Tình cờ gặp bài này tại: http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/2013/12/21/luc-dia-den-thuong-men; lúc 1:17 PM 12/30/2013 |
Bài khá dài và ... hay! Mình chia thành 3 bài ngắn. Bài (1) gồm: Tôi ,danh hài Xuân Bắc và Running girl; những người bạn đen tận tụy.Bài (2) mở đầu với "Những con số và hình ảnh.." và bài 3 dành cho phần tưởng nhớ ông Nelson Mandela. |
Thủ đô Johannesburg của Nam Phi hiện ra. Phải nói là bình thường như nhiều thành phố tôi đã đi qua, các cuộc đón tiếp, cũng long trọng và ít có chuyện để ghi vào nhật ký như những cuộc đón tiếp khác. Chỉ có điều thủ đô này hơi nhiều dốc núi, xe ô tô cứ gầm lên inh tai nhức óc suốt đêm ngày. Là thuộc địa của Anh nhiều năm, nên bà con lái xe tay lái nghịch (người lái ngồi bên phải xe). |
Tỷ lệ bà con da đen và da trắng chắc là gần bằng nhau. Đi châu Phi mà toàn làm việc chủ yếu với người da trắng. Các phần việc giản dị hơn như tiếp viên, đầu bếp, bảo vệ, nhân viên kiểm lâm thì mới có nhiều bạn da đen. Hãn hữu mới thấy một nàng tóc bạch kim, kiều diễm long hanh hay một anh quần soóc, mắt xanh như nước biển, dáng như tài tử xi-nê, thắt nơ… ra bưng bê phục vụ quầy ăn. |
Thấy bảo, ở đây có tới 11 thứ ngôn ngữ tầm quốc gia. Trẻ con đến trường với lổn nhổn dăm bảy loại nội ngoại ngữ. Bọn chúng giỏi thật, tôi và con tôi có mỗi tiếng Anh mà đánh vật suốt bao năm chưa ra môn ra khoai gì cả. Có khi đi taxi, bạn tôi tung ra tới 4 ngôn ngữ “chính” của Nam Phi mà chàng ta vẫn ngơ ngác. Đúng là miền đất mênh mông của “Thượng đế cũng phải cười” (bộ phim kinh điển rất quen thuộc với thế hệ chúng tôi với bối cảnh là rừng Châu Phi): nhà cửa ít cao tầng lắm, tinh có biệt thự rộng. Cây đại thụ, rồi cây vảy ốc địa y bám quanh nhà, rề rà thanh cảnh tợn. |
Các bạn da trắng của tôi như Julie, Eveline, And Drew, đều bị cánh Việt Nam hỏi, “Bạn từ châu Âu đến à?”, họ đều mỉm cười: “200 năm trước, cha ông tôi từ châu Âu tới. Tôi sinh ở Johannesburg”. Mắt xanh biếc, da trắng bóc và thường là hơi bị nám rộp, cao lênh khênh. Đường Nam Phi rộng, thảo nguyên cỏ cháy đen kịt, có khi đàn tê giác nuôi lẫn trâu ngựa đủng đỉnh nhẩn nha. Hệ thống biển báo giao thông vô cùng an toàn. |
Cảnh hai bên đường quốc lộ xanh mướt hoặc vàng rượi như “Mùa thu vàng” Levitan, thật êm dịu. Xe phóng với tốc độ 140km/giờ, mà Eveline toàn buông hai tay để “múa” tiếng Anh với chúng tôi. Cô đến từ Hà Lan, đẻ một đứa con với chàng da trắng nào đó. Hơn 40 tuổi, vẫn muốn một đứa với chàng da đen khác nữa. Không chồng. Ai đó hỏi, muốn một cậu bé với chàng da vàng như bọn tớ không, Evelen vẫn buông hai tay trên con Toyota Hilux có vẽ hình tê giác tuyệt đẹp giương sừng xông lên ba bề bốn bên: “Why not?” (tại sao không?). Nụ cười trắng lấp lóa. |
Vườn quốc gia Kruger hiện ra. Những thung lũng cỏ mượt, kỳ bí, cỏ savan vàng như mật ong, tưởng như có thể xắt khúc ra khênh đi. Dưới suối, hàng trăm con voi châu Phi thung thăng ăn cỏ lau. Voi con co vòi đùa nghịch. Voi châu Phi to hơn, tai lớn hơn, ngà cong vểnh như cặp song kiếm dữ. Voi ở Việt Nam cũng có nhiều, Việt Nam còn độc đáo với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Tôi từng cưỡi voi châu Á rong ruổi nhiều. Nhưng, voi rừng 100% mà ăm ắp kỷ niệm như ở Kruger thì thật hiếm. Cửa rừng dựng tượng vị Tổng thống mà rừng mang tên (Kruger). Rừng rộng gấp 100 lần VQG Cúc Phương của Việt Nam, kiểm lâm cán bộ có 2000 người, đi tuần tra bằng trực thăng, đeo súng lớn. Chỉ có điều lâm tặc săn tê giác nó cũng đeo súng lớn và cưỡi trực thăng. |
Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh người ta sẵn sàng trưng bày một loạt các con số đáng tự hào ở trong toa lét của mỗi phòng khách sạn sinh thái. |
Ở đó, có thông tin và ảnh đẹp, ảnh cổ kính về việc: từ năm 1927, Kruger đã đón đoàn khách đầu tiên trong tour du lịch bằng ô tô ngắm hoang thú. Từ năm 1898, Vườn Quốc gia Kruger đã được thành lập. Ôi, bấy giờ Việt Nam ta còn chìm trong ách đô hộ của giặc Pháp và tay sai. Và bây giờ, bữa tiệc núi barbecue (toàn món nướng) được nhóm ngay trong rừng già sau những chầu đi xe ô tô mệt bã, xe nọ nhả bụi mù mịt vào mặt xe kia. |
Cơn đói, tôi gào lên, sao phải đi xa thế để ăn vài món nướng. Lại những người da đen cần mẫn nướng, những con cừu quay “nguyên chiếc” trên than hồng. Gà, lợn đủ kiểu, cứ là cả con. Và trăng sáng vằng vặc. Những kiểm lâm vạm vỡ, râu ria, đen nhoáy và trắng phốp bước ra. Họ dỡ súng lớn, tháo những băng đạn vàng chóe giắt quanh người. |
Trăng sáng như pha lê giót tràn ra không gian. Và rượu. Nhấp nhóang trong ánh đèn pin của tôi là lũ voi rừng thọc đôi song kiếm (cặp ngà) ra cửa rừng thủ thế. Bấy giờ tôi mới sững sờ thấy cái hay của tiệc nướng Kruger giữa đại ngàn Phi châu. Thiên nhiên bảo bọc chúng tôi? Vị kiểm lâm già nửa thế kỷ giữ rừng lúc đó mới rủ rỉ lau nước mắt: có nhà báo Việt Nam sang đây, tôi xúc động lắm. Hai đứa con tôi cũng làm nhà báo ở Petoria. Trước, trăng sáng, chúng tôi vui mừng nhảy múa vì hàng nghìn con voi, hàng vạn con tê giác, hàng nghìn con sư tư và vô số hươu nai sơn dương ngựa vằn cùng sung sướng “vũ điệu dưới ánh trăng”. Bây giờ, trăng sáng, tôi lo đắng lòng. Lo đổ máu. Vì trăng sáng, thợ săn nó vào rừng. Mỗi ngày, Nam Phi mất trung bình 2,5 con tê giác bởi lũ thợ săn đó. Nó có súng lớn, nó giết kiểm lâm, nó đi trực thăng, nó bắn tê giác. Một cái sừng bán được hơn 50 nghìn đô la, thì có mà treo cổ nó cũng vẫn đi săn! Sừng tê giác cũng như móng guốc con trâu, con bò, uống sừng tê giác cũng như gặm móng tay mình. Nó không phải là thần dược. Nhà báo về nói với người Việt Nam, sao Việt Nam trở thành một trong vài quốc gia tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới? Tôi bắn nhau với những kẻ sát hại thú rừng lấy sừng tê giác, lấy ngà voi, có lúc thắng, có lúc thua. Nhưng đó chỉ là một vế của bài toán khó kia. Một mặt, cần phải giảm nguồn từ khu vực “cầu” ở đất nước các bạn thì mới được. |
Vẻ đẹp cổ tích và những giây phút “đứng tim”, “đến chết mới quên được”! |
Sau một ngày đi ô tô dọc ngang rừng Kruger, chúng tôi quyết định mượn 2 chiếc trực thăng đi thẳng vào khu vực bảo tồn tê giác khổng lồ của của bạn. Trước khi xuyên vùng biên ải đó, mỗi người phải ký vào một bản cam kết, đại ý là chấp nhận mạo hiểm, có nghìn lý do để trực thăng nó bay, cũng có nghìn lý do để nó… rơi vào giữa đàn sư tử đói. Chết thì phải chịu. Ký thì ký. Rừng châu Phi gai nhọn và to lắm. To như cái đũa, nhọn và nhẵn như chông. Có người bảo, cây rừng ở đây phải xù lông lên như thế thì nó mới sống sót được cho ta ngắm, trước những cái mồm khổng lồ phàm ăn của voi, tê giác, hươu nai, đặc biệt là các bác hươu cao cổ. Nghe rất có lý. Hươu cao cổ hôn nhau, nó xoắn hai cái cổ dài như chân Oliver (nhân vật trong phim hoạt hình) vào mà hôn. Nó chạy lậc khậc, bập bênh như muốn đổ trong rừng, từng đàn hoa văn trăng trắng vàng vàng trông như… ở chuyện cổ tích. |
Trực thăng sà xuống, bụi đỏ, lá cây mục bị cánh quạt thổi bay kín không gian. Tầm nhìn bằng không (0). Tê giác, sư tử chạy tán loạn phía dưới. Những tán cây rừng châu Phi rất đặc trưng, nó thấp, tròn, nó diêm dúa trong hoàng hôn cô đơn. Quạnh vắng. Một vẻ đẹp nao lòng. Chúng tôi quyết định bỏ xe cộ. Chỉ cần 2 kiểm lâm cao hơn 1,9m; xách súng dài hơn chiều dài cơ thể tôi, đạn to như ngón chân cái với từng băng dài cuốn quanh thắt lưng, quấn vắt ngang bả vai… đi hộ tống. Andrew Peterson rỉ tai tôi: |
“Mày yên tâm, 30 năm tao làm ở đây, mới vài lần bắn chết thú dữ khi nó xông vào sắp xé xác người đi rừng thôi. Còn đâu, đừng sợ. Ta không trêu, thú không tấn công và bần cùng tao mới phải bắn…”. |
Hắn nói thế, tôi vừa an tâm lại vừa sợ. Kỷ luật cực nghiêm. Suốt 3 tiếng đồng hồ không được nói. Tôi và Xuân Bắc sống bằng nghề… nói, Bắc làm đại sứ thiện chí của 6 cái tổ chức, trong đó có tổ chức bảo tồn tê giác ở Việt Nam. Không nói trong 3 tiếng là một cực hình. Quy tắc của việc vào với hoang thú: xếp hàng 1, đi đúng đội hình, tuyệt đối không được phá vỡ đội hình, tuyệt đối không được nói gì trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, thú dữ xông thẳng, thọc ngà, cắm sừng hay nhe nanh vuốt đòi ăn thịt, cũng không lên tiếng, không bỏ chạy. Mọi thứ đã có hai kiểm lâm lão luyện với súng lớn, đạn to. Voi đực châu Phi to như gian nhà với cặp nhà kinh hoàng của nó, nó xông thẳng vào “xọc” mà không bỏ chạy hoặc quỳ lạy nó… thì có mà tài Thánh. Tôi không tin mình làm được điều đó, nếu gặp cảnh “một mất một còn” với bọn dã thú: voi, tê giác hay sư tử. Nhưng vẫn ậm ừ “tao làm được, mày yên tâm”, Andrew tỏ ra hết sức căng thẳng. |
Những giây phút kinh hoàng nhất và lãng mạn nhất với hoang thú của tôi, tính suốt gần 40 năm qua, chắc chắn là ở rừng Nam Phi. Voi chống “song kiếm” nhìn. Đại bàng đỏ đẹp, to, kiêu hãnh từ ngọn cây ngoái cổ như đón chào. Đàn tê giác đang lao rầm rầm, bỗng trườn thân hình đồ sộ như dũng sỹ mặc áo giáp sắt, như cỗ luân xa chiến trôi trên cỏ savan mượt mịn… cũng dừng lại ngó nghiêng gã đàn ông thấp lùn đến từ bên kia địa cầu. |
Đặc biệt là rừng sư tử với hàng trăm sư tử đực tung bờm, sư tử cái dè chừng ừ hứ bỏ đi. Rồi hà mã lừng khừng đỏ tía, gương mặt cáu bẳn xấu xí tuồn đi trong rừng gai góc khi chợt phát hiện ra tôi. Ngựa vằn đứng vằn cả một rông núi. Nó cứ nhẩn nha bỏ đi, vừa đi vừa ngoái lại dè chừng, chúng tôi tiến lên vài chục mét, chúng lại đông đàn dài lũ bỏ đi vài chục mét. Lúc nào cũng giữ cự ly theo sự “giật dây” của con đầu đàn râu ria cau có. Hươu, nai chạy túa đi, vàng rực một thung lũng khi có bóng người. |
Nhưng! Tôi đã đứng tim khi con tê giác không thể to lớn hơn bỗng dưng dừng lại. Nó lùi lũi chĩa cái sừng nhọn hoắt, to như cái phích về phía tôi. Bao năm xem bộ phim bối cảnh rừng châu Phi “Thượng đế cũng phải cười”, tôi chỉ biết đến tê giác là thợ chữa cháy rừng thiện nghện nhất. Ở đâu có lửa, khói, là nó đến dập bằng tắt thì thôi. Trong đêm ấy. Và cô gái ấy đã mặc quần lót trèo lên cây chạy trốn khi thấy tê giác lao đến, hiền lành… dập lửa. Còn bây giờ, chàng tê giác, nó cứ đi. Thú thật, nếu Andrew không án ngữ phía sau bằng thân hình hộ pháp của anh ta, thì tôi đã quên hết lời cam kết đứng im và im lặng để ù té chạy. Đến gần lắm, cách độ 10m, chàng tê giác đột ngột chuyển hướng, nó chạy với tốc độ, có lẽ phải 60km/h. Ai bảo to xác là chạy chậm? Nhưng ít ai ngờ, con vật làm đoàn chúng tôi hãi nhất, lại là đàn linh cẩu hoàn toàn hoang dã. Chúng nằm thành ổ, đôi mắt xấc láo, ma mãnh, tàn độc. Lạnh như lưới hái tử thần. Lông nó bù rù, nhớp nhúa. Bọn này mà xé thịt thối, mà cướp thức ăn thì sư tử cũng phải thua. |
Chiều ấy. Sau một hồi thả sức mộng mơ với đàn hươu cao cổ đi trên cỏ, vươn cổ ăn những ngọn cây cao hàng chục mét, chúng tôi nín thở chờ trời tối để đi xem… báo gấm. Bọn báo mắt đỏ lòm khi bắt ánh đèn pin. Đang hân hoan tột độ với cảnh con báo hoa to lớn nằm như mèo rừng trên chạc cây cao. Thì bất thần, trong góc nhìn ngược sáng, có một “bóng núi” khổng lồ đè dần, tiến dần, phủ đen kịt góc nhìn của chúng tôi. |
Lúc ấy, chiếc xe địa hình dã chiến rất thấp vừa vượt mấy con suối. Một thổ dân da đen ngồi ở ghế bành đặc chủng tít phía đầu xe cầm đèn pin dẫn đường. Một lái xe da trắng mặc quần soóc, áo trắng, đội mũ chào mào rất vui tính. Ôi, bóng voi. Anh ta thì thầm. Xe nổ máy lùi lại theo từng bước tiến của “ông tượng”. Không dám bật đèn. Ông cứ tiến. Dưới góc nhìn ngược sáng lên bầu trời bưng bửng sáng. Cộng với nỗi sợ hãi. Phải nói là tôi chưa bao giờ gặp một con vật nào to đến như vậy. “Ông” dậm chân bồm bộp, trong không gian hiu lạnh của buối tối trời, tôi thấy rõ mùi bụi ngột ngạt. Mùi hôi thối nồng nặc của “ông” hoang dã tuyệt đối ấy. Rồi “ông” quật đuôi. Rồi “ông” đập tai bồm bộp. Tai voi châu Phi to như cái mâm, dài, dẻo và mốc thếch. Tiếng gầm vang trời, cặp ngà nhấp nhô như xiên cho bằng nát những cái gì vô hình mà láo xược ở dưới chân ông. Lúc đầu tôi còn loay hoay muốn bật máy quay. Sau rồi tôi nín thở, ngộ nhỡ ông để ý dùng vòi gắp mình ra ném lên giời rồi xéo dẫm (voi giày!). Chỉ một cú dẫm, chỉ một cái khua ngà thì đi đời tất cả chúng tôi. |
Ảnh do dvnien thêm vào - Chỉ là khu Safari World ở Bangkok thôi. |
Khổ, chiều ấy, vào khu Safari (như khu bảo tồn tư nhân) khổng lồ đó, giá vé hơn 800USD/người/ngày đêm, dịch vụ rất hoàn hảo, nhưng trên xe không hề có súng. Nói có trái tim tôi và có các vị thần linh phù hộ, tôi đã đứng tim. Nếu trời sáng, chắc chắn sẽ thấy trong đoàn ai cũng “mặt cắt không còn giọt máu”. Tôi thở hắt: “Giây phút này sẽ theo tôi suốt đời. Nhớ đến lúc hai tay chắp bụng…”. Gã hướng đạo da đen khoái chí bởi hắn tưởng tôi bảo “đẹp quá, tao nhớ mãi không quên”. Nếu có lần nào cảm thấy cái chết quá gần với mình nhất, với tôi, có lẽ là lần gặp ông Tượng không thể khổng lồ và cáu giận hơn đó. |
Lục Địa Đen, sau một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa”, đã cho tôi những cảm xúc nghẹt thở. |
Xem tiếp bài 3 tại đây. |
Hết bài (2) |
Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013
Lục địa đen thương mến (2)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét