Cuộc hội ngộ tuyệt vời ở Vũng Tàu
(Copy từ http://nld.com.vn/chinh-tri/cuoc-hoi-ngo-tuyet-voi-o-vung-tau-20170323162234743.htm, tác giả: Ngọc Giang; 9 ảnh; đã đăng ngày 23/03/17 lúc 18:01.)
(NLĐO) – Cuộc hội ngộ của thầy, cô tóc đã bạc trắng, cùng cả ngàn học sinh đã ngoài 60 tuổi để lại những cảm xúc tuyệt vời
Tối 22-3-17, tại Khu du lịch Hồ Mây (TP Vũng Tàu), Ban Liên lạc học sinh miền Nam toàn quốc đã tổ chức đêm gala “Ngày hội ngộ cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc” với sự tham gia của hơn 1.200 người, là thầy cô giáo và cựu học sinh miền Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cuộc hội ngộ tuyệt vời này kéo dài trong 3 ngày.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình được lập lại, Đảng và nhà nước đã thành lập hệ thống trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4-17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra để học tập chuẩn bị vừa cho việc xây dựng miền Bắc vừa cho việc tiếp quản miền Nam.
Kể từ năm 1954 – 1975, ước tính có hơn 32.000 học sinh miền Nam tập kết ra đất Bắc để học tập. Thời gian trôi qua, con số ấy cũng vơi dần theo, có người đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, có người vì tuổi già sức yếu đã ra đi.
Cuộc hội ngộ diễn ra trong không khí ấm cúng và xúc động, các thế hệ cựu học sinh miền Nam cùng ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường nội trú dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhắc tới những năm tháng đó, hầu hết các cựu học sinh miền Nam đều nhớ về những ngày tháng được nhân dân miền Bắc đùm bọc, cưu mang.
Các cựu học sinh kể lại rằng, học sinh miền Nam lần lượt theo chân bộ đội tập kết, đi bộ vượt dãy Trường Sơn, đi tàu thủy ra Thanh Hóa, Hải Phòng... rồi lần lượt ra vùng giải phóng để học tập. Học sinh được đón tại các điểm Sầm Sơn (Thanh hóa), Cửa Hội (Nghệ An), sắp xếp ăn ở trong các gia đình người dân miền Bắc một thời gian rồi được đưa đi các nơi để học tập.
Có nhiều người được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực xây dựng quê hương, xây dựng Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các địa phương.
Đến nay đã hơn 60 năm trôi qua, những giây phút ấy như còn in dấu trong tâm trí của mỗi người học sinh miền Nam. Khi tuổi đã xế, họ gặp lại nhau trong niềm vui hân hoan của thời bình, khi người còn kẻ mất, họ xúc động kể cho nhau những câu chuyện khi đất nước còn khó khăn.
Ông Đậu Văn Hoá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cáp treo cũng là cựu học sinh miền Nam ra đất Bắc đã rất xúc động khi gặp lại bạn bè sau nhiều năm xa cách. Xa miền Nam từ năm lên 7 tuổi, tới nay đã hơn 70 tuổi, ông là những thế hệ đầu tiên được cử ra Bắc học tập và được người dân bảo bọc, chở che suốt nhiều năm tháng. Vì mong muốn có được cuộc hội ngộ, ông đã kết nối và đứng ra tài trợ tổ chức buổi gặp gỡ với hy vọng được trò chuyện cùng nhau, ôn lại những kỷ niệm đầy thương nhớ.
Bác Trương Bích Khuê nói mỗi lần được gặp lại bạn bè cũ hoặc những dịp về thăm trường cũ, bà luôn vẹn nguyên cảm giác xúc động, bồi hồi. Những ngày tới lớp, những giờ học ra học, làm ra làm, chơi ra chơi. “Tôi thầm cảm ơn những tháng ngày đó, chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng, được thầy cô cũng như nhân dân miền Bắc chở che, chăm sóc để có được chúng tôi của những ngày hôm nay”, bà Khuê nghẹn ngào.
Trong đêm gặp mặt, không chỉ có sự góp mặt của đông đảo các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, mà còn có mặt của những thầy cô giáo đã đóng góp phần không nhỏ trong quá trình học tập của các học sinh. Tới nay, các thầy cô đều đã già, nhìn các cựu học sinh cẩn thận dìu thầy, cô từng bước khiến nhiều người nước mắt rưng rưng. Họ chuyền tay nhau những tấm hình kỷ niệm đã ngả màu, những món quà chưa từng có cơ hội để trao hay những lời nói nhớ thương sau bao năm cùng chung sống.
Hơn 1.200 cựu học sinh đã sinh hoạt cùng nhau trong 3 ngày tại Vũng Tàu, kể cho nhau nghe về cuộc sống gia đình. Có những người sau khi trở về đã yêu và lấy nhau, cũng có những người không còn một nửa bên cạnh nữa. Nhưng có điểm chung rằng, họ đã mất mát, thiếu thốn về tuổi thơ khi xa gia đình ra Bắc, đổi lại được bù đắp bằng tình cảm bạn bè, tình yêu thương của những người dân miền Bắc.
Bài, ảnh: Ngọc Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét