Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật- Kỳ 4

Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật- Kỳ 4
Kỳ 4: Xuất chiêu bằng tiền... âm phủ!
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=538050,đăng ngày 09/05/15, mục Phóng sự điều tra.
Bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình theo đuổi con đường hòa bình là “sứ mệnh thiên định” theo kiểu “bất chiến” vẫn “tự nhiên thành”, hoang tưởng vậy nhưng tham vọng dồn nén đúng vào lúc cơ hội mở ra khi đến kỳ bầu cử tổng thống nên Hai Nam tiếp tục tung chiêu khiến thiên hạ ngỡ ngàng: làm tổng thống để cứu độ chúng sinh chứ không phải giành ghế, rồi hiên ngang cùng đệ tử mang 9 cần xé toàn giấy tiền vàng mã để ký quỹ ứng cử (!).
Điềm báo làm “Vua”
Giữa thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, mỏm đất Cồn Phụng chứng kiến biết bao nghi lễ “tả pí lù” với nhiều cảnh đăng quang của cậu Hai luôn tự xưng “chánh vì vương”.
Thời kỳ vàng son đó, tiếng chuông tiếng mõ chùa Nam Quốc Phật ngân nga ngấm vào lòng một số người khi cuộc chiến với quốc sách bình định nông thôn của Mỹ - Thiệu được đẩy lên cao trào. Do vậy “giang sơn thánh địa” của Đạo Dừa có không ít người đến tình nguyện cư trú trốn đời, tránh bom đạn.
Ngoài Đạo, Diệu là người Việt, đệ tử của cậu Hai còn có người Mỹ. Ông Đạo Dừa rất hãnh diện vì cho rằng mình có công đức, uy tín “tầm cỡ thế giới” mới thu phục được người nước ngoài. Hình ảnh hai người Mỹ quỳ gối chắp tay trước ngực cao lêu nghêu, đứng giữa là ông Đạo Dừa nhỏ thó được in ra phổ biến rộng rãi.
Chính những tín đồ gốc Huê Kỳ đó được cậu Hai xem là chủ lực trong các cuộc mặc cả đưa ra yêu sách này nọ với chính quyền Sài Gòn.
Biểu tượng vận động tranh cử Tổng Thống.
Giai đoạn 1964 - 1965, Hai Nam nhiều lần xin ý kiến Phan Khắc Sửu và thủ tướng Trần Văn Hương được ra Thái Bình Dương và đi Nhật, Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Mã Lai... để vận động hòa bình. Dĩ nhiên điều này không được ai để ý.
Đến năm 1967 ông Đạo Dừa thuê một chiếc xe Huê Kỳ bóng lộn chở hai con gà nòi đã bôi lọ đen sì đến thả trước dinh tổng thống Việt Nam cộng hòa cho chúng đá nhau kèm theo có thêm 18 chú gà con chạy xung quanh kêu la sợ hãi. Cậu Hai giải thích màn này bằng câu: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Việc làm kỳ khôi ấy đã trở thành đề tài để cánh ký giả tiếp tục khai thác, ông Đạo Dừa còn tuyên bố từ năm 1948 đã “tiếp điển ơn trên”, là người duy nhất nắm giữ chìa khóa hòa bình mà chưa có dịp mở khai. Trước đó ông đã viết “18 từ tiên tri” gửi tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng bị ông này phạt vạ, cho rằng làm chuyện nhảm nhí.
Mặc dù bản thân “giáo chủ” có nhiều hành động tưng tửng nhưng “thánh địa cồn Phụng” có lúc thu hút trên 500 Đạo, Diệu đến làm việc và ăn, ở tại chỗ.
Hàng năm, Hai Nam đứng tên cùng tu sĩ Huỳnh Ngọc Ấn - Chủ tịch Hội đồng cố vấn chùa Nam Quốc Phật - xin hoãn dịch cho các Đạo tới tuổi đi lính như đã hứa với họ, song chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ viện lý do đạo của Hai Nam không có giấy phép nên chỉ chấp nhận cho 25 trường hợp. Số còn lại bị bắt cởi áo nâu già, mặc đồ lính và đẩy ra chiến trường làm bia đỡ đạn.
Có lần một thanh niên sau khi đi lính, vì oán hận nên trở lại cồn Phụng dùng súng bắn lên cái đài cao trong lúc ông Đạo Dừa đang ngồi chiêm nghiệm cơ trời số đất. May cho cậu Hai là lúc siết cò anh này đã say quắc cần câu nên đầu đạn không xuyên vào cái lồng ông đang tịnh tọa.
Từ đó, số người thần thánh hóa Đạo Dừa lại cho là được trời Phật phù hộ nên ông mới tai qua nạn khỏi, càng củng cố niềm tin về đường tu khổ hạnh của “giáo chủ”.
Như đã đề cập, ông Đạo Dừa cho rằng mình chính là vua Minh Mạng đầu thai. Kiếp trước của vua này là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên vào năm 1970 khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật người cày có ruộng nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng đem lại đất cho nông dân, Hai Nam liền kêu đệ tử treo hai câu sấm Trạng Trình to tướng trước chùa Nam Quốc Phật “Phá điền quân tử xuất. Bất chiến tự nhiên thành”.
Theo ông Phan Kim Huê, một người dân ở tỉnh Long An, ông Đạo Dừa cùng các đệ tử cắt nghĩa “phá điền” là bỏ luật đất đai điền thổ (ban hành luật người cày có ruộng) thì thiên tử xuất hiện và chính là Nguyễn Thành Nam.
Chiếc ghe Hai Nam định dùng tổ chức hội nghị hòa bình
Dọn đường tới dinh
Cho rằng mình theo đuổi con đường hòa bình cho Việt Nam và thế giới là sứ mệnh thiên định, với quan niệm “bất chiến tự nhiên thành”, mà đến giờ người đời vẫn cho là hoang tưởng, nhưng Hai Nam thì không.
Bởi vậy, trong hai năm 1965 - 1966 Hai Nam cho đệ tử làm chùa lưu động, kéo đến cầu nguyện ở Vương cung Thánh Đường Sài Gòn, nhiều lần xin yết kiến trung tướng - chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia Nguyễn Văn Thiệu và thiếu tướng - chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương Nguyễn Cao Kỳ để khuyến cáo về việc này.
Cũng trong thời gian đó, ngày 10-4-1965 Hai Nam lên Sài Gòn, ra ngồi tại bến Bạch Đằng, mấy ngày sau chuyển đến thiền trước bùng binh chợ Bến Thành để cầu nguyện, đồng thời soạn sẵn bức thư xin gặp những người có trách nhiệm của chính phủ Sài Gòn để bày tỏ ý định xin cho mình được xuất ngoại làm “sứ giả hòa bình”.
Trong thư Hai Nam cam kết nếu chính phủ bằng lòng thì chỉ trong vòng bảy ngày ông này sẽ mang lại hòa bình, còn không sẽ chịu tử hình.
Năm 1966, Hai Nam dự định mở Hội nghị hòa bình Mỏ Neo Ba Lai trên chiếc ghe lớn neo tại Thái Bình Dương hay ở hội trường hòa bình của Nam Quốc Phật, hoặc bất cứ địa điểm nào mà Chính phủ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa đồng thuận, sau đó sẽ mở rộng ra toàn cõi Đông Dương, có sự chứng kiến của các phái đoàn Mỹ, Pháp, Nga, Trung và Ủy hội kiểm soát đình chiến quốc tế để giải quyết toàn bộ vấn đề Đông Dương.
Sau đó, sẽ là đại tổng tuyển cử hai miền Nam - Bắc hòa bình thống nhất vĩnh viễn. Khi hoàn thành sứ mệnh, ông Đạo Dừa hứa sẽ đãi tiệc linh đình rồi từ chức.
Sau khi tìm cách vượt biên giới Lào ra Hà Nội nhưng không được do chiến sự ở Tây nguyên lúc này diễn ra ác liệt, Hai Nam và đệ tử không dám mạo hiểm, đành quay về cồn Phụng chờ thời.
Đến năm 1967 Hai Nam một lần nữa lập phái đoàn vượt biên giới sang Campuchia bằng đường thủy để gặp Sihanouk, trình bày cái mà ông gọi là “thiên cơ” liên quan giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nhằm minh định đường lối chung để cứu ba dân tộc thoát khỏi thảm họa bom nguyên tử. Thế nhưng dự tính bất thành, Hai Nam bị bắt giữ tại Campuchia ba tháng, sau đó trục xuất về Việt Nam.
Ký quỹ ứng cử bằng... vàng mã!
Năm 1971, tình hình chính trị - xã hội diễn biến phức tạp, ngụy quyền Sài Gòn tổ chức bầu cử tổng thống. Để cản trở phe đối lập, tổng thống đương nhiệm Nguyễn Văn Thiệu ra luật bầu cử mới, trong đó ứng cử viên phải ký quỹ 50 triệu bạc.
Nghĩ cơ hội thực hiện tham vọng đã đến, cậu Hai quyết định thành lập liên doanh để ra tranh “ghế” bá chủ dinh Độc Lập với tên gọi “Liên doanh dân tộc hòa bình thống nhất”, biểu tượng là chiếc chìa khóa cắm trên thuyền Bát nhã. Người đứng chung liên doanh vào chức phó tổng thống là bà Diệu Ứng.
Để chiếm được phiếu ủng hộ của cử tri, trong phần tiểu sử ông Đạo Dừa ghi “3 năm ngồi tại núi Tượng, gần 3 năm ngồi tại mé sông Cửu Long, 23 năm không ăn các thứ bột, không dùng cơm và các thứ bánh, 25 năm chỉ độ nhựt trái cây ngày một bữa ngọ, 21 năm không ăn muối, đường, 24 năm không tắm, 14 năm tịnh khẩu, 24 năm bịnh không uống hay chích thuốc, 25 năm ngồi kiết già chứ không nằm, 26 năm chỉ có manh quần tấm áo che thân, 26 năm tự tay làm lấy thức uống...”.
Ông Đạo Dừa mang 9 cân cần xé tiền vàng mã để ký quỹ
Chuẩn bị ra tranh cử cùng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hai Nam tìm mọi cách vận động và tung ra nhiều chiêu lạ lùng khiến thiên hạ kinh ngạc: làm “tổng thống” là để cứu độ chúng sanh chớ không phải giành ghế.
Tại đại bản doanh cồn Phụng, Hai Nam còn bày ra vở kịch: cho đệ tử một bên giả làm Việt cộng, còn bên kia là lính Việt Nam cộng hòa đánh nhau chí tử để mọi người xem, kéo dài từ sáng đến trưa.
Lúc bấy giờ thấy ông Đạo Dừa từ trên Bát quái đài bước xuống làm sứ giả hòa bình, hai phe lâm chiến liền buông súng, cúi đầu ngưỡng mộ. Thế là hòa bình được lập lại (!). Hai phe bèn lột bỏ lớp vỏ ngoài của súng đạn, bên trong toàn là bánh tét, bánh ít... tha hồ ăn uống no nê.
Có người cho hành động của Hai Nam vô thưởng vô phạt, đánh thức sự tò mò của những người vô công rỗi nghề, đồng thời trở thành đề tài cho những câu chuyện tiếu lâm trong sự nhiễu nhương của bối cảnh chính trị bất ổn ở miền Nam lúc bấy giờ.
Người khác lại cho rằng Hai Nam rất tự tin vào uy tín của mình, cả trong lẫn ngoài nước, nên nghĩ rằng sử dụng chiêu bài “hòa hiệp tôn giáo” chắc chắn sẽ trúng cử nếu được chính quyền chấp nhận cho ra tranh cử. Do vậy, quyết định này là có cơ sở, chứ không phải trò tiếu lâm chính trị.
Ngày 11-1-1971, Hai Nam cùng bà Diệu Ứng và một vài đệ tử thân tín bí mật rời “thánh địa cồn Phụng” lên Sài Gòn, mang theo 9 cần xé đựng toàn giấy tiền vàng mã đến Tối cao pháp viện để ký quỹ ứng cử.
Việc làm điên rồ này khiến những ai chứng kiến cũng cho rằng cậu Hai bị tâm thần nặng.
(Còn tiếp)
Huỳnh Thanh Tuấn - Cao Nguyên

Không có nhận xét nào: