Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Thí sinh đánh giá đề Ngữ văn hay, không đánh đố, tự tin đạt 8 điểm

 

Thí sinh đánh giá đề Ngữ văn hay, không đánh đố, tự tin đạt 8 điểm

"https://giaoduc.net.vn/... đăng ngày 09/08/2020 10:22. Vũ Ninh - Khánh Vy
GDVN- So với đề thi các năm trước, đề thi môn Ngữ Văn năm nay không quá khó, nhiều thí sinh tự tin 8 điểm. Cấu trúc đề năm nay được đánh giá phù hợp thi tốt nghiệp.

Sáng nay, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đã diễn ra với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.

Đây là một trong ba môn thi mà thí sinh bắt buộc phải tham dự để được xét tốt nghiệp cùng với Toán và Ngoại ngữ.

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất kéo dài trong 120 phút với hai phần chính là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Hà Nội: Phụ huynh dậy từ 5 giờ sáng, đội nắng đưa con đi thiHà Nội: Phụ huynh dậy từ 5 giờ sáng, đội nắng đưa con đi thi

Sau khi trải qua 120 phút của môn thi Ngữ Văn, nhiều thí sinh tự tin được 8 điểm trở lên.

Em Trần Đình Trúc, học sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Kim Liên, là một trong những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi.

Đánh giá nhanh về đề thi môn Ngữ Văn, em Trúc cho biết: “Đề thi môn Ngữ Văn năm nay không quá khó, hoàn toàn có thể làm được 7,8 điểm.

Để đạt được điểm 9, 10 thì hơi khó nhưng mức điểm khá trở lên thì em tự tin hoàn toàn có thể làm được.

Cấu trúc đề thi gồm 3 phần: phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó phần nghị luận văn học rơi vào bài Đất Nước.

Đây là tác phẩm chúng em đã được ôn luyện kỹ, cho nên hầu hết các bạn đều hoàn thành tốt và không gặp nhiều khó khăn”.

Đề thi môn Ngữ Văn (Ảnh:V.N)

Em Lê Văn Minh, học sinh trường Trung học Phổ thông Đống Đa lại cảm thấy hứng thú nhất với phần nghị luận xã hội.

Em Minh chia sẻ: “Phần nghị luận xã hội theo em là phần hay nhất trong đề thi hôm nay. Câu nghị luận xã hội tập trung vào trách nhiệm cũng như lý tưởng sống của các bạn trẻ.

Vì thế điều này em thấy khá là gần gũi và thiết thực. Đối với phần đọc hiểu và nghị luận văn học em nghĩ các bạn đã có sự chuẩn bị tốt.

Nhìn chung đề không quá khó, chỉ là hơi dài trong khoảng thời gian 120 phút. Nếu các bạn phân bổ thời gian hợp lý em nghĩ hoàn toàn có thể làm được 7,8 điểm trở lên”.

Chung quan điểm của Minh, em Vũ Thị Ánh cho biết: “Đề thi hơi dài so với khoảng thời gian 120 phút. Để làm hết đề này thì yêu cầu bọn em phải dốc toàn lực làm bài.

Đề thi bám sát những kiến thức mà chúng em đã được ôn tập và cũng sát với chương trình được giảm tải.

Đánh giá chung của em là đề thi môn Ngữ Văn năm nay khá hay, không quá khó so với các năm”.

Thí sinh tự tin với môn Ngữ Văn (Ảnh:V.N)

Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Ngữ văn trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhận xét:

“Nhìn chung đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn Ngữ văn năm nay được ra với cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình 12, bám sát chương trình tinh giản của Bộ giáo dục, mức độ nhẹ nhàng, dạng câu hỏi quen thuộc, không làm khó, không đánh đố học sinh.

Tuy nhiên độ phân hóa thấp. Đề này phù hợp với mức đội xét tốt nghiệp mà không phù hợp để xét đại học.

Phần Đọc hiểu cho một văn bản trong "Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường", hỏi 4 câu. 3 câu đầu mức độ nhận biết, câu 4 mức độ vận dụng. Học sinh sẽ dễ dàng làm được câu này.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn, trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Đây là một vấn đề có ý nghĩa , mức độ cũng bình thường, cách hỏi quen thuộc, học sinh dễ dàng giải quyết.

Câu Nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận một đoạn trong “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.

Đoạn thơ nói về những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh qua bao nhiêu thế hệ đã bền bỉ, lặng thầm góp sức mình bảo vệ và dựng xây đất nước.

Đoạn thơ gợi cho ta liên tưởng đến những “anh hùng vô danh” trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid– 19. Trong hoàn cảnh hiện tại, vấn đề đặt ra trong câu Nghị luận văn học trở nên giàu ý nghĩa. Nhìn chung đề năm nay quá quen thuộc, không có gì mới mẻ, đột phá”.

Vũ Ninh - Khánh Vy
Sunset

Không có nhận xét nào: