Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Khu vườn bất tận

Khu vườn bất tận
( Copy từ http://www.maxreading.com/sach-hay/truyen-ngan-hay-tuoi-tre-chu-nhat/khu-vuon-bat-tan-13656.html ; tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần ; đã đăng ngày trên trang maxreading.com/  mục Sách > Văn Học Trong Nước >  Truyện ngắn hay Tuổi trẻ Chủ nhật.)
TTO - Tôi hay có những giấc mơ kéo dài từ hai giờ đến khoảng bốn giờ sáng thì xong. Những giấc mơ đó luôn khiến tôi suy nghĩ nhiều vì độ khó hiểu của nó. Có khi tôi thấy mình như một tờ giấy thấm và tôi hút các đường nét xung quanh mình; cũng có khi là giọt mực và tôi bắt đầu loang ra trên nệm một vết dài đúng bằng chiều cao của tôi.
Đó là những giấc mơ luôn lặp lại. Xong tôi dậy, đầu váng vất cảm giác loang ra và thu vào khó hiểu đó.
Tôi ra chợ coi hàng với mẹ. Nhà tôi có một sạp nhỏ bán hoa tươi. Đây cũng là nhu cầu xuất phát từ ý nghĩ mơ mộng của tôi và gần như điên rồ: tôi thích hoa và thích trồng hoa. Nhà tôi có một mảnh vườn rất rộng trồng đủ loại, từ mào gà tầm thường tôi chuyển sang những loại cao cấp hơn, quí hiếm hơn và nhân lên vô tận. Vô tận đến nỗi mẹ tôi nảy ra ý định cần phải đem bán nó. Cũng không hẳn mẹ, đầu tiên là những người hàng xóm lân la đến xin một vài bông, thấy nhiều quá xin vài bó, rồi nhiều người cùng xin, xin mãi cũng ngại người ta mua theo danh nghĩa tượng trưng rồi sau mua thật như mua ngoài chợ. Cái sự nghiệp bán hoa của gia đình tôi cũng bắt đầu từ đó.
Sau những bó hoa đầu tiên được bán, mẹ có vẻ hài lòng lắm cái trò mơ mộng tưởng chừng vứt đi của tôi. Không những nhiều tiền mà còn có vẻ sang trọng, thanh cao hơn cái nghề mà mẹ đã chọn cho tôi trước đó: nghề thợ mộc.
Có một dạo xóm tôi cứ con trai khoảng 16 tuổi thì gần như chẳng cần lựa chọn gì ngoài quấn môtơ và làm đồ gỗ. Vẫn là nghề mộc được chọn vì quấn môtơ cần phải hội thêm một yếu tố nhà ở gần chợ hoặc có vốn liếng một chút, tức có thể mở một cửa tiệm nho nhỏ để ngày ngày kéo cửa ra khép cửa vào. Nói chung một cái nghề sạch sẽ - điện mà. Tôi không được vậy, đành theo thầy Cả đóng đóng gõ gõ được ba năm rồi cũng thành nghề, thành thợ, đóng dăm cái tủ cái giường cho cậu, cho mợ, dì, chú Tư và cuối cùng là mợ Ba thì sự nghiệp chấm dứt, kéo dài được hai năm.
Theo tính toán thì cứ trung bình bốn tháng tôi đóng được một cái gì đó cho dòng họ tôi, đóng cẩn thận, kỹ lưỡng từng đường nẹp nhỏ và hoa văn thì nói chung rất tùy tiện, giống như một chủ trương chỗ nào trống thì thêm một cái hoa, chỗ nào trống nhiều thì một chùm. Hoa là tình yêu của tôi mà.
Những bông hoa đầu tiên trong cuộc đời tôi nở vào lúc tôi đi học thầy Cả. Một ngày tôi giao tôi cho thầy khoảng mười tiếng, thời gian còn lại tôi dành cho niềm thương mến của tôi, một tình yêu lớn hơn cả bản thân mình. Tôi trồng, tưới, bắt sâu… Đầu tiên, tôi trồng chúng trong những chậu sứ. Nhưng dường như chúng không thỏa mãn tôi, những chậu sứ nghèo nàn kinh khủng, chúng đại diện cho một cái gì chật hẹp và thu nhỏ, trong khi những giấc mơ về hoa luôn trải dài như một cánh đồng và nở ra vô hạn. Tôi dấn sang mảnh vườn sau nhà. Tôi tạo nên những cống rãnh, những vòi tưới và như những con mắt hoa lệ quanh tôi, khu vườn dậy hương từ đó. Đơn giản và chân thành, đó là ước mơ của tôi.
Bây giờ mẹ tôi hài lòng lắm rồi. Hằng ngày tôi ra chợ phụ mẹ bán hoa, gói chúng trong những tờ giấy bạc cắt tua, màu mè. Đây phải nói là một ý tưởng mà tôi “chôm” được của người thành phố. Quê tôi, người ta đựng hoa trong những xô lớn và khi khách mua thì gói chúng trong những tờ giấy báo nhàu nát hoặc những chiếc lá chuối xỉn đen. Cải cách nhỏ này đã đem về cho gia đình tôi rất nhìêu lợi nhuận, lại có vẻ trí thức và trân trọng khách hàng.
Có một thời tôi cứ loay hoay mãi giữa những ước mơ và hiện thực. Những ước mơ của tôi cũng đồng nghĩa với những giấc mơ. Tuổi mười sáu tôi mơ mộng quá nhiều và mẹ cho rằng những giấc mơ sẽ không đưa tôi ra khỏi khu vườn. Tôi sẽ như một cái lu, một cái cuốc, một cái bừa cào mà nằm vật trong xó bếp, nằm vật trong cái lứa tuổi mười sáu ngờ nghệch và không lớn nữa. Bây giờ sau nhiều năm nghĩ lại, tôi tạm hiểu cuộc đời mình như một điều may mắn lớn, những bông hoa như những chiếc chìa khóa đã mở ra cuộc đời tôi.
Mỗi buổi sáng khi trở dậy, việc đầu tiên là tôi nhìn qua cửa sổ; vợ và thằng con trai ba tuổi của tôi đang tưới hoa. Nàng mặc cái áo dây màu hồng nhạt và những đường nét trên người nàng luôn làm tôi sững sờ. Tôi hay liên tưởng nàng với những tiểu thư ở thế kỷ mười sáu, mười bảy dạo chơi trong vườn và có thể thổn thức vì một đóa hoa, xác bướm, một tiếng ve. Thế rồi giấc mơ của tôi kết thúc vào khoảng bảy giờ, lúc nàng xách cái xô to đùng đi xồng xộc vào nhà. Nàng đến bên giường và hét lớn: “Dậy đi ông tướng!”. Tôi hay cười khùng khục trong chăn khi nhớ lại cái ngày chúng tôi mới lấy nhau, nàng vẫn thường đánh thức tôi bằng câu nói như vậy nhưng khác hơn và cũng đi đứng nhẹ nhàng hơn: “Dậy đi ông tướng của em!”. Tôi chẳng nhớ nàng đã bỏ rơi chữ của em từ lúc nào. Và tôi luôn nghĩ đến một ngày nào đó có lẽ tôi cũng sẽ ngạc nhiên như hôm nay và tự hỏi nàng đã bỏ rơi ông tướng lúc nào, chỉ còn dậy đi. Đời sống vợ chồng hình như người ta đi từ hoa mỹ đến giản đơn, từ cái bay bổng đến là là ngọn cỏ và cho rằng đó là một đời sống thật. Nhiều lúc tôi cũng muốn gọi vợ tôi là mình ơi nhưng bỗng thấy giả giả vờ vịt, thấy như một cái gì bất thường hơn là bình thường, một cái kiểu bốc thơm, thế là dừng lại. Năm nay tôi ba mươi bảy tuổi mà đã thấy ngượng rồi thì chắc chắn rằng tôi sẽ không dám làm điều đó nữa lúc bốn mươi, năm mươi. Lúc ấy nàng sẽ gọi tôi bằng ông, tôi gọi nàng bằng bà, chấm dứt giấc mơ chàng chàng thiếp thiếp.
Từ ngày vườn hoa đẻ ra tiền, đời sống dư dả, tôi đã vướng cái tật thích nằm ềnh trên giường nghĩ vẩn vơ. Có đôi lúc còn ráng ngủ lại để nối tiếp giấc mơ lỡ dở nào đó. Vả lại đời sống người trồng trọt một ngày làm việc có thể kéo dài mười bốn tiếng đồng hồ nên tôi có nhiều cơ hội tự bào chữa cho mình. Tôi nằm và nghĩ ngợi về gia đình tôi.
Con tôi năm nay ba tuổi, mười ba năm sau nó sẽ bằng tôi lúc đi học nghề mộc của thầy Cả, mười ba năm sau nữa nó sẽ cưới vợ và sinh con; cả nhà nó sẽ sống bằng cái vốn liếng kha khá của tôi để dành và riêng nó có thêm một cuốn nhật ký. Tôi tưởng tượng cái lúc tôi chết đi. Nó quay lại căn nhà cũ của bố. Căn nhà lúc ấy hẳn phải trống trải lắm, hoang tàn và mối mọt. Nó sẽ chạm tay vào những chiếc áo cũ, phủi những đống bụi lớn trên mặt bàn và đồng thời bàng hoàng phát hiện cuốn nhật ký đầy ám ảnh của tôi. Như cái cách người ta khai quật một lâu đài dưới lòng đất bằng tấm bản đồ trên da lừa nhặt được, cuốn nhật ký sẽ mở ra một kho tàng vĩnh cửu ẩn giấu trong lòng cha nó. Trong tranh tối tranh sáng và tâm trạng hoang mang của kẻ nhập đồng, nó lần giở từng trang nhật ký đẫm lời yêu thương lẫn khuyên răn bóng gió của tôi. Đại loại mở đầu bằng: ở đời… có nên chăng… ai đó… vậy kia… và nó sẽ thảng thốt mà khóc khi thấy tôi cẩn thận ép khô những bông hoa trong đó, những bông hoa cánh mỏng như tờ giấy quyến soi tỏ tâm hồn tôi. Một đời sống tương lai sau tôi hẳn ngắn ngủi lắm, người ta sẽ trao đổi với nhau bằng cách dậy đi mà không có ông tướng lẫn của em. Thì đây, những bông hoa sẽ cho con trai tôi hiểu rằng vẫn còn một thế giới không nằm bên ngoài mà bên trong tâm hồn của cha nó. Có thể ví như những giọt mật nằm chen giữa cánh hoa mà đời sống nào cũng cần, hoặc nó có lỡ thái quá thì cũng thư thả mà chùng lại. Chẳng hiểu tại sao tôi luôn nghĩ rằng để lại cho con những giấc mơ vẫn tốt hơn mọi thứ, những giấc mơ là những câu văn dài lãng mạn yêu thương như anh yêu, mình ơi, ông tướng và của em…
Vậy đó, những buổi sáng và nghĩ ngợi. Bảy giờ, tôi ra vườn bắt những con sâu ăn đọt hoa bỏ vào cái đĩa, cũng sẽ là món quà cho lũ gà kế hoạch nhỏ ngu ngốc và lười biếng của con trai tôi. Chúng chỉ biết ăn rồi nằm kềnh như những con heo, chúng mập ú. Tôi có dự định chờ đến ngày sinh nhật của con trai tôi là mần thịt chúng. Thằng bé tuy mới ba tuổi nhưng hôm qua nó đã biết nói một từ độc đáo, từ suy nghĩ khiến vợ tôi cười khanh khách. Con gà nằm im vì suy nghĩ. Nàng luôn giành cái phần thông minh của nó về phía mình do nàng di truyền. Nàng giành cái khuôn mặt xinh tươi của nó và đẩy cái mũi xấu xí cho tôi. Nàng giành cho mắt, chân tay, hàm răng và mái tóc. Càng ngày tôi càng có cảm giác nàng đẩy tôi ra khỏi thằng bé, giống như những gì tươi đẹp nhất của nó đều từ nàng và tất nhiên, nó thuộc về nàng. Tôi trở nên không có gì hết, ngay cả cuộc sống của tôi gần như tan biến: con trai của vợ tôi, khu vườn đầy hoa của mẹ tôi. Những buổi sáng không thuộc về tôi nữa. Thay vì tôi có thể nằm chường, nghĩ ngợi đến mười một giờ trưa thì bây giờ nó đã được cắt giảm phân định rạch ròi, đúng bây giờ. Càng lúc tôi càng có cảm giác mọi thứ không thuộc về một ai mà dường như thuộc về mọi người, trừ chính người đó. Ngay cả thời thơ ấu, tôi luôn nghĩ về nó nhưng càng lúc theo thời gian nó càng xa tôi, không thuộc về tôi. Những chi tiết mà nó gợi nhắc có mình thoáng chốc hiện lên rồi tan biến trong cái hiện tại mà trước sau gì cũng trở thành quá khứ, rồi cũng sẽ tan biến như cái trước. Tôi hình dung gia đình tôi như một cái bàn tròn mà ở đó mọi thực khách đều đánh mất mình. Tôi đánh mất mình trong con tôi, con tôi lại đánh mất nó trong vợ tôi, rồi vợ tôi đánh mất nàng trong tôi; và đấy là những con người đánh mất mình trong cái mối quan hệ rất ư hài lòng. Rồi sau con tôi cũng sẽ đánh mất nó trong con của nó và cứ thế tiếp dĩên. Giống như một sợi dây vô tận xuyên qua các thời đại, từng con người lần lượt xâu chuỗi với nhau trong mối quan hệ rất ư là hài lòng và cũng rất ư là không còn mình.
Đã lâu lắm rồi tôi chưa hề có một ý nghĩa thảnh thơi như sáng hôm nay. Nó gần như dồn hết sinh lực của tôi vào một niềm vui nào đó tôi chưa biết trước, tôi cần phải chờ đợi. Tôi nghĩ trước sau gì trong hôm nay nó cũng phải lộ diện thôi nhưng chẳng biết lúc nào. Thay vì tưới cây như cái lộ trình quen thuộc được vạch sẵn của những ngày trước đó, tôi ra chợ ngồi chơi với mẹ; vừa nhâm nhi ly cà phê vừa hình dung toàn bộ cái lộ trình của một cộng đồng đang đi qua đi lại dâng lên trước mắt tôi dưới dạng những con sóng thủy triều; ồ ạt dăm hôm cuối tuần, dăm hôm lễ lạt dăm hôm rằm, rồi lắng dịu chờ đợi đến những ngày cuối năm lại ồ ạt một lần nữa rồi chấm dứt. Đời sống của gia đình tôi cũng phụ thuộc vào những đợt sóng đó. Mỗi mùa xuân đi qua, khu vườn hoang tàn như một bãi chiến trường chỉ còn trơ lại màu cát, những bông hoa đã bị cuốn đi đến tận gốc, để rồi đầu mùa xuân tôi lại bắt tay vào cuốc xới gieo hạt. Như động thái của người họa sĩ đối với tấm toan, tôi phủ màu lên khu vườn tôi.
Năm nay mùa xuân đã khởi động từ đầu tháng chạp, sáng hai mươi chín tết khu vườn tôi gần như không còn gì, mẹ phải để dành hoa lại cho ngày ba mươi. Tôi cũng đã có ý định mua lại miếng đất của bà cụ Phúc xóm bên để mở rộng diện tích canh tác. Tôi biết cụ đã lâu nhân một ngày cuối năm nọ, cụ đến xin tôi những cây hoa dập úa hoặc ế ẩm mà trước sau gì tôi cũng vứt đi vào tối ba mươi. Từ trong cái đống hổ lốn đó, cụ nhặt ra những bông hoa còn nguyên, bó lại thành một bó nhỏ. Cụ nhìn tôi cười khà rồi lọ mọ, run rẩy ôm bó hoa về. Cuối năm nào cụ cũng ghé. Cụ còn hứa khi nào mất sẽ bán lại mảnh vườn cho tôi. Cụ sống chỉ có một mình, không con cháu. Đã nhiều năm nay tôi âm thầm chờ đợi, sự chờ đợi này đôi khi gieo vào lòng tôi một cái gì đó thật nhẫn tâm, giống như tôi chờ cụ chết đi để được mua mảnh vườn, để gia đình tôi được sung túc hơn. Nhiều lúc tôi tự bào chữa cho mình nhưng điều đó đã gieo vào lòng tôi một sự day dứt mãi.
Tết năm nay là cái tết thứ hai không thấy cụ ghé. Tôi cũng quên bẵng một điều là cần phải hỏi nhà cụ ở đâu và khi mua khu vườn cần phải giao số tiền đó lại cho ai. Không chừng cụ đã mất rồi cũng nên. Nhiều khi tôi nghĩ đó chỉ là một trò đùa của cụ và cái mảnh vườn mà cụ đã hứa nằm đâu đó bên ngoài đời sống này, chúng không có thật. Nơi đó tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ được biết đến, được đặt chân đến; rằng nó chỉ có một vườn hồng như tấm lòng đầy rẫy những giấc mơ cho riêng cụ, một vườn hồng đỏ rực mà thôi.
NGUYỄN NGỌC THUẦN

Không có nhận xét nào: