Ngoài niềm vui, bàn tán sôi nổi của những giáo viên biên chế khi sẽ được nhận thêm một nguồn thu nhập từ nghị quyết mới của thành phố, thì các giáo viên thuộc diện hợp đồng vẫn còn có những nỗi buồn, ưu tư, vì họ sẽ không được nhận khoản tiền này.
Giáo viên hợp đồng cũng vẫn phải đảm trách công việc như giáo viên biên chế, nhưng mức lương hiện nay cũng chỉ hơn 2 triệu đồng, không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Nguyện vọng “Sống bằng lương” luôn là một quan điểm chính đáng. Thế nhưng, cũng cùng là nghề giáo, cũng đảm nhiệm vai trò, công việc như nhau, nhưng giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế luôn có một sự khác biệt rất lớn.
Cứ mỗi cái tết đi qua, sau những ngày sum vầy, vui vẻ bên gia đình, các giáo viên hợp đồng cũng biết rằng, họ có thể sớm bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giáo viên hợp đồng lại tất tả ngược xuôi đi tìm việc khác, để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Do nghỉ hè luôn đồng nghĩa với việc không được trả tiền công dạy học.
Để gắn bó, cống hiến và sống được bằng nghề đang thực sự là một cuộc vật lộn quyết liệt đối với họ. Càng đau hơn nữa, khi vừa chạm tay vào giấc mơ “đưa đò”, đã phải đứt gánh giữa đường, vì hợp đồng đã hết hạn, đã có người thế chân, vì trường đã đủ biên chế.
Quyết định cắt hợp đồng đôi khi là một bản án đầy khắc nghiệt, đi kèm với những thiếu thốn, vất vả, và nỗi khắc khoải không nguôi về một giấc mơ đứng trên bục giảng. Họ luôn nỗ lực, cố gắng để hy vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ đội ngũ giáo viên một cách chính thức.
Thế nhưng, đi ngược lại những gì mà họ đã cống hiến, những gì họ đã được hưởng thì lại quá thiệt thòi.
Thầy Tôn Sỹ Dũng (giáo viên Trường trung học cơ sở Võ Xán, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã có hai câu thơ: “Ngày cuối năm…tim phập phồng lo lắng/Hè qua rồi…ở lại hoặc ra đi?” (Trích bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng”) đã thực sự làm người đọc xúc động.
Năm cũ sắp qua đi, một năm mới lại sắp đến, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều giáo viên vẫn đang miệt mài bám trường, bám lớp, vẫn vui vẻ “sống cùng với khó khăn” để miệt mài gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò.
Họ đã chọn nghề giáo để làm “bến đỗ cuộc đời”. Họ lấy niềm vui, thành công của bao thế hệ học trò để khỏa lấp những khó khăn, vất vả đang phải đối mặt từng ngày trong cuộc sống.
“Người chọn nghề, hay nghề chọn người?” luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người giáo viên hợp đồng. Dù là gì đi nữa, thì mỗi người giáo viên luôn cảm ơn cuộc đời này đã đem đến cho những người dạy học niềm hạnh phúc to lớn, vì “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Cứ mỗi buổi sáng, khi ánh bình minh lên cao, mỗi giáo viên lại đem yêu thương, nhiệt huyết, “ngọn lửa” vào trong từng lời giảng, và thầm “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương…”.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét