Điểm số đẹp như mơ của một lớp học trường quê trong kỳ thi tuyển sinh 10
Khác với những năm trước đây, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định chủ trương tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ với 2 môn là Văn và Toán vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 .
Thế nhưng, sau khi Sở Giáo dục công bố điểm chuẩn thì chúng ta thấy địa phương này có điểm chuẩn tương đối cao. Trong đó, điểm chuẩn của trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân năm nay là 14 điểm, thủ khoa đầu vào lớp 10 là 18,25 điểm, á khoa là 18 điểm…
Một điều khá thú vị là danh hiệu thủ khoa, á khoa đầu vào của trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân đều là học sinh lớp 9A- trường Trung học cơ sở Yên Ninh (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Cô chủ nhiệm lớp Lương Thị Minh Thúy cùng học trò của mình trong hội thi văn nghệ (Ảnh nhân vật cung cấp). |
100% học sinh đều đậu lớp 10 với điểm số cao
Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với rất nhiều xáo trộn, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, học sinh đã phải nghỉ học nhiều tháng trời.
Thế nhưng, các em học sinh lớp 9A- trường Trung học cơ sở Yên Ninh đã làm nên một kỳ tích trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua.
Với 33 học sinh trong lớp đều đậu vào lớp 10 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả thầy và trò của nhà trường.
Trong 2 môn thi, điểm 7 là “thấp nhất” của các em, lớp học này có tới 19/32 học sinh đạt từ 16 điểm trở lên, trong đó có em đạt đến 18,25 điểm.
Không thể tin được rằng đây là một lớp học của một xã vùng quê mà các em đã đạt được điểm trung bình là 16,3 điểm/ 2 môn thi.
Bởi kỳ thi tuyển sinh 10 bao giờ cũng căng thẳng và đề thi luôn có tính phân hóa rất cao. Vậy mà các em đã đạt được một kết quả đáng khâm phục.
Điều đặc biệt là cả thủ khoa và á khoa đầu vào Trường trung học phổ thông Tống Văn Trân của tỉnh Nam Định đều là học sinh là học sinh lớp 9A- trường Trung học cơ sở Yên Ninh.
Đó là em Nguyễn Bích Đào, đạt 18,25 (Văn 9, Toán 9,25) và em Trần Thị Hải Yến, đạt 18 điểm (Văn 8,75, Toán 9,25).
Với số điểm 18,25, em Nguyễn Bích Đào đã lọt vào tốp 10 thí sinh có điểm thi cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở Nam Định (thí sinh cao nhất tỉnh là 18,50 điểm)
Đây quả là phần thưởng xứng đáng cho cả thầy và trò sau một năm học nỗ lực giảng dạy và học tập.
Niềm vui của người thầy
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, cô giáo Lương Thị Minh Thúy- giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, cũng là giáo viên dạy Ngữ văn đã không ngớt lời khen ngợi các em học sinh của mình.
Tập thể lớp 9A chụp ảnh lưu niệm cùng cô giáo chủ nhiệm lớp (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Cô Thúy cho biết: năm học 2019-2020 này, cô được Ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm và dạy môn Ngữ văn lớp 9A.
Điều vui nhất là học trò của mình đều siêng năng học tập vì các em hiểu rằng kỳ thi tuyển sinh 10 bao giờ cũng căng thẳng và có tính cạnh tranh rất cao. Vì thế, ngay từ đầu năm học thì các em đã có một sự quyết tâm trong học tập rất lớn.
Thế nhưng, bước sang học kỳ II của năm học thì dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên việc học phải gián đoạn, các thầy cô phải giảng dạy trực tuyến cho các em suốt cả một thời gian dài.
Khi trở lại trường, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp, cô Thúy luôn động viên, sát cánh cùng học trò trong lớp của mình để khích lệ các em chủ động trong học tập. Đặc biệt là đối với 2 môn Văn và Toán là những môn thi tuyển sinh 10.
Vì thế, sau kỳ thi, nhìn thấy kết quả của học trò đạt được lòng cô Thúy lâng lâng một niềm vui khó tả bởi học trò của mình đều đạt điểm cao.
Chúng tôi đã hỏi về “bí quyết” giảng dạy bộ môn Ngữ văn như thế nào mà học sinh đều đạt điểm cao, trong khi đây là môn học mà nhiều năm qua học sinh rất “sợ” nên điểm thi nhìn chung thường không có nhiều điểm khá, giỏi.
Cô Thúy cho rằng thành quả của học sinh lớp 9A trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua là sự chung tay của nhà trường, của nhiều thầy cô trong các năm học qua, nhất là sự nỗ lực của từng em học sinh để hướng tới tương lai cho mình.
Riêng với việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn của mình, cô thường vận dụng theo các bước:
Trăn trở của cô giáo dạy Ngữ văn trong thời đại 4.0 |
Thứ nhất: mỗi khi được phân công dạy lớp 9 và ôn thi tuyển sinh 10 thì giáo viên đều phải có kế hoạch và đề cương ôn tập cụ thể.
Thứ hai: giáo viên thường xuyên giao bài tập thực hành cho học sinh làm trong quá trình học tập và ôn thi theo cấu trúc các phần đọc hiểu và phần làm văn một cách thuần thục, linh hoạt để các em không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi.
Thứ ba: khi giáo viên chấm bài luôn có những lời phê, nhận xét về những ưu điểm, hạn chế để học trò biết.
Giáo viên rút kinh nghiệm thường xuyên qua các bài làm của học trò để đưa ra những bài tập thực tế, phù hợp, sát với chuẩn kiến thức của môn học và hướng tới việc nâng cao kiến thức cho học trò.
Thứ tư: trong quá trình giảng dạy, ôn tập thì giáo viên vận dụng nhiều hình thức kiểm tra học trò như : vấn đáp, thảo luận nhóm, kiểm tra nội dung chính theo sơ đồ tư duy...
Thứ năm: mỗi khi học sinh căng thẳng thì giáo viên thay đổi phương pháp bằng cách tổ chức những trò chơi nhỏ hoặc liên hệ những câu chuyện liên quan đến bài học để tạo cho các em một tâm thế thoải mái…
Điều quan trọng là làm cho học sinh thích môn học của mình giảng dạy thì mới hướng được các em chủ động trong học tập.
Cuối cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô Lương Thị Minh Thúy cứ luôn căn dặn: “Anh đừng viết gì về em cả, có viết thì viết về học trò bởi thành quả hôm nay là sự chung ta của cả nhà trường, của cả thầy và trò…”.
Chúng tôi hiểu tâm tư của cô Thúy- hiểu nỗi lòng chung của hàng triệu thầy cô giáo trên cả nước đang âm thầm “đưa đò”, âm thầm nhen nhóm niềm vui khi thấy học trò của mình trưởng thành.
“Tài sản” cùng niềm hạnh phúc của người thầy đứng lớp chỉ có thế thôi bởi mỗi khóa học qua đi, thầy cô nhìn thấy tất cả học trò đỗ đạt là trong thâm tâm thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ với nhà trường, với học trò....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét