Dạy và học Toán: phải thay đổi!
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170309/day-va-hoc-toan-phai-thay-doi/1277129.html , tác giả: Hà Bình; đã đăng ngày 09/03/17 lúc 09 :13.
TTO - “Phải thay đổi chương trình dạy toán. Đó là một cuộc cách mạng. Học sinh của chúng ta rất thông minh, nhưng bị kìm hãm khi phải học thêm quá nhiều những cái không cần thiết".
Giờ học môn toán của học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
“Phải thay đổi chương trình dạy toán. Đó là một cuộc cách mạng. Học sinh của chúng ta rất thông minh, nhưng bị kìm hãm khi phải học thêm quá nhiều những cái không cần thiết"
|
ông TRẦN PHƯƠNG |
“Học toán bậc phổ thông ở nước ta hiện nay nhiều kiến thức bị lãng phí: học rất công phu nhưng chỉ sử dụng vào các kỳ thi. Trong khi thế giới mênh mông, kiến thức vô tận, cần ưu tiên học những gì vừa phát triển tư duy vừa tiệm cận với cuộc sống sẽ thiết thực, hữu ích hơn...”.
Đó là ý kiến của ông TRẦN PHƯƠNG - giáo viên dạy toán, phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - trong cuộc trò chuyện vớiTuổi Trẻmới đây.
Sa đà vào thủ thuật
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng với kiến thức toán được dạy ở phổ thông, học sinh học nhiều nhưng dùng chẳng bao nhiêu. Ông nghĩ gì về việc này?
- Lâu nay, để thi vào các trường THPT chuyên, thi học sinh giỏi, thi đại học, học sinh phải ôn luyện rất nhiều kiến thức, thủ thuật, mẹo - vốn là đặc trưng rất riêng của đề thi ở Việt Nam.
Chẳng hạn, các em phải ôn luyện khoảng 100 loại, dạng phương trình, bất phương trình, hệ phương trình, hệ bất phương trình, bất đẳng thức. Các bài toán phương trình trong đề thi như là trò chơi về các con số, các biểu thức, các phép toán mà không gắn được với yếu tố thực tiễn...
Tóm lại, chương trình và các đề thi hiện nay dẫn đến việc dạy toán sa đà vào các thủ thuật để đi vào đường tắt, ngõ hẻm mà không đi theo đại lộ để hòa vào dòng chảy chung của thế giới.
* Dòng chảy ấy là gì, thưa ông?
- Ngoài sứ mệnh phát triển tư duy, toán học cần phải định hướng gắn với yếu tố thực tiễn. Các nước có nền giáo dục phát triển thường xây dựng chương trình toán phổ thông theo mô hình chóp, với đáy dưới là bậc tiểu học - được chú trọng nhất, còn phần chóp là bậc THPT. Thậm chí, tại nền giáo dục tốt nhất thế giới là Phần Lan còn bỏ môn toán ở bậc THPT.
Thiết kế chương trình toán học hướng con người đến việc nắm bắt để vận dụng 7 kỹ năng thường gặp trong cuộc sống đó là: cân (khối lượng); đong (dung tích); đo (độ dài, thời gian); đếm - tính (số lượng), vẽ (đồ thị); ước lượng (xác suất, thống kê) và logic (tư duy thuận và phản biện), với nền tảng là bốn phép toán số học cộng, trừ, nhân, chia...
Ông TRẦN PHƯƠNG - Ảnh: Q.Định |
Nhồi nhét thông tin, kiến thức
* Học những kiến thức không dùng đến như vậy ngoài sự
lãng phí, còn để lại những hệ quả nào?
- Như chúng ta biết, học sinh Việt Nam có chỉ số đánh giá năng lực của PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do các nước phát triển khởi xướng - PV) khá cao; thành tích thi toán quốc tế ở cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT là khá tốt. Kết quả học tập của các du học sinh Việt Nam tại các đại học trên thế giới cũng tốt, nhưng chỉ có rất ít cá nhân tỏa sáng sau đại học.
Nguyên nhân chính là do năng lượng của mỗi người là hữu hạn. Học sinh Việt đã bắt đầu “đốt cháy” từ bậc tiểu học, “cháy to” từ bậc THPT, và “cháy hết mình” ở bậc đại học, thì sẽ lịm tắt ở sau đại học. Nếu học sinh Việt không bị mất năng lượng để “tiêu hóa” những thủ thuật và kiến thức - có thể nói là khá vô bổ - mà đi theo dòng chảy của thế giới, thì có thể nhiều em tỏa sáng ở bậc sau đại học và trở thành công dân
toàn cầu...
* Đào tạo nhiều học sinh đạt huy chương vàng toán quốc tế, ông đánh giá thế nào giữa học sinh nước ta và học sinh các nước qua các kỳ thi toán
quốc tế?
- Tôi là giáo viên được mời dạy các đội tuyển, chứ không trực tiếp dẫn các em đi thi. Qua kết quả các cuộc thi và nghe lãnh đạo đội tuyển nhận xét thì học sinh Việt Nam có trí tuệ, tư duy không thua kém với các nước dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tuy nhiên, tình trạng học không có định hướng theo năng lực và điểm rơi tương lai, bị nhồi nhét thông tin, chất chứa nhiều kiến thức không cần thiết sẽ cản bước sự tỏa sáng sau này.
* Vậy, điều này có liên hệ gì
với việc nước ta có nhiều người tài giỏi nhưng đất nước vẫn chưa giàu ?
- Theo tôi, chuyện giàu hay nghèo trước hết do cách tư duy và tổ chức quản lý. Thứ hai, do ứng xử với tài năng của các cơ quan có trách nhiệm. Thứ ba, do quan niệm về tài năng, nước ta có nhiều “người tài”, nhưng chỉ “tài” ở giai đoạn đi học kiến thức của nhân loại thôi.
Còn giai đoạn sáng tạo những sản phẩm hay giải pháp hữu ích với đời sống thì có rất ít người. Hãy nhìn vào nghịch lý một nước nghèo như Việt Nam nhưng lại có tỉ lệ tiến sĩ, thạc sĩ trên số dân ở tốp đầu thế giới.
Sáng tạo ra sản phẩm hay giải pháp cho thực tiễn cuộc sống mới là đích đến, chứ không chỉ là giải các bài toán từ sách vở. Với hiện trạng như Việt Nam, chúng ta cần tạo ra các nhà khoa học biết đứng trên vai người khổng lồ, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất của thế giới để phát triển tối ưu cho đất nước.
Định hướng lại việc
dạy toán
* Theo ông, việc dạy toán cho học sinh phổ thông nên thay đổi như thế nào?
- Quan điểm của tôi là chú trọng dạy toán cho học sinh ở tiểu học và THCS, dạy thật bài bản. Chương trình cơ bản toán học thường thức nên dạy cho các em 5 cấp độ ở bậc tiểu học, và THCS hướng đến 7 kỹ năng thường gặp trong cuộc sống như đã nói ở trên.
Cấp độ cao hơn chỉ dành cho học sinh THPT có xu hướng nghiên cứu khoa học tự nhiên hay công nghệ thông tin. Còn học sinh có năng khiếu nghệ thuật, thể thao hay thích theo ngành xã hội thì không cần học đạo hàm hay tích phân, không cần phải học toán ở bậc THPT.
Với các học sinh chuyên, nên chọn sớm học toán kết nối công nghệ thông tin và toán kết nối với kinh tế tài chính.
* Việc thay đổi đó nên bắt đầu như thế nào?
- Trước hết phải thay đổi việc biên soạn sách giáo khoa. Sách giáo khoa đại trà có thể tham khảo các bộ sách toán của các nền giáo dục tiêu biểu của thế giới. Nhưng nếu muốn học sinh tinh hoa của Việt Nam có năng lực vượt trội để hướng đến công dân toàn cầu, thì cần có thêm những bộ sách riêng cho học sinh tinh hoa.
Để tạo ra giáo trình này thì ngoài giới hàn lâm, nên cầu kiến những người Việt đang làm ở các công ty công nghệ hàng đầu, những trung tâm tài chính lớn trên thế giới tham gia dự án.
Hoặc dễ hơn, nhanh hơn là nhập khẩu một bộ giáo trình “chuẩn” của một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu, vì toán học là ngôn ngữ chung trên toàn thế giới.
Thầy Trần Phương vốn nổi danh ở Hà Nội như một giáo viên “hot” chuyên dạy luyện thi đại học. Hiện thầy không luyện thi đại học, chỉ giảng dạy cho các đội tuyển Việt Nam khối tiểu học, THCS tham dự các cuộc thi
quốc tế.
Từ năm 2010 đến nay, học trò của ông đạt 55 huy chương vàng toán quốc tế, nhiều người được học bổng toàn phần của các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Ông cũng là tác giả của 30 đầu sách toán cho học sinh giỏi thi quốc gia, quốc tế và thi đại học. Bản tóm tắt cuốn Những viên kim cương trong bất đẳng thức toán học của ông đã được tặng cho 95 đoàn thi toán quốc tế IMO lần thứ 48 tại Việt Nam (2007).
Hà Bình thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét