Trả lại danh dự cho "công dân Síp" Phạm Phú Quốc, nếu như...!
“Phải chăng ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp để “dọn đường”, khi bị phát hiện vi phạm sẽ “chạy” sang bên đó?”- câu hỏi là từ Ủy viên Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Síp ở đâu?
Cậu bé Hồ Ánh Khiết không biết! Hôm vác một ngọn măng “siêu to siêu khổng lồ” để giúp cô chú dưới phố trong một hình ảnh khơi gợi cảm hứng ngập tràn mạng xã hội, cậu bé 8 tuổi người Ca Dong chỉ nghĩ đơn giản: Các cô chú gặp khó, nhà mình chẳng có gì; Và mình thì có thể nhổ nổi ngọn măng rừng. Thế thôi.
Khiết, sống trong một ngôi nhà đơn sơ, siêu vẹo. Lao động chính- cùng với mẹ, khi cha đau cột sống gần như không làm được việc nặng.
Cái đọt măng khổng lồ trên vai cậu bé có lẽ chưa bao giờ là một gánh nặng, dẫu cậu phải vác nó trên vai, đi bộ chân trần suốt quãng đường 30km. Giúp được ai đó, vì ai đó phải là niềm vui chứ sao lại là gánh nặng! Đúng không.
Sau vụ “quốc tịch Síp” của ĐBQH Phạm Phú Quốc, nhiều người cũng đã nhắc lại những phát ngôn lo cho “gánh nặng” của dân mà về nguyên tắc, ông Quốc đang là người đại diện.
Nào là nỗi lo: Dân số già hóa nhanh nhất thế giới, thu nhập không tăng, năng suất không lên, già mà vẫn chưa giàu. Nào là chuyện “Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam 2.110 USD và mỗi người dân phải gánh nợ công hơn 1.300 USD...
Đó là những phát ngôn vào tháng 5.2017, tại nghị trường Quốc hội.
Cũng đúng năm đó, vợ và con ông nhập tịch- như thừa nhận của chính ông Quốc. Và sau đó, đến lượt chính ông.
Liệu Khiết, một người dân Nam Trà My, một cử tri TP HCM hay bất cứ “một công dân Việt Nam nào sẵn sàng uỷ quyền cho một công dân Síp đại diện cho mình ở Quốc hội không?”- Câu hỏi ngoặc kép của TS Phạm Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trên VOV, chính TS Dũng trả lời “về mặt đạo lý là không được. Rõ ràng không ổn đối với các cử tri”.
Cho nên, ĐBQH Phạm Văn Hoà nói đúng và trúng lắm. Trên Tiền Phong, ông nói cần làm rõ trắng đen, không chỉ dấu hiệu khai man quốc tịch mà cả vấn đề kê khai tài sản của ông Quốc để nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý, còn nếu không... cũng để lấy lại danh dự cho bản thân ông Quốc.
Cái giá, mức đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD (hơn 57,5 tỉ) để có quốc tịch nước ngoài lớn lắm. Nó không thể tính bằng gia tài của một gia đình dân thường. Nó bằng thu nhập 90 năm của cán bộ công ty Tân Thuận. Nó gấp 2,5 lần số tiền 23,167 tỉ đồng mà 27.297 người dân Nam Trà My, quê hương Hồ Ánh Khiết làm lụng quần quật suốt 6 tháng 2020.
Phải làm rõ để trả danh dự cho ông Quốc là đúng rồi. Để dân biết rằng số tiền siêu to siêu khổng lồ ấy có phải bòn trên những đôi vai, của Khiết chẳng hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét