Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Giấc mộng ruby

Giấc mộng ruby
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/586587/giac-mong-ruby.html#ad-image-0 , đăng ngày 22/12/13, mục Chính trị-Xã hội.
TT - Nghe đồn có người tìm được đá quý trong khu rừng sâu xã Cư Klông (Krông Năng, Đắk Lắk), hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây. Công an huyện Krông Năng cử người chốt chặn tại các con đường, dỡ lán, truy đuổi người dân nhưng cũng đành bất lực...
Ảnh 1: Hì hục đào đãi nhiều ngày nhưng chưa người nào tìm được đá qúy, họ chỉ nghe đồn rồi vào rừng đào bới, tìm cơ hội đổi đời.
Ảnh 2: Những cánh rừng ở tiểu khu 300 xã Cư Klông bị những người đi tìm đá quý băm nát
Ảnh 3: Những viên đá quý mà người dân tìm được chỉ là đá vụn, bán ký với giá rất rẻ.
Ảnh 4: Người khai thác đá trái phép xăm từng mét vuông bờ suối với hi vọng tìm được đá quý - Ảnh: Tr.Tân
Khoảng ba tháng nay, hàng trăm người đã quần nát các con suối Ia Kul, Ia Bal trong khu rừng tại tiểu khu 300 thuộc địa bàn xã Cư Klông để tìm đá quý. Các con suối bị lật tung từng mỏm đá, gốc cây, các thân cây to bị cưa, đào đổ ngổn ngang. Nhưng đến nay, chính những người đào tìm đá quý cho biết việc có người tìm được đá ruby và bán được hàng trăm triệu đồng cũng chỉ nghe đồn, chưa thấy trực tiếp.
Chúng tôi nhờ anh Hoàng Văn Sáu, dân tộc Tày tại xã Cư Klông, dẫn đường vào bãi đá quý. Anh Sáu cho biết những người tìm đá quý đặt cho khu vực này là bãi 2 trong tổng số bốn bãi khai thác đá quý trái phép tại khu vực này. Bãi 2 hiện còn khoảng sáu lán trại của hơn 20 người từ khắp nơi về đây tìm mộng đổi đời. Trên đoạn suối khoảng 500m, những người tìm đá quý tự “phân lô” để đào đất, đãi đá quý nhằm tránh việc xâm nhập “lãnh thổ” của nhau.
Anh Huỳnh Văn Được (trú xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) cho biết nghe đồn có một nhóm người ở Gia Lai tìm được một viên đá ruby tại đây và bán được hơn 100 triệu đồng, sau đó họ còn thuê máy về để khai thác nên anh rủ bạn vào rừng tìm cơ hội đổi đời. Anh Được cùng hai người bạn của mình đến bãi 2 này khoảng hai tháng trước để tìm đá ruby nhưng đến nay nhóm của anh chỉ đãi được toàn đá vụn (nhiều màu sắc, không rõ tên đá). “Hồi đầu khi các bãi đá mới rộ lên, những thương lái tại chợ Dlie Ya (xã Dlie Ya, Krông Năng) còn mua đá vụn với giá khoảng 10 triệu đồng/kg. Nay họ chỉ mua với giá dưới 2 triệu đồng/kg, ba người đào đãi một ngày cũng không đến 2g đá, coi như về tay không” - anh Được cho biết.
Ông Nam, một người tìm đá đến từ Lâm Đồng, cùng con trai đến bãi 2 này khoảng nửa tháng nay cũng vì nghe các thương lái tung tin tại đây có đá ruby. Chịu rét mướt, đối mặt với rắn rết, vắt rừng và hì hục đào đãi suốt ngày, nhưng cha con ông chỉ kiếm được khoảng nửa ký đá vụn bán cho những người làm tranh, làm mộc (giá trị khoảng 1 triệu đồng). Ông Nam cho biết cách đây mấy ngày, cha con ông đãi được một viên đá quý màu xanh (ông Nam gọi là ruby xanh) khoảng 5k (kara) nhưng không may đá bị rạn nứt nên không bán được. Hai cha con ông Nam cố gắng đào đãi thêm vài ngày nữa để kiếm đủ tiền xe về nhà chứ không còn hi vọng.
Một cán bộ Công an huyện Krông Năng đang chốt chặn tại khu vực các bãi khai thác đá quý tự phát cho biết khoảng ba tháng trước, một nhóm người sử dụng máy múc, máy sàng vào khu vực này để tìm đá ruby và đã bị công an thu giữ phương tiện, dỡ bỏ lán trại. Công an huyện đã tăng cường lực lượng để xua đuổi nhưng cứ đuổi chỗ này người dân lại đào đãi chỗ khác. “Hằng ngày, chúng tôi thấy hàng chục người mệt mỏi, thất vọng đi ra từ các bãi khai thác đá vì nhiều ngày chịu đói rét nhưng không tìm thấy ruby, thế nhưng vẫn có hàng chục người khác lén lút vào các bãi khai thác đá để tìm kiếm. Chúng tôi đang chờ cấp trên tăng cường lực lượng để truy quét triệt để, còn hiện tại chỉ chốt chặn để đảm bảo an ninh khu vực này” - cán bộ công an này nói.
Ông Trần Thái Thạnh, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Krông Năng, cho biết hiện Nhà nước chưa có khảo sát, thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng đá quý tại khu vực này. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, nhiều khả năng khu vực này đá quý mà người dân đang khai thác dưới dạng sa khoáng (chủ yếu là thạch anh, saphia), tập trung ở các thung lũng, khe suối với trữ lượng ít, quy mô rất nhỏ. Ông Thạnh cho biết chưa có thông tin về việc khu vực này có đá ruby, việc có người tìm được đá ruby, bán giá cao đến nay chỉ là tin đồn. “Đá ruby nếu có cũng ở những tầng đất rất sâu (từ khoảng 9m) nên việc đào thủ công gần như bất lực” - ông Thạnh nhận định.
Trung Tân

Không có nhận xét nào: