều cơ hội cho những ai muốn xuất đầu lộ diện trước công chúng. Và ở đó, những kẻ thực dụng đã biết áp dụng những chiêu trò để đánh bóng bản thân và kiếm tiền thật nhiều trước khi bị tẩy chay và bị lãng quên.
Liệu những kẻ thực dụng có khiến cho cái xấu tràn lan và che mờ cái tốt không?
Cái xấu và cái tốt luôn cần tiêu chí nhất định để so sánh và đối chiếu. Qua quan sát và trải nghiệm bản thân, tôi thấy rằng mạng xã hội đang đi tìm cái thật, bằng những phương pháp đôi khi hơi chệch choạc.
Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, có phải chúng ta đã và đang gánh vác quá nhiều thứ giả tạo và quá nhiều thứ nhân danh, nên cái thật khó nhìn thấy, khó xác định. Trên mạng xã hội, chúng ta tháo cái mặt nạ thường ngày để đi tìm cái thật, hay chúng ta mang thêm cái mặt nạ nữa để đi tìm cái thật?
Cái thật luôn hấp dẫn. Và cái thật cũng thường bị khuất lấp. Vì vậy, cái xấu thường được tin là cái thật. Con người chỉ ngụy trang bằng cái tốt, chứ có ai ngụy trang bằng cái xấu đâu. Thiên hạ đổ xô nhìn vào cái xấu, cũng vì mong muốn tìm được cái thật thấp thoáng đâu đấy.
Thế nhưng, khi cái xấu phổ biến hơn cái tốt, thì cũng đáng băn khoắn chứ!
Tôi chỉ lo cái lạc hậu, cái trì trệ, cái bảo thủ… vẫn chế ngự chúng ta mà thôi. Qua sự tương tác thường xuyên và gay gắt giữa cái xấu và cái tốt trên mạng xã hội, thì muôn mặt đời thường cũng có được câu trả lời chuẩn xác hơn, đầy đủ hơn.
Cuộc sống hiện đại đang vội vã hơn, và ít ai có dịp thong dong soi xét chính mình. Do đó, khi một cái xấu được lan tràn với tốc độ khủng khiếp trên mạng xã hội lại là một lời cảnh tỉnh cần thiết về lương tri.
Tôi có một thói quen cũng được gần hai năm nay là cứ mỗi sáng ngủ dậy, tôi lục lại lịch sử những bản ghi của mình trên facebook (memories) để xem ngày này những năm trước mình đã viết gì, quan tâm gì. Và nhiều lần tôi thấy chính mình quá nực cười.
Tôi cứ lặng lẽ xoá dần những cái nực cười ấy để năm sau mình không còn thấy lại nó nữa và cũng để tự răn mình rằng khi nào thì nên chia sẻ trên mạng xã hội.
Và lạ lùng thay, có nhiều sự kiện, tôi nhận thấy cả đám đông ồn ào bày tỏ cảm xúc đồng loạt cho một ai đó, một nơi nào đó, một điều gì đó cứ như thể gắn bó lắm với cuộc đời họ. Nhưng chỉ một năm sau thôi, tuyệt nhiên không ai nhắc tới, không một tưởng nhớ nào.
Thứ cảm xúc trên mạng xã hội không được ai chú ý sẽ là thứ cảm xúc vô nghĩa dù nó có là cảm xúc thật lòng đi nữa.
Khả năng tự đề kháng của mỗi người đều khác nhau. Có người quan niệm rạch ròi giữa mạng xã hội và đời thường, nhưng cũng có người xem mạng xã hội như tấm gương phản chiếu đời thường, hoặc chính là đời thường. Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống đã được giải quyết nôn nóng vì mục đích xoa dịu cơn thịnh nộ trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, đây là một điều cần phải đắn đo.
Có rất nhiều công văn từ cơ quan hành chính được phát đi chỉ nhằm giải tỏa những ồn ào trên mạng xã hội, chẳng hạn “yêu cầu xác minh hình ảnh người mẫu mặc bikini phản cảm trên chuyến bay…” hoặc “làm rõ trường hợp đi thi hoa hậu không xin phép”.
Những kiểu đối phó ấy không thể hiện được chức năng quản lý Nhà nước một cách căn cơ và hiệu quả. Có những lùm xùm chẳng đáng gì để ngành nọ, ngành kia phải hấp tấp “vào cuộc” một cách bị động và nao núng!
Đối diện với các phản biện xã hội rất cần lòng dũng cảm. Chiều lòng dư luận không hẳn đã là một lựa chọn chuẩn xác và an toàn. Dư luận có thể đại diện cho số đông nhưng không phải tất cả mọi lúc dư luận cũng là số đông.
Hơn thế nữa, có những lĩnh vực, dư luận không thể nào là ý kiến chuẩn mực, đặc biệt là các lĩnh vực cần sự tham gia của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học. Rất nhiều phản biện xã hội của dư luận chủ yếu chỉ dựa trên cảm xúc không hơn không kém. Chiều theo cảm xúc ấy có thể đảm bảo tính dân chủ bề ngoài, nhưng nó lại kìm hãm sự phát triển thực sự.
|
"Ngân 98" - cô gái đang gây sốt trên mạng xã hội với những hình ảnh sexy táo bạo. |
Cái hư danh của mạng xã hội đã khiến con người ta biến chất tới mức trưng trổ cảm xúc giả tạo để làm trang sức cho chính mình. Cái hư danh, hư vinh của mạng xã hội nó có quyền năng ghê gớm lắm. Đâu phải ai có danh trên mạng xã hội cũng có thể kiếm ra tiền từ nó, nhưng rõ ràng, người ta vẫn nhìn vào cái danh ấy như một thứ lợi ích cá nhân. Và khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, nó sẽ kéo theo một loạt thứ chủ nghĩa giả hình, từ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ái quốc cho tới chủ nghĩa vị tha, chủ nghĩa nhân văn… Tuốt tuồn tuột, miễn sao nó phải trở thành trang sức tốt cho người dùng trên mạng. |
Nói ra hơi buồn cười, có những quyết định vừa ban hành đã phải thu hồi hoặc phải sửa chữa vì… mạng xã hội. Trên hành trình tiếp cận lợi ích chung của cộng đồng, lắng nghe dư luận khác với chạy theo dư luận...
Bởi vậy, những nhà quản lý hoặc người hoạch định chính sách không chỉ cần trình độ chuyên môn sâu sắc, mà còn rất cần lòng dũng cảm cộng với khả năng biện luận để chứng minh quyết sách của mình là đúng đắn theo góc nhìn khoa học.
Một trong những yếu tố tiêu cực mà cả mạng xã hội lẫn đời thường đều phổ biến khiến cho cái tốt và người tốt bị yếm thế, đó là xử sự tùy tiện và luôn tìm cách lấp liếm để có lợi cho bản thân. Thay vì phân định đúng - sai, hay - dở trên cơ sở luật pháp và đạo lý, thì mọi thứ lại dịch chuyển theo hướng mạnh hiếp yếu, đông thắng cô…
Thực tế, người Việt chưa có thói quen tham khảo luật pháp. Và khả năng nắm luật của chúng ta rất kém. Chúng ta chỉ đụng đến luật khi có khiếu nại, tranh chấp liên quan trực tiếp tới bản thân mình, lợi ích của mình mà thôi. Còn khoảng thời gian còn lại của cuộc đời, mà tiếc thay lại là khoảng thời gian dài rộng hơn, chúng ta sống theo kiểu “kệ, cứ theo đúng thói quen”, dù cho đó là một thói quen vô cùng xấu.
Mỗi chiều tan tầm, tôi thường đứng đợi xe trên đường Pasteur, quận 3, TP.HCM. Đó là lúc tôi cảm thấy bức xúc nhất. Tôi đứng trên vỉa hè, khép nép. Nhưng hàng đoàn lũ lượt xe máy lao ầm ầm trên vỉa hè ấy, như những con trâu điên, bất chấp. Họ không tránh tôi, mà họ buộc tôi phải tránh họ.
Thậm chí, có hôm tôi đi bộ, sau lưng tôi cả đoàn xe gắn máy trên vỉa hè bấm còi inh ỏi thể hiện sự bực bội với chướng ngại vật là tôi. Nếu lúc đó tôi phản ứng thì sẽ ra sao nhỉ? Rất có thể, họ sẽ đánh tôi nhập viện. Và điều mỉa mai nhất tôi trải qua là trong một lần đứng đợi xe như thế, tôi gặp một gương mặt quen, một người mới cách đó chưa lâu lên mạng xã hội đại ngôn về giữ gìn vỉa hè sạch đẹp để cổ xúy cho một ông phó chủ tịch quận từng là tâm điểm của truyền thông một thời gian.
Vậy thì phải chăng đang tồn tại trong mỗi chúng ta rất nhiều con người mà cơ bản nhất là con thú hoang vô pháp vô thiên nhưng lại đeo chiếc mặt nạ của những người rao giảng đạo đức và điều hay lẽ phải?
Tôi chỉ ước gì mỗi chúng ta, trước một lần hành động, đều tự hỏi một câu “Cái này có phạm luật hay không nhỉ?”. Chỉ cần chậm lại một giây, có khi chúng ta đã khiến cho chính mình hoàn thiện hơn rất nhiều, và xã hội này bớt đi những bức xúc rất nhiều.
Nhìn về tương lai, thật khó đoán năng lượng tích cực có khả năng làm chủ mạng xã hội hay không. Anh hình dung bức tranh đời sống thời gian sắp tới như thế nào?
Tôi nghĩ, cái gì cũng có chu kỳ của nó, hợp rồi tan, thịnh rồi suy… Mạng xã hội đang tạo ra một hệ sinh thái tương tác dữ dội làm thay đổi tâm tính người Việt. Thế nhưng, Facebook rồi cũng thoái trào. Theo tôi được biết, bây giờ rất nhiều người ta dùng Facebook chủ yếu để hỗ trợ cho công việc của họ. Khi công việc của họ không nhất thiết phải có Facebook nữa, thì họ xóa tài khoản như trút một gánh nặng tinh thần.
Tuy nhiên, cái xấu lẫn cái tốt cũng không thể đổ lỗi hết cho mạng xã hội. Không thể vì rắc rối trước mắt mà khước từ và sợ hãi mạng xã hội. Năng lượng tích cực của cộng đồng phải được vun đắp bằng những giấc mơ lớn, trên nền tảng công nghệ hiện đại, để hun đúc ý chí, để kích hoạt đam mê. Ở góc độ cá nhân hoặc ở góc độ quốc gia đều phải tính đến hiệu ứng quảng bá, mà mạng xã hội là một phương tiện có thể tranh thủ để đạt được mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên số kết nối toàn cầu.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Cổ nhân có nhắc “trong một ấp mười hộ thì cũng sẽ tìm được một người trung tín”. Tôi vẫn tin, cái xấu có thể bủa vây và kiềm hãm cái tốt trong một giai đoạn hoặc một không gian giới hạn, nhưng cái xấu không thể làm thui chột cái tốt!
Tất nhiên, trong bùn vẫn có sen. Sự đe dọa của cái xấu càng làm cái tốt lấp lánh. Mạng xã hội đang tạo ra môi trường khắc nghiệt để sàng lọc giá trị cũ và kiến thiết giá trị mới. Sự hướng thiện vẫn có sức mạnh tiềm tàng ghê gớm của nó trong cuộc kiếm tìm bản sắc Việt thời hội nhập!
|
LÊ THIẾU NHƠN