Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi đưa ra quyết định về kỳ thi

Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi đưa ra quyết định về kỳ thi

https://giaoduc.net.vn/... đăng ngày 05/08/2020 06:40. Thùy Linh

Năm học 2019 -2020, là một năm học đầy thách thức đối với ngành giáo dục. Bước vào học kỳ 2 thì dịch bệnh Covid -19 khiến nhiều địa phương phải “đóng cửa trường” trong 2-3 tháng, tưởng chừng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không thể diễn ra.

Khó khăn là vậy nhưng với phương châm của ngành giáo dục là “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” thông qua nhiều hình thức học tập như học trực tuyến, học qua truyền hình và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tinh giản nội dung dạy học giúp thầy trò cả nước vượt lên tất cả để hoàn thành năm học một cách trọn vẹn.

Theo kế hoạch vào trung tuần tháng 8 sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 thì bất ngờ vào cuối tháng 7/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại với mức độ lây lan nhanh hơn so với đợt 1, thậm chí đã có một số ca bệnh nhân tử vong.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã trở thành thử thách vô cùng lớn đối với ngành giáo dục trong việc quyết định có tổ chức tốt nghiệp nữa hay không? Nếu có thì tổ chức như thế nào?

Nhiều người cho rằng nên xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh cả nước tuy nhiên điều này sẽ là áp lực rất lớn đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp 2020Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp 2020

Đứng trước thực tế khắc nghiệt này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: “Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của thí sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, không vì không đủ thông tin hoặc vì một số khó khăn mà có những quyết định không được cân nhắc kỹ”.

Đến ngày 3/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chốt phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.

Theo đó, địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam) và các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước (nếu có) thi vào đợt 2.

Như vậy, kỳ thi ngày 8-10/8 sẽ không có trường hợp thí sinh nào đang phải cách ly hay điều trị bệnh.

Rõ ràng, nếu không thi mà xét tốt nghiệp thì đó là phương án dễ thực hiện nhất tuy nhiên chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực chính quyền bang Massachusetts, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016 – 2021 cho rằng, đó là phương án an toàn nhưng sẽ tạo nên xáo trộn không hề nhỏ.

Bởi lẽ thời gian qua học sinh khối 12 cả nước đã có tinh thần cao trong việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp, nay chỉ còn vài ngày nữa mà thay đổi thì là chuyện không hề đơn giản.

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (Ảnh: Nguyễn Hoàng Group)

“Tôi rất thông cảm với vị trí của Bộ trưởng trong hình hình hiện nay, thực sự là rất khó để đưa ra quyết định chứ không hề dễ dàng gì”, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh chia sẻ.

Cũng theo vị này, đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp chiếm 90% số lượng thí sinh dự thi đi kèm với đó là phụ huynh học sinh...

Như vậy số lượng người ở một địa điểm là không hề ít do đó “ngoài quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các địa phương cũng cần phải thực sự quyết tâm, nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế để kỳ thi an toàn về thi cử cũng như an toàn về sức khỏe”, thầy Cảnh nói.

Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2020Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2020

Cùng quan điểm, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 13- Bùi Thị An cho rằng, chia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay thành 2 đợt là phương án tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay, chỉ có như vậy mới đáp ứng được mọi nguyện vọng của học sinh và phụ huynh ở cả vùng ngoài dịch và trong vùng dịch.

Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mọi công tác phòng dịch bởi tình hình hiện nay dịch bệnh vẫn rất phức tạp.

Trong khi đó, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử nhận định, trong thời gian gần đây khi dịch bệnh có diễn biến thay đổi đột ngột nên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho thấy Bộ rất chủ động, nhanh trong việc ứng phó tình huống vừa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, người dân mà lại phù hợp với tình hình thực tế. “Nếu trà trộn để thi cùng nhau hết thì quá nguy hiểm”, thầy Sử nói.

Được biết, ngày 4/8, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai một số biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 như sau:

Phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế, phòng, chống dịch COVID-19 cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và chỉ định các cơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn y tế gồm:

Phối hợp rà soát, phân loại toàn bộ học sinh tham dự kỳ thi để có phương án xử lý phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Phối hợp, hướng dẫn đảm bảo vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly y tế tạm thời tại các địa điểm thi.

Bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở.

Trong thời gian thi, phối hợp theo dõi sức sức khỏe học sinh và xử lý kịp thời khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Trong trường hợp các tỉnh/thành phố có tổ chức thi cho học sinh có tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) thì đảm bảo tất cả những người tham gia tổ chức thi phải mặc trang phục bảo hộ theo quy định và triển khai các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo trong quá trình tổ chức thi.

Phối hợp truyền thông cho học sinh, phụ huynh học sinh chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe trước khi đến địa điểm thi. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì thông báo ngay Ban tổ chức thi, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để được giải quyết.

Thùy Linh

Không có nhận xét nào: