Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Mưu sinh trên vùng đất Lạc Địa

Mưu sinh trên vùng đất Lạc Địa
(Copy từ http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=51891 ; tác giả: Trọng Đạt; đã đăng ngày 30-11-16 lúc 07:36, mục Kinh tế.)

Địa thế hoang vu tại bưng Lạc Địa được các nhà làm du lịch đánh giá rất cao.
Dân gian có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” và hầu như xung quanh gần 100 căn nhà tạm bợ của cư dân bưng Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) đều có sự xuất hiện của bầy vịt kêu quạc quạc suốt đêm ngày.
Ông Nguyễn Văn Lắm, 48 tuổi, canh tác 8 công đất trong khu đồng nước Lạc Địa chia sẻ: “Sau 16 năm cả gia đình đùm túm vào sống trong khu đồng nước thăm thẳm này nhưng vẫn chưa thực hiện nổi ước mơ có tiền mua được 300m2 đất bên ngoài cất nhà. Nếu cứ kéo dài mãi như thế này thì khát vọng đó cũng chỉ là giấc mơ…”.
Năm nuôi cá rô nhớ đời
Ông Lắm là một trong những người đang sống tại đây hiểu rõ nhất về vùng đìa nước lặng lẽ này. “Năm 17 tuổi (1985), tôi xin vào Công an xã nhưng được bố trí cùng với 11 anh, em khác làm bảo vệ ngư trường Lạc Địa. Hơn 4 năm sau, ngư trường giải thể. Từ đó, tôi theo nghề đi biển mãi cho đến năm 2000, Nhà nước cho những hộ nghèo trong xã được đăng ký vào canh tác và sinh sống trong khu này cho đến nay” - ông Lắm nhớ lại.
Lúc ấy, bưng Lạc Địa như một đìa nước chằng chịt những cây dại như trâm bầu và nhiều nhất là sậy. Những gia đình nghèo ấy cùng nhau phát quang và dần dần làm hồi sinh sức sống con người giữa rừng nước tối tăm. Tuy nhiên, cách chia mỗi tổ 7 gia đình, cùng làm chung, ăn chung của chính quyền địa phương đã nảy sinh những mâu thuẫn và dẫn đến sự tự chia rẽ phân đất làm riêng giữa họ.
“Mưa thì sình lầy, nắng thì cát bủn bay mịt mù khiến cho chúng tôi thỉnh thoảng mới giao thương với bên ngoài. Năm 2003, tôi liều đi vay ngân hàng 7 triệu đồng về thuê kobe nong đìa, đắp liếp để nuôi cá, trồng rau cho cuộc sống đỡ hơn. Và nhờ trời thương, cuối năm ấy, thu mấy đìa cá lãi được hơn chục triệu đồng. Thấy ngon quá, năm 2004, tôi dùng hết vốn liếng đầu tư nuôi cá rô. Nhưng 7 phần cá giống lớn lên không phải cá rô, trong khi 3 phần còn lại đến khi thu hoạch thì không ai mua. Lỗ hơn 10 triệu đồng trong vụ đó nên cho đến tận nay, đìa sinh con cá đồng nào thì bắt lên ăn chứ không dám nuôi nữa” - ông Lắm buồn hiu nhớ lại.
“Vụ cá năm ấy, đâu chỉ ông Lắm mà hầu hết những gia đình sinh sống nơi đây đều nuôi cá rô và có kết cục thảm hại như vậy” - lão nông Nguyễn Văn Lạc, canh tác 7,5 công đìa gần hộ ông Lắm chia sẻ. Ngay sau đó, lão nông này nói về nguyên nhân: “Năm ấy, việc mua hớ cá giống nên thất bại chỉ là một phần, nguyên nhân sâu xa và kéo dài cho đến tận hôm nay chính là người nông dân nghèo chúng tôi không có điều kiện am hiểu về thị trường tiêu thụ, về khoa học kỹ thuật nuôi và các thứ khác nữa để có thể làm nông hiệu quả. Mặt khác, ở trong bưng luôn bất lợi đủ đường. Tôi đơn cử như con đường, tệ như vậy, nên đại lý giao thức ăn tận nơi luôn tính giá cao. Trong khi đó, người nuôi đến thu hoạch thì bán cá giá lại thấp hơn cũng vì chi phí vận chuyển. Sau năm nuôi cá rô nhớ đời đó, phần lớn chúng tôi đã không dám nuôi nữa. Một số ít gia đình tiếp tục đầu tư nuôi phải chịu lỗ đều đều. Nhưng cũng may, vài năm gần đây, nhờ việc nuôi bò, trồng dừa mà đời sống chúng tôi mới đỡ hơn”.
Hướng khai thác tiềm năng
Mặt trời chiều rồi cũng dần dần hướng xuống phía sau những cái chuồng bò được cất kiên cố hơn các căn nhà của chính những cư dân nơi đây. Vì phần lớn cư dân sinh sống ở đây đều có nhà cửa bên ngoài bưng. “Cố tri đi hết chỉ còn cố lì ở lại - tôi nói “cố tri” đó là những người làm tổ trưởng, tổ phó vào đây rồi nhanh chóng sang đất bằng giấy tay lại cho người khác vào làm và ra ngoài, còn “cố lì” là những người như gia đình tôi nè. Vì bên ngoài không cục đất chọi chim nên đi đâu cho được nữa. Theo tôi biết hiện những người “cố lì” hơn 10 gia đình” - ông Lắm tâm tư.
8 công đất của gia đình ông Lắm phần lớn là đìa trồng sen hoặc rau nhút. Trên các liếp mỏng, ông trồng vài bụi chuối xiêm xen kẽ với khoảng 100 cây dừa chuẩn bị cho trái. Trong khi hơn công đất ruộng thì trồng lúa và cỏ để nuôi 2 con bò cái. Ông tâm sự: “Sống cứ như tự cung tự cấp vậy đó, lúa đủ ăn, rau dưới nước hái ra chợ bán hàng ngày mua dầu lửa, nước mắm... Nhưng nuôi cặp bò đã chục năm qua mà không giữ nổi con bò nghé lại nuôi cho lớn được, trong khi cỏ thì mênh mông mà bò nghé phải bán để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Cả đời chắc cũng không khá nổi quá. Nhưng điều mà tôi ray rứt nhất cuộc đời mình chính là ước mơ thành cô giáo của 3 đứa con gái của tôi bị chết nghẹn lần lượt. Cái nghèo đã buộc tôi không thể làm gì cứu vãn được”.
Bóng tối của đêm cuối tháng rồi cũng làm khuất dạng những đìa nước lắm cá đồng núp dưới lá sen hay những bè rau nhút, cùng với đó là những căn nhà rách nát tạm bợ cũng lẩn khuất mắt người. Tôi quan sát mãi vẫn không có thấy một tia sáng đèn điện nào vụt lên cả. “Nếu có thể ở lại đến hừng đông, chú mày sẽ thấy hàng trăm xe chở cỏ, rau, cá đồng từ bưng ra ngoài. Nhưng điều đó chắc sẽ không còn giữ được lâu nữa, vì các doanh nghiệp sẽ vào đây làm du lịch và nông nghiệp theo công nghệ cao. Tôi cũng như mọi người ở đây không hề phản đối điều đó, chỉ mong được tiếp tục góp sức cùng doanh nghiệp khai thác lợi thế, tiềm năng vùng đất này theo hướng hiệu quả hơn. Chúng tôi nhận thức nông dân mà không có doanh nghiệp cùng tham gia thì biết đời nào khá lên cho được” - nhắn nhủ xong, lão nông Hồ Văn Nhiên, 69 tuổi, chui vội vào lều vì muỗi bên ngoài bay kêu như sáo thổi.
Quy hoạch khu du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - lịch sử bưng Lạc Địa
Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa là di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng, tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ. Lạc Địa là vùng đất trũng, rộng lớn khoảng 120ha. Đây là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Lạc Địa là nơi đứng chân hoạt động thường xuyên của cán bộ cách mạng không chỉ của xã Phú Lễ mà còn của các xã lân cận như: Phú Ngãi, Phước Tuy, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, bộ đội tỉnh, đặc công huyện… Vùng đất luôn làm kẻ thù phải khiếp sợ này từng lưu dấu biết bao chiến công hiển hách của quân và dân huyện Ba Tri.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch khu du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa - lịch sử bưng Lạc Địa, với diện tích 52ha. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân dân vùng Lạc Địa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; giúp địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân. Diện tích còn lại sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và thời gian tới sẽ được chính quyền mở thầu đấu giá cho thuê đất rộng rãi nhằm tạo điều kiện cho tất cả cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư.




  • Bài, ảnh: Trọng Đạt
  • Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

    Sửa chậm hơn rùa!

    Sửa chậm hơn rùa!
    (Copy từ http://laodong.com.vn/noi-hay-dung/sua-cham-hon-rua-615027.bld ; tác giả: Lý Sinh Sự, đã đăng ngày 28-11-16 lúc 07:56.)

    - Sau kỳ họp Quốc hội, các đại biểu sẽ tiếp xúc cử tri, các HĐND lại họp, nhiều quyết định mới sẽ được thi hành, chờ đợi những thay đổi cụ thể ở các địa phương.

    - Thay đổi đến đâu còn chờ, nhưng có tin TP.Đà Nẵng đã có phương án sẽ trình HĐND giảm số tổ dân phố, thôn từ con số 5.870 xuống còn 2.760. Như thế cũng có nghĩa giảm 50% số cán bộ cơ sở. Cũng tiết kiệm được một khoản tiền ngân sách. Tuy là làm thêm nhưng “lương” tổ trưởng, trưởng thôn là 0,5; phó là 0,3 lương tối thiểu. Nếu cả nước “dồn điền đổi thửa” như vậy cũng tinh giản được bộ máy và tiết kiệm nhiều tiền để làm việc khác.
    - Có một tờ báo trưng cầu ý kiến bạn đọc đã cho ra kết quả 76,71% số người góp ý đề nghị giữ nguyên tuổi hưu như cũ. Cũng dịp này có nhiều “bình luận” nghe cũng vui, có người nhắc đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” tức là trước khi nghỉ hưu nhiều “sếp” bổ nhiệm hàng loạt chức danh lãnh đạo mới, đến mức một số nơi cán bộ nhiều hơn nhân viên! Nay “hoàng hôn” kéo dài thêm 2 năm nữa (nếu vẫn quy định đảm nhận chức vụ) thì tất cả các “chiến dịch bổ nhiệm” sẽ dài lê thê và tất cả vẫn “đúng quy trình”, bác nhỉ!
    - Vấn đề giáo dục lúc nào cũng sôi sùng sục vì các kiểu đổi mới từ thi cử, đến cách dạy, cách đánh giá học sinh, các mô hình mới của thế giới. Cho đến nay vẫn chưa ai lý giải được vì sao niên học nào cũng có thay đổi. Hình như các nhà giáo dục của ta chưa bao giờ hài lòng với chính mình. Còn học sinh và phụ huynh lúc nào cũng lo ngay ngáy về các thay đổi buộc phải theo.
    - Bác ơi, bàn nhiều, nói nhiều thật đấy, nhưng “qua sông lụy đò”, phụ huynh ai dám kêu ca đâu. Tuy nhiên, có một vấn đề rất chi là bức xúc mà chẳng thấy các bác nói tới. Đó là 191.000 cử nhân tốt nghiệp hiện đang thất nghiệp. “Học để làm gì?” là câu hỏi vẫn treo lủng lẳng như cái móc cần trục nằm im lìm ở các dự án treo.
    - Cũng không ít chỗ sai thì làm nhanh như gió, sửa thì chậm hơn rùa bò.

    Khu vườn bất tận

    Khu vườn bất tận
    ( Copy từ http://www.maxreading.com/sach-hay/truyen-ngan-hay-tuoi-tre-chu-nhat/khu-vuon-bat-tan-13656.html ; tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần ; đã đăng ngày trên trang maxreading.com/  mục Sách > Văn Học Trong Nước >  Truyện ngắn hay Tuổi trẻ Chủ nhật.)
    TTO - Tôi hay có những giấc mơ kéo dài từ hai giờ đến khoảng bốn giờ sáng thì xong. Những giấc mơ đó luôn khiến tôi suy nghĩ nhiều vì độ khó hiểu của nó. Có khi tôi thấy mình như một tờ giấy thấm và tôi hút các đường nét xung quanh mình; cũng có khi là giọt mực và tôi bắt đầu loang ra trên nệm một vết dài đúng bằng chiều cao của tôi.
    Đó là những giấc mơ luôn lặp lại. Xong tôi dậy, đầu váng vất cảm giác loang ra và thu vào khó hiểu đó.
    Tôi ra chợ coi hàng với mẹ. Nhà tôi có một sạp nhỏ bán hoa tươi. Đây cũng là nhu cầu xuất phát từ ý nghĩ mơ mộng của tôi và gần như điên rồ: tôi thích hoa và thích trồng hoa. Nhà tôi có một mảnh vườn rất rộng trồng đủ loại, từ mào gà tầm thường tôi chuyển sang những loại cao cấp hơn, quí hiếm hơn và nhân lên vô tận. Vô tận đến nỗi mẹ tôi nảy ra ý định cần phải đem bán nó. Cũng không hẳn mẹ, đầu tiên là những người hàng xóm lân la đến xin một vài bông, thấy nhiều quá xin vài bó, rồi nhiều người cùng xin, xin mãi cũng ngại người ta mua theo danh nghĩa tượng trưng rồi sau mua thật như mua ngoài chợ. Cái sự nghiệp bán hoa của gia đình tôi cũng bắt đầu từ đó.
    Sau những bó hoa đầu tiên được bán, mẹ có vẻ hài lòng lắm cái trò mơ mộng tưởng chừng vứt đi của tôi. Không những nhiều tiền mà còn có vẻ sang trọng, thanh cao hơn cái nghề mà mẹ đã chọn cho tôi trước đó: nghề thợ mộc.
    Có một dạo xóm tôi cứ con trai khoảng 16 tuổi thì gần như chẳng cần lựa chọn gì ngoài quấn môtơ và làm đồ gỗ. Vẫn là nghề mộc được chọn vì quấn môtơ cần phải hội thêm một yếu tố nhà ở gần chợ hoặc có vốn liếng một chút, tức có thể mở một cửa tiệm nho nhỏ để ngày ngày kéo cửa ra khép cửa vào. Nói chung một cái nghề sạch sẽ - điện mà. Tôi không được vậy, đành theo thầy Cả đóng đóng gõ gõ được ba năm rồi cũng thành nghề, thành thợ, đóng dăm cái tủ cái giường cho cậu, cho mợ, dì, chú Tư và cuối cùng là mợ Ba thì sự nghiệp chấm dứt, kéo dài được hai năm.
    Theo tính toán thì cứ trung bình bốn tháng tôi đóng được một cái gì đó cho dòng họ tôi, đóng cẩn thận, kỹ lưỡng từng đường nẹp nhỏ và hoa văn thì nói chung rất tùy tiện, giống như một chủ trương chỗ nào trống thì thêm một cái hoa, chỗ nào trống nhiều thì một chùm. Hoa là tình yêu của tôi mà.
    Những bông hoa đầu tiên trong cuộc đời tôi nở vào lúc tôi đi học thầy Cả. Một ngày tôi giao tôi cho thầy khoảng mười tiếng, thời gian còn lại tôi dành cho niềm thương mến của tôi, một tình yêu lớn hơn cả bản thân mình. Tôi trồng, tưới, bắt sâu… Đầu tiên, tôi trồng chúng trong những chậu sứ. Nhưng dường như chúng không thỏa mãn tôi, những chậu sứ nghèo nàn kinh khủng, chúng đại diện cho một cái gì chật hẹp và thu nhỏ, trong khi những giấc mơ về hoa luôn trải dài như một cánh đồng và nở ra vô hạn. Tôi dấn sang mảnh vườn sau nhà. Tôi tạo nên những cống rãnh, những vòi tưới và như những con mắt hoa lệ quanh tôi, khu vườn dậy hương từ đó. Đơn giản và chân thành, đó là ước mơ của tôi.
    Bây giờ mẹ tôi hài lòng lắm rồi. Hằng ngày tôi ra chợ phụ mẹ bán hoa, gói chúng trong những tờ giấy bạc cắt tua, màu mè. Đây phải nói là một ý tưởng mà tôi “chôm” được của người thành phố. Quê tôi, người ta đựng hoa trong những xô lớn và khi khách mua thì gói chúng trong những tờ giấy báo nhàu nát hoặc những chiếc lá chuối xỉn đen. Cải cách nhỏ này đã đem về cho gia đình tôi rất nhìêu lợi nhuận, lại có vẻ trí thức và trân trọng khách hàng.
    Có một thời tôi cứ loay hoay mãi giữa những ước mơ và hiện thực. Những ước mơ của tôi cũng đồng nghĩa với những giấc mơ. Tuổi mười sáu tôi mơ mộng quá nhiều và mẹ cho rằng những giấc mơ sẽ không đưa tôi ra khỏi khu vườn. Tôi sẽ như một cái lu, một cái cuốc, một cái bừa cào mà nằm vật trong xó bếp, nằm vật trong cái lứa tuổi mười sáu ngờ nghệch và không lớn nữa. Bây giờ sau nhiều năm nghĩ lại, tôi tạm hiểu cuộc đời mình như một điều may mắn lớn, những bông hoa như những chiếc chìa khóa đã mở ra cuộc đời tôi.
    Mỗi buổi sáng khi trở dậy, việc đầu tiên là tôi nhìn qua cửa sổ; vợ và thằng con trai ba tuổi của tôi đang tưới hoa. Nàng mặc cái áo dây màu hồng nhạt và những đường nét trên người nàng luôn làm tôi sững sờ. Tôi hay liên tưởng nàng với những tiểu thư ở thế kỷ mười sáu, mười bảy dạo chơi trong vườn và có thể thổn thức vì một đóa hoa, xác bướm, một tiếng ve. Thế rồi giấc mơ của tôi kết thúc vào khoảng bảy giờ, lúc nàng xách cái xô to đùng đi xồng xộc vào nhà. Nàng đến bên giường và hét lớn: “Dậy đi ông tướng!”. Tôi hay cười khùng khục trong chăn khi nhớ lại cái ngày chúng tôi mới lấy nhau, nàng vẫn thường đánh thức tôi bằng câu nói như vậy nhưng khác hơn và cũng đi đứng nhẹ nhàng hơn: “Dậy đi ông tướng của em!”. Tôi chẳng nhớ nàng đã bỏ rơi chữ của em từ lúc nào. Và tôi luôn nghĩ đến một ngày nào đó có lẽ tôi cũng sẽ ngạc nhiên như hôm nay và tự hỏi nàng đã bỏ rơi ông tướng lúc nào, chỉ còn dậy đi. Đời sống vợ chồng hình như người ta đi từ hoa mỹ đến giản đơn, từ cái bay bổng đến là là ngọn cỏ và cho rằng đó là một đời sống thật. Nhiều lúc tôi cũng muốn gọi vợ tôi là mình ơi nhưng bỗng thấy giả giả vờ vịt, thấy như một cái gì bất thường hơn là bình thường, một cái kiểu bốc thơm, thế là dừng lại. Năm nay tôi ba mươi bảy tuổi mà đã thấy ngượng rồi thì chắc chắn rằng tôi sẽ không dám làm điều đó nữa lúc bốn mươi, năm mươi. Lúc ấy nàng sẽ gọi tôi bằng ông, tôi gọi nàng bằng bà, chấm dứt giấc mơ chàng chàng thiếp thiếp.
    Từ ngày vườn hoa đẻ ra tiền, đời sống dư dả, tôi đã vướng cái tật thích nằm ềnh trên giường nghĩ vẩn vơ. Có đôi lúc còn ráng ngủ lại để nối tiếp giấc mơ lỡ dở nào đó. Vả lại đời sống người trồng trọt một ngày làm việc có thể kéo dài mười bốn tiếng đồng hồ nên tôi có nhiều cơ hội tự bào chữa cho mình. Tôi nằm và nghĩ ngợi về gia đình tôi.
    Con tôi năm nay ba tuổi, mười ba năm sau nó sẽ bằng tôi lúc đi học nghề mộc của thầy Cả, mười ba năm sau nữa nó sẽ cưới vợ và sinh con; cả nhà nó sẽ sống bằng cái vốn liếng kha khá của tôi để dành và riêng nó có thêm một cuốn nhật ký. Tôi tưởng tượng cái lúc tôi chết đi. Nó quay lại căn nhà cũ của bố. Căn nhà lúc ấy hẳn phải trống trải lắm, hoang tàn và mối mọt. Nó sẽ chạm tay vào những chiếc áo cũ, phủi những đống bụi lớn trên mặt bàn và đồng thời bàng hoàng phát hiện cuốn nhật ký đầy ám ảnh của tôi. Như cái cách người ta khai quật một lâu đài dưới lòng đất bằng tấm bản đồ trên da lừa nhặt được, cuốn nhật ký sẽ mở ra một kho tàng vĩnh cửu ẩn giấu trong lòng cha nó. Trong tranh tối tranh sáng và tâm trạng hoang mang của kẻ nhập đồng, nó lần giở từng trang nhật ký đẫm lời yêu thương lẫn khuyên răn bóng gió của tôi. Đại loại mở đầu bằng: ở đời… có nên chăng… ai đó… vậy kia… và nó sẽ thảng thốt mà khóc khi thấy tôi cẩn thận ép khô những bông hoa trong đó, những bông hoa cánh mỏng như tờ giấy quyến soi tỏ tâm hồn tôi. Một đời sống tương lai sau tôi hẳn ngắn ngủi lắm, người ta sẽ trao đổi với nhau bằng cách dậy đi mà không có ông tướng lẫn của em. Thì đây, những bông hoa sẽ cho con trai tôi hiểu rằng vẫn còn một thế giới không nằm bên ngoài mà bên trong tâm hồn của cha nó. Có thể ví như những giọt mật nằm chen giữa cánh hoa mà đời sống nào cũng cần, hoặc nó có lỡ thái quá thì cũng thư thả mà chùng lại. Chẳng hiểu tại sao tôi luôn nghĩ rằng để lại cho con những giấc mơ vẫn tốt hơn mọi thứ, những giấc mơ là những câu văn dài lãng mạn yêu thương như anh yêu, mình ơi, ông tướng và của em…
    Vậy đó, những buổi sáng và nghĩ ngợi. Bảy giờ, tôi ra vườn bắt những con sâu ăn đọt hoa bỏ vào cái đĩa, cũng sẽ là món quà cho lũ gà kế hoạch nhỏ ngu ngốc và lười biếng của con trai tôi. Chúng chỉ biết ăn rồi nằm kềnh như những con heo, chúng mập ú. Tôi có dự định chờ đến ngày sinh nhật của con trai tôi là mần thịt chúng. Thằng bé tuy mới ba tuổi nhưng hôm qua nó đã biết nói một từ độc đáo, từ suy nghĩ khiến vợ tôi cười khanh khách. Con gà nằm im vì suy nghĩ. Nàng luôn giành cái phần thông minh của nó về phía mình do nàng di truyền. Nàng giành cái khuôn mặt xinh tươi của nó và đẩy cái mũi xấu xí cho tôi. Nàng giành cho mắt, chân tay, hàm răng và mái tóc. Càng ngày tôi càng có cảm giác nàng đẩy tôi ra khỏi thằng bé, giống như những gì tươi đẹp nhất của nó đều từ nàng và tất nhiên, nó thuộc về nàng. Tôi trở nên không có gì hết, ngay cả cuộc sống của tôi gần như tan biến: con trai của vợ tôi, khu vườn đầy hoa của mẹ tôi. Những buổi sáng không thuộc về tôi nữa. Thay vì tôi có thể nằm chường, nghĩ ngợi đến mười một giờ trưa thì bây giờ nó đã được cắt giảm phân định rạch ròi, đúng bây giờ. Càng lúc tôi càng có cảm giác mọi thứ không thuộc về một ai mà dường như thuộc về mọi người, trừ chính người đó. Ngay cả thời thơ ấu, tôi luôn nghĩ về nó nhưng càng lúc theo thời gian nó càng xa tôi, không thuộc về tôi. Những chi tiết mà nó gợi nhắc có mình thoáng chốc hiện lên rồi tan biến trong cái hiện tại mà trước sau gì cũng trở thành quá khứ, rồi cũng sẽ tan biến như cái trước. Tôi hình dung gia đình tôi như một cái bàn tròn mà ở đó mọi thực khách đều đánh mất mình. Tôi đánh mất mình trong con tôi, con tôi lại đánh mất nó trong vợ tôi, rồi vợ tôi đánh mất nàng trong tôi; và đấy là những con người đánh mất mình trong cái mối quan hệ rất ư hài lòng. Rồi sau con tôi cũng sẽ đánh mất nó trong con của nó và cứ thế tiếp dĩên. Giống như một sợi dây vô tận xuyên qua các thời đại, từng con người lần lượt xâu chuỗi với nhau trong mối quan hệ rất ư là hài lòng và cũng rất ư là không còn mình.
    Đã lâu lắm rồi tôi chưa hề có một ý nghĩa thảnh thơi như sáng hôm nay. Nó gần như dồn hết sinh lực của tôi vào một niềm vui nào đó tôi chưa biết trước, tôi cần phải chờ đợi. Tôi nghĩ trước sau gì trong hôm nay nó cũng phải lộ diện thôi nhưng chẳng biết lúc nào. Thay vì tưới cây như cái lộ trình quen thuộc được vạch sẵn của những ngày trước đó, tôi ra chợ ngồi chơi với mẹ; vừa nhâm nhi ly cà phê vừa hình dung toàn bộ cái lộ trình của một cộng đồng đang đi qua đi lại dâng lên trước mắt tôi dưới dạng những con sóng thủy triều; ồ ạt dăm hôm cuối tuần, dăm hôm lễ lạt dăm hôm rằm, rồi lắng dịu chờ đợi đến những ngày cuối năm lại ồ ạt một lần nữa rồi chấm dứt. Đời sống của gia đình tôi cũng phụ thuộc vào những đợt sóng đó. Mỗi mùa xuân đi qua, khu vườn hoang tàn như một bãi chiến trường chỉ còn trơ lại màu cát, những bông hoa đã bị cuốn đi đến tận gốc, để rồi đầu mùa xuân tôi lại bắt tay vào cuốc xới gieo hạt. Như động thái của người họa sĩ đối với tấm toan, tôi phủ màu lên khu vườn tôi.
    Năm nay mùa xuân đã khởi động từ đầu tháng chạp, sáng hai mươi chín tết khu vườn tôi gần như không còn gì, mẹ phải để dành hoa lại cho ngày ba mươi. Tôi cũng đã có ý định mua lại miếng đất của bà cụ Phúc xóm bên để mở rộng diện tích canh tác. Tôi biết cụ đã lâu nhân một ngày cuối năm nọ, cụ đến xin tôi những cây hoa dập úa hoặc ế ẩm mà trước sau gì tôi cũng vứt đi vào tối ba mươi. Từ trong cái đống hổ lốn đó, cụ nhặt ra những bông hoa còn nguyên, bó lại thành một bó nhỏ. Cụ nhìn tôi cười khà rồi lọ mọ, run rẩy ôm bó hoa về. Cuối năm nào cụ cũng ghé. Cụ còn hứa khi nào mất sẽ bán lại mảnh vườn cho tôi. Cụ sống chỉ có một mình, không con cháu. Đã nhiều năm nay tôi âm thầm chờ đợi, sự chờ đợi này đôi khi gieo vào lòng tôi một cái gì đó thật nhẫn tâm, giống như tôi chờ cụ chết đi để được mua mảnh vườn, để gia đình tôi được sung túc hơn. Nhiều lúc tôi tự bào chữa cho mình nhưng điều đó đã gieo vào lòng tôi một sự day dứt mãi.
    Tết năm nay là cái tết thứ hai không thấy cụ ghé. Tôi cũng quên bẵng một điều là cần phải hỏi nhà cụ ở đâu và khi mua khu vườn cần phải giao số tiền đó lại cho ai. Không chừng cụ đã mất rồi cũng nên. Nhiều khi tôi nghĩ đó chỉ là một trò đùa của cụ và cái mảnh vườn mà cụ đã hứa nằm đâu đó bên ngoài đời sống này, chúng không có thật. Nơi đó tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ được biết đến, được đặt chân đến; rằng nó chỉ có một vườn hồng như tấm lòng đầy rẫy những giấc mơ cho riêng cụ, một vườn hồng đỏ rực mà thôi.
    NGUYỄN NGỌC THUẦN

    Đám cưới con trai cô Kim Cúc Phú Lâm

    Đám cưới con trai cô Kim Cúc Phú Lâm
    Cô Kim Cúc ( tức Trần Thị Kim Cúc) là con của ông Trần Tấn Thế và bà vợ hai, bà vợ chánh của ông Thế là bà Đoàn Thị Minh, là cô Ba của Niên. Khi còn nhỏ, cô Kim Cúc sống với cha mẹ tại đầu đường Tân Hóa, phía gần cầu Ông Buông và trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Phú Lâm. Mình ghép tên người và địa danh thành "Kim Cúc Phú Lâm".
    Ông Bà Hoàng Đức Hùng, Trần Thị Kim Cúc, 282 Bà Hạt,P9,Q10,TPHCM.
    Ông Bà Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Thị Thu, Toronto, Ontario, Canada.
    Trân trọng báo tin Lễ Thành Hôn của con chúng tôi:
    Hoàng Trung Phi, trưởng nam & Nguyễn Ngọc Loan, trưởng nữ.
    Hôn lễ được cử hành tại nhà hàng tiệc cưới The Adora, 421 Ngô Gia Tự, P9, Q5,TPHCM vào lúc 18 giờ 00 ngày 17 tháng 12 năm 2016 ( Nhằm ngày 19 tháng 11 năm Bính Thân).
    Chúng tôi trân trọng kính mời Anh Chị Niên đến dự buổi tiệc chung vui cùng gia đình chúng tôi tại nhà hàng The Adora tại địa chỉ và ngày giờ nói trên. Sự hiện diện của anh chị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.
    Đón khách: 18 giờ 00, khai tiệc: 19 giờ 00. Kính mời.

    Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

    Dân Hà Nội được tầm soát ung thư với giá 60 nghìn


    Dân Hà Nội được tầm soát ung thư với giá 60 nghìn
    Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dan-ha-noi-duoc-tam-soat-ung-thu-voi-gia-60-nghin-342255.html ; tác giả : Thuý Hạnh ; đăng ngày 27-11-16 lúc 21 :06.
    - Lần đầu tiên Hà Nội có trung tâm kĩ thuật cao và tiêu hoá đạt chuẩn quốc tế với sự tham gia khám, chữa bệnh của các giáo sư hàng đầu thế giới.
    Chiều nay, BV Xanh Pôn khánh thành trung tâm kĩ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội. Đây là công trình xây dựng thần tốc, hoàn thành trong vòng 7 tháng, đạt chuẩn quốc tế với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
    Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, vào tháng 1/2015, ông có cuộc gặp “định mệnh” với GS Joe Leroy – chuyên gia hàng đầu thế giới về tiêu hóa tại Pháp.
    Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các chuyên gia thăm phòng phẫu thuật hiện đại nhất trung tâm
    “Tháng 4/2015, tôi là một bệnh nhân được chính bàn tay GS Leroy khám, chữa. GS có một bàn tay như 1 con mắt thứ 3. Và kết quả đó đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để đưa những công nghệ này về VN”, ông Chung nói.

    Trước đề nghị của Chủ tịch Hà Nội, GS Leroy đã nghĩ phải cần ít nhất 1 vài năm mới thực hiện được. Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau đó, bản thiết kế cùng kế hoạch hợp tác đã hoàn tất.

    GS Leroy sau đó đã có 9 lần sang Hà Nội để khảo sát, bàn bạc, tư vấn xây dựng cũng như giảng dạy, phẫu thuật cho các bệnh nhân tại VN.

    GS cũng cho biết, tới đây ông sẽ mời thêm 12 GS là những chuyên gia y tế hàng đầu tại các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc, Singapore... cùng tới trung tâm kĩ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội để khám, chữa bệnh và chuyển giao các kĩ thuật mới nhất, định hướng đưa phát triển thành trung tâm hàng đầu về tiêu hoá mang tầm quốc tế.
    Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, để đi vào vận hành, TP đã cử 23 lượt bác sĩ sang Pháp học theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Riêng các chuyên gia từ Pháp sang VN, được ưu tiên cấp visa trong vòng 5 năm.

    “Ngay trong một vài ngày tới, thành phố và sẽ ký kết hợp tác toàn diện giữa y tế Paris với y tế HN, trong đó có chuyển giao công nghệ khám, phát hiện, các bệnh lý để chữa, điều trị cho các thai nhi từ tuần thứ 26 trở lên”, ông Chung nói.
    Trung tâm kĩ thuật cao đặt cạnh cổng bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: T.Hạnh
    Chủ tịch TP.Hà Nội cũng thông báo, đã mua được hệ thống tầm soát ung thư đường tiêu hoá của Nhật.
    Theo đó trung tâm sẽ tầm soát, chẩn đoán, phòng ngừa tất cả các bệnh nhân từ 40 tổi trở lên tại Hà Nội với giá 63.000 đồng, trong khi mức giá tại Singapore là hơn 300 nghìn đồng, tại Mỹ là gần 600 ngàn.
    “Với công suất 320 test/h, với 1,5 triệu dân trong độ tuổi 40-65 tuổi, trong 5 năm tới thành phố có thể phòng ngừa được 5.000- 10.000 người không bị mắc ung thư mỗi năm và hàng nghìn người sẽ được cứu chữa kịp thời”, ông Chung chia sẻ.
    Phòng mổ hội chẩn quốc tế từ xa
    Trung tâm kĩ thuật cao và tiêu hoá HN được thiết kế 12 phòng khám bệnh, 10 buồng bệnh, 3 phòng mổ với những trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay.
    Trong đó có 01 phòng mổ tích hợp có đầy đủ hệ thống camera truyền hình có thể kết nối và hội chẩn quốc tế; hệ thống mổ nội soi hiện đại nhất thế giới có độ phân giải 4K...
    Hà Nội kỳ vọng khi trung tâm đi vào hoạt động sẽ giảm số người bệnh phải ra nước ngoài chữa trị (hiện hơn 40.000 người mỗi năm).
    Thúy Hạnh

    Đám cưới con trai chị Dễ Lái Thiêu

    Đám cưới con trai chị Dễ Lái Thiêu
    Chị Dễ (tức Nguyễn Thị Kiều Nương) là con gái Út của ông Nguyễn Văn Kiệu (thứ mười) và bà Đoàn Thị Tôn (thứ hai) . Bà Đoàn Thị Tôn là cô thứ hai của Niên. Gia đình ông bà Kiệu - Tôn là gia đình kỳ cựu ở Lái Thiêu.
    Ông Nguyễn Văn Hưng, Bà Nguyễn Thị Kiều Nương (quá cố), 126/4, KP Long Thới, P. Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương.
    Ông Hồ Văn Sửu, Bà Trần Thị Hoàng, Ấp 3B, Xã Bàu Lâm, H.Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.
    Trân trọng báo tin Lễ Tân Hôn của con chúng tôi:
    Nguyễn Thanh Sang, Út nam và Hồ Thị Mỹ Loan, Trưởng nữ.
    Hôn lễ được cử hành tại tư gia vào lúc 09 giờ 00 ngày 12 tháng 12 năm 2016 (Nhằm ngày 14 tháng 11 năm Bính Thân).
    Trân trọng kính mời Cậu Mợ Niên vui lòng đến dự buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình chúng tôi tại:
    Khuôn viên quán cafe' Sông Trăng - 126/1 KP Long Thới, P.Lái Thiêu, TX Thuận An, Bình Dương, vào lúc 11 giờ 00 ngày 12 tháng 12 năm 2016 (Nhằm ngày 14 tháng 11 năm Bính Thân).
    Sự hiện diện của Cậu Mợ là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.
    Đón khách: 11 giờ 00; Khai tiệc: 12 giờ 00.
    Kính mời!

    Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng

    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng


    TTO - Lượng xe đổ dồn về khiến giao thông tối 26-11 tại khu vực vòng xoay Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trở nên tê liệt.
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Xe chạy ngang dọc, hỗn loạn tại giao lộ Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng (Q. Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Lê Phan
    Xe cộ chen nhau qua nút giao thông này kéo theo hàng trăm phương tiện khác phía sau bị ùn ứ kéo dài. Người người chôn chân trong vòng vây xe cộ, hơi nóng từ nhiều động cơ xe tỏa ra nóng hừng hực, tiếng còi xe xin đường inh ỏi. Nhiều người thiếu kiên nhẫn cho xe chạy lên lề khiến giao thông càng hỗn loạn.
    Nhiều người cho biết dòng xe bắt đầu ùn ứ từ lúc 16g chiều và kéo dài đến gần 19g tối.
    Tuy đường Phạm Văn Đồng khá rộng nhưng thường xuyên xảy ra kẹt xe tại các giao lộ với đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị vào giờ cao điểm do lượng phương tiện di chuyển qua đây lớn và hệ thống vòng xoay chưa hợp lý.
    Các phương tiện từ các tuyến đường nhánh đổ ra nhiều vào giờ tan tầm gây ra cảnh ùn tắc.
    Chính thức hoàn thiện và thông xe toàn tuyến vào năm 2016, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã giúp kết nối xuyên suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1 và quốc lộ 1K, rút ngắn thời gian di chuyển qua lại giữa các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Lực lượng chức năng vất vả điều tiết giao thông - Ảnh: Lê Phan
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Người dân chôn chân tại điểm kẹt xe này gần 3 giờ đồng hồ - Ảnh: Lê Phan
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Nhiều xe máy leo lên vỉa hè khiến giao thông càng hỗn loạn - Ảnh: Lê Phan
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Không phương tiện nào nhường phương tiện nào nên kẹt xe càng trầm trọng - Ảnh: Lê Phan
    Tối thứ bảy vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng kẹt cứng
    Xe máy, xe con, xe buýt chen nhau tìm lối thoát - Ảnh:Lê Phan
    Lê Phan

    Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

    Cấm ong tỉnh ngoài

    Cấm ong tỉnh ngoài
    (Copy từ http://laodong.com.vn/noi-hay-dung/cam-ong-tinh-ngoai-614336.bld ; tác giả: Lý Sinh Sự, đã đăng ngày 25-11-16 lúc 06:36.)

    - Xưa nay các đàn ong nuôi vẫn chuyển vùng theo mùa hoa. Dễ thấy nhất là mùa hoa vải thiều, nhãn ở Bắc Bộ...
    ... Còn ở Tây Nguyên, các đàn ong vẫn tản ra khỏi rừng hút mật. Ngoài chuyện hút mật, ong còn giúp cho cây thụ phấn, ra quả. Thế mà năm nay có xã, huyện ở tỉnh Hà Giang lại cấm ong tỉnh ngoài, gần như có “cuộc chiến ong”. Kể cũng lạ, bác nhỉ?
    - Chỗ này thuộc các bác ngành nông nghiệp. Cần phải có cơ chế “ong và hoa” để phát triển nông nghiệp cả nước. Nhưng có làm thì làm nhanh, họp bàn nghiên cứu là hết mùa hoa đấy.
    - Chuyện con ong làm mật chưa xong thì lại đến chuyện dân Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phải mắc màn 24/24 vì ruồi. Nguyên nhân là tại nông dân bón phân cho rau. Chính quyền đã vào cuộc, ngoài chuyện đổ phân gà, phân chim cút còn có kết luận là dùng bánh đậu phụng (đã ép dầu) bón thẳng vào ruộng rau nên ruồi được “chiêu đãi” món ngon, sinh đẻ nhiều. Chính quyền đi kiểm tra ngày 2 lần, hộ nào không lấp đất sau khi bón phân sẽ bị cắt điện nước. Đà Nẵng đúng là “danh bất hư truyền”, lãnh đạo rất kiên quyết.
    - Thế mà có một trung tâm thương mại xây chưa có phép ngay bên hông ủy ban đến tầng 3 rồi mới phát hiện ra đấy!
    - Bác có nhớ sau vụ cháy quán karaoke chết 13 người ở Hà Nội, nguyên nhân chính là các quán này đều xây rào thép mặt tiền, khi cháy cứu hỏa không có chỗ phun nước. Bỗng dưng người hà Nội nhìn lại phố phường, từ phố cổ, phố cũ đến các khu chung cư tất cả đều làm lồng sắt kín như “chuồng cọp”. Lồng sắt để chống trộm, cũng có lý do nữa là để có thêm diện tích cơi nới. Hay thì hay thật mà nếu có cháy thì khác gì karaoke!

    Đám cưới con trai anh Bảy Phú Lâm

    Đám cưới con trai anh Bảy Phú Lâm
    Anh Bảy Phú Lâm tên là Trần Tấn Thu (con ông Trần Tấn Thế và bà Đoàn Thị Minh) trước ở cùng cha mẹ ở đường Tân Hóa, Phú Lâm ( gần cầu Ông Buông và trường THPT Mạc Đĩnh Chi) nên ghép thứ và địa danh thành " Bảy Phú Lâm".
    Ông Trần Tấn Thu, Bà trần Thị Kim Hồng, 121 Lý Chiêu Hoàng,P10,Q6,TPHCM.
    Ông Dương Tấn Xương, Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, 276A Khóm 4,Thị Trấn Lai Vung, Lai Vung, Đồng Tháp.
    Trân trọng báo tin Lễ Tân Hôn của con chúng tôi là:
    Trần Tấn Lực, Quý nam
    Dương Thị Thùy Trang, Trưởng nữ
    Hôn lễ được cử hành tại tư gia vào lúc 11 giờ 30 ngày 10 tháng 12 năm 2016 (Nhằm ngày 12 tháng 11 năm Bính Thân).
    Trân trọng kính mời Chú Thím Niên vui lòng đến dự buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình chúng tôi tại:
    Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Đại Hỷ PaLace, 156 Lý Chiêu Hoàng, P10,Q6,TPHCM, vào lúc 18 giờ 00 ngauyf 10 tháng 12 năm 2016 (Nhằm ngày 12 tháng11 năm Bính Thân).
    Sự hiện diện của Chú Thím là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi.
    Đón khách: 18 giờ 00; Khai tiệc: 19 giờ 00.
    Kính mời !

    Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

    Giám đốc Công ty thủy lợi Nam Khánh Hòa: Tham ô ngân sách quá dễ!

    Giám đốc Công ty thủy lợi Nam Khánh Hòa: Tham ô ngân sách quá dễ!
    (Copy từ http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/giam-doc-cong-ty-thuy-loi-nam-khanh-hoa-tham-o-ngan-sach-qua-de-613234.bld ; tác giả: Tổ PV điều tra, đã đăng ngày 22-11-16 lúc 07:26.)
    Tại Khánh Hòa, kinh phí chống hạn “chảy” vào hầu hết những công trình thủy lợi đầy nước (ảnh minh họa). Ảnh: P.H
    Suy cho cùng, mục đích của tất cả những hành động gian dối mà GĐ Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải đã thực hiện là nhằm rút ruột ngân sách, tham ô tiền đóng thuế của dân. Nhưng cách làm hồ sơ giả để chống hạn trên giấy của vị giám đốc trẻ mới được bổ nhiệm từ tháng 3.2014, khiến mọi người nghĩ rằng, rút ruột ngân sách quá dễ dàng.
    “Nước chảy chỗ trũng”?
    Theo hồ sơ kế toán của Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 24 công trình nạo vét chống hạn năm 2014 - 2015 đã quyết toán 5.933.613.237 đồng, trong đó có 1 công trình “thực làm, thực nhận” là 182.194.000 đồng; 13 công trình nạo vét, tu bổ đã quyết toán hơn 3,57 tỉ đồng, chỉ thực hiện khoảng hơn 10%; 10 công trình không hề triển khai, nhưng quyết toán khống gần 1,1 tỉ đồng.
    Ví dụ, công trình gia cố bờ cản ngăn sông Cái - Trạm bơm Cầu Đôi đã thực hiện từ cuối năm 2014 bằng nguồn vốn tu bổ thường xuyên; nghiệm thu ngày 24.12.2014, khối lượng đắp gia cố mái đập bằng đá 1.244,5m3, đã thanh quyết toán 299.745.000 đồng. Vậy mà, chỉ 1 tuần sau - ngày 31.12.2014, GĐ Hải lại chỉ đạo lập biên bản kiểm tra hiện trường, xác nhận nhu cầu cần thiết gia cố, đổ đá hộc, để làm cơ sở lập hồ sơ khống, tiếp tục thanh toán 278.074.000 đồng từ nguồn kinh phí chống hạn đầu năm 2015.
    Trong “hành trình” tham ô ngân sách, chắc chắn GĐ Hải không thể “một mình, một ngựa”, gần như cùng một thời điểm, Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa được cấp kinh phí và tự duyệt quyết toán khống gần 740 triệu đồng cho 3 bộ hồ sơ nạo vét khơi thông dòng chảy lòng hồ Cam Ranh (hơn 240 triệu đồng), hồ Đồng Bò (gần 200 triệu đồng và hồ chứa nước Cam Ranh (xấp xỉ 299,6 triệu đồng).
    Còn nữa, trong số 24 công trình đã nghiệm thu quyết toán, có ít nhất 5 bộ hồ sơ thiếu chữ ký của cán bộ giám sát công trình. Theo phản ánh của “những người trong cuộc”, GĐ Hải có thói quen không nghiệm thu tại hiện trường mà chỉ ngồi ở văn phòng, gọi nhân viên đến ký, thậm chí có những công trình, hạng mục mà người ký tên chưa bao giờ làm việc tại công ty.
    Chưa hết, kinh phí sửa chữa thường xuyên hàng năm của Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa được xây dựng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và được UBND tỉnh phê duyệt theo phương án đặt hàng dịch vụ cấp tưới nước cho sản xuất nông nghiệp được miễn thủy lợi phí.
    Năm 2014 Cty này đã thực hiện 26 công trình sửa chữa thường xuyên với tổng dự toán gần 1,1 tỉ đồng và đã thanh quyết toán hơn 1,1 tỉ đồng; năm 2015 thực hiện 23 công trình với tổng dự toán hơn 1,11 tỉ đồng và đã quyết toán hơn 1,12 tỉ đồng. Mặc dù Cty có lập đầy đủ hồ sơ thanh quyết toán ngân sách, nhưng trong thực tế, rất nhiều công trình không thực hiện hoặc chỉ làm qua loa, lấy lệ.
    Chẳng hạn, công trình nạo vét thượng lưu lấy nước hồ chứa nước Đồng Bò, thi công từ ngày 25.3 đến 8.4.2015 với tổng kinh phí hơn 106 triệu đồng, nhưng đơn vị quản lý hồ Đồng Bò là VPĐD của Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa tại Nha Trang khẳng định không đề xuất và cũng không hề triển khai thi công trong 2 năm vừa qua(!?).
    Rõ ràng, hành vi “cố ý làm trái” có tính hệ thống của GĐ Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải không chỉ là vi phạm Luật Kế toán, Luật Xây dựng và Luật Phòng chống tham nhũng mà còn phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng - theo khoản 3, điều 165 của Bộ luật Hình sự.
    Giám đốc công ty “ẵm” hơn 6,3 tỉ đồng
    Ngay từ đầu, GĐ Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã trù tính làm giả hàng chục bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, nhằm mục đích…tham nhũng ngân sách. Vì thế, việc lập chứng từ, hồ sơ thanh toán cũng là để hợp thức hóa “sáng kiến” chống hạn trên giấy. Sau khi chỉ đạo bộ phận kế toán hoàn thành bảng chấm công khống, GĐ Hải và PGĐ Dũng đã bày trò ký hợp đồng, lập biên bản nghiệm thu khống và tìm cách mua nhiều hóa đơn khống!
    Trong tổng số hơn 8,5 tỉ đồng mà Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã giải ngân, có 3.796.858.000 đồng chuyển khoản khống cho 3 “đối tác” là Cty TNHH TMXD Thành Khánh Quyên (3.288.302.000 đồng), Cty TNHH MTV TM-DV Lộc Phú (250.000.000 đồng), Cty TNHH Vận tải & TM Liên Hoa (258.556.000 đồng) và chi tiền mặt cho 2 vị lãnh đạo Cty 2.046.709.000 đồng.
    PGĐ Đoàn Phi Dũng đã ký nhận 1.844.997.000 đồng kinh phí chống hạn nhưng chỉ chi trả cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống hạn chưa đến 104 triệu đồng. Số tiền mặt nhờ tham ô mà có lên đến 1.741.024.200 đồng (gấp 16,7 lần so với các khoản đã chi theo nhu cầu thực tế), sau đó được ông Dũng chuyển cho ông Hải 1.005.323.000 đồng. Ngoài ra, ông Dũng còn ký 4 phiếu chi (735.701.200 đồng) nhưng không nhận tiền mà để thủ quỹ Nguyễn Thị Khánh Trang đưa tiền cho ông Hải.
    Ngày 22.6.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký văn bản (số 4334/UBND-NC) chỉ đạo Sở Tài chính thanh tra đột xuất Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa theo đơn tố cáo của công dân. Ngày 4.7.2016 GĐ Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đã ký quyết định thanh tra đột xuất Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa. Thanh tra đến đâu, phát hiện sai phạm đến đó. GĐ Cty Thủy lợi Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải buộc phải thừa nhận, riêng “phần” mình đã tham ô ngân sách 6.363.170.019 đồng, bao gồm 1.906.456.012 đồng chiếm giữ bằng tiền mặt và 4.456.714.007 đồng chuyển khoản khống! Vấn đề là, sau thanh tra, ông Đỗ Hồng Hải vẫn ung dung tự tại trên cương vị GĐ doanh nghiệp và không ngần ngại đe nẹt những người từng “dám” bảo vệ sự thật.






    Có xóa được SIM rác?

    Có xóa được SIM rác?
    (Copy từ:  http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20161123/co-xoa-duoc-sim-rac/1223971.html ; đã đăng lúc 09:59 ngày 23-11-16; tác giả: Thanh Hà.)
    TTO - Dù biết rõ việc để SIM kích hoạt sẵn lưu hành trên thị trường sẽ tạo ra đất sống cho SIM rác, tin nhắn rác, nhưng các nhà mạng không dễ dàng gì từ bỏ nguồn doanh thu, lợi nhuận không nhỏ.
    * * * * * *
    Với việc đưa được năm nhà mạng di động ngồi vào bàn cùng ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn từ ngày 1-11 đến 15-12-2016 như một bước đi cụ thể trong nỗ lực xóa SIM rác, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) muốn khẳng định quyết tâm nói “không” với vấn nạn vốn gây bức xúc xã hội lâu nay.
    Nhưng việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phát tán tin nhắn rác - mới được thực hiện được một phần ba thời gian dự kiến, Bộ TT&TT đã phải ra quyết định xử phạt một nhà mạng do tiếp tục có các lỗi vi phạm về SIM khuyến mãi sau ngày đã ký cam kết.
    Điều đó cho thấy mặc dù biết rõ việc để SIM kích hoạt sẵn lưu hành trên thị trường sẽ tạo ra đất sống cho SIM rác, tin nhắn rác, nhưng các nhà mạng không dễ dàng gì từ bỏ nguồn doanh thu, lợi nhuận không nhỏ.
    Các chuyên gia về viễn thông đều cho rằng khoản tiền phạt vài trăm triệu đồng không đáng kể so với lợi nhuận của các nhà mạng thu được từ việc phát triển thêm thuê bao.
    Chưa kể với thị trường di động được dự báo bắt đầu bão hòa, với số lượng thuê bao đã gần gấp rưỡi dân số từ lâu, cuộc cạnh tranh của các nhà mạng sẽ ngày càng gay gắt.
    Điều này đồng nghĩa với việc để thu hút được thêm nhiều khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ sẵn sàng “chiều” theo nhu cầu của một bộ phận người dùng, dễ dàng cung cấp các SIM kích hoạt sẵn, đăng ký thuê bao dễ dãi... khiến SIM rác, tin nhắn rác vẫn tiếp tục hoành hành.
    Có thể chờ đợi gì từ phía cơ quan quản lý trước vấn nạn SIM rác? Đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết ngoài việc tổ chức để các doanh nghiệp ký cam kết, Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo nghị định mới để giải quyết vấn đề quản lý thông tin thuê bao và thu hồi SIM kích hoạt sẵn, dự kiến được ban hành vào cuối năm nay.
    Theo dự thảo nghị định này, sẽ có nhiều biện pháp được cơ quan quản lý đưa ra với kỳ vọng sẽ quản lý chặt hơn, hạn chế tối đa tình trạng SIM kích hoạt sẵn.
    Đó là việc quy định chỉ ở địa điểm đăng ký thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ mới được bán SIM di động, tổ chức lại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp (hoặc tổ chức đủ điều kiện thay mặt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ), có giải pháp giúp người dùng dễ dàng đăng ký thông tin, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhiều hơn đối với các điểm bán SIM và yêu cầu chủ thuê bao trả trước bắt buộc phải đăng ký thông tin...
    Đồng thời, quy định mới cũng sẽ đưa ra các biện pháp xử phạt đủ sức răn đe đối với những vi phạm trong kinh doanh và quản lý SIM di động của các nhà mạng.
    Không phải các doanh nghiệp không nhìn ra lỗ hổng trong việc quản lý thuê bao di động của mình. Nhưng để họ từ bỏ nguồn lợi quá lớn, chấp nhận thực hiện đúng các quy định và bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước nạn tin nhắn rác không hề là chuyện dễ dàng.
    Vì thế, tuy các nhà mạng có cam kết dẹp SIM kích hoạt sẵn thì vẫn cần phải có sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, sự tự giác của các nhà mạng và không thể thiếu sự phối hợp của các khách hàng.
    Hãy là những người tiêu dùng có trách nhiệm, đừng “tiếp tay” cho các nhà mạng xé rào dễ dãi khi đăng ký thuê bao để rồi chúng ta lại trở thành chính nạn nhân của SIM rác, tin nhắn rác.
    Thanh Hà

    Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

    Bất lực với trộm chó ?

    Bất lực với trộm chó?

    Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20161122/bat-luc-voi-trom-cho/1223365.html  ;  đã đăng lúc 11:55 ngày 22-11-16; tác giả: Bá Trung.
    TTO - Cho rằng chó đơn thuần là tài sản với giá dưới 2 triệu đồng, việc trộm chó thường bị cơ quan chức năng cho qua hoặc cùng lắm phạt hành chính nên nhiều người chọn cách tấn công tập thể kẻ trộm chó.
    Chỉ trên một trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 21-11-16 đã có hai thông tin liên quan đến việc trộm chó. Theo đó, ở Hưng Yên, một người đàn ông bị nghi trộm chó đã bị nhiều người dân đánh đập và nhốt vào lồng sắt cùng một con chó khoảng 30kg đã chết.


    Ở Tiền Giang, có hai thanh niên đang đi trộm chó đã đuổi chặn một xe đám cưới mà họ cho là đã ép xe họ. Cả hai rút cây gỗ đánh tài xế, đồng thời đập phá xe cho bõ ghét... Và nào chỉ có thế, cứ dăm bữa là lại có thông tin liên quan đến chuyện trộm chó gây nhói lòng.
    Cớ sao chỉ vì một vật nuôi mà người ta lại có thể đối xử man rợ với đồng loại như vậy? Nhưng cũng phải đặt ra thêm một câu hỏi khác: Tuy biết rõ trộm chó có thể bị truy đuổi, vây đánh trọng thương, nhưng sao các thanh niên vẫn hung hăng, liều lĩnh trộm chó?
    Phải nói ngay việc tấn công, ngược đãi người trộm chó vẫn xảy ra rất nhiều ở các địa phương. Chó là con vật thân thiện, trung thành, được con người nuôi dưỡng trong sự yêu thương, nhiều khi không thua một người thân Thế mà vì muốn đem bán để giết thịt, kẻ gian đã táo tợn bắt trộm.
    Điều đáng nói là sự căm giận, uất ức của người dân dường như đã không được ghi nhận, chia sẻ đúng mức vì người trộm chó hiếm khi bị xử lý thích đáng.
    Cho rằng chó đơn thuần là tài sản với giá được định dưới 2 triệu đồng, các cơ quan chức năng thường cho qua vi phạm hoặc cùng lắm là xử phạt hành chính kẻ trộm. Trước giờ ít có người trộm chó phải đi tù vì hành vi trộm cắp chó.
    Từ chỗ chưa nhận được sự bảo vệ của các cơ quan chức năng và cũng không tin sẽ được bảo vệ phù hợp, nhiều người đã chọn cách tấn công tập thể để tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình trước khi trông chờ và cậy nhờ tới chính quyền.
    Kết cục là người dân đã đối xử dã man với người trộm chó, bất kể dẫu có vi phạm thì người trộm chó cũng là con người nên cần được đối xử có tính người và như thể mọi người đang ở trong một xã hội không có pháp luật!
    Đáng buồn là trong những vụ hành xử vô pháp như thế thì cũng không mấy ai bị chế tài tương xứng.
    Viện lẽ không xác định được ai trong đám đông đã trực tiếp đánh, nhốt, đoạt mạng người trộm chó, các cơ quan có thẩm quyền đã không xử lý tới nơi tới chốn, cùng lắm là vài người bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
    Còn lại, nhờ sự lẩn khuất trách nhiệm trong đám đông mà chưa có nhiều người bị xử lý hình sự về tội bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích hay giết người... Tính răn đe của pháp luật do vậy đã bị giảm sút và người ta tiếp tục hành xử tàn tệ hoặc xuống tay đánh chết người trộm chó.
    Dân gian có câu dùng thiện trị ác thì tăng tính thiện nhưng dùng ác trị ác thì cái ác sẽ tăng. Vậy nên, thay vì tỏ ra bất lực để cái ác lên ngôi, nhất định pháp luật và các cơ quan chức năng cần phải có sự điều chỉnh quy định và hành vi.
    Pháp luật hình sự cần phải bổ sung những quy định xử lý phù hợp đối với tài sản bị xâm hại là vật nuôi, thú cưng.
    Các cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, nỗ lực điều tra và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc các vi phạm, không chỉ ở người trộm chó mà còn cả ở những người tự xử người trộm chó.
    Bá Trung

    Stephen Hawking lần nữa cảnh báo siêu AI là mốc diệt vong của loài người


    Stephen Hawking lần nữa cảnh báo siêu AI là mốc diệt vong của loài người

    (Copy từ http://khoahoc.tv/stephen-hawking-lan-nua-canh-bao-sieu-ai-la-moc-diet-vong-cua-loai-nguoi-76046 ; đã đăng ngày 22-10-16  trong mục Công nghệ; nguồn: Theo Tri Thức Trẻ.)
    "Chúng ta không thể dự đoán được rằng trong tương lai chúng ta sẽ đạt được gì, khi mà chính não bộ của chúng ta sẽ được cường hóa bằng trí tuệ nhân tạo".
    Giáo sư Stephen Hawking đã cảnh báo với loài người rằng, việc tạo ra một trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ là một con dao hai lưỡi" hoặc là nó sẽ là điều tuyệt vời nhất, hoặc là nó là điều tệ tại nhất từng xảy đến với nhân loại". Tuy nhiên, ông vẫn có lời khen gửi tới những viện nghiên cứu khoa học đang ngày đêm tận tụy cống hiến cho nền văn minh này, khám phá những chân trời mới của trí thông minh nhân tạo. Hawking gọi đó là "điểm quan trọng trong lương lai nền văn minh của giống loài chúng ta".
    Nhà vật lý học nổi tiếng này đã phát biểu tại màn mở đầu của sự kiện Tương lai của Trí tuệ, một sự kiện được Đại học Cambridge tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Leverhulme. Tại đó ông đã trả lời những câu hỏi mở về tốc độ phát triển chóng mặt của ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
    Giáo sư Stephen Hawking tại sự kiện Tương lai của Trí tuệ.
    Giáo sư Stephen Hawking tại sự kiện Tương lai của Trí tuệ.
    "Suốt một thời gian dài chúng ta đã bỏ thời gian ra để nghiên cứu về lịch sử nhưng thực chất, đa phần là ta học về lịch sử của sự ngu dốt", giáo sư Hawking nói. "Nhưng ta đã có một sự thay đổi đáng có, ta đã đang nghiên cứu về tương lai của trí tuệ".
    Dù Stephen Hawking cảnh báo thế giới về mỗi hiểm họa tiềm tàng, về thảm họa diệt vong nằm trong chính những hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo có một ý chí riêng, nhưng ông cũng không ngần ngại tán dương những mặt tốt mà việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo mang lại.
    "Những lợi ích tiềm năng của trí tuệ nhân tạo là cực kì lớn", ông nói. "Chúng ta không thể dự đoán được rằng trong tương lai chúng ta sẽ đạt được gì, khi mà chính não bộ của chúng ta sẽ được cường hóa bằng trí tuệ nhân tạo. Có lẽ với những công cụ của thời đại mới này, chúng ta sẽ đảo ngược được những thiệt hại mà chính chúng ta gây ra cho thế giới tự nhiên. Và khi đó, chắc chắn ta sẽ hướng tới việc xóa sổ hoàn toàn bệnh tật và nghèo đói".
    "Mọi khía cạnh trong cuộc sống con người sẽ thay đổi. Ngắn gọn lại, thời điểm chúng ta thành công trong việc tạo ra trí tuệ nhân tạo, đó sẽ là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nền văn minh loài người".
    Ông Huw Price, giám đốc trung tâm tổ chức sự kiện và Bertrand Russell, giáo sư triết học tại Đại học Cambridge đã bày tỏ rằng sự kiện này liên quan một phần tới Trung tâm Nguy cơ ảnh hưởng tới Tồn tại của con người cũng thuộc Cambridge. Trung tâm ấy đã gọi buổi trò chuyện này là buổi họp báo "Nghiên cứu Kẻ hủy diệt", bày tỏ lo lắng chung về những vấn đề lớn mà con người gặp phải khi phát triển trí tuệ nhân tạo.
    Ông Huw Price.
    Ông Huw Price.
    "Chúng tôi đã cố gắng tránh xa và triệt tiêu những "meme" liên quan tới kẻ hủy diệt",ông Price nói. "Nhưng cứ như chính những kẻ hủy diệt vậy, chúng vẫn cứ hồi sinh và quay lại ám ảnh chúng tôi".
    Không chỉ những trung tâm như vậy mới vừa đưa ra những lời cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng của một trí tuệ nhân tạo và cũng vừa nhắc tới những tiềm năng của nó. Nhiều kĩ sư đầu ngành khác cũng bày tỏ những quan điểm như vậy về vấn đề này, trong đó có Elon Musk.
    Họ đều thấy được rằng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tương lai nhưng cũng đều cảnh báo rằng, rất có thể thời điểm đó cũng là thời điểm kết thúc của con người.
    Cập nhật: 22/10/2016  ; Theo Tri Thức Trẻ

    Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

    Thà như giọt mưa ...

    Thà như giọt mưa ...
    Ôi, mình vừa qua một đêm thỗn thức với bài thơ "Thà như giọt mưa" và bài hát cùng tên do Phạm Duy phổ nhạc.
    Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
    Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
    Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
    Có còn hơn không, có còn hơn không
    Có còn hơn không, có còn hơn không.
    Người từ trăm năm về như dao nhọn
    Người từ trăm năm về như dao nhọn
    Dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
    Dòng máu chưa kịp tràn
    dòng máu chưa kịp tràn.
    Người từ trăm năm về khơi tình động
    Người từ trăm năm về khơi tình động
    Ta chạy vòng vòng ta chạy mòn hơi
    Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời.
    Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
    Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
    Ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi
    Quỵ té trên đường rồi
    Sợi tóc vương chân người.
    Người từ trăm năm về qua trường Luật
    Người từ trăm năm về qua trường Luật
    Ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
    thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
    Đau lòng ta muốn khóc
    đau lòng ta muốn khóc.

    Nghe VũKhanh hát
    Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
    Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
    để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
    Những giọt run run ướt ngọn lông măng
    Những giọt run run ướt ngọn lông măng
    Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
    khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên.


    Một bài viết của Đoàn Dự về "Nhà thơ lãng tử dễ thương Nguyễn Tất Nhiên" - Xem tại đây: https://sites.google.com/site/ccamnhac/ccan-67

    Chúc mừng năm mới

    Chúc mừng năm mới
    (Copy từ http://www.maxreading.com/sach-hay/truyen-ngan-hay-tuoi-tre-chu-nhat/chuc-mung-nam-moi-13647.html ; tác giả: Ngô Thị Mỹ Trang ; đã đăng ngày ? ? , mục Sách  > Văn học trong nước . Truyện ngắn hay Tuổi trẻ Chủ nhật.)
    TTO - Ngô Thị Mỹ Trang là cộng tác viên thân thuộc của TTCN (nay là TTCT). Có vẻ như tác giả rất thuận tay khi lột tả mọi xung đột tâm lý hết sức tinh tế giữa cặp vợ chồng trí thức trẻ.
    Mỗi diễn tiến phức tạp đan xen trong nội tâm của họ có thể xem là những điển hình dễ tìm thấy trong xã hội đương đại. Đúng như lời tự sự của nhân vật chính: “Tôi đang tìm một cái gì đó không biết, nhớ một cái gì tôi không hay. Nhưng tôi biết đằng sau những tất bật đời thường luôn có sự hiện diện của nó”.
    Dòng chữ Happy New Year hiện lên trên pager mà không có tên người nhắn. Tôi tần ngần tự hỏi người nào đã bày ra trò này. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi đâu phải chờ đợi những cú nhắn tin quái quỉ không rõ xuất xứ, dẫu cho đó là một lời chúc mừng năm mới. Phiên bảo tôi bây giờ không giống phụ nữ chút nào. Đi đâu cũng có máy nhắn tin, làm gì cũng nhanh quá mức. Tôi hỏi nhanh quá là sao. Phiên tần ngần: ý anh muốn nói là nhanh hơn cái mức mà người ta mong đợi ở một người đàn bà. Có lẽ Phiên nói đúng, sự nghiệp của tôi đã dần dần biến tôi thành một người nhiều nam tính, quyết đoán và xông xáo. Tôi cần phải dịu dàng một chút, thong dong một chút và thỉnh thoảng tỏ ra… ngu đần một chút. Đó là điều Phiên muốn, tôi cay đắng thầm nghĩ. Ngày trước, khi mới lấy nhau, Phiên đôi khi tỏ ra không hài lòng khi tôi rề rà trong cử chỉ, e dè trong tiếp xúc. Thì bây giờ tôi đã thay đổi như ý Phiên đó thôi. Từ ngày tôi rời cái chỗ ngồi buồn bã trong thư viện với những quyển sách cũ kỹ ẩm mốc, nghe lời Phiên thử vận may trong một công ty thương mại, tôi đã đi từ thành công này đến thành công khác. Mãi cho đến hơn ba mươi tuổi tôi mới thấy cái khả năng tiềm ẩn trong tôi. Lâu, đã quá lâu rồi, tôi ẩn mình trong chiếc vỏ tẻ ngắt của mình, không có khái niệm gì về thế giới náo nhiệt chung quanh. Khi khám phá ra sự hấp dẫn mê hồn của cuộc sống nhiều màu sắc, tôi hối hả lao vào và quên đi rất nhanh những tháng ngày nhạt nhẽo cũ. Hội họp, công tác, kế hoạch, tiệc tùng… đã làm tôi trở thành một con người khác, bặt thiệp và tự tin. Phiên ban đầu hưởng ứng nhiệt tình những thay đổi của tôi, và mỗi lần bước đi bên tôi, nụ cười Phiên thoáng vẻ tự hào. Tôi đâu còn là cô gái nhà quê, ấp úng, thẹn thùng khi Phiên giới thiệu tôi với bạn bè anh. Ấy vậy mà khi Phiên có cái mình muốn, anh lại dè dặt, thận trọng. Thỉnh thoảng tôi thấy Phiên nhìn tôi với một ánh mắt kỳ lạ, mong mỏi. Có những đêm giật mình thức giấc, tôi thấy Phiên ngồi trầm ngâm nơi đầu giường, khói thuốc mờ mịt. Hình như Phiên bỏ hút thuốc lá đã lâu lắm rồi mà. Khi tôi hỏi sao Phiên không ngủ thì Phiên bảo anh thấy nhớ lắm. Tôi hỏi: “Nhớ gì?”. Phiên cười nhỏ: “Nhớ em”.
    Ai đã nhắn cho tôi dòng tin trên, tôi lại băn khoăn tự hỏi. Những ý nghĩ trôi tuột như giọt nước trên đầu lá thu khô. Mấy hôm nay trời dịu mát, hơi hướm mùa mới đã len lỏi tới. Đã bao lâu rồi, dù vô tình đến mấy tôi cũng không thể dửng dưng với tiết trời này trong năm. Nó bắt người ta phải nghĩ đến những gì đã qua, phải nhớ một cái gì đó. Ánh nắng đến hết sức rụt rè, và thời gian đi cũng khẽ khàng quá đỗi. Điều đau khổ của tôi là tôi không biết mình đang nhớ gì, và đang mong mỏi gì nữa. Tôi chỉ biết một điều là nỗi nhớ đôi khi dâng lên thật đầy, và rồi cũng đẩy tôi xuống thật thấp. Lòng tôi hoang mang giữa những hồi tưởng đứt nối, rời rạc. Nhưng khi tôi đến sở làm, tôi nhanh chóng quên hết. Khi tôi đang lúi húi với lịch hẹn khách thì Minh bước vô phòng. Anh ta đến bên tôi, nói nhanh: “Chúc mừng năm mới!”. Tôi cười: “Bày chuyện quá, hãy còn sớm để nói câu đó…”. Nhưng rồi tôi bỗng nghe như có một cơn sóng ùa tới. Có phải Minh không, người đã nhắn cho tôi dòng tin trên máy? Tại sao Minh lại làm như vậy? Có lẽ nét mặt của tôi làm cho Minh bối rối quay ra. Khi đã đến cửa, Minh chợt quay lại nhìn tôi. Tôi cười và Minh cũng cười. Thế đấy, con người là chúa giả vờ.
    Cái ý nghĩ Minh là người nhắn cho tôi mẫu tin bỏ ngỏ ấy làm cho tôi thấy phấn khích. Một cách tự nhiên, tôi nhìn xuống bộ quần áo đang mặc. Màu xanh nhạt luôn hợp với tôi nhất, Phiên nói như vậy mà. Mở ví ra, tôi cố gắng nhìn thoáng mình qua gương một chút. Và tôi buồn cười tự hỏi vì sao mình ngớ ngẩn đến vậy. Nếu đó là Minh, thì có gì là khác đâu. Dẫu sao anh ta cũng là đồng nghiệp của tôi, và đối với anh, tôi luôn nể trọng sự uyên bác, tính trầm tĩnh của một người đàn ông chững chạc. Giấy tờ trên bàn hôm nay có vẻ lộn xộn quá, tôi nghĩ. Cái điện thoại tôi để cũng không được ngay ngắn cho lắm. Đang loay hoay dọn dẹp, tôi giật mình khi thấy Minh lại bước vào. Tôi hỏi giọng run run: “Có chuyện gì không anh Minh?”. Minh cười cười: “Tôi muốn nói với Quỳnh chuyện này mà khó quá”. Tôi thấy choáng váng và con người xông xáo trong tôi cụp mắt xuống, ngại ngùng. Lần đầu tiên tôi nhận ra mũi giày của mình có những vết rạn, và màu vecni đã bắt đầu cũ. Minh ngập ngừng rồi nói: “Chiều nay tôi có việc về sớm, Quỳnh thay tôi gặp ông Kha dưới đại lý được không?”. Thở phào, tôi nói nhanh: “Tưởng chuyện gì, anh cứ để đấy”. Khi Minh đi rồi, tôi mang cái cảm giác pha trộn giữa an tâm và tiếc nuối. Con người lạc quan trong tôi khẳng định một cách nhục nhã rằng Minh còn muốn nói một điều gì nữa đằng sau mớ công việc bộn bề kia. Nhưng con người cũ kỹ nhà quê trong tôi lại an tâm một cách chua xót.
    Chiều nay khi về nhà tôi đã thấy Phiên quần áo chỉnh tề ra vẻ như sắp đi đâu đó. Cảm thấy hối hận về những ý nghĩ không đoan chính của mình trong ngày, nên tôi cười thật tươi với Phiên: “Anh không đi đâu chứ?”, tôi hỏi. “Không, rồi sao?”. Tôi đi về phía chiếc gương to, vừa xoay người trước gương trả lời: “Không, em hỏi vậy thôi”. Phiên nhìn lên tờ lịch: “Còn mấy ngày nữa thì…”. “Hết năm phải không?”, tôi tiếp lời. Dòng nhắn tin Happy New Year lại hiện lên trong tâm trí tôi với bao câu hỏi bí ẩn. Tôi nghĩ đến Minh. Không hiểu sao tôi đoan chắc là Minh đã nhắn đến tôi lời chúc trên. Niềm tự ái đàn bà có thể làm đủ mọi chuyện, huống hồ chỉ là trong ý nghĩ. Tôi rà soát lại cử chỉ và cách cư xử của Minh, cố tìm ra vài điểm tương đồng với những gì tôi đang tưởng tượng. Khi tôi ngẩng lên thì Phiên đã đi đâu mất. Tôi thấy khó chịu khi Phiên tỏ ra không cần đến tôi. Người ta thường nói giữa vợ chồng đôi khi cũng có sự ganh tị. Hay Phiên không thích khi thấy tôi thăng tiến khá nhanh. Tôi uể oải đóng cửa rồi lên giường ngả lưng một chút. Những ngày cuối năm. Thế là xong, bắt đầu kế hoạch mới, công tác mới. Nhưng cuộc sống giữa tôi và Phiên thì có gì mới đâu. Vẫn ngày ngày hai đứa đến sở làm, quay cuồng với công việc. Tôi biết nhà tôi thiếu vắng tiếng khóc của trẻ, tiếng dỗ dành của mẹ và giọng ân cần của cha. Nhưng biết làm sao hơn, đó là một thỏa thuận ngầm giữa chúng tôi lúc đầu. Phiên muốn cuộc sống được chuẩn bị tốt trước khi có con, mà tôi lúc đó thì luôn nghe theo lời Phiên bảo. Bây giờ qua bao nhiêu năm, nhìn lại thấy mình đã có thừa mà cũng rất thiếu. Công việc không cho phép tôi ngừng lại để giải quyết sự thiếu thốn cá nhân đó. Nếu Phiên khuyến khích tôi một chút thì có lẽ sự việc sẽ khá hơn. Tôi sẽ cho Phiên một đứa con. Phải chăng đó là điều bấy lâu nay tôi ấp ủ, mong ngóng. Đôi khi tôi thấy Phiên rất gần mà cũng rất xa, tựa như những mộng mơ thời trẻ đã phủ chụp lên hình bóng Phiên một thứ sương mù lạ lùng không tên gọi. Tôi đang tìm một cái gì đó không biết, nhớ một cái gì tôi không hay. Nhưng tôi biết đằng sau những tất bật đời thường luôn có sự hiện diện của nó. Và tinh quái thay, đang lúc tôi đang lù mù rối rắm thì lại có người chúc tôi năm mới vui vẻ. Mà tôi thì buồn cười làm sao khi thích lãng mạn hóa vấn đề. Giữa hàng trăm khách hàng và bạn bè quen thuộc, bất cứ ai cũng có thể nhắn cho tôi dòng tin đó. Thế nhưng ai cũng để tên lại, và họ cần để tên lắm chứ! Để cho tình cảm thắt chặt hơn, công việc trôi chảy hơn. Còn kẻ nhắn tin kỳ bí này thì không nể nang tôi chút nào. Cứ như là ban phát cho tôi một thứ ân huệ. Cứ như là muốn gieo rắc một không khí nghi ngờ. Cứ như là bắn đi một lời hẹn hò đắm say đầy ẩn dụ.
    Tối nay bên phía liên doanh tổ chức liên hoan cuối năm. Tiệc bắt đầu lúc sáu giờ chiều nhưng thật ra nó đã có mặt trong sự bồn chồn của mọi người từ lúc sáu giờ sáng. Riêng tôi, tôi thật lòng mong mỏi đến tối để được cười nói và được quên cái điều tôi đang cố nhớ. Bấy lâu nay tôi tưởng mình đã khô khan lắm rồi, máy móc lắm rồi. Nhưng dòng nhắn tin ngọt ngào ấy đã đánh thức con người lãng mạn và cả tin trong tôi. Nhớ lúc còn làm ở thư viện, suốt ngày im lìm bên những cuốn sách dày. Có những ngày mưa dầm, tôi không biết đi xe gắn máy, phải ngồi bó chân nơi góc hành lang chờ Phiên đến đón. Chúng tôi che chung áo mưa, trong khi tôi rét mướt run rẩy thì Phiên gõ nhẹ vào trán tôi, khẽ đùa: “Cô bé ngốc nghếch nhà quê ạ, khi nào thì em hết làm khổ anh đây?”.
    Bây giờ thì tôi có làm khổ Phiên nữa đâu. Tôi đã đi được xe máy, đã biết phóng nhanh, đã biết cười cầu tài với anh công an khi lỡ đậu xe vượt mức qui định. Và tôi còn có cả xe hơi để di chuyển khi cần thiết. Đương nhiên là Phiên đã tự do hơn, không còn bị ràng buộc thời gian vì tôi nữa. Có những lúc tôi thèm sự đột phá, và sự đột phá đầu tiên là đi từ tĩnh sang động. Còn bây giờ, chẳng lẽ tôi bắt đầu đi ngược lại? Cái gì đã làm tôi thảng thốt?...
    Snow White Morgan
    Tôi khoác vào người chiếc áo dài đen có điểm những bông hoa tím. Phiên bảo màu đen là màu của sang trọng quí phái, nhưng với em, màu đen là màu của lãng mạn. Tôi xấu hổ khi dựa trên sự chỉ bảo của chồng để làm vui lòng một người đàn ông khác.
    Khi tôi đến mọi người đang nâng ly tiễn đưa năm cũ. Mọi người tỏ vẻ vui mừng khi thấy tôi, làm như không phải vừa mới gặp nhau cách đây hơn một tiếng đồng hồ. Đang nói cười trong vòng vây của họ, tôi may mắn được Minh giải thoát khi anh bước đến chào tôi. Sau khi đưa tôi ly rượu, Minh ngồi xuống ghế. Tôi thấy trơ trọi nên cũng ngồi xuống theo. Chúng tôi nói về chuyện công ty, về dự án năm mới, về những chấn chỉnh cần thực hiện. Ít ra đề tài đó cũng vớt vát chút danh dự cho một con ngốc. Rồi Minh nói chỗ này nóng quá, mình ra ngoài kia ngồi cho mát đi. Tôi ngần ngừ một lát rồi rủ Minh đến chào ông tổng giám đốc. Chưa bao giờ tôi mang ơn những tiếng cười đùa giòn giã của mọi người bằng lúc này. Nó giúp tôi che giấu được nét bối rối trên khuôn mặt và những nôn nao trẻ con trong lòng. Tôi muốn biết có phải Minh đã nhắn cho tôi dòng tin trên, tại sao và tại sao… Tôi hiểu óc tưởng tượng của một con mọt sách đang giở trò với mình, và tôi đã đi quá xa rồi. Tôi bâng quơ nói: “Vậy là xong. Một năm qua rồi”. Minh biếng lười: “Ù, một năm qua rồi. Tôi thấy mình già. Nhưng Quỳnh thì còn trẻ lắm. Cố gắng đi. Quỳnh sẽ được nhiều hơn thua đấy”. Tôi tinh quái: “Đâu phải ai cũng cảm thấy vui khi được nhiều. Đôi khi tôi yêu cái cảm giác của kẻ thua trận”. Minh định đáp lại thì bỗng có tiếng “bíp bíp” vang lên. Ai đó mang theo máy nhắn tin. Có tiếng càu nhàu: “Đi ăn liên hoan mà cũng đeo theo máy”. Rồi họ bật ra cười vui vẻ. Minh buột miệng: “Tôi công nhận thông tin đã làm một cuộc cách mạng với cái máy nhắn tin. Nhưng tôi thật tình chẳng thích trò này lắm”. Tôi ngơ ngác: “Thế anh không bao giờ…”. Minh khoác tay: “Phải nói là rất ít, bất đắc dĩ thôi”. Hụt hẫng vì thất vọng, tôi cố vớt vát: “Vậy… mấy ngày nay anh không chúc mừng cho ai qua máy nhắn tin sao?”. Minh ngạc nhiên: “Không, để làm gì?”. Đầu óc nhanh nhạy của một người lăn lộn trên thương trường đã giúp tôi nhanh chóng lấy lại được bản lĩnh, dẫu đó là thứ sĩ diện hão của một tà áo lộng lẫy trên cỗ xe bằng bí ngô. Tôi quay sang bắt chuyện với những đồng nghiệp khác, lòng thầm cảm ơn đêm nay có đông người. Dẫu sao che giấu niềm tự ái bị thương tổn sau lưng đám đông vẫn dễ chịu hơn là nhìn ngắm nó một mình. Khi tiệc tàn, tôi chào Minh mà thấy lòng mình dửng dưng kỳ lạ. Tôi tự hỏi nếu quả thật Minh là người đã nhắn cho tôi dòng tin trên thì có gì đáng bận tâm đâu. Không, cái mà tôi đang nghĩ là một cái gì khác kia. Nó không phải là nét lịch sự phù phiếm hay lãng mạn giả tạo, mà là một điều hết sức thiêng liêng và gần gũi, như tôi và khoảng trời đêm nay, như cành lá non tơ và đất trời đang run rẩy chuyển mùa.
    Tôi về đến nhà, cửa mở. Đèn sáng choang. Chiếc máy hát góc nhà vang lên bài Yesterday quen thuộc. Phải, ngày hôm qua vẫn còn đấy thôi. Ngày hôm qua với đợi chờ ướt át, với đêm nóng thiêu và giấc ngủ nhiều mộng mị. Ngày hôm qua với tôi khẽ khàng như một cánh bướm non, và với Phiên nồng ấm, dịu dàng. Đôi khi cuộc sống cứ đẩy mình trôi đi mà không ngờ rằng mối nguy cơ trôi về những hướng khác nhau đang rình rập. Những ngày cuối năm tựa như một dấu lặng muộn màng. Tôi mơ hồ tưởng tượng những ánh nến lung linh trong căn phòng mượt mà, đầy hoa và tiếng nhạc. Nơi mộng ảo ấy, tôi và Phiên dìu nhau đi trên nền âm thanh lao xao. Hồi ấy Phiên hay bày trò đố nhau, Phiên đọc lên một câu gì đó rồi bảo tôi tìm ra tác giả của nó. Đôi khi Phiên mua quà mà không bao giờ đưa thẳng cho tôi. Phiên chơi trò mật thư để tôi phải tìm lung tung khắp nhà. Tôi nhớ, trời ơi tôi nhớ ánh mắt Phiên ân cần lo lắng khi tôi trượt chân té ngã nơi cầu thang. Tôi nhớ chiếc giỏ xinh xắn là quà sinh nhật Phiên tặng, và tôi đã hồi hộp run rẩy biết bao khi mở nó ra: một trái tim nhỏ xíu bằng gỗ thông, nhẹ nhàng và mong manh quá. Nhưng nó đủ sức làm tôi choáng ngợp trong một niềm hân hoan không tên gọi. Tôi ngỡ ngàng nhận ra cái mà tôi hoài nhớ bấy lâu nay chính là tình yêu của Phiên mà tôi vô tình quên lãng. Ngó quanh, tôi thấy trong ngôi nhà này đâu đâu cũng là kỷ niệm. Kia là chiếc đồng hồ treo tường có vỡ một mảnh kính nhỏ do tôi sơ ý đụng phải khi quét mạng nhện những ngày cận Tết. Này là chiếc mặt bàn còn một vết xước to vì hai đứa tranh nhau bổ dưa trong đêm giao thừa. Và rất gần với tôi bây giờ là khung hình để bàn có lồng một tấm ảnh đen trắng của chúng tôi. Chiếc khung đầy bụi và lòng tôi đầy mưa bão.
    Không biết tôi đã ngồi như thế bao lâu. Tiếng nhạc đã im bặt tự lúc nào. Ai đó đã tắt đèn. Màn đêm tràn ngập, tôi tưởng mình cũng hòa tan trong bóng tối mịt mùng kia. Lạ lùng thay khi người ta chỉ cảm nhận được sự thật trong đêm tối. Những ảo ảnh lấp lánh không có ý nghĩa gì cả bên một sự thật lồ lộ giữa bóng đêm trùng trùng. Đầu óc ngu muội của tôi chợt hiểu ra tất cả. Và rồi một cảm giác cô đơn bỗng dưng ùa tới, tôi thảng thốt gọi: “Phiên ơi!”. Ngay tức thì tôi được bao bọc trong một vòng tay chở che ấm áp. Có tiếng Phiên thì thầm trên tóc tôi: “Chúc mừng năm mới”.
    NGÔ THỊ MỸ TRANG
    The Rakotz Bridge in Kromlau, Germany