Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Mùi hương trầm-9

.
Mùi hương trầm-9
Copy từ http://webtruyen.com/mui-huong-tram/doc-uong-huong-bac_40016.html ;tác giả: Nguyễn Tường Bách ; đã đăng ngày 26/09/2014.
Tập ký sự "Mùi hương trầm" của tác giả Nguyễn Tường Bách nói về chuyến đi Ấn Độ của tác giả.
Sách gồm nhiều chương: 1) Những bước đầu tiên; 2) Con sông thiêng; 3) Đền Birla; 4) Bihar, vùng đất thánh; ; 5) Na-Lan-Đà, Đại học Phật giáo đầu tiên; 6) Trên đỉnh Linh Thứu; 7)Dưới cây bồ đề; 8) Vesali và vườn xoài của nàng Ambapali; 9) Dọc đường Hướng Bắc; 10) Hạt cải cho Phật; 11) Lâm-Tì-Ni, khu vườn đã quên; 12) Ánh sáng đến từ phương Tây; 13) Bình Thành và động Vân Cương; 14) Từ tiểu ni cô Nghi Lâm đến nàng Lý Ngư; 15) Còn đâu nước Thục; 16) Nga Mi sơn (Emeishan); 17) Trường Giang Tam hiệp; 18) Cừu Hoa sơn (Jiuhuashan); 19) Hàng Châu và Tế Điên hòa thượng; 20) Ninh Ba, đầu nguồn của Thiền tông Nhật bản; 21) Phổ Đà sơn (Putuoshan); 22) Đức hạnh cao quí; 23) Từ Liên Hoa Sinh đến Tông Khách Ba; 24) Đền Jokhang; 25) Trong những con đường Lhasa; 26) "Con trâu điên"; 27) Gyantse, đô thị tàn tạ; 28) Dọc sông Yarlung Tsangpo; 29) Thay lời kết: Mùi hương trầm. Sau đây là chương 9.
Chương 9: Dọc đường Hướng Bắc
Chúng tôi rời Varanasi đi ngược lên miền Bắc nhắm hướng Gorakhpur, gần biên giới Nepal. Gorakhpur cách Varanasi khoảng 180 cây số, là một thành phố nhỏ nhưng có đại học. Thế nhưng kẻ hành hương như tôi có biết đến đến Gorakhpur chỉ vì đây là trạm chuyển tiếp để đi thăm cách nơi quan trọng như Lâm-tì-ni, Câu-thi-na, Sravasti.
Chiếc Ambassador rời Varanasi rất sớm, nhắm hướng bắc, đi ngang Lộc Uyển lần cuối. Trời mưa nhẹ và đường trơn ướt, tôi lo ngại không biết tối ngay mình sẽ ngủ đâu, Câu-thi-na hay Gorakhpur. Khoảng cách 180 cây số thật ra không đáng kể, ngay cả tại Việt Nam tôi cũng tính mất cho bốn giờ là nhiều. Thế nhưng chiếc Ambassador này quá nguy hiểm, bốn bánh xe mòn nhẵn không còn chút gai, nó sẽ đưa tôi xuống đâu trên con đường trơn và hẹp này. Chúng tôi lấy đường số 29, qua Saidpur, đến Ghazipur, bên mặt chúng tôi sẽ là sông Hằng. Từ Ghazipur chúng tôi sẽ bỏ sông Hằng đi thẳng lên phía bắc, sau 60 cây sẽ băng sông Ghaghara, thêm 60 cây nữa là đến Gorakhpur. Nếu đến đó sớm chúng tôi sẽ đến thẳng Câu-thi-na, nơi Phật nhập diệt.
Rời Varanasi không bao lâu quả nhiên chiếc xe suýt gây một tai nạn. Trước một khúc quanh, tài xế thắng lại nhưng chiếc Ambassodor vẫn cứ trườn tới, hướng về một chiếc xe bò đậu dưới gốc cây với một bà già và một cô bé gái ngồi trên xe. Họ run rẩy ngồi bất động không có phản ứng, còn tôi lặng người đợi tai nạn tới như một ngày tại Delhi trên cầu bắc qua sông Yamuna. May thay lúc chỉ còn cách xe bò chưa đầy nửa mét thì xe hơi dừng lại. Chúng tôi ngồi đợi trời hết mưa mới dám ra đi, làm sao chiếc xe này đưa chúng tôi đi khắp vùng Bắc Ấn, tới trạm cuối cùng là Bhairawa thuộc lãnh thổ Nepal, tổng cộng cả ngàn cây số.
Tài xế nhìn tôi tỏ ý lo ngại khách không vừa lòng nhưng tôi còn cách nào khác hơn là đi liều vì làm sao đổi hợp đồng, thay xe trong cảnh hoang vu này. Tôi cũng không thể đòi anh đi chậm lại vì xe đâu có thể đi nhanh trên con đường hẹp và trơn này. Tôi đành đi và cố quên hiểm nguy.
Ðường lên phía bắc này là một trong những đường chính của tiểu bang Uttar Pradesh của Ấn Ðộ mà đoạn này ngày xưa nằm trong vương quốc Kiều-tát-la (Kosala). Trong thời Phật tại thế thì nhà vua của Kiều-tát-la là Ba-tư-nặc (Pasenadi). Ông cùng tuổi với Phật, là một người rất mực khôn ngoan về chính trị, thông thái về triết học, lại là một nhân vật đầy tính người, thích ăn ngon và phụ nữ đẹp. Trước khi được vua cha nhường ngôi, ông học tại đại học Takkasila và làm thống đốc tại Varanasi.
Vương quốc của Ba-tư-nặc trải dài từ đông sang tây khoảng 350 km, từ bắc xuống nam khoảng 270 km, phía tây quá Lucknow ngày nay, phía nam đến tận sông Hằng. Kinh đô của Kiều-tát-la chính là Xá-vệ (Sravasti), chỗ mà đức Phật được một thương gia có tên là Cấp Cô Ðộc cúng dường một vườn kỳ viên. Ðây là nơi Phật lưu trú đến trên 25 mùa mưa và sẽ được nhắc đến trong những chương sau.
Ba-tư-nặc hết sức tôn trọng đức Phật và trở thành cư sĩ của Ngài và cũng vì thế mà Phật rất hay đến Kiều-tát-la để lưu trú và giảng pháp. Chỉ trong Tương Ưng bộ kinh [1] thôi ta có thể đếm Ba-tư-nặc đàm đạo với Phật 25 lần. Thế nhưng cũng vì hiếu sắc mà Ba-tư-nặc gây một thảm họa cho dòng Thích-ca.
[1] Samyuttanikaya
Ngoài chính hậu, Ba-tư-nặc có thêm bốn bà vợ mà bà thứ tư là một người đẹp dòng dõi Thích-ca, tên là Vasabhakkhatiya. Bà này sinh ra một hoàng tử, tên là Vidudabha, về sau nối ngôi Ba-tư-nặc. Câu chuyện sẽ đơn giản nếu nó dừng tại đó. Khổ thay vị hoàng tử này khi lớn lên khám phá ra rằng
Bản đồ các vùng hoạt động của đức Phật. Chú thích: =Thị trấn trong thời Phật tại thế; o Thị trấn được xây dựng sau này; Xá-vệ: Savatthi; Lâm-tì-ni: Lumbini; Bodh Gaya: Bồ-đề đạo trường; Lộc uyển: Sarnath; Hoa Thị Thành: Pataliputra; Na-lan-đà: Nalanda; Vương Xá: Rajagaha; Biên giới Nepal-Ấn Ðộ;... Ðường đi của thương nhân [2] mẹ mình không phải hoàn toàn là gốc quí tộc của dòng Thích-ca, bà là con gái của một vị hoàng tử - vị này không ai khác hơn là một anh em họ của thái tử Tất-đạt-đa - với một tiện nữ nô lệ. Dòng Thích-ca đã dâng cho vua Ba-tư-nặc một người bất xứng. Vị hoàng tử trẻ tuổi uất hận dòng Thích-ca từ đó. Khoảng năm 487 khi Ba-tư-nặc viếng vương quốc Thích-ca và hội đàm với Phật tại đó thì Vidudabha thừa cơ cha vắng mặt ở kinh thành, lấy cắp ấn kiếm, lật đổ phụ vương. Ba-tư-nặc bị mất ngôi, đi ngựa từ Ca-tì-la-vệ về Vương Xá để cầu cứu A-xà-thế. A-xà-thế cũng là con phản cha nhưng lại gọi Ba-tư-nặc bằng cậu. Mẹ của A-xà-thế, bà Vi-đề-hi là em gái của Ba-tư-nặc. A-xà-thế sẵn sàng đem quân chinh phạt nhưng đêm đó Ba-tư-nặc chết vì kiệt sức, thọ 76 tuổi.
[2] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn.
Bây giờ Vidudabha rảnh tay đem quân đi trả thù dòng Thích-ca, dòng bên ngoại đã sinh ra mình. Kinh sách kể lại Phật ba lần ngăn ngừa được trận trả thù này nhưng qua lần thứ tư thì Vidhdabha không muốn nghe nữa, chiếm Ca-tì-la-vệ, thẳng tay giết tất cả thanh niên trong tuổi quân đội và cho phá hủy thành. Thành đó là quê hương Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu) của Phật mà ngày nay có tên là Tilaurakot thuộc địa phận Nepal. Ðó là năm 485 hay 484, không lâu trước khi Phật nhập diệt.
Với Tần-bà-sa-la, Phật đã đem giáo pháp vào nước Ma-kiệt-đà, với Ba-tư-nặc vào nước Kiều-tát-la. Theo nhà Phật học Schumann thì “chính sách” truyền giáo của Phật rất rõ, trước hết Ngài tranh thủ các nhà vua và khi các quân vương theo Phật thì cả nước đều theo. Thế nhưng Phật không phải lúc nào cũng thành công. Vương quốc, nơi mà Ngài thất bại nặng nề, là Vamsa với nhà vua Udena tại kinh thành Kosambi. Vamsa nằm phía nam nước Kiều-tát-la, phía tây của Varanasi, ngày nay là quận Banda của tiểu bang Uttar Pradesh.
Phật đã đến Kosambi nhiều lần và năm 520, Ngài lại đến với hy vọng điều phục được nhà vua Udena. Nhà vua là một người chỉ ham mê thế tục, đối với chuyện tâm linh ông càng ngán ngẩm không muốn gặp Phật, câu chuyện xảy ra chẳng qua cũng chỉ vì các bà vương phi. Vợ chính của ông là Samavati, bà là người tha thiết với đạo pháp. Một bà khác trẻ hơn tên gọi là Magandiya tìm cách bôi nhọ Samavati để chiếm lòng sủng ái của vua, kế này xem ra đời nào cũng có. Bà kể vua nghe Samavati ngây người ngắm Phật lúc Ngài đi khất thực làm vua ghen tức ra lịnh bít cửa sổ của hoàng hậu. Về sau Samavati chết cháy vì bị Magandiya đốt cung điện ám hại. Cơ mưu bại lộ, Magandiya cũng chịu một cái chết thảm khốc bằng hình phạt tử hình.
Về sau con trai của Udena lại là người hâm mộ Phật pháp và nhà vua cũng bớt thành kiến với giáo pháp và tăng đoàn nhưng trong suốt 35 năm còn lại của đời mình, Phật không lưu trú một mùa mưa nào tại Kosambi nữa.
Kosambi nằm trên bờ sông Yamuna là điểm cực tây của vùng hoạt động lúc Phật còn tại thế. Ðiểm cực đông là Campa, chỗ cách Bhagalpur ngày nay khoảng 40Km. Ðiểm cực bắc là quê hương Ca-tì-la-vệ và cực nam là Uruvela, chỗ Phật tu khổ hạnh. Tổng cộng Phật đã du hành và hoạt động trong một vùng đất rộng khoảng 600x300 km.
Ngày nay vùng đất đó chỉ cần vài ngày là đi khắp. Phương tiện di chuyển đã thay đổi nhưng cảnh vật và tập quán người dân hầu như không đổi bao nhiêu. Dọc theo con đường đầy bụi là ruộng mía, là xe bò, là những đám rước tôn giáo đầy màu sắc và sự sùng tín. Xã hội Ấn Ðộ cho thấy một niềm say mê tôn giáo khó tưởng tượng, điều mà tôi chưa hề thấy tại Việt Nam hay Trung Quốc.
Lúc tôi đến Gorakhpur thì hình như nơi đây có biến động chính trị. Khắp nơi là công an cảnh sát đứng đầy, đường xá vắng vẻ. Tôi sực nhớ Ấn Ðộ là một xứ sở đầy tranh chấp chính trị mà nguồn gốc của chúng lại là tôn giáo. Ðó là những hiềm khích dễ đổ máu giữa Hồi giáo, Ấn Ðộ giáo và các bộ phái tôn giáo lớn nhỏ. Nghỉ ăn trưa trong một khách sạn tại đây xong, chúng tôi vội vã đi Câu-thi-na. Một nhân viên khách sạn xin đi nhờ xe tôi, quê hương anh chính tại Câu-thi-na cách Gorakhpur 55 km. Người này nói được tiếng Anh, nhờ vậy mà chúng tôi được một người hướng đạo.
Rừng Sa-La tại Câu-Thi-na
Cuối năm 484 Phật rời Vesali đi về hướng Tây Bắc với một chủ ý rõ rệt: Ngài sẽ từ bỏ thân người sau gần 40 năm giáo hóa. Hướng đi của Ngài là Tây Bắc nên nhà Phật học Schumann cho rằng Ngài muốn nhập diệt trong một tu viện tại Xá-vệ, nơi Ngài từng sống rất lâu, nhưng trên đường đi Ngài chỉ đến được Câu-thi na (Kusinara), tên ngày nay là Kasia, nằm khoảng chừng giữa Vesali và Xá-vệ. Ðó là giả thiết của Schumann, nhưng tôi không nghĩ khoảng cách địa lý là một trở ngại cho một thánh nhân như Phật và khám phá thêm trong kinh sách, Phật đã báo trước cho A-nan biết sẽ nhập niết bàn ba tháng trước đó, tại chỗ của bộ lạc Malla. Trên đường đi, Ngài đến Pava, gặp tại đó một người thợ rèn tên là Cunda. Pava ngày nay có lẽ là Fazilnagar, cách Câu-thi-na 16 km, nằm trên quốc lộ 28 nối Vesali với Gorakhpur. Ðường Phật đi ngày xưa hẳn là một con đường nhiều dân cư mà ngày nay nó đã trở thành một quốc lộ nằm hướng đông tây, nối liền hai bang Bihar và Uttar Pradesh.
Người thợ rèn tốt bụng mời Phật và tăng đoàn thọ thực và nấu một thứ thức ăn mà ngày nay người ta đoán là một thứ nấm. Phật tự mình ăn thức ăn đó, không cho phép ai được đụng tới và nói với A-nan rằng, “khắp trời người, ta không thấy ai có thể ăn món ăn này mà sống sót”. Giờ cuối cùng của Ngài đã điểm và Cunda có cái hân hạnh nấu cho Ngài bữa ăn lần chót.
Rời nhà Cunda, đoàn tăng già ra đi, băng qua một con sông nhỏ mà ngày nay có tên là Little Gandak, đến Câu-thi-na. Ðây không phải là chỗ xa lạ, Phật đã đến đây, nó thủ phủ thứ hai của bộ lạc Malla. Dưới tàng cây Sala, A-nan làm một chỗ nằm cho Phật nằm tạm và từ đây Phật không bao giờ đứng dậy nữa.
Chiều hôm đó Phật chỉ thị cho A-nan đừng lo lắng gì về việc mai táng Ngài, đã có nhân dân quanh vùng giúp đỡ. Ðến lúc đó thì A-nan mới biết Phật sắp giã biệt tăng đoàn và khóc lóc than thở. Tối đó có một sa-môn tên Subhadda đến thăm Phật và bị A-nan cấm không cho vào. Vị đạo sư lúc đó như ngọn đèn sắp tắt nhưng vẫn nghe rõ lời van xin, bảo A-nan cho ông vào và Subhadda trở thành vị đệ tử cuối cùng của Phật lúc Ngài còn tại thế. Ngày hôm sau, Phật cho tăng già một dịp cuối được hỏi về đạo pháp nhưng tất cả mọi người đều im lặng. Lúc đó đêm đã gần kề, cuối cùng Phật nói: “Này chư vị, thật vậy, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn”.
Sau đó Schumann kể lại Phật “bất tỉnh” nhưng theo kinh điển, Ngài đã đi vào thiền định, từ sơ thiền đến các xứ định rồi trở lại sơ thiền. Phật nhập định hai chiều thuận ngược như thế “đến hai mươi bảy lần” và cuối cùng đúng lúc nửa đêm “Ngài nhập tứ thiền, lặng lẽ mà đi” [3]. Ngài bỏ ứng thân bằng xác thịt này, bỏ một tâm thức mang tính cá thể và đạt tới một dạng bất khả tư nghì mà chúng ta gọi là “Ðại Niết bàn”. Ðó là năm 483 trước công nguyên.
Tôi từ Gorakhpur đến Câu-thi-na vào một chiều mưa, rừng cây Sala [4] ngày nay vẫn còn, lá xanh ngắt đẫm nước trông như ngọc. Ðây là một nơi nhà dân chỉ có vài nóc, cách quốc lộ 28 khoảng vài trăm mét. Lúc tôi vào thì có một đoàn người Ấn Ðộ vào chiêm bái, nhưng khác hẳn với Lộc Uyển, đây là một nơi hết sức vắng vẻ. Bây giờ như thế nhưng ngày xưa, lúc Huyền Trang đến đây thì sao?
Huyền Trang kể “...Ðây là nhà cũ của Cunda. Giữa đó là một cái giếng do ông này đào khi cúng dường thức ăn cho Phật. Dầu trải qua nhiều năm tháng lụt ngập, nước vẫn trong và ngọt. Về phía tây bắc thành phố [5] độ 3,4 dặm vượt qua sông Ajitavati [6], về bờ phía tây không xa lắm, chúng ta đến một khu rừng có cây Sala. Cây Sala như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu...Tại chỗ này có một tinh xá bằng gạch, trong đó là tượng đức Như Lai nhập Niết bàn. Ngài nằm đầu hướng về phía bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên; dầu đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 200 bộ...Phía bắc thành phố vượt qua sông và đi bộ khoảng 200 bước có một ngọn tháp. Ðây là chỗ làm lễ trà tỳ [7] nhục thân đức Phật. Ðất hiện tại đen vàng, than và đất trộn với nhau...” [8]
Sơ đồ vùng Câu-thi-na. Chỗ ô vuông có chấm là chỗ Phật nhập Niết-bàn. Chấm đen có chữ “Einascherungsstupa” là chỗ cử hành lễ trà tỳ. [9]
[3] Theo “Phật thuyết đại bát niết bàn kinh”, Việt dịch của Thích Nhất Chân
[4] Tên khoa học là shorea robusta
[5] Có lẽ Huyền Trang nói Kasia bây giờ
[6] Tức là sông Little Gandak
[7] Lễ hỏa thiêu
[8] Trích Thích Thiện Châu, sách đã dẫn
[9] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
Ngày nay tôi đến thì tinh xá và tháp do vua A-dục xây vẫn còn. Nhưng theo tài liệu thì đền mà ngày nay ta thấy mới được xây lại năm 1956, thay thế đúng nơi “tinh xá bằng gạch” mà Huyền Trang kể lại. Trong tinh xá này là một bức tượng Phật nhập Niết bàn dài 6,2m bằng đá được hoàn thành trong thế kỷ thứ năm, đó chính là bức tượng mà Huyền Trang mô tả. Bức tượng này đã nằm dưới đống gạch vụn của tinh xá cũ và may thay được tìm thấy lại năm 1876 để hậu sinh như chúng ta được đảnh lễ. Ðó là một cái đền có mái cao, buổi chiều trời mưa nên bên trong mát lạnh. Tượng Phật đắp y vàng nằm an tịnh, hai bàn chân để lộ ra ngoài. Tôi lặng lẽ tìm chỗ ngồi trên nền đá dưới chân tượng, trong đền mát lạnh và thơm mùi nhang khói, lòng biết rằng ở nơi đây hai ngàn năm trăm năm trước, có một vị đạo sư cũng phải lìa đời như mọi sinh vật trên trái đất này. Ngài chủ động lấy thân người, sinh ra và lớn lên trong số phận của đời làm người và cũng thông qua dạng người đó để chỉ dạy cho con người những nhận thức và phương pháp giải thoát khỏi vòng sinh tử. Ðến ngày cuối cùng của đời mình Ngài cũng chịu bệnh tật và đau đớn, dùng chính thân mình để minh họa cho giáo pháp mình. Ngài là người thể hiện trước nhất và cụ thể nhất Bồ-tát đạo, cứu cánh của Ðại thừa Phật giáo mà vài trăm năm sau mới bắt đầu phát triển.
Lần thiền định trong đền này này để lại cho tôi lòng an tịnh khó quên, nó khác hẳn tại Bodh Gaya, nơi đầy người qua kẻ lại. Lúc tôi ra khỏi đền thì trời đã dứt cơn mưa, lá cây Sala vẫn còn lóng lánh. Hỡi các cây Sala này, theo kinh điển thì tiền bối của các ngươi cũng đã chứng kiến phút nhập diệt của Phật:
“...Bốn cặp cây Sala,
vươn tàng ra hợp lại,
thành một vầng mây lá,
che phủ thân vàng kim,
nằm trên giường bảy báu...”
và cây lá như các ngươi mà cũng biết đau buồn:
“...Lá các cây Sala,
bỗng biến thành trắng xóa,
như một rừng hạc trắng,
rồi thì lá hoa trái,
vỏ cây và nhành cánh,
khô dần thành nứt nẻ,
gẫy rụng lả tả rơi...”. [10]
Sơ đồ tại tháp Nhập niết-bàn. Hình tròn màu đen ở giữa là tháp tròn cao 15m. Bên cạnh là chính điện (có chữ “Tempel”), trong đó có tượng Phật nhập niết-bàn dài 6,2m. Xung quanh là các tu viện. [11]
[10] Kinh đã dẫn, Việt dịch của Thích Nhất Chân
[11] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
Tôi đi vòng quanh tháp bên cạnh đền, lòng ngẩn ngơ. Ngọn tháp mà Huyền Trang cho là 200 bộ (khoảng hơn 60m) đó ngày nay chỉ đo được khoảng 15m. Có tài liệu cho rằng đó là chỗ thờ xá-lợi của Phật được chia cho bộ lạc Malla chứ không phải của A-dục xây. Ngay tại nơi đây, cách đền khoảng 1,5 km là nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật mà Huyền Trang cũng đã mô tả, ngày nay chỉ là một ngọn đồi con đường kính 34m, cao 8m. Ðó là nơi cử hành lễ “Trà tỳ”, lễ hỏa thiêu cử hành khoảng một tuần sau khi Phập nhập diệt. Ðó là buổi lễ không thể thiếu Ma-ha Ca-diếp, đại đệ tử của Phật, lúc đó đang ở Linh Thứu đã vội vã trở về tham dự. Lễ này được mô tả rõ ràng trong Ðại Niết bàn kinh, phẩm Trà tỳ. Qua bao nhiêu năm tháng ngọn đồi này đã bị nhiều
[12] Hình trích từ H.W.Schumann, Buddhistische Bilderwelt, Eugen Diederichs Verlag 1993
XÁ-VỆ VÀ CẤP CÔ ĐỘC
Vì Câu-Thi-Na chỉ là một làng nhỏ không có chỗ trú ngụ, chúng tôi cho xe lấy đường 28 đi thẳng về hướng Tây, nhắm Basti, cách đó khoảng 120 km. Trời đã tối, xe hư đèn, chỉ còn đèn “pha”, chói mắt xe chạy ngược chiều nên hết sức nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Basti, vào một khách sạn xác xơ nhưng có cái tên sang trọng là Suyash Palace. Hôm sau chúng tôi sẽ bỏ đường 28, lấy một con đường không tên lên hướng bắc, qua Balrampur đến một thị trấn tên gọi là Sravasti (Xá-vệ), ngày nay không có người ở.
Xá-vệ không gì khác hơn chính là kinh đô nước Kiều-Tát-la của nhà vua Ba-tư-nặc. Sravasti còn có tên là Savatthi, chính là nơi Phật lưu trú 25 mùa mưa, giảng vô số kinh sách mà ta thấy đầu kinh ghi là “Xá-vệ-quốc”. Tại Xá-vệ, Phật giảng hai bộ kinh cao cấp nhất về mặt trí huệ, đó là kinh Kim Cương và kinh Hoa Nghiêm. “Hội Hoa Nghiêm” được mở tám lần cho trời người được nghe, phần lớn là tại các cung trời, một lần trên địa cầu là tại rừng “Thệ Đa” tại Xá-vệ. Hai ngàn năm trăm sau hội này, nhiều nhà vật lý hiện đại kinh ngạc thấy rằng thế giới mô tả trong phẩm “Nhập pháp giới” của Hoa Nghiêm hoàn toàn trùng hợp với nhận thức của họ
Rừng Thệ Đa có tên là Jetavana, có người gọi là Kỳ viên, đó là một khu vườn của một “trưởng giả” tên là Cấp Cô Độc. Vị này là một thương nhân rất giàu có, ông làm nghề “ngân hàng”, có lẽ ông nhiều của cải như Bill Gate thời nay. Nhưng ông khác với các thương nhân ngày nay ở chỗ rất tôn trọng và hết lòng hỗ trợ Phật pháp.
Nhà ngân hàng Cấp Cô Độc có vợ người xứ Vương Xá, ông hẳn là người đầu tiên làm cái nghề nhiều lợi tức này của Ấn Độ. Ngày nọ, đến quê vợ giao dịch, ở tại nhà anh rể, ông thấy trong nhà chuẩn bị nhộn nhịp. Hỏi ra ông biết có người tên là “Đức Phật” ngày mai sẽ đến thọ thực tại đây. Tối hôm đó ông thao thức chẳng ngủ được, dậy sớm đi về phía rừng Trúc Lâm thì có người gọi ông bằng tên tộc. Như thời nay, các đại phú ngày xưa đều muốn dấu tên, ông giật mình hoảng sợ và mới hay người đó là đức Phật đang đi kinh hành buổi sáng. Trong bữa ăn ngày hôm đó, ông xin quy y và mời Phật về Xá-vệ nghỉ trong mùa mưa. Phật nhận lời và cho hay chỗ lưu trú chỉ nên yên tĩnh là được.
Cái chỗ đó thật sự là yên tĩnh nhưng đắt tiền. Cấp Cô Độc tìm ra được một khu vườn xanh tươi, nằm ở phía tây nam kinh thành Xá-vệ. Thế nhưng vườn đó có chủ, nó là của Jeta, con trai nhà vua Ba-tư-nặc. Jeta không chịu bán cho Cấp Cô Độc nhưng dại dột nói chơi thêm “100.000 đồng tiền vàng cũng chưa chắc chịu”. Chẳng may cho Jeta là Cấp Cô Độc là thương nhân, rất sành về hợp đồng mua bán. Theo luật thời đó hễ ai nêu giá là phải bán, nếu nhất định không bán thì đã không nêu giá. Cấp Cô Độc kiện vị hoàng tử, buộc phải bán với cái giá khổng lồ 100.00 đồng tiền vàng. Và công minh thay, nền tư pháp của thời quân chủ ngày đó không hề bênh vực con vua cháu chúa, Jeta phải bán với giá này. Người ta cho rằng số tiền này đủ để mua vàng trải đầy khu vườn. Đó là năm 526.
Khu vườn này được trồng cây cối rậm rạp, một phần là xoài nên có khi được gọi là “rừng xoài”. Ngày nọ có một người đến thăm Phật vì lòng tò mò. Ông là nhà vua Ba-tư-nặc, trị vì nước Kiều-tát-la. Ông nghe sa-môn Cồ-đàm là con trai của Tịnh Phạn mà Tịnh Phạn thật ra là vua của một tiểu quốc thần phục Kiều-tát-la. Đúng ra ta chỉ nên gọi Tịnh Phạn là thống đốc [1] thì phải hơn. Ba-tư-nặc đến tìm Cồ-đàm với sự dè dặt:
“Ba-tư nặc: Thưa Cồ-đàm, phải chăng Ngài là người tự xưng là Phật đã hoàn toàn giác ngộ?”
[1] - Hình trích của R.Grousset, sách đã dẫn
“Phật: Đúng thế, ta tự xưng như thế!”
“Ba-tư-nặc: Các vị Sa-môn và Bà-la-môn khác cũng trả lời tôi là họ cũng giác ngộ hoàn toàn. Làm sao Ngài còn trẻ tuổi và xuất gia chưa lâu mà gọi là giác ngộ hoàn toàn được?”
“Phật: Thưa quốc vương, có bốn thứ ta không nên coi thường vì tuổi còn trẻ: người chiến sĩ, con rắn độc, đốm lửa và vị tỉ-kheo” [2].
[2] Trích Tương Ưng bộ kinh 3,1.
Trước sự hùng biện hóm hỉnh của Phật, Ba-tư-nặc không hề thấy bị xúc phạm. Ông là nhà vua, cùng trẻ tuổi như Phật thế nhưng không được liệt vào “bốn thứ”. Ngược lại ông xin quy y trở thành cư sĩ.
Kể từ năm 508 Phật xem vườn Kỳ viên là trú xứ mùa mưa của mình, Ngài ở đó suốt 18 mùa mưa. Gần đó cách 600m về phía đông có một khu vườn khác tên gọi là Pubbarama của tín nữ Visakha tặng tăng đoàn, tại đó Phật lưu trú sáu mùa mưa.
Từ Basti đi Xá-vệ, đường dẫn qua những làng mạc vô danh, qua những đám rừng rậm có thể làm ta hãi sợ. Bên mặt của con đường xe chạy là con sông Rapti, ngày xưa tên gọi là Achiravati. Kinh thành Xá-vệ ngày xưa nằm trên bờ sông này, nhờ thế mà thuận đường mua bán vì sông chảy về phía đông nam nhập chung với Hằng hà. Trên đường đi, chúng tôi gặp một trận mưa to tưởng chừng như đại hồng thủy kéo tới và cũng nhờ thế mà khi đến Kỳ viên tại Xá-vệ thì mây đen đã tan, để lộ một vùng cây cối xanh tươi không thể nào tả xiết.
Cám ơn thay Nhà nước Ấn Độ, mặc dù dân nghèo lam lũ, mặc dù đạo Phật đã biến mất cách đây 10 thế kỷ nhưng vẫn để tâm săn sóc khu vườn lịch sử này để cho hậu thế có thể tìm thấy trú xứ của Phật trong một tình trạng xứng đáng với tầm vóc của nó.
Tôi bước chậm rãi trong Kỳ viên trên con đường hẹp tráng xi măng mà bây giờ đã sạch bóng sau cơn trưa và nhận rằng lòng mình lúc nào cũng bình an khi đến các thánh địa. Đó là lòng bình an kỳ lạ dù tâm lữ khách háo hức lớn hơn mọi chỗ tôi từng đi qua. Ở đây tôi cảm nhận một không khí thuần tịnh, ở Vesali một khí sắc vương giả, ở Bodh Gaya một tâm tư kính sợ, ở Linh Thứu một lòng cảm động vô hạn, ở Câu-thi-na một khí lực mát lạnh buồn bã, ở Lộc Uyển một lòng hân hoan. Nhưng ở mọi nơi, lòng bình an luôn luôn chan hòa trong mọi cảm nhận đó, nó làm nền cho chúng phát khởi.
Đây là cây bồ-đề mệnh danh “A-nan”, nó được A-nan cho mang một nhánh [3] từ cây bồ-đề gốc tại Bodh Gaya về và do chính tay Cấp Cô Độc trồng. Cây này được trồng vì dân chúng Xá-vệ hỏi Phật khi Ngài đi vắng thì lấy gì để cung kính. Phật cho trồng cây này và đã từng thiền định dưới gốc này một đêm. Ngày nay Phật đã đi vắng, tôi đành cung kính Ngài bằng cách thắp một cây hương cắm dưới gốc cây.
[3] Theo một tài liệu thì Mục Kiền Liên dùng thần thông đến lấy nhánh con đó ở Bodh Gaya trong nháy mắt
Đi thêm khoảng 100m nữa thì bên trái là đền Gandhakuti, chỗ thiêng liêng nhất của Kỳ viên, đó là trú xứ của Phật, chỗ Ngài ở suốt 18 mùa mưa, ngày nay chỉ còn nền đá. Trên nền này đã có nhiều công trình xây dựng sau đó, chúng cũng lại bị đổ nát theo thời gian. Theo tài liệu khoa học thì nền gạch nung còn lại ngày nay là từ thời đại Gupta (320-510 sau công nguyên). Trong thế kỷ thứ 5 lúc Pháp Hiển đến đây, ông còn thấy dấu tích một ngôi tháp gỗ bảy tầng đã bị cháy, thay vào
Sơ đồ vườn Kỳ viên. Phía trên là Gandhakuti. Phía dưới bên mặt là cây bồ-đề [4] đó là một ngôi tháp gạch hai tầng. Hai thế kỷ sau, lúc Huyền Trang đến thì ngôi tháp gạch cũng đã đổ nát. Có lẽ các viên gạch đỏ này là di tích nền tháp xây trong thế kỷ thứ năm đó. Những cảnh thành hoại trong các kiến trúc xây dựng này chỉ nhắc tôi nhớ lại kinh Kim Cương mà Phật thuyết ngay tại chốn này:
Tất cả pháp hữu vi,
Như bào mộng, như huyễn thuật, như bọt nước,
Như sương mai, như tia chớp,
Cần phải quán như vậy.
Nguyễn Tường Bách
HẾT CHƯƠNG 9 (Kính mời xem tiếp chương 10: Hạt cải cho Phật- Đăng trên blog này ngày 29-03-17.) Tại đây

Không có nhận xét nào: