Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Đẳng cấp hay số lượng?

Đẳng cấp hay số lượng?
(Copy từ http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/219/dang-cap-hay-so-luong-.ndt và  http://nvhung.nqtam.com/bai-bao/dang-cap-hay-so-luong/  , tác giả: Nguyễn Văn Hùng ; đã đăng ngày 08/07/14 lúc 12:07.)
Tại  TP HCM, cùng với  các công viên Tao  Đàn, Lê Văn Tám, 23 Tháng 9… công viên Gia Định vừa mới đưa vào hoạt động một nhà vệ sinh công cộng năm sao. Sạch, đẹp và sang trọng, thậm chí “hơn cả Singapore”… là những lời mà người dân, dù đã sử dụng hay chỉ nhìn thấy bên ngoài các nhà vệ sinh công cộng nói trên phải thốt lên.
nhà vệ sinh 5 sao
Một trong hai nhà vệ sinh 5 sao tại TP.HCM. Ảnh MTG
Tuy nhiên, việc xuất hiện các nhà vệ sinh công cộng năm sao tại TP.HCM không chỉ toàn nhận được ý kiến đồng tình khen ngợi. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng bằng hình thức xã hội hoá, không dùng tiền ngân sách mà lại sạch đẹp như vậy rất đáng hoan ngênh, nhân rộng ra cả nước. Luồng ý kiến thứ hai lại quan tâm đến vị trí xây dựng nhà vệ sinh, cụ thể là việc “đẩy” nhà vệ sinh ra mặt tiền như đã làm ở công viên Gia Định là không phù hợp tập quán, phong tục, người Việt vốn thường “giấu” chốn tế nhị ấy ở phía sau, chỗ khuất…
Ý kiến này còn tâm đắc việc nhiều nước đưa nhà vệ sinh công cộng xuống lòng đất, vừa kín đáo lại vừa tiết kiệm mặt bằng đô thị. Trong khi đó, luồng ý kiến thứ ba, cũng là ý kiến nhiều người quan tâm hơn thì cho rằng, cho dù xây dựng bằng vốn xã hội hoá, cụ thể là do một ngân hàng thương mại bỏ ra, thì với suất đầu tư tới mức từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng cho mỗi nhà vệ sinh rộng 60m2 kể trên là quá cao và lãng phí.
Với số tiền ấy, nếu chỉ đặt tiêu chuẩn chất lượng hợp lý ở mức cần thiết, chúng ta có thể xây dựng được nhiều nhà vệ sinh công cộng hơn, đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay của thành phố thay vì chỉ làm được số ít theo kiểu “làm cảnh” như vậy. Liên quan đến luồng ý kiến thứ ba này, người ta còn nhấn mạnh rằng, với một đất nước GDP bình quân đầu người mới ở mức trung bình thấp và xã hội còn ngổn ngang bao chuyện cần giải quyết thì chưa cần nhà vệ sinh công cộng cỡ năm sao. Mặt khác, đối tượng nhà vệ sinh công cộng phục vụ hiện tại lại chủ yếu là những người chạy xe ôm, bán vé số, hàng rong, thu lượm ve chai… họ đang rất cần có nhiều nhà vệ sinh công cộng ở khắp nơi hơn là cần những nhà vệ sinh đẳng cấp quốc tế với trang bị đắt tiền.
Ngoài nhữngý kiến trực tiếp liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng 11 nhà vệ sinh công cộng đang tiến hành tại các công viên, bến xe của TP.HCM thu hút chú ý của dư luận từ đầu năm 2014 đến nay, xung quanh câu chuyện này còn có một suy nghĩ rất đáng chú ý khác.
Đó là đề nghị vận dụng kinh nghiệm rất hay của các nước tiên tiến đã đi trước chúng ta hàng trăm năm: yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ, trước hết là các cây xăng phải có nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí người đi đường. Đương nhiên những nhà vệ sinh này không cần quá sang trọng nhưng cũng không thể làm cho có để đối phó mà phải bảo đảm chuẩn về diện tích, tiện ích trung bình.
Như nước Mỹ chẳng hạn, trong một chuyến du lịch gần đây người viết bài này đã mục sở thị sự vô cùng cần thiết của dạng nhà vệ sinh tại các cây xăng. Và chắc chắn thực hiện việc này ở nước ta cũng không đến nỗi phức tạp khó khăn, có thể phổ biến. Đó là chỉ cần Chính phủ đưa vào quy định điều kiện cấp phép kinh doanh cây xăng là có thể làm được ngay. Cái được nhất của cách làm này, ngoài tận dụng được nguồn vốn xã hội hoá, sự phân bố dựa trên nhu cầu thị trường, mật độ dân cư – giao thông… của hệ thống cây xăng cũng sẽ dẫn tới phân bố hợp lý của các nhà vệ sinh công cộng mỗi đô thị, địa phương.
Từ chuyện vận động doanh nghiệp – ngân hàng bỏ vốn đầu tư nhà vệ sinh năm sao như một hình thức quảng cáo với thành công bước đầu tại TP.HCM, chính quyền và các nhà quản lý có thể nghĩ đến phát triển nhanh các loại cơ sở hạ tầng đô thị khác mà không cần đầu tư ngân sách. Như nhu cầu cấp bách về cầu vượt bộ hành chẳng hạn. Nếu như có chủ trương cho phép doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng cầu vượt bộ hành rồi quảng cáo trên công trình ấy 10 – 20 năm thì tin rằng sẽ có không ít tập đoàn, công ty… sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền các đô thị. Và cái lợi là nhãn tiền: các thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội và TP.HCM sẽ nhanh chóng “phủ” hệ thống cầu vượt bộ hành góp phần giải quyết vấn nạn giao thông đang rất trầm trọng.
Huy động các nguồn vốn xã hội, chủ yếu của doanh nghiệp – doanh nhân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị không phải là vấn đề mới và có thể làm được, làm nhanh nếu có chủ trương, chính sách khuyến khích phù hợp. Đương nhiên ai cũng rõ vấn đề nằm ở việc ban hành chính sách và thực thi chính sách của các cấp chính quyền. Tiếc rằng đây cũng lại là một khâu yếu của nước ta hiện nay. Như việc hô hào tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm ở TP.HCM, dự án tại công viên Lê Văn Tám là một ví dụ buồn. Dù đã gần chục năm trôi qua mà nhà đầu tư vẫn cứ phải “bơi” mãi trong “rừng thủ tục” thì đáng lo thật!
Nguyễn Văn Hùng


Không có nhận xét nào: