Lời cảnh tỉnh cho trái cây xuất khẩu
https://nkd.com.vn/... đăng ngày 19-08-2020 - 05:38.|Kinh tế
Một số vùng trồng và cơ sở đóng gói xoài bị Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu là cảnh báo cho ngành trái cây Việt Nam
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, 9 loại quả tươi gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải, mít, chuối, dưa hấu, măng cụt được cấp phép xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, mới đây một số vùng trồng và cơ sở đóng gói xoài đã bị Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu do phát hiện lô hàng vi phạm về kiểm dịch thực vật, khi điều tra nguyên nhân thì phát hiện thêm tình trạng mượn mã số.
Ngăn chặn lặp lại vi phạm
Ngày 18-8, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), xác nhận hiện 2 mã vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói xoài tại Đồng Tháp đang bị Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu do có lô hàng vi phạm về kiểm dịch thực vật.
"Trong quá trình điều tra, Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã báo cáo Cục Bảo vệ thực vật về thực trạng các DN sử dụng không đúng mã số, mượn mã số của nhau để xuất khẩu. Việc này không những làm hại đến uy tín của xoài Việt Nam mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây. Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc lặp lại vi phạm tương tự" - ông Hiếu thông tin.
Giải pháp mà Cục Bảo vệ thực vật nêu ra gồm: tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật giám sát những mã số mà Cục Bảo vệ thực vật đã cấp.
Đối với những DN sử dụng mã số không đúng, mượn mã số sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng xuất khẩu để xử lý. Để được phục hồi xuất khẩu, DN cần sớm có biện pháp khắc phục và phải được phía Trung Quốc chấp thuận. "Để chặn tình trạng mượn mã số, vai trò của địa phương rất lớn. Khi đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số, địa phương phải có cơ chế giám sát, khi xuất khẩu phải báo về cơ quan kiểm dịch để DN khác không thể lấy lô hàng khác rồi mượn mã số. Như vậy, lô hàng mượn mã số sẽ không thể hoàn tất thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu và không thể thông quan" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Một cơ sở đóng gói xoài ở Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH
Chủ động kiểm soát
Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương (chủ mã vùng trồng bị Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu do bị cho đã vi phạm mã số), từ lúc thành lập đến nay, HTX không hề ký kết hay có đối tác nào từ Trung Quốc nên HTX không xuất khẩu xoài sang đây. "HTX rất bức xúc vì bị lợi dụng mã số làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mà người nông dân đã cố gắng xây dựng trong thời gian dài vừa qua. Nếu tình trạng này tiếp tục thì rất thiệt thòi cho nông dân. Chúng tôi cũng lo việc xuất khẩu sang các thị trường khác trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng" - ông Hưng nói.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp thừa nhận việc quản lý mã vùng trồng trong thời gian qua chưa chặt chẽ. Do đó, phía chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ban hành hướng dẫn để quản lý mã vùng trồng. Đồng thời, đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin từ nhà vườn để biết được trong khoảng thời gian nào lượng hàng hóa ra thị trường là bao nhiêu và ở đâu, dễ xác định được sản phẩm đó có phải do mình sản xuất hay không.
Nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu, vùng trồng trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu); sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu. Phối hợp với đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn. Sở NN-PTNT Đồng Tháp cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn, đăng ký cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khó tính.
Theo ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP HCM), Trung Quốc là nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam và thị trường này không còn dễ tính. "Từ việc họ tạm dừng nhập khẩu xoài từ một số nơi của Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các DN phải tuân thủ quy định thị trường. Đưa hàng qua Trung Quốc phải chọn hàng sạch, không có sâu bệnh, rầy, nấm… bởi Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu toàn bộ xoài Việt Nam, khi đó thiệt hại sẽ rất lớn" - ông Chất đặt vấn đề.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đề xuất nên tập trung quản lý các cơ sở đóng gói vì số lượng mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc rất lớn. "Các cơ sở đóng gói sẽ quản lý nguyên liệu từ vùng trồng có đáp ứng quy định thị trường không, tránh trường hợp hàng sang Trung Quốc mới bị phát hiện vi phạm. Nếu cơ sở đóng gói dùng mã số của cơ sở khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sẽ bị xử lý" - ông Nguyên đề nghị.
Dồn một năm mới cảnh báo
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo Việt Nam có 220 lô (khoảng 3.300 tấn xoài) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật. Những lô hàng này được xuất khẩu trong thời gian 2019-2020, chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xoài Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông thường, nước nhập khẩu khi phát hiện lô hàng nào vi phạm sẽ báo cho nước xuất khẩu ngay để điều tra nguyên nhân, khắc phục và tránh lặp lại nhưng phía Trung Quốc lại dồn vi phạm trong một năm mới thông báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét