Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Sự “quá tay” và lỗi tư duy của cán bộ cơ sở

Sự “quá tay” và lỗi tư duy của cán bộ cơ sở  

( Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/item/32472302-su-%E2%80%9Cqua-tay%E2%80%9D-va-loi-tu-duy-cua-can-bo-co-so.html , tác giả: Tuệ Phương , đã đăng ngày 31/03/2017, 16:37.)
Phải rất lâu nữa, người dân tại các xã Cần Kiệm, Cẩm Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) mới có thể nhìn thấy mầu xanh trên những tuyến đường liên thôn, liên xã trên quê hương mình. Chưa kịp vui vì “chiến dịch” lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè của thành phố thì nỗi buồn đã ập đến, khi những hàng cây bị lực lượng chức năng chặt hạ không thương tiếc. Nhiều người dân không đồng tình. Hàng cây đã tỏa bóng che mát cho họ hàng chục năm. Mùa hè thì đang đến rất gần. Nhưng “lệnh” của chính quyền xã đã ban ra thì cấp dưới cứ thế thừa hành. Cho dù sau đó Sở Xây dựng Hà Nội vội vàng “chữa cháy” bằng văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải giám sát, phải đề xuất phương án chặt hạ, di chuyển cây xanh tới cơ quan chức năng nếu việc chặt, di chuyển là thật sự cần thiết, thì cũng không thể làm hàng cây sống lại được. Dẫu trong hàng trăm cây xanh bị đốn hạ, có không ít cây xanh được trồng tự phát, vi phạm hành lang giao thông, song rõ ràng, vẫn có nhiều giải pháp khác, nhất là ở địa bàn nông thôn, chưa chịu áp lực ùn tắc giao thông.
Cũng vào thời điểm đó, ở đầu kia của đất nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cấm phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến. “Màu hoa đỏ” vốn là một trong những ca khúc cách mạng hết sức phổ biến, được nhiều thế hệ khán thính giả ưa thích. Khi ngân lên, những ca từ: “…Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con/ Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Ngọn núi nơi anh ngã xuống…” luôn làm lay động lòng người về vẻ đẹp bi tráng và sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ. Vụ việc khiến dư luận bàng hoàng. Phải đến khi công chúng “sôi sục”, thì lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang mới xin lỗi gia đình nhạc sĩ Thuận Yến và thu hồi công văn cấm phổ biến bài “Màu hoa đỏ”.
Hai câu chuyện thuộc những lĩnh vực khác xa nhau, xảy ra ở những không gian địa lý cách xa nhau hàng nghìn ki-lô-mét. Nhưng điểm chung là sự máy móc, sự “quá tay” của đội ngũ cán bộ. Ở Hà Nội, nếu chính quyền hỏi ý kiến người dân về việc đánh chuyển sang vị trí hợp lý hơn, hẳn sẽ nhận được sự đồng tình của người dân. Mỗi cây xanh phải mất hàng chục năm mới trưởng thành. Người dân nuối tiếc không phải không có lý. Chuyện đánh chuyển cây xanh thay vì chặt hạ từng nhiều lần được Hà Nội tiến hành khi mở đường. Song ở Thạch Thất, lối tư duy máy móc đã biến những cán bộ thành vô cảm. Ở Tiền Giang, cho dù lãnh đạo ngành văn hóa có giải thích thế nào, cũng không thể tìm được sự cảm thông từ bất kỳ công chúng nào. Và dường như họ có tư duy “chặt nhầm, cấm nhầm còn hơn bỏ sót”.
Hai câu chuyện trên không hẳn phản ánh trình độ của đội ngũ cán bộ. Đó còn là vấn đề tư duy. Mọi chính sách luôn cần sự am tường, thấu hiểu của những người có trách nhiệm, nhất là ở tuyến cơ sở, nơi trực tiếp tương tác với đời sống, với người dân, để khi đi vào thực tế, nó trở thành có lý, có tình.
Tuệ Phương

Không có nhận xét nào: