Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - Ai thực sự là người ném trái lựu đạn?

Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - Ai thực sự là người ném trái lựu đạn?...

(Copy từ: http://nongnghiep.vn/lieu-co-them-hai-ong-chan-ai-thuc-su-la-nguoi-nem-trai-luu-dan-post143188.htmlđăng ngày 22/05/2015, lúc 06:15, mục Bạn dọc.)
Trong lần về xã Phú Phúc để điều tra, xác minh theo đơn của cụ Trần Anh Điền, chúng tôi đã gặp một nhân chứng vô cùng quan trọng.
Liệu có thêm hai ông Chấn? - Ai thực sự là người ném trái lựu đạn?
Bà Trần Thị Liên : Chính mắt tôi nhìn thấy Trần Văn Hữu ném trái lựu đạn chiều ngày 29/11/1992

Đó là bà Trần Thị Liên, SN 1951, trú quán tại xóm 3 thôn Thanh Nga, xã Phú Phúc.
Lời chứng của bà Liên như sau: "Tôi xin làm chứng rằng trong cuộc xô sát giữa thôn Thanh Nga và thôn Nhân Phúc chiều ngày 29/11/1992, ông Trần Văn Vót đã không đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh.
Trần Ngọc Thanh cũng không có mặt ở hiện trường xảy ra xô xát.

Như vậy ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh không gây ra cái chết của Trần Văn Việt. Đồng thời tôi xin làm chứng rằng người ném lựu đạn trong cuộc xô xát này là Trần Văn Hữu, con ông Bốn ở xóm 1 Thanh Nga”.

Chúng tôi hỏi bà Liên:
- Căn cứ vào đâu mà bà khẳng định rằng Trần Văn Hữu là người đã ném trái lựu đạn trong cuộc xô xát giữa hai thôn vào chiều ngày 29/11/1992?
- Tôi biết thằng Hữu có lựu đạn. Và biết chúng nó có ý đồ xấu, nên tôi đã bí mật theo dõi nó. Chiều ngày 29/11/1992, dân Thanh Nga ra bãi, ngoài thằng Hữu với vài thằng khác, thì chỉ toàn đàn bà thôi. Chính mắt tôi nhìn thấy thằng Hữu ném.

Như vậy là ở đây có hai người đáng chú ý. Thứ nhất là Trần Văn Cự. Theo anh Trần Ngọc Chương, thì 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường chiều ngày 29/11/1992, khi đẩy anh Chương ngã xuống lúc lựu đạn nổ, họ đã nhìn rõ người ném trái lựu đạn, chỉ không biết tên tuổi, nên mới hỏi anh Chương.
Khi được anh Chương cho biết tên người đó là Trần Văn Cự, những anh công an đó đã lấy vỏ bao thuốc lá ghi tên tuổi của Cự. Và sau đó công an đã khởi tố vụ án “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”.

Rồi tiếp tục khởi tố bị can đối với Trần Văn Cự về hai hành vi trên.
Khởi tố vụ án thì đương nhiên rồi. Nhưng từ chỗ khởi tố vụ án đến khởi tố bị can, là một thời gian xác minh công phu, nghiêm túc. Và chắc chắn rằng phải có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra mới khởi tố bị can, ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Trần Văn Cự.

Thế mà khi Cự bị bắt, thì từ chỗ bị khởi tố bị can về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”, Cự lại được chuyển tội danh thành “gây rối trật tự công cộng”. Đây quả là một điều khó hiểu. Một trong 4 công an huyện Lý Nhân có mặt tại hiện trường hôm đó là anh Hòa.
Sau đó không hiểu vì lý do gì, anh Hòa phải ra khỏi ngành công an, hiện đang sống ở Hà Nội. Chúng tôi đã liên lạc với anh bằng điện thoại, với mong muốn tìm hiểu thêm thông tin về vụ án nhưng anh từ chối.

Thứ hai, bà Trần Thị Liên thì khẳng định người ném trái lựu đạn là Trần Văn Hữu, trú quán tại xóm 1 thôn Thanh Nga. Điều này chưa hề được cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
Vậy ai là người đã thực sự ném trái lựu đạn đó?

Nhưng theo chúng tôi, dù ai ném chăng nữa, thì cũng không phải Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh. Vì những lẽ sau đây:
- Rất nhiều nhân chứng như đã nói ở bài trước, đã khẳng định tình trạng ngoại phạm của Thanh và Vót khi vụ án xảy ra.
- Trần Văn Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương chống Mỹ.
Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe. Khi vụ án xảy ra, Trần Văn Vót đang là Bí thư Chi bộ đội 4 (Lý Nội). Là một Bí thư Chi bộ, hẳn Vót có nhận thức chính trị cao hơn người thường.
Là cựu binh, Trần Văn Vót hẳn hiểu biết về mức độ nguy hiểm của trái lựu đạn khi nó nổ ở chỗ đông người. Không dại gì mà Vót lại đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh làm việc nguy hiểm đó.
- Xô xát xảy ra là giữa dân Thanh Nga và dân Nhân Phúc. Thanh và Vót đều là người Nhân Phúc. Vậy nếu giả sử có ném trái lựu đạn, thì Thanh phải ném về phía dân Thanh Nga chứ không đời nào ném về phía dân Nhân Phúc, nơi có rất nhiều người không chỉ là hàng xóm mà còn cả người thân của mình.
- Bản án của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều dài tới 50 trang giấy khổ A4, lập luận rất dài dòng, nhưng tuyệt không đưa ra được một nhân chứng nào khẳng định đã nhìn thấy Trần Văn Vót đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, cũng như không đưa ra được một nhân chứng nào khẳng định đã nhìn thấy Thanh, Vót có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án.
Tất cả chỉ dựa vào duy nhất lời khai của Trần Ngọc Thanh. Mà Thanh thì khai tại tòa rằng mình đã bị dùng nhục hình, bức cung. Sợ mất an toàn cho bản thân nên Thanh bắt buộc phải khai theo ý điều tra viên, chờ ra tòa sẽ nói lên sự thật. Nhưng lời khai của Thanh tại tòa không được đếm xỉa.
Vụ án này cón rất nhiều câu hỏi, chưa được làm sáng tỏ. Đã gây bức xúc cho người dân Nhân Phúc suốt 23 năm qua. Chúng tôi kiến nghị những người có trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, hãy có những biện pháp tư pháp cần thiết để xem xét lại vụ án.

VŨ HỮU SỰ
...

Không có nhận xét nào: