Vẫn quá dựa dẫm vào “ông trời”?
(Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/item/32088802-van-qua-dua-dam-vao-%E2%80%9Cong-troi%E2%80%9D.html , tác giả: Cẩm Hà , đã đăng ngày 17/02/2017, 10:33.)
Trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ (từ 1979 đến 2016), thể tích băng ở Bắc Băng Dương đã giảm tới 74% - một chỉ dấu rõ ràng về tình trạng nóng lên toàn cầu. Phá vỡ kỷ lục của năm 2015, năm 2016 vừa qua đã trở thành năm nóng nhất kể từ năm 1880 trở lại đây.
Việt Nam, tất nhiên, cũng không nằm ngoài quy luật. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia mới đây cho biết, năm 2017, miền bắc đang có mùa đông ấm nhất trong 10 năm qua với nhiệt độ trung bình tháng 12 - 2016 cao hơn mức trung bình tới 3 độ C. Không chỉ có vậy, sau khi kết thúc một đợt El Nino chuyển sang La Nina, thời tiết trở nên nắng hanh nhiều, chênh lệch giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm lên tới hàng chục độ. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, nhiều tỉnh miền trung và Nam Bộ phải hứng chịu những cơn mưa dai dẳng khác với mọi năm.
Và có lẽ vì thế, hoa anh đào (mà người dân địa phương quen gọi là mai anh đào, dù giống cây này không thuộc họ mai) đã không nở rộ ở Đà Lạt vào dịp giữa tháng hai này như kỳ vọng của Ban tổ chức lễ hội hoa anh đào. Lễ hội bị hủy, khiến nhiều công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng… khóc dở mếu dở. “Thượng đế” - là những du khách đang háo hức đến cao nguyên đón mùa hoa rực rỡ này - cũng… buồn theo.
Nếu từ một khía cạnh, có thể đây coi là một thí dụ điển hình về tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đến đời sống kinh tế xã hội, thì nhìn từ một khía cạnh khác, có thể thấy tâm lý “trông trời, trông đất, trông mây” tự bao đời nay cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi là bao. Câu chuyện mùa đông ấm kỷ lục đã từng xảy ra ngay trong năm 2015, sự đỏng đảnh thất thường của thời tiết những năm gần đây không còn là chuyện lạ, ấy vậy mà để tổ chức cả một lễ hội hoa, thì nhân vật chính dường như đã không được quan tâm theo dõi sát sao, chăm sóc chu đáo. Cây đã được bón thêm phân, ủ ấm gốc, sử dụng những loại hóa chất kích thích tăng trưởng? (Giao thừa chỉ là một khoảnh khắc, vậy mà người chơi khéo tay gọt củ, thay nước ấm… vẫn có thể “mời” được những bông thủy tiên tinh khôi trắng muốt bung cánh đúng vào thời khắc thiêng liêng ấy cơ mà?). Và sau cùng, kể cả khi đã làm tất cả mà vẫn bó tay thúc thủ trước thiên nhiên, sẽ không ai nỡ trách nếu Ban tổ chức đã có một đôi lời dự báo từ trước, chứ không để đến nỗi chỉ còn vài ngày là đến hẹn với hoa thì mới loan báo tin không hay, để lại thật nhiều hụt hẫng.
Nhìn rộng hơn, theo ông Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng), biến đổi khí hậu đang làm cho thời tiết trở nên cực đoan và khó dự đoán hơn, do đó, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phải tính đến hiệu quả về mặt kinh tế trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng phải lường trước những tình huống bất ngờ trong dài hạn.
Cuối cùng, có lẽ cũng không thừa khi nhắc lại rằng theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI) mà Maplecroft - một công ty của Anh chuyên phân tích rủi ro - đánh giá tại gần 200 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ 23, là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao” do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cẩm Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét