Vụ 7 em học sinh bị đuối nước: Nỗi đau vô bờ trước sóng nước Cần Giờ |
Copy từ ,http://laodong.com.vn/phong-su/vu-7-em-hoc-sinh-bi-duoi-nuoc-noi-dau-vo-bo-truoc-song-nuoc-can-gio-170661.bld, đăng ngày 31/12/13, mục Phóng sự. |
Đến 8h30 ngày 30.12.13, thi thể 2 học sinh cuối cùng trong 7 học sinh bị nạn trong chuyến tham quan định mệnh đã được chuyển khỏi Cần Giờ để trở về với gia đình trong nước mắt và nỗi đau đớn tột cùng của người thân, bạn bè. Không ai tin là con em mình đã chết, họ bàng hoàng không hiểu vì sao con em mình “được đi tham quan” nhưng phải “trở về” trong những chiếc quan tài như thế này... |
|
Các học sinh lớp 8A6- Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Dầu Tiếng - Bình Dương) ngậm ngùi đến nhìn lớp trưởng Nguyễn Phan Thành Lâm lần cuối. |
|
Chuyến tham quan định mệnh |
Như tin đã đưa, chiều 29.12.13, đoàn tham quan của học sinh của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) gồm 96 học sinh có thành tích học tập cao trong học kỳ 1 vừa rồi, khi tham quan bãi biển 30.4 (thuộc xã Long Hoà, huyện Cần Giờ) thì có 7 em học sinh nam bị nước biển cuốn trôi. |
|
Hiện trường vụ tai nạn là mỏm đá cách bờ khoảng 200 mét |
|
“Sáng ngày 29.12.13, toàn bộ các em cùng với 19 giáo viên của trường lên 3 chiếc xe để đi tham quan, kết hợp giáo dục tại Cần Giờ. Đang trong giờ ăn trưa, bỗng dưng có hơn chục em bỏ ra bãi biển vui đùa, rồi sau đó làm gì chúng tôi không biết. Sau đó có mấy em chạy ngược vào lại nhà hàng báo tin có mấy bạn bị nước cuốn” - bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm kể. |
Theo một quản lý của nhà hàng Phi Lao - nơi đoàn tham quan tập trung và đặt bữa cho các em - thì vào ngày hôm đó, “do quá đông các em học sinh nên cũng không biết có mấy em chạy ra biển để chơi. Thấy có một số em nhỏ chơi bóng chuyền, sau đó ùa nhau xuống nước vẫy vùng, nên chúng tôi cứ nghĩ là các em không có chuyện gì. Bất ngờ một lúc, có 2 em chạy ngược vào nhà hàng rồi hớt hải nói với cô hiệu trưởng là có mấy bạn bị nước cuốn trôi rồi. Hoảng hồn, chúng tôi cùng cô giáo hiệu trưởng đi báo cho mấy anh cứu hộ, nhưng tìm mãi vẫn không thấy...”. |
Có mặt tại hiện trường sau đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ của các lực lượng như Sở cảnh sát PCCC TPHCM cùng với lực lượng quân sự huyện và các ngư dân Cần Giờ mò mẫm suốt đêm trong dòng nước lạnh giá để tìm kiếm các em. Bất chấp sóng to gió lớn, lực lượng cứu hộ đã vớt được em Nguyễn Hoàng Long vào lúc 13h30. Đến 18h30 vớt được em Võ Thành Luân (học sinh lớp 9). |
Trời bắt đầu tối dần, gió càng mạnh nhưng công tác tìm kiếm của các lực lượng vẫn tiếp tục. Đến hơn 2h sáng ngày hôm sau (30.12), các lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm được 2 em là Lê Công Hậu và Lê Tường Duy, đến hơn 5 giờ, thi thể của em Nguyễn Phan Thành Lâm và Đoàn Minh Tâm cũng được tìm thấy. Nạn nhân cuối cùng là em Võ Tấn Tài được đưa lên bờ lúc 6h40. |
Nước mắt không ngừng tuôn rơi |
“Nhà xác ở bệnh viện Cần Giờ chưa bao giờ nhận nhiều tử thi như thế, vụ tai nạn này là nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng phải tiếp nhận. Nhìn nhiều bậc phụ huynh lặn lội đến đây để ngóng thi thể con, quả tình chúng tôi không kìm được dòng nước mắt” - một nữ y tá bệnh viện Cần Giờ nghẹn ngào. |
|
Thi thể nạn nhân cuối cùng - cháu Võ Tấn Tài - được tìm thấy lúc 6h40 ngày 30.12. |
|
Ngoài sân, trước hành lang, nơi ghế đá khuất dưới tán cây, nhiều phụ huynh của các nạn nhân đã gục ngã trước nỗi đau quá lớn mà họ phải đón nhận. Hy vọng của họ cạn dần khi thi thể của các em được chuyển về đây liên tục... Vượt chặng đường hơn 100km từ Dầu Tiếng để đến Cần Giờ, bà Nguyễn Thị Cẩm Loan hy vọng rằng con mình là cháu Đoàn Minh Tâm sẽ tai qua nạn khỏi. |
Tuy nhiên, khi bước vào bệnh viện và thấy xác con thì tất cả mọi hy vọng của bà đã tan biến. Bà Loan kể trong tiếng nấc: “Tâm là con trai duy nhất, lại học giỏi, được nhà trường cho đi tham quan nên cả nhà mừng lắm. Nghe nói đi cả đoàn hơn trăm người, lại có thầy cô hướng dẫn nên chúng tôi cũng an tâm. Tôi và ông xã mong rằng cháu sẽ được một chuyến đi chơi vui vẻ cùng bạn bè và thầy cô, nhưng không ngờ... Tâm ơi! Sao con lại bỏ ba, bỏ mẹ mà đi thế này?”. |
Nhìn cảnh hàng chục người là thân nhân của các em còn lại đứng ngóng ra bờ biển để trông chờ đã khiến cho những người có mặt tại hiện trường không ai cầm được nước mắt. Sóng vẫn vỗ, nước lạnh ngắt và những ánh đèn quét giữa màn đêm mịt mùng của biển Cần Giờ khiến cho những hy vọng mong manh của họ cứ lụi dần sau từng giây, từng phút. aHơn 2 giờ đêm, có tin vớt được thêm 2 cháu nữa, hàng chục con người lại ùa đến để xem có phải là con cháu mình hay không. Hướng về phía ánh đèn pin chiếu vào 2 thi thể tím ngắt, nhiều tiếng khóc lại vang lên dẫu chưa thể biết rằng nạn nhân là ai... |
“Dậy sóng” đau thương |
|
Bà Nguyễn Thị Cẩm Loan - mẹ của cháu Đoàn Minh Tâm - ngất lên ngất xuống mấy lần trước nỗi đau quá lớn và bất ngờ. |
|
Thị trấn Dầu Tiếng (Bình Dương) vốn yên bình bỗng chốc “dậy sóng” đau thương tận ngõ ngách với việc có đến 4 gia đình mất con. Đau xót hơn, tất cả 7 học sinh tử nạn tại biển Cần Giờ lần này đều là con trai một trong các gia đình. Ông Nguyễn Văn Tâm - cha em Nguyễn Hoàng Long (Lớp 8A6) đôi mắt đỏ ngầu đang cố nén những giọt nước mắt chực trào ra - kể: “Lúc đầu gia đình không muốn cho Long đi, nhưng sau thấy tội, vì chẳng mấy khi cháu được đi chơi. Thêm nữa, chuyến đi này coi như là phần thưởng cho tấm giấy khen của Long khi sơ kết học kỳ 1. Nào ngờ...”. |
Ông Tâm kể rằng ông như có một dự cảm không lành nên cả buổi sáng hôm đó, dù bận đi làm, nhưng hai vợ chồng vẫn liên tục gọi điện hỏi thăm nhắc nhở, dặn Long mua thêm bánh mỳ ăn nếu thức ăn nhà trường không đủ. Ông vẫn còn nhớ như in cuộc gọi cuối cùng hai cha con trò chuyện với nhau vào 11h25 trưa ngày 29.12. Long nói rất hồ hởi: “Cha đừng gọi điện cho con nữa! Giờ con xuống biển tắm nè cha”. Theo bác ruột của Long thì cha mẹ em là công nhân cạo mủ caosu, gia đình không dư dả gì. Để có được 400.000 đồng đóng cho chuyến đi, mẹ em đã phải bán vội chỉ vàng.. |
.
Chúng tôi đến khu phố 3 thị trấn Dầu Tiếng - nơi có đến 3 ngôi nhà cắm cờ tang. Cha em Võ Thành Luân (lớp 9A6) cho biết: “Gia đình cũng không có ý định cho em đi, vì tự nhiên thấy không yên tâm. Nhưng thương con quá, thấy bạn bè nó đăng ký đi hết, nếu không cho nó đi, sợ nó buồn”. |
Ông nói thêm, khi cháu Luân mang tờ lịch trình tham quan về, gia đình có xem và chỉ thấy cháu sẽ đi tham quan, khám phá rừng Sác chứ không để ý là có hoạt động tắm biển Cần Giờ. Nếu biết thì gia đình chắc chắn không cho cháu đi. “Hôm qua, khi nghe tin dữ, tôi tức tốc xuống nơi xảy ra tai nạn. Tôi kinh ngạc vì một bãi biển hoang vắng như thế, không phải là nơi có thể tắm được. Vậy mà nhà trường lại tổ chức cho các cháu tắm ở đó, nên mới xảy ra sự việc đau lòng”. |
Tắc trách do đâu? |
Cùng ngày, chúng tôi đến trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cánh cổng nhà trường được đóng kín lạ thường. Bên trong các em vẫn học nhưng không khí rất buồn tẻ, ảm đạm khó tả. Ngoài cổng, nhiều phụ huynh học sinh tụ tập rất đông nhốn nháo mong ngóng thông tin về các em học sinh vừa tìm thấy thi thể chuẩn bị đưa từ biển Cần Giờ về địa phương. Họ bức xúc, đặt ra nhiều giả thiết và tìm nguyên nhân dẫn đến sự mất mát, đau thương này. |
Ông Đoàn Minh Đức (bác ruột em Tâm tử nạn) - người xuống hiện trường tại biển Cần Giờ - nói: “Ngay tại hiện trường khu du lịch bãi tắm Cần Giờ đang trong giai đoạn thi công, có gắn biển cấm vào khu vực này, nhưng không biết vì sao các em vào trong đó được. Hơn nữa, tại khu vực trên có một vùng trũng rất sâu do khu du lịch dùng các bao cát để lấn biển tạo bãi tắm nên các em đến đây nô đùa”. |
Ông Đức bức xúc: “Các em gặp nạn lúc 13 giờ, nhưng đến 15 giờ các thầy cô giáo mới báo tin cho các gia đình mang hộ khẩu ra Cần Giờ tìm người, vì họ báo các em chỉ đi lạc. Họ đã giấu nhẹm chúng tôi là việc các em xuống biển tắm gặp nạn. Nếu họ báo kịp thời thì nhiều khả năng việc cứu hộ sẽ tốt hơn. Đó là chưa nói đến việc tại khu bãi tắm Cần Giờ chưa có phương tiện cứu hộ, khi kéo cano xuống nước thì máy không nổ...”. |
Ngay tại đám tang của em Lâm ở thị trấn Dầu Tiếng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi “nóng” với ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương. Ông Phương nói: “Việc Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức cho học sinh đi tham quan thì không vấn đề gì, nhưng để xảy ra việc 7 em chết đuối là tắc trách rất nặng nề. Hiện chúng tôi đang tập trung lo hậu sự cho các em chu đáo, rồi sau đó Sở GDĐT sẽ tiến hành kiểm điểm nhà trường, trách nhiệm từng cá nhân. Ai để xảy ra tắc trách sẽ bị xử lý nghiêm”. |
Ông Phương cho biết thêm: “Sở đã có phân cấp quản lý trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Phòng GDĐT huyện Dầu Tiếng quản lý. Riêng nhà trường được tổ chức nghỉ phép, nghỉ lễ, nhưng tổ chức từng đoàn học sinh phải có phép của cơ quan chức năng. Việc để xảy ra hậu quả như trên cho 7 em học sinh làm chúng tôi và ngành giáo dục hết sức đau xót...”. |
|
Tin của báo Lao động số 304, ngày 31/12/13 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét