Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Thông xe cầu Cổ Chiên, dân mừng không ngủ

Thông xe cầu Cổ Chiên, dân mừng không ngủ
Copy từ https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thong-xe-cau-co-chien-dan-mung-khong-ngu-3219430.html , tác giả: Cửu Long , đã đăng ngày 16/5/2015, 15:41.
Cây cầu hoàn thành, rút ngắn hành trình 70 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng, đồng nghĩa một bến phà trên bản đồ giao thông trong nước được xóa bỏ.
Ngày 16/5/15, tại huyện Mõ Cày Nam (Bến Tre) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo các bộ ngành và đông đảo người dân đến dự lễ thông xe cầu Cổ Chiên.
Đây là một trong 4 cầu lớn trên quốc lộ 60 và là điểm kết nối quan trọng giữa quốc lộ này với các tuyến đường thuộc hành lang duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng). Công trình đưa vào sử dụng, rút ngắn hành trình 70 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.
Cầu Cổ Chiên 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80 km/h thông xe ngày 16/5/15, sớm hơn dự kiến 15 tháng. Ảnh: Cửu Long
“Cây cầu này là niềm mong mỏi bao đời của người dân Trà Vinh”, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói. Còn ông Võ Thành Hạo, Bí thư đồng thời là chủ tịch Bến Tre hồ hởi: "Việc thông xe cầu Cổ Chiên đồng nghĩa một bến phà trên bản đồ giao thông cả nước được xóa, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Trà Vinh - TP HCM".
Lội bộ gần một km đường làng để dự lễ thông xe, nông dân Nguyễn Văn Sanh (66 tuổi, huyện Mõ Cày Nam, Bến Tre) cho biết, ông cùng bà con đã dậy từ sáng sớm, đi cho kịp giờ. “Trước đây, khu vu vực này là cái cồn, toàn đi đò không à. Dân ở đây không nghĩ có cầu bắc qua, đường xá được kết nối. Giờ nông dân chúng tôi rất mừng khi có cây cầu lớn như thế này. Đây là niềm mong ước lớn, quý lắm”, ông Sanh nói.
Người dân hai tỉnh Trà Vinh - Bến Tre cười tươi khi dự lễ thông xe. Ảnh: Cửu Long
Còn ông Phạm Văn Ni (62 tuổi, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cười tươi cho biết, trước đây, vùng này hẻo lánh, khi cần làm giấy tờ, dân phải đi đò vô huyện, ra tỉnh mất cả ngày trời. "Mấy hôm nay, nghe tin cầu sắp cho đi, tôi mừng ngủ không được. Công trình đi qua, nhà tôi bị thu hồi gần 2 công đất (2000 m2) nhưng tôi rất sẵn lòng bàn giao cho nhà nước", ông Ni bày tỏ. "Có đường xá thông thương thì bưởi, xoài, dừa và các sản phẩm đan lát của bà con không còn lo cảnh bị ép giá nữa rồi. Hồi đó, khi đơn vị thi công múc những gào đất đầu tiên làm đường, dân ở đây kéo ra xem mà mừng rơi nước mắt".
Theo ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT, phần chính cầu Cổ Chiên bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, dài gần 1,6 km, rộng 16 m, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng. Phần đường dẫn vào cầu có vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng chiều dài gần 10 km.
Nông dân Phạm Văn Ni mừng không ngủ khi cầu thông xe. Ảnh: Cửu Long
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương việc tập trung xây dựng đưa cầu vào sử dụng sớm 15 tháng so kế hoạch. Cây cầu có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống người dân các địa phương trong vùng, đặc biệt là Bến Tre, Trà Vinh. "Niềm vui lớn, ước mơ ngàn đời có cầu nối liền 2 bờ sông Cổ Chiên của đồng chí đồng bào trở thành hiện thực", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị 2 tỉnh rà soát quy hoạch, sớm thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng địa phương và cả vùng. “Sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là giao thông... Cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh -Sóc Trăng sẽ sớm khởi công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cửu Long

Không có nhận xét nào: