Kỷ niệm cùng ngài John Kerry
(Copy từ http://nvhung.nqtam.com/bai-bao/ky-niem-cung-ngai-john-kerry/ , tác giả: Nguyễn Văn Hùng ; đã đăng ngày 15/11/15 lúc 12:11.)
Ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định chọn Thượng nghị sĩ John Kerry vào chức vụ Ngoại trưởng Hoa kỳ thay bà Clinton từ nhiệm.
Trong cuộc đời 69 năm đã qua của Thượng nghị sĩ John Keryy có khá nhiều dấu ấn liên quan đến Việt Nam: từng tham chiến tại Việt Nam trong cấp hàm trung úy hải quân; công khai hoạt động phản đối chiến tranh năm 1971 và cùng thượng nghị sĩ Cộng Hòa John MeCain tích cực vận động bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ trong những năm 1990 – 1995 …
Tôi là một trong những người Việt Nam may mắn có dịp tiếp xúc với ngài John Keryy trong thời gian ông tham gia vận động bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Đó là vào đầu năm 1994, khi việc tiến tới bình thường hóa quan hệ hai quốc gia đã có những tín hiệu chín muồi. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao về việc ngài Thượng nghị sĩ – nguyên chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ( 1991 – 1993) sẽ thị sát công việc tìm hài cốt lính Mỹ tại địa điểm ở ngoại vi thị xã Pleiku ngày 16 – 1 . Với cương vị phó chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ đại diện chính quyền địa phương đón tiếp ngài thượng nghị sĩ ngay tại hiện trường lực lượng hỗn hợp Việt – Mỹ đang tiến hành khai quật ở khu vực gần núi Hàm Rồng, nơi một máy bay C130 của Mỹ bị rơi làm hai trong số 5 phi hành đoàn mất tích vào năm 1966.
Là chủ nhà, dẫn đầu một đoàn cán bộ tỉnh gồm quân đội, công an, ngoại vụ … tôi đến trước giờ hẹn khoảng 30 phút để kiểm tra công tác chuẩn bị, việc bảo đảm an ninh, khu vực bãi đỗ máy bay trực thăng …Với con mắt “nhà báo nghiệp dư” cộng tác viên thân thiết của báo Tuổi Trẻ tôi cũng không quên tranh thủ “điều nghiên” những vị trí mà tôi đoan chắc ngài John Kerry không thể bỏ qua, đặc biệt là “kho bom” 18 quả đã được đội tìm kiếm hỗn hợp phát hiện, gom lại một chỗ.
Đúng “giờ G”, một chiếc máy bay trực thăng Mi8 từ từ hạ cánh trong tiếng động cơ ồn ã, bụi bay mù mịt. Sau khi cánh quạt trực thăng ngừng quay, từ trên máy bay một người Mỹ cao gầy, mặc bộ đồ trắng cùng đoàn tùy tùng, báo giới bước xuống đi về phía chúng tôi. Tôi tiến tới bắt tay ngài thượng nghị sĩ John Kerry, phát biểu vài câu, đại ý: thay mặt chính quyền địa phương chúng tôi hoan nghênh sự có mặt của ngài, chúng tôi mong muốn ngài cùng với Quốc hội Mỹ sẽ tích cực vận động để sớm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vì quyền lợi của nhân dân hai nước. Chúc ngài hoàn thành tốt đẹp chuyến công tác… Trong lời đáp, Thượng nghị sĩ John Kerry gửi lời cảm ơn sự đón tiếp và tạo điều kiện tìm kiếm hài cốt lính Mỹ của chính quyền tỉnh, cho biết ông đang tích cực vận động để sớm bình thường hóa quan hệ hai nước… rồi ông đề nghị được trực tiếp thăm hỏi lực lượng nhân viên Mỹ đang làm việc tại đây, xem xét hiện trường vụ khai quật.
Như vậy là vai quan chức chính quyền đã làm xong, tôi lao ngay vào vai “nhà báo”, cầm máy ảnh “phục” sẵn tại những vị trí “đẹp” để chuẩn bị tác nghiệp. Cũng nhờ sự chuẩn bị chu đáo trước như thế nên khi ngài thượng nghị sĩ hoạt động, trong khi các phóng viên Mỹ và báo chí trung ương còn loay hoay tìm một vị trí khả dĩ giữa đám đông quan chức, nhân viên hai bên và ngừơi dân hiếu kỳ vây quanh thì tôi đã có một góc máy tốt để “chộp” những kiểu ảnh ưng ý nhằm gửi tin – ảnh cộng tác với báo Tuổi trẻ. Tuy nhiên, thời đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số, không có internet, ảnh phim nhựa phải in ra rồi chuyển bằng đường bưu điện về đến tòa soạn ớ TP.HCM cũng mất đến vài ngày. Nhưng tôi chưa kịp gửi ảnh về Sài Gòn thì lại tiếp tục được lãnh đạo phân công đón tiếp ngài Đô đốc – Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương Mỹ Clason cũng tại địa điểm nói trên vào ngày 18-1. Và , nhờ tiếp tục “diễn” chu đáo cả hai vai, với chiếc máy ảnh điện tử tàng tàng tôi cũng đã có được những bức ảnh khá “độc”. Chỉ cách nhau có hai ngày, hai quan chức cấp cao Mỹ liên tiếp đến Pleiku thị sát chương trình POW/MIA trong hoàn cảnh hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, tất nhiên được dư luận thế giới và trong nước đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên sau chiến tranh 1975 có một vị tướng bốn sao Mỹ như ông Clacson đến Tây nguyên nên dư luận có vẻ quan tâm đặc biệt hơn nên tôi quyết định gửi tin ảnh hoạt động của ông này về tòa soạn báo Tuổi Trẻ trước. Nhờ vậy, trong số báo Tuổi Trẻ chủ nhật 14-94 xuất hiện tin ảnh với cái tít cũng “độc”: “18,18 và 18” kèm lời chú thích: “Sau hơn 1 8 năm người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương Mỹ là Đô đốc Clacson đã đến thăm điểm khai quật của đội tìm kliếm hỗn hợp lần thứ 27 vào đúng ngày 18-1 vừa qua (…). Kết quả cuộc khai quật: không tìm thấy xác người Mỹ nào, chí có … 18 quả bom còn nguyên vẹn !”. Riêng những bức ảnh chụp hoạt động của Thượng nghị sĩ John Kerry ngày 16-1-1994, tôi chủ động giữ lại “chờ cơ hội” sẽ tung ra. Và từ năm 1994 đến nay đã có hai cơ hội “hụt” như thế: đó là năm 2004 khi ông John Kerry thất bại trong cuộc chạy đua chiếc ghế tổng thống Mỷ và năm 2008 ông cũng để “vuột” vị trí ngoại trưởng Mỹ. Rồi không thể chờ hơn nữa, dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2009, tôi đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần 3 trong số những bức ảnh nói trên. Bài báo này mang tựa đề “Ảnh …“độc” sau 15 năm mới công bố”, có đoạn: “ Nhân Ngày nhà báo năm nay, tôi quyết định chuyển những bức ảnh đã giữ suốt 15 năm qua chụp ngài John Kerry tại Pleiku ngày 16-1-1994, một trong những sự kiện có thể xem như “đêm trước” bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đến bạn đọc TTCT”.
Vào thời diểm đầu 2013, khi ngài Thượng nghị sĩ John Kerry chính thức sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ, tôi cũng đã từ nhiệm “vai” công chức chính quyền gia nhập gia đình Tuổi Trẻ với chức danh tỉnh táo viên được gần 10 năm. Khi Tuổi Trẻ tròn 40 tuổi, tôi đã nghỉ hưu hơn một năm, xin chia sẻ câu chuyện về kỷ niệm đáng nhớ này cùng đồng nghiệp.
Những bức ảnh đã đăng trên TTCN trong bài “Ảnh … “độc” sau 15 năm mới công bố”
Nguyễn Văn Hùng
(Bài đã đăng trên Báo Cựu chiến binh TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét