Công nhân Công ty PouYuen: Mong được miễn thuế với khoản trợ cấp thôi việc
Hầu hết công nhân của Công ty PouYuen sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đều bươn chải, kiếm việc làm để mưu sinh. Và họ chỉ mong muốn không phải chịu thuế thu nhập cá nhân cho khoản tiền công ty trợ cấp thôi việc.
Cứ ráo mồ hôi là hết tiền
Từ gần nửa tháng qua, anh Lê Minh Luân - nguyên là công nhân Bộ phận Nhập kho ở khu Y, Cty PouYuen, bắt đầu với công việc mới của mình ở tiệm sửa, rửa xe ngay chính quê hương ở huyện Cần Đước, Long An.
Anh Luân cho biết, sau khi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào ngày 20.6 vì lý do dịch bệnh COVID-19, anh không biết xin việc ở đâu vì giai đoạn hiện nay doanh nghiệp khó khăn. Hơn 8 năm làm việc cho Cty PouYuen, anh được trợ cấp 61 triệu đồng, trừ đi khoản tạm thu thuế thu nhập 10% là 6 triệu đồng, anh còn thực nhận 55 triệu đồng. May mắn có nghề sửa xe từ trước khi đi làm công nhân, anh Luân dùng số tiền trợ cấp thôi việc đầu tư các thiết bị để mở tiệm sửa, rửa xe bọt tuyết mang tên chính mình.
“Do mới mở, khách hàng sửa xe còn ít, chủ yếu là rửa xe, thu nhập cũng chưa được bao nhiêu, nhưng cũng tạm sống qua ngày trong giai đoạn khó khăn này. Điều tôi mong muốn nhất là Nhà nước không thu thuế thu nhập với khoản trợ cấp thôi việc của công ty trả cho công nhân, vì chúng tôi bị mất việc đã vất vả lắm rồi” - anh Luân nói.
Tương tự, anh Trần Thanh Luân - nguyên là công nhân Bộ phận Hóa công, Phân xưởng Đế giày - làm việc cho công ty hơn 8 năm, được trợ cấp thôi việc hơn 67 triệu đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân, anh Luân còn nhận được hơn 61 triệu đồng và xin đi làm nhân viên cho một công ty chuyên giao hàng.
“Tháng vừa qua, nhờ chịu khó chạy, tôi thu nhập được hơn 9 triệu đồng, cũng tương đương với khoản tiền khi đi làm công nhân của Công ty PouYuen. Song trừ chi phí xăng, ăn uống cũng chỉ còn được khoảng 5 triệu đồng, lại còn tiền thuê nhà, nuôi con nhỏ, chẳng dư dả gì. Công nhân cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Khoản tiền trợ cấp của công ty được mấy chục triệu, với công nhân là lớn, nhưng thực sự phần lớn là trả nợ tiền vay trước, nên cũng chẳng có gì tích lũy. Chỉ mong Nhà nước không thu thuế thu nhập với khoản tiền trợ cấp của công ty vì công nhân quá khổ rồi” - anh Luân nói.
Nên chia sẻ với người lao động
Còn chị Nguyễn Thị Thu Sương - công nhân may ở khu D, làm cho công ty được 18 năm - nên số tiền trợ cấp được gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập, chị còn nhận được 180 triệu đồng.
Thời gian đầu, chị ở nhà làm công việc nhặt chỉ trên các sản phẩm áo quần đã được gia công và nuôi con nhỏ, thế nhưng thu nhập quá thấp, chỉ được 600.000 đồng/tháng, vì việc khi có, khi không. Gần đây, nhờ người quen giới thiệu, chị xin đi làm công nhân cho một công ty chuyên may khẩu trang vải kháng khuẩn, với tiền lương tháng đầu được 5 triệu đồng.
Chị Sương chia sẻ: “Được trợ cấp 180 triệu đồng, tôi cho mẹ hết 100 triệu đồng để trả nợ, còn lại mấy chục triệu đồng định mua chiếc xe máy để đi làm. Tuy nhiên, giờ tôi đi làm bằng xe buýt nên số tiền còn lại gửi tiết kiệm phòng khi có việc chi tiêu. Tôi cũng mong sao nhà nước không thu thuế thu nhập với khoản trợ cấp của công ty để công nhân bớt khổ”.
Luật sư Nguyễn Hữu Học (Công ty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khoản thu từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được nơi chi trả tạm khấu trừ tại nguồn. Căn cứ vào thu nhập của cá nhân từng năm, mà mức thuế suất phải chịu khác nhau từ 10% đến 35%. Do đó, khoản khấu trừ 10% đối với công nhân Công ty PouYuen nói trên chỉ là tạm thu.
Đến tháng 3 sang năm, công nhân có thể tự đi hoặc ủy quyền để quyết toán thuế. Do đó, nếu những người có thu nhập chưa đến mức phải chịu thuế sẽ được trả lại, hoặc giả sử có người có thu nhập cao thì phải chịu mức cao hơn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nhân văn, nhà nước nên miễn khoản thu thuế này cho công nhân, vì số tiền thu được (nếu có) cũng không phải là lớn, để chia sẻ với NLĐ trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều tác động xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét