Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật- Kỳ 2: Nặn ra Đạo Dừa |
Kỳ 2: Nặn ra Đạo Dừa |
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=537799 ,đăng ngày 05/05/15, mục Phóng sự điều tra.(Gồm 5 kỳ) |
Theo đệ tử tiết lộ, trong thời gian học đạo ở An Sơn tự,”sư phụ” Hai Nam bị quỷ vương ép buộc dùng “bom nguyên tử” tiêu diệt thế giới, nếu không tuân theo sẽ bị đưa xuống địa ngục tra khảo, hành hình. |
Cận kề cái chết không toàn thây nhưng cậu nguyện hy sinh để... cứu loài người. Sau khi dùng chiêu “cứu chúng sanh bằng cách lẩn tránh”, hạ sơn xong, cậu Hai “nặn” ra Đạo Dừa. |
Thêu dệt huyền bí |
Tình hình Thất Sơn lúc này phức tạp, Pháp tập trung khủng bố nhằm tiến sâu vào làm chủ địa phận được xem là vùng đất tự do bấy lâu nay nên Hai Nam trở về sống với vợ con, cất một cái am cách nhà vài trăm mét và thường xuyên đến tịnh tọa. Ngày 3-9-1945, cậu Hai khăn gói lên núi Tượng lần hai. |
Một số người cho rằng do xã hội biến động khi Nhật đảo chính Pháp, trong khi gia đình cậu Hai vốn thân Pháp, bản thân cũng từng du học bên ấy nên có lẽ sợ quân Nhật hãm hại mà buộc lòng cậu phải lên đó lánh nạn, mặt khác cũng tiện cho việc chuẩn bị hành trang để khuếch trương thanh thế. |
Nương tựa An Sơn tự được ba năm, cậu Hai được tín đồ ca ngợi tu theo kiểu “Hạnh Đầu Đà” (ăn ngọ, ngủ ngồi, đi chân đất...) và đã khám phá hết dãy Thất Sơn, đồng thời “khải ngộ được nhiều điều bí ẩn”, sư phụ của họ còn dám đương đầu với quỷ dữ để cứu nhân loại. |
Minh chứng là trong thời gian ở Thất Sơn, cậu Hai bị quỷ vương (satan) thử thách bằng 100 ngày không cho ăn uống và buộc chạy khắp nơi nhưng chẳng khuất phục được. Tức giận, quỷ vương bắt cậu Hai quỳ gối trên gạch từ sáng tới trưa. |
Trong lúc chờ hành hình, cậu Hai vẫn dõng dạc trả lời: “Ta thà hy sinh để cứu loài người”. Cũng theo lời của các đệ tử, trước khi hạ sơn, trong lúc “sư phụ” đang tịnh thì Hòa thượng Thích Hồng Tôi đến, khen rằng “tấm gương khổ hạnh ấy đã đủ giác ngộ chúng sanh” và tặng cho chiếc bình bát. Từ đó, đi đâu cậu Hai cũng mang theo, cho là báu vật quý giá của đời tu sĩ. |
|
Cầu Ba Lai, nơi ông Đạo Dừa gây chú ý với người đi đường |
Đạo Dừa xuất hiện |
Có lẽ không chịu nổi cảnh thiếu thốn nên năm 1948, tu sĩ Hai Nam về lại quê nhà. Lúc này, giặc khủng bố khắp vùng Nam bộ. Tại Bến Tre, tên Léon Leroy (gã Tây lai có cha làm lính lê dương, còn mẹ là người Việt) đang cùng đội quân ác ôn nổi tiếng “UMDC” (người dân gọi nôm na là uống - máu - dân - chúng) tàn sát dân lành. |
Riêng tại nơi chôn nhau cắt rốn của Hai Nam (Phước Thạnh), Leroy và đồng bọn đã bức tử tập thể 124 người, thiêu rụi hơn 1.500 căn nhà. |
Từng huênh hoang là dám đương đầu với quỷ vương ở Thất Sơn để cứu chúng sanh, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh dân lành bị hãm hại, Hai Nam lại lặng lẽ kết bè ẩn dật dưới sông Cửu Long, đoạn thuộc Định Tường (Tiền Giang) suốt ba năm liền. |
Biện minh cho sự bạc nhược ấy, “tu sĩ” Hai Nam cao giọng rằng: “Làm như vậy để tuân theo đúng luật âm dương huyền bí, đồng thời bổ túc cho thời gian hành đạo ở Thất Sơn”. |
Năm 1951, Nguyễn Thành Nam chính thức lập ra Đạo Dừa, lấy pháp danh là Thích Hòa Bình, lập ngôi chùa nhỏ trên đất gia tộc ở Tân Thạnh, lấy tên là Nam Quốc Phật. |
Có người nói là Đạo Vừa (tức vừa phải, trung dung) nhưng do phát âm của người Nam bộ, chữ “V” đọc thành “D”. Người khác lại bảo nguồn gốc Đạo Dừa là do “giáo chủ” làm đài bát quái (nơi Hai Nam ngồi cầu nguyện) trên ngọn dừa; thức ăn chủ yếu là dừa và luộc, rửa các loại củ, quả cũng bằng nước dừa. |
|
Nghi thức cầu nguyện của Đạo Dừa |
Còn theo nghiên cứu của một số học giả thì lúc bấy giờ ở miền Tây Nam bộ nổi lên phong trào của các “nhà tiên tri”, tự xem mình hiểu biết hơn người, sống ẩn dật sau đó lập ra giáo phái rồi dùng địa danh hay đặc sản của quê hương để đặt tên. |
Đạo Dừa của tu sĩ Nguyễn Thành Nam cũng xuất phát từ ý tưởng đó, do ở Bến Tre có đặc sản là trái dừa. Nhận định này xem ra có cơ sở hơn, vì về sau cậu Hai đổi tông sang uống sữa nên nhiều người còn gọi là... Đạo Sữa! |
Thực ra Đạo Dừa của Hai Nam không được chính quyền thời nào thừa nhận do chẳng có đức tin cụ thể, cũng không có kinh luật, giáo luật, giáo phẩm..., mà tạm bợ vào các tôn giáo khác. |
Một đoạn kinh cầu nguyện trích từ quyển Nam Quốc Phật do chính tu sĩ Nguyễn Thành Nam soạn ra đã minh chứng cho điều này: “Cầu xin Ngọc hoàng thượng đế, Phật Di Đà, Di Lặc, Vương Phật, Bổn sư Thích ca mâu ni Phật, Phật Địa tạng, Đức mẹ Maria, Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật bà Nam Hải, Lão Bà, Lão Tử, Khổng Tử, Quan Thánh Đế Quân chứng minh, Amen...”. |
Mặt khác, không giống những người đứng đầu tôn giáo khác, “giáo chủ” Đạo Dừa không hề thuyết pháp, giảng đạo cho tín đồ của mình vì không có hệ thống giáo lý riêng. |
Nhưng ngụy biện cho sự kém cỏi về trình độ, kiến thức và năng lực của mình, Hai Nam lại cho rằng biện pháp giảng đạo của ông là “cầu nguyện vô vi”, nghĩa là giảng bằng sự yên lặng, tịnh khẩu chứ không dùng lời... |
Tóm lại, người tu theo Đạo Dừa ngoài việc ăn chay (không nhất thiết phải dùng món duy nhất là dừa), tín đồ phải cầu nguyện mỗi ngày bốn lần, mỗi lần một tiếng và thực hiện ngoài trời. |
Lần thứ nhất bắt đầu từ 5 giờ sáng với nghi thức: ngồi xếp bằng, đầu ngón tay cái đặt vào đốt thứ hai của ngón giữa, lòng bàn tay để ngửa đặt lên hai đầu gối. Riêng “sư phụ” Nam vẫn tịnh khẩu, khi tiếp khách thì có đệ tử truyền đạt thay hoặc lấy giấy bút viết ra. |
Do Đạo Dừa thiếu tính hiện thực nên lúc đầu tín đồ hầu hết chỉ là thân nhân của Hai Nam như Diệu Ứng (cháu gọi ông bằng cậu ruột), Đạo Mỹ (em rể), Đạo Nhàn (em ruột) cùng những người thân cận là Đạo Hiếu, Đạo Việt... (theo cách xưng hô tự đặt ra thì người gia nhập đạo được ghép thêm từ “Diệu” trước tên của mình đối với nữ, còn “Đạo” dành cho nam). |
Để thu hút, lôi kéo những người nhẹ dạ, Hai Nam sai đệ tử lan truyền nhiều câu chuyện hoang đường nhằm quảng bá cho bản thân. Nào cậu Hai là kiếp luân hồi của vua Minh Mạng, được người cõi trên phái xuống trần để giảng đạo, chỉ ăn rau quả và uống nước dừa, suốt đời cầu nguyện hòa bình cho nhân loại. Vì vậy, mồ hôi của cậu tiết ra trị được bá bệnh... |
Ngoài ra, tu sĩ này còn kích thích tính hiếu kỳ của dân chúng bằng cách làm đài bát quái với mảnh gỗ ghép tám góc, cao 24 mét, bằng cây dừa để đêm xuống trèo lên ngồi cầu nguyện. Ban ngày, “giáo chủ” Nam bắt đệ tử chống bè đến neo dưới chân cầu Ba Lai để “cầu nguyện cho hòa bình” nhằm gây sự chú ý. |
Trong bối cảnh Mỹ và chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm dùng luật 10/59 lê máy chém gieo rắc thảm họa khắp làng mạc, thôn xóm thì hình ảnh ngày ngày nguyện cầu cho quốc thái dân an của ông Đạo Dừa dần dà chiếm được cảm tình của một bộ phận người dân, từ đó đệ tử đến phục vụ ngày một đông, có lúc lên đến 3.000 người. |
Nhưng tu tập không phải là mục đích chính của Nguyễn Thành Nam, mà đối tượng chỉ lợi dụng sự sùng bái của những người cả tin để hậu thuẫn, làm công cụ cho hoạt động chính trị. Với tham vọng trở thành tổng thống, cậu Hai nghĩ ra đủ chiêu trò để tạo dư luận nhằm tìm cách tiếp cận phủ đầu rồng. |
Vào tù vì tiết lộ thiên cơ |
Năm 1959, tức 14 năm sau ngày xuất gia, hễ đêm đến Hai Nam lại lên ngồi trên Bát quái đài vẻ như không màng đến thế cuộc, mỗi khi có ai hỏi tới vận nước chỉ lắc đầu hoặc bút đàm “chuyện đời tới đâu thời tới, không quan tâm”. |
Bất ngờ chưa đầy 2 tháng sau, trong một đêm tham thiền, không biết chiêm nghiệm được điều gì mà các đệ tử thấy “sư phụ” vội vã leo xuống rồi đốt đèn cầy viết một bức thư đặt tên là “sớ thiên định”, xin yết kiến tổng thống Ngô Đình Diệm để tiết lộ thiên cơ. |
Trong đó, Hai Nam khuyên tổng thống sớm gặp đại diện chính quyền cách mạng để bàn cách thống nhất đất nước, kiến tạo hòa bình. Bức tâm thư này còn đề cập đến lời tiên tri của Hai Nam rằng, nếu tổng thống không nghe lời thì sau năm 1960 hồn Diệm sẽ lìa khỏi xác. |
|
Các Đạo, Diệu bị bắt sau khi dâng “tờ sớ thiên định” cho Ngô tổng thống |
Người thọ lãnh sứ mạng mang “sớ thiên định” trao cho tổng thống Diệm là bà Diệu Ứng, cùng đi còn có Đạo Nhàn, Đạo Mỹ, Đạo Tấn. Tại phòng khách, một nhân viên phủ tổng thống ân cần ra nhận thư nhưng khi tất cả vừa bước ra khỏi phòng đã có xe cảnh sát chờ sẵn “hốt” hết về đồn, biệt giam 5 tuần lễ qua nhiều trại. |
Cho đến ngày 28 Tết Kỷ Hợi 1959, Nha giám đốc Cảnh sát Đô thành mới làm giấy thả bà Diệu Ứng và ba ông Đạo. |
Cùng ngày, Ty cảnh sát Kiến Hòa được lệnh qua chùa Nam Quốc Phật bắt Hai Nam áp giải lên Sài Gòn để ở tù thế cho em và cháu. Trong lúc bị giam giữ lấy khẩu cung, vị tu sĩ này chỉ bút đàm: “Bần đạo là người tu hành, không màng đến việc nước, nhưng vì biết được thiên cơ dân tộc, không thể khoanh tay ngồi ngó nên có đôi lời gởi lên tổng thống coi có giải pháp nào cứu vãn tình thế...”. |
Lấy xong lời khai, Hai Nam được đưa đến Nhà thương Chợ Quán. Hai hôm sau nơi này kết luận tu sĩ bị “điên”, rồi đem nhốt chung với các tội nhân tâm thần khác. |
Một hôm được gọi lên phòng y vụ, bất ngờ Hai Nam khai khẩu rằng: “Trên 14 năm tham thiền, nay bần đạo đã thấy và biết những bí mật sắp xảy ra, gieo tang thương cho dân tộc. Vì lẽ ấy muốn tỏ việc này cho người cầm lái con thuyền quốc gia định liệu, chớ bần đạo vẫn sáng suốt, không bệnh hoạn chi cả”. Hơn tuần sau, Hai Nam được thả tự do sau khi “tiết lộ thiên cơ”. |
(Còn tiếp) |
Theo Báo Công An TP HCM |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét