Nước sẽ là mặt hàng xa xỉ |
Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nuoc-se-la-mat-hang-xa-xi-2017032522235367.htm , tác giả: Huệ Bình ; đã đăng ngày 25/03/17 lúc 22:25. |
Dự báo vào giữa thế kỷ này, hơn một nửa nhân loại sẽ sống tại những khu vực căng thẳng về nước |
Thiệt hại từ lũ lụt và bão lớn sẽ gia tăng khi mực nước biển ngoài khơi Trung Quốc dâng cao - theo cảnh báo mới nhất của các nhà khoa học từ Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA). |
Trong báo cáo về môi trường biển mới công bố, SOA cho biết mực nước biển trung bình ở Trung Quốc tăng thêm 82 mm trong giai đoạn 1993-2001. Riêng con số này năm ngoái cao hơn 38 mm so với năm 2015. Theo tính toán, TP Thượng Hải, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến ghi nhận mực nước biển tăng cao chưa từng có trong năm ngoái. Trong khi đó, tại TP Diêm Thành của tỉnh Giang Tô, nước biển tăng làm nghiêm trọng hơn nạn xói mòn bờ biển - nước biển xâm thực vào đất liền có nơi đến 59 m. Còn tại tỉnh Quảng Đông, nước biển dâng cao làm gia tăng tác hại do bão, xói mòn và thủy triều mặn gây ra. |
Hiện tượng tự nhiên El Nino và La Nina là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nước biển dâng cao tại nhiều nơi. Dù vậy, tại thành phố ven biển Thiên Tân, hiện tượng đất đai sụt lún cũng khiến mực nước biển tăng lên. SOA ước tính mực nước biển ở địa phương này sẽ tăng 80-180 mm trong vòng 30 năm tới. |
Giáo sư Hoàng Cương thuộc Viện Vật lý Khí tượng thủy văn Trung Quốc dự đoán mực nước biển sẽ tăng lên đến 1,2 m ở đồng bằng sông Châu Giang vào cuối thế kỷ này, đe dọa Hồng Kông, Macau ngập chìm trong nước. “Việc tăng thêm vài milimet trông có vẻ ít nhưng nếu chúng ta biết đại dương lớn tới mức nào, tác động sẽ vô cùng khủng khiếp khi nước biển vào bờ. Những tác động xấu có thể đến sớm hơn nếu nước biển dâng cao nhanh hơn” - ông Hoàng cảnh báo. |
Vài năm trở lại đây, sự ấm lên của nước biển và băng tan ở 2 cực do biến đổi khí hậu càng góp phần khiến đẩy cao mực nước biển trên thế giới. Riêng Trung Quốc, theo ông Hoàng, tình trạng ô nhiễm tại các khu vực ven biển khiến vấn đề này thêm trầm trọng. Bắc Kinh hồi năm ngoái đã ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu nhưng chuyên gia Lưu Trung Huy của Trường ĐH Hồng Kông không lạc quan về mục tiêu giới hạn mức tăng của nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp: “Những nỗ lực trước đó của thế giới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn không quá thành công. Xu hướng nước biển dâng, tác động của tình trạng toàn cầu ấm dần lên vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai gần”. |
Thành phố Thượng Hải trước nguy cơ gánh chịu nhiều thiệt hại khi nước biển dâng cao. Ảnh: ALARMY
|
Quản lý nguồn nước kém |
Ngoài nỗi lo nước biển dâng, con người còn đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ gần đây dự báo vào giữa thế kỷ này, hơn một nửa nhân loại sẽ sống tại những khu vực căng thẳng về nước, tức những nơi các nguồn tài nguyên nước ngọt bị khai thác không bền vững. Những lý do chính là biến đổi khí hậu và thế giới ngày càng đông dân. |
Kết quả khảo sát 167 quốc gia của Viện Tài nguyên Thế giới (Mỹ) cho thấy có đến 33 quốc gia đối mặt tình trạng căng thẳng về nước vào năm 2040, chủ yếu do quản lý nguồn nước kém. Một thách thức hiện nay là tìm ra cách phân bổ nước hiệu quả hơn. Nông nghiệp là ngành sử dụng khoảng 70% lượng nước trong lúc ngành công nghiệp tiêu thụ phần lớn lượng nước còn lại. Ngành công nghiệp Trung Quốc sử dụng nước nhiều gấp 10 lần so với mức trung bình ở các nước giàu trên cùng một đơn vị sản xuất. |
Trong bối cảnh nói trên, không có gì quá sốc khi một nghiên cứu gần đây của Trường ĐH bang Michigan (Mỹ) dự báo nước có thể sớm trở thành mặt hàng xa xỉ đối với hàng triệu gia đình Mỹ. Theo Viện Brookings, giá nước năm 2016 tăng gấp đôi so với năm 2000, bỏ xa mức tăng của những nhu yếu phẩm khác, như điện và xăng. Đài CBS ngày 24-3 cho rằng nguyên nhân giá nước tăng nhanh ở Mỹ là hạ tầng cũ kỹ khiến chi phí sửa chữa cao hơn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến các hệ thống cấp nước phải vật lộn để chống chọi các cơn bão mạnh và thường xuyên hơn. Trong khi đó, hạn hán làm giảm lượng nước ở một số đô thị... |
Trước mắt, hóa đơn nước của cư dân ở TP Cannon Beach, bang Oregon có thể tăng 40% vào năm 2017 khi thành phố này đầu tư vào việc sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống cấp nước. Một khi giá nước tăng, chịu ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là những bang có nhiều cư dân thu nhập thấp. Chẳng hạn, gần 37% người dân ở bang Mississippi có nguy cơ không đủ tiền thanh toán hóa đơn nước. Nhà nghiên cứu Elizabeth Mack của Trường ĐH bang Michigan cảnh báo nhiều người có thể sẽ phải giảm bớt sở thích xem phim hoặc ra ngoài ăn nếu muốn có nước tiêu dùng. |
Huệ Bình |
Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017
Nước sẽ là mặt hàng xa xỉ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét