Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

40 năm trời vá áo mưa

Quang gánh tảo tần
40 năm trời vá áo mưa
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/20141130/40-nam-troi-va-ao-mua/678351.html , đăng ngày 30/11/14, mục Nhịp sống trẻ > Sống & Yêu.
TT - Ở một góc phố chợ nằm trên đường Bạch Đằng trải dài ven dòng sông Hoài (TP Hội An, Quảng Nam), 40 năm qua có người đàn ông ngày ngày cần mẫn hành nghề “vá” áo mưa.
Ông Nguyễn Văn Sỹ vá áo mưa cho người dân đã 40 năm nay - Ảnh: Tiến Thành. (Size gốc 665-443--> 600-400).
Ông là Nguyễn Văn Sỹ (55 tuổi, trú thôn Bến Trễ, phường Cẩm Hà, TP Hội An).
Trong căn lều mà ông Sỹ “đóng đô” để hành nghề, chộn rộn người tìm đến dán áo mưa - một nghề tưởng chừng đã bị quên lãng trong cuộc sống hiện đại.
Vừa cặm cụi tì chiếc que hàn lên lỗ hổng của một áo mưa, người đàn ông mái đầu hai màu đen trắng chậm rãi kể về chuyện đời chuyện nghề của mình:
“Học chưa hết lớp 4 thì tôi nghỉ vì quá nghèo. Năm 15 tuổi đã ra ngoài chợ bốc vác thuê, học lỏm cách cắt dán, vá áo mưa của các cô chú ngoài chợ rồi gắn bó luôn với nghề. Thấm thoát cũng gần 40 năm tôi hành cái nghề “nửa mùa” này và bây chừ ngó đi ngoảnh lại ở cả thành phố cũng chỉ có mình tôi chung thủy với nó”.
Ông Sỹ gọi công việc mình làm là “nửa mùa” vì cái nghề này chỉ làm vào mùa mưa và thất nghiệp khi thời tiết nắng ráo.
Ông nói: “Hồi áo mưa tiện lợi mặc một lần rồi bỏ chưa phổ biến thì hầu hết người đi đường sử dụng áo mưa cánh dơi. Mỗi khi rách họ mang đến chỗ tôi dán lại. Mặc dù thu nhập không nhiều nhưng tằn tiện cũng lo đủ cho hai con ăn học trong khi mẹ sắp nhỏ sớm qua đời”.
Bà Lê Thị Năm, một khách hàng của ông Sỹ, chia sẻ: “Tôi bán cá ở chợ Hội An gần 30 năm nay và cũng ngần ấy thời gian tôi biết chú Sỹ. Mùa mưa năm nào tôi cũng thu gom áo mưa rách trong nhà mình mang qua nhờ chú vá. Mỗi cái vá lại cho lành lặn chú chỉ lấy tiền công 2.000 đồng”.
Hội An mùa mưa này và có thể nhiều mùa mưa sau nữa, ở một góc nhỏ bên bờ sông, có người đàn ông ngồi đó vá những chiếc áo mưa.
THANH BA - PHƯỚC TUẦN

Người chơi khuyến mãi chuyên nghiệp

Người chơi khuyến mãi chuyên nghiệp
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/20141130/nguoi-choi-khuyen-mai-chuyen-nghiep/678345.html, đăng ngày 30/11/14, mục Nhịp Sống Trẻ > Sống & Yêu .
TT - Anh chọn cho mình một nghề không giống ai - sưu tầm hàng khuyến mãi để chơi trúng thưởng. Suốt 14 năm chơi khuyến mãi, “hạch toán lại” anh đã “lãi ròng” vài tỉ đồng!
Anh Dũng (thứ hai từ trái qua) trong một cuộc rút thăm trúng thưởng khuyến mãi - Ảnh nhân vật cung cấp
Tiền “lãi” ngoài việc dùng để mưu sinh anh còn đi làm từ thiện. Đó là anh Trương Vũ Dũng, 36 tuổi, quê huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), đang sống tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Phải có máu liều, cộng với biết cách tính xác suất thống kê, nghiên cứu chiêu thức khuyến mãi, thể lệ tham gia... của từng nhãn hàng. Đa số chương trình khuyến mãi không quy định giới hạn số phiếu tham dự của một khách hàng nên mình bỏ tiền mua nhiều sản phẩm. Và với phương thức “lấy thịt đè người” ấy ắt mình sẽ thắng
“Bí kíp” chơi khuyến mãi của Dũng
Nghề tình cờ
Anh Dũng còn nhớ lần trúng thưởng lớn nhất của mình là một chiếc xe hơi. Lần ấy một nhãn hiệu dầu gội đầu khuyến mãi bằng cách mua hàng, lấy mã số trên bao bì, nhắn tin gửi về tổng đài dự thưởng với giải nhất là một chiếc xe hơi trị giá hơn 1,5 tỉ đồng cùng những giải thưởng khác.
Anh Dũng đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng đến các đại lý phân phối trong khu vực ĐBSCL mua gần 10.000 chai dầu gội có khuyến mãi.
Để chắc ăn, Dũng đã làm hợp đồng thỏa thuận với các đại lý bán lẻ, sau khi anh lấy mã số dự thưởng và qua thời hạn khuyến mãi sẽ bán lại chính sản phẩm dầu gội mình mua với giá 25.000 đồng/chai, thấp hơn giá thị trường 5.000 - 7.000 đồng/chai.
Dũng tính xác suất, với số lượng mã dự thưởng áp đảo như trên, anh sẽ trúng nhiều giải thưởng. Sau ba tháng khuyến mãi, số tiền bán lại sản phẩm dầu gội cho các đại lý 240 triệu đồng (lỗ 60 triệu đồng), nhưng anh trúng giải nhất một chiếc xe hơi cùng 42 chiếc điện thoại các loại. Chuyến đó tính ra anh bỏ túi hơn 1 tỉ đồng ngon ơ.
Nghề chơi khuyến mãi đến với Dũng cũng rất tình cờ. Học xong cao đẳng sư phạm, không tìm được trường đi dạy, Dũng nhận làm chân bưu tá tại Bưu điện xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam. Trong quá trình làm việc, Dũng đọc những mẩu tin trên báo thấy có nhiều người trúng thưởng chương trình khuyến mãi.
Vào năm 2000, một công ty sữa tổ chức chương trình khuyến mãi với nhiều giải thưởng đi du lịch. Dũng cũng cắt phiếu tham dự nghĩ cho vui nhưng may mắn trúng giải nhì đi du lịch Thái Lan. Do bận việc nên Dũng nhận tiền thanh toán 8,4 triệu đồng thay vì đi du lịch. Cơ duyên từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu và hành nghề chơi khuyến mãi chuyên nghiệp đến nay.
Theo đuổi nghề, Dũng nghỉ việc bưu điện, sang thành phố Trà Vinh sinh sống và chơi khuyến mãi. “Chương trình nào tui tham dự cũng lời, chỉ là ít hay nhiều, có khi vài chục triệu, có khi lên đến cả tỉ đồng”, Dũng tự tin nói. Để chứng minh, anh đưa những tờ báo tên tuổi có đăng tin, ảnh của anh lên nhận giải thưởng khuyến mãi của rất nhiều nhãn hàng.
Nghề nuôi nghề
Gần đây nhất là đầu năm 2014, một công ty kinh doanh sản phẩm nước uống có gas tổ chức chương trình khuyến mãi với nhiều giải thưởng hấp dẫn. Anh phải ngày đêm lặn lội nhiều tỉnh nhưng chỉ mua được hơn 800 nắp chai có mã số khuyến mãi, gửi tin nhắn đến tổng đài.
Chỉ còn bốn ngày nữa mở thưởng, với số lượng nắp chai trên, Dũng tính xác suất khó có khả năng trúng lớn nên anh quyết định bỏ ra gần 20 triệu đồng, đến một đại lý bia và nước ngọt tại thành phố Trà Vinh mua 12.000 chai nước ngọt đang khuyến mãi.
Dũng nói với chủ đại lý: “Tui chỉ lấy nắp, còn nước ngọt muốn làm gì thì làm, mọi người chia nhau mà uống”. Dạo ấy bà con cả khu phố gần đó được uống nước ngọt thả dàn, còn Dũng trúng hơn chục chiếc xe máy cùng điện thoại di động.
Tất cả sản phẩm trúng thưởng Dũng đều bán, gửi ngân hằng rồi lấy tiền lãi hằng tháng để tiếp tục hành nghề “chơi khuyến mãi”. Trong căn nhà Dũng đang sinh sống tại phường 5, thành phố Trà Vinh, những phần quà khuyến mãi như mũ bảo hiểm, áo thun, mỹ phẩm... chất thành đống.
Anh nói trúng xe, trúng điện thoại bán lại dễ dàng, còn những sản phẩm trên anh rao bán mấy tháng mà chưa hết. “Đã gọi là đầu tư kinh doanh thì có lúc may mắn cũng có lúc rủi ro, nhưng mê quá nên tui ráng theo. Những sản phẩm trúng thưởng bán không hết thì tui đem tặng người nghèo”, anh nói.
Công dân tốt tại địa phương
Ông Nguyễn Văn Khiêm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, cho biết anh Dũng là tấm gương tốt tại địa phương. Nhiều năm qua anh đi xin danh sách trẻ em nghèo học giỏi trên địa bàn thành phố để tặng sách vở, học bổng cho các em. Ngày quốc tế thiếu nhi vừa qua, anh liên hệ sở giúp đỡ và tặng 300 phần quà cho trẻ em nghèo vượt khó tại huyện Cầu Ngang.
Anh Trương Vũ Dũng kể: gia đình khó khăn, cha mẹ ly dị khi anh còn nhỏ, lại nheo nhóc với bốn đứa em. Anh đi làm và ăn chay suốt 18 năm qua. 14 năm chơi khuyến mãi, cuộc sống khấm khá, cũng ngần ấy thời gian anh có tiền giúp các em nhỏ khó khăn và người bất hạnh.
Cô Đinh Thị Thanh Tuyền, nhiều năm làm tổng phụ trách Đội Trường THCS An Thới (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), cho biết gần cuối mỗi năm học anh Dũng đến trường gặp hiệu trưởng xin danh sách trẻ em nghèo học giỏi để trao tặng học bổng. Anh làm công việc đó xuyên suốt hơn mười năm qua tại ngôi trường mà anh theo học thuở nhỏ. Anh cũng làm những việc tương tự cho Trường tiểu học An Thới và Trường THPT Ca Văn Thỉnh.
Sơn Bình

Ba chàng trai tốt bụng

Ba chàng trai tốt bụng
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141130/ba-chang-trai-tot-bung/678348.html , đăng ngày 30/11/14, mục Nhịp sống trẻ.
TT - Đồng cảm với nỗi khổ của những mảnh đời bất hạnh, ba chàng trai ở Quảng Ngãi đã tình cờ gặp nhau, chung tay “thắp sáng” hi vọng cho những con người lâm vào cảnh khốn cùng.
Mân, Nhật, Nguyên (từ phải qua) đến nhà em Nguyễn Văn Sâm (xã Tịnh Hà, H.Sơn Tịnh) để cấp học bổng - Ảnh: Trần Mai
Họ được bạn bè đặt cho biệt danh trìu mến “ba chàng ngự lâm” của những mảnh đời. Đó là Nguyễn Huỳnh Nguyên (28 tuổi, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Quảng Ngãi), Lê Ngọc Mân (33 tuổi, thợ kim hoàn, TP Quảng Ngãi) và Phan Duy Nhật (29 tuổi, thợ sửa chữa điện thoại di động, huyện Mộ Đức).
Họ được bạn bè đặt cho biệt danh trìu mến “ba chàng ngự lâm” của những mảnh đời. Đó là Nguyễn Huỳnh Nguyên (28 tuổi, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Quảng Ngãi), Lê Ngọc Mân (33 tuổi, thợ kim hoàn, TP Quảng Ngãi) và Phan Duy Nhật (29 tuổi, thợ sửa chữa điện thoại di động, huyện Mộ Đức).
Chị Hà Thị Anh Thư (bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi)
Lòng tốt gặp nhau
Thầy giáo Nguyên kể thời sinh viên vào chùa trọ học, những phận đời nơi cửa chùa đã làm thay đổi bản thân anh, cái tâm làm việc thiện ngấm vào máu anh như lẽ tự nhiên.
Nhật là một điển hình nổi trội trong các phong trào thanh niên tình nguyện ở Quảng Ngãi. Hết thời sinh viên, Nhật về mở tiệm sửa điện thoại di động. Nhưng anh chẳng thể dửng dưng khi thấy ai đó cùng quẫn.
“Cứ thấy ai nghèo khó, bệnh tật hay trẻ em mồ côi là mình không chịu nổi, đầu cứ quanh quẩn nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ” - Nhật chia sẻ.
Còn Mân đến với việc thiện từ những chuyến đi cùng với các bạn ở xóm làng. Hình ảnh những đứa trẻ thiếu áo quần, chân trần đi học ám ảnh Mân.
Đã hơn 10 năm kêu gọi bạn bè góp tiền làm tình nguyện, Mân trở thành địa chỉ để kết nối yêu thương. Có nguồn tài trợ anh lại lên đường làm từ thiện như mệnh lệnh từ trái tim.
Ba tấm lòng đồng điệu gặp nhau khi vô tình cùng kêu gọi giúp đỡ ông Nguyễn Tùng (70 tuổi, trú thị trấn Sông Vệ, H.Tư Nghĩa), không con cái, người thân, đang chống chọi với bệnh ung thư da năm 2012.
“Thật ra chúng tôi cũng nghe về nhau từ trước nhưng đó là lần đầu tiên anh em gặp nhau, rồi kết hợp kêu gọi mọi người giúp đỡ người nghèo” - Nguyên cho biết. “Thấy hoàn cảnh nào khốn khó thì mình giúp thôi” - Nhật tâm sự.
Kết nối bằng Facebook
“Khi nghe giới thiệu nơi nào có hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh hiểm nghèo, mồ côi... chúng tôi đến ghi nhận rồi lên xã xác nhận, về viết bài đăng lên Facebook cá nhân để nhận sự đồng cảm và sẻ chia từ các nhà hảo tâm” - Mân cho biết.
Trên Facebook cá nhân của cả ba tràn ngập câu chuyện và hình ảnh từ những mảnh đời khắp nơi trong tỉnh. Như một lẽ tự nhiên đến từ tấm lòng đùm bọc giữa người với người, lâu lâu tài khoản lại nhận được dăm ba trăm nghìn đồng, có khi các anh chẳng biết người gửi là ai.
“Mỗi lần nghe báo có tiền gửi vào tài khoản nhờ chuyển tới hoàn cảnh này kia là cả ba mừng lắm. Mừng vì có thêm tiền cho các mảnh đời khốn khó” - Nguyên chia sẻ.
Cả ba thừa nhận mình giống như kẻ “đi ăn xin” trên Facebook. Nhiều người ở xa thấy sự kêu gọi của các anh rất muốn giúp nhưng sợ bị lợi dụng nên còn e dè. Cả ba phải thuyết phục họ.
Anh Mân kể: “Bọn mình hiểu, chẳng ai tin những người xa lạ cả. Mỗi lần nhận tiền qua tài khoản mình thông báo rõ ràng. Đến trao tiền cho ai thì điện thoại ngay cho các mạnh thường quân yên tâm. Ai nhận tiền thì ký tên rõ ràng, có sự chứng nhận của địa phương”.
Hiện ba chàng trai này đang kêu gọi giúp đỡ cô Ngô Thị Thu (xã Nghĩa Thuận, H.Tư Nghĩa) đang trị bệnh xơ gan cổ trướng tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Yếu ớt trên giường bệnh, cô Thu rơm rớm nước mắt: “Không biết làm sao để cảm ơn thầy Nguyên và những người đã giúp đỡ mình trước giờ. Nếu không nhận được sự giúp đỡ của họ thì tiền chữa trị, đi lại, chuyển viện chẳng biết lấy đâu ra”.
Hai đứa con nhỏ dại của cô Thu ở nhà đi học cũng nhờ tiền mà Mân, Nhật, Nguyên quyên góp giúp đỡ.
Đến nay, dấu chân tình nguyện của ba chàng trai trẻ xứ Quảng đã đến được nhiều nơi, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều mảnh đời khốn khó. Hiện họ đang liên kết với nhóm tình nguyện Nguyện ước xanh (Đà Nẵng) huy động nguồn vốn, hỗ trợ 4-5 triệu đồng cho hộ khó khăn làm vốn sản xuất.
“Tụi mình chỉ như những giọt nước giữa đại dương thôi. Khi chung sức làm công tác này cũng chỉ mong rằng sẽ góp phần lan tỏa, huy động thêm nguồn lực, nhận được nhiều hơn sự trợ giúp cho những hoàn cảnh túng quẫn” - Nhật nói.
Những chàng trai nhân ái ấy vẫn đang tiếp tục gieo những hạt giống thiện nguyện trên mỗi bước đường đi qua. Ở độ tuổi “tam thập nhi lập”, các anh vẫn là “lính phòng không” vì dành hết quỹ thời gian để đi làm từ thiện.
Trần Mai - Nguyễn Tùng

Nhà sáng chế trình độ tiểu học

Nhà sáng chế trình độ tiểu học
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141130/nha-sang-che-trinh-do-tieu-hoc/678384.html, đăng ngày 30 th11/14, mục Giáo dục.
TT - Cuộc sống khó khăn, thuở nhỏ phải bỏ học tha phương làm thuê nhưng anh khiến mọi người ngỡ ngàng khi sáng chế ra máy xe chỉ xơ dừa.
Anh Thuận và máy xe chỉ xơ dừa chạy bằng điện cho năng suất cao do anh sáng chế - Ảnh: Sơn Bình
Chiếc máy này đã giúp người dân miệt sông nước cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất
Anh là Nghiêm Đại Thuận, 38 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Sản phẩm máy xe chỉ xơ dừa của anh được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh.
Gian nan hành trình sáng chế
Sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình đông anh em, mẹ mắc bệnh tâm thần, cha phải bán kẹo kéo nuôi các con.
Năm 12 tuổi, Thuận lên Sài Gòn làm thuê đến khi trưởng thành, lập gia đình rồi về sinh sống tại quê vợ xã Đức Mỹ cho đến nay. Thương con gái, mẹ vợ cho anh miếng đất miệt bưng biền nuôi heo.
Vợ anh cả ngày còng lưng bên máy quay tay xe chỉ xơ dừa, bụi bám đến ngạt thở cũng chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng. Những lúc vợ bệnh hay đi vắng, anh phụ xe chỉ xơ dừa bằng thủ công, anh nghĩ bụng tại sao không ai làm ra máy chạy bằng điện cho công suất lớn, thu nhập cao, lại đỡ tốn sức người nông dân?
Anh chia sẻ suy nghĩ với vợ thì nhận được câu trả lời “ông lo mà nuôi heo và giúp xe chỉ xơ dừa cho tui nhờ”.
Mặc cho vợ không ủng hộ, anh trở lại Sài Gòn làm công nhân sinh sống và mang theo bịch chỉ xơ dừa đến gặp nhiều tiệm cơ khí đề nghị họ nghiên cứu làm máy xe chỉ xơ dừa. Tuy nhiên không ai nhận nghiên cứu và làm cho anh.
Do từng có thời gian phụ làm hàn tiện, anh Thuận dành tiền lương mua nhiều dụng cụ, sắt thép, máy móc với quyết định táo bạo “không ai làm thì mình tự sáng chế”. Anh quyết định gom đồ đạc mang về quê vừa nuôi heo vừa nghiên cứu.
Để có tiền mua đủ dụng cụ, thiết bị thực hiện, anh vay mượn nhiều nơi khiến vợ càm ràm suốt ngày. “Tui có tật sợ ma, thức đêm nghiên cứu đến sáng riết cũng chữa được tật luôn. Vợ cằn nhằn đòi bỏ, tui nói thông cảm, bà có bỏ tui cũng ráng làm, tui thề là phải làm cho bằng được” - anh Thuận kể.
Hơn hai năm mày mò nghiên cứu, có lúc máy chạy ra sản phẩm ít hơn quay tay thủ công, có lúc máy làm hư hỏng sợi xơ dừa.
Năm 2012, anh hoàn thiện chiếc máy xe chỉ xơ dừa bốn trục đầu tiên chạy bằng điện, cho ra sản phẩm và mỗi ngày bán được 200.000 đồng khiến nhiều người thắc mắc. Tuy nhiên, ban đầu anh giấu nghề.
“Sống nơi vắng người, vợ chồng tui lấy tấm cao su che máy cẩn thận nên không ai biết. Lúc ấy tui muốn giấu luôn trong nhà để vợ chồng làm ăn kiếm tiền” - anh thành thật.
Trong một lần chính quyền địa phương đến vận động người dân trồng dừa kỹ thuật, họ phát hiện gia đình anh Thuận che cái “máy lạ” trong nhà nên kiểm tra. Nghe gia đình giải thích, họ hướng dẫn anh Thuận làm thủ tục để đăng ký bản quyền.
Sau đó, anh làm cho người thân một chiếc máy khác để họ sinh sống. Từ đó, câu chuyện người sáng chế máy xe chỉ xơ dừa lan rộng khắp nơi, nhiều người đến nghiên cứu học hỏi.
Năm 2013, trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ hai, anh Thuận được ban giám khảo chấm giải nhất với sáng chế của mình. Năm 2014, UBND tỉnh Trà Vinh bình chọn máy xe chỉ xơ dừa là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Công suất gấp 8-10 lần so với làm thủ công
Ông Trần Văn Nhàn (trưởng phòng quản lý chuyên ngành Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Trà Vinh, thành viên ban giám khảo trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ hai tỉnh Trà Vinh) cho biết máy xe chỉ xơ dừa hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo.
Công dụng và cơ chế hoạt động của chiếc máy xe chỉ xơ dừa của anh Thuận quá tốt, bởi anh đã khắc phục được những điểm yếu từ chiếc máy thủ công khung gỗ một trục, quay tay cả ngày nhưng chỉ cho thu nhập 15.000-20.000 đồng.
Gần ba năm anh Thuận mày mò sáng chế tốn nhiều công sức, tiền của để cho ra chiếc máy xe chỉ xơ dừa bốn trục rồi nâng lên sáu trục với công suất trung bình gấp 8-10 lần so với làm thủ công.
Sản phẩm lại sáng đẹp, chất lượng, không đủ bán cho khách hàng.
Chiếc máy góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ những sản phẩm của cây dừa. Hiện nhiều nông dân đang dựa vào chiếc máy để có cuộc sống ổn định hơn.
Ông chủ “hai lúa”
Sau khi sáng chế thành công, từ một nông dân chân lấm tay bùn, anh Thuận trở thành ông chủ “hai lúa” có tiếng tại địa phương khi tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Hiện anh đang làm chủ xưởng chế tạo máy xe chỉ xơ dừa với cả chục thợ cơ khí có tay nghề. Cạnh nhà xưởng không xa là “Hợp tác xã xe chỉ tơ xơ dừa xã Đức Mỹ” do anh làm chủ nhiệm với hơn 20 nhân công lao động có thu nhập ổn định.
“Trước làm không đủ ăn, phải gửi con cho anh vợ nuôi, nay tui đem con về rồi. Heo cũng bán hết để tập trung làm trong xưởng với hợp tác xã” - anh Thuận cho biết.
Khi có xưởng, từ chiếc máy bốn trục, anh tiếp tục nâng cấp thành máy sáu trục cho năng suất mỗi ngày đến hơn 120kg sợi tơ xơ dừa và có thể nâng lên đến mười trục tùy điều kiện.
Theo sổ sách thống kê, anh đã bán trên 30 máy xe chỉ xơ dừa với giá 75 triệu đồng/máy bốn trục và 125 triệu đồng/máy sáu trục. Cầm những cuộn chỉ xơ dừa bóng sáng trên tay, anh khoe sản phẩm hiện không đủ bán cho khách hàng.
“Trước đây tui bán hàng cho các mối tỉnh Bến Tre, nay doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến tận nhà yêu cầu ký hợp đồng hai container sợi tơ dừa/tháng. Ngoài ra họ còn hỏi mua máy sáu trục để lập công ty riêng tại VN nhưng tui đang cân nhắc” - anh Thuận chia sẻ.
“Nông dân tụi tui biết ơn nó lắm”
Ông Nguyễn Bửu Tam (42 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ) cho biết vỏ dừa bỏ hoang rất nhiều, khi nghe tin anh Thuận sáng chế ra máy sáu trục, ông mượn 125 triệu đồng để mua về cho gia đình xe chỉ.
Hơn một năm qua, trung bình thu nhập của gia đình mỗi ngày tăng từ 200.000-300.000 đồng. Ngoài hoàn tiền vốn mua máy nhanh chóng, gia đình ông ngày càng có thu nhập ổn định.
Tương tự, ông Lý Văn Khoa (59 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ) cũng chia sẻ gia đình ông quanh năm làm vườn. Nghe tin anh Thuận sáng chế được máy xe chỉ xơ dừa, ông mua máy bốn trục với giá 75 triệu đồng. Mỗi ngày gia đình ông Khoa xe chỉ xơ dừa và bán được hơn 300.000 đồng.
“Có thêm thu nhập từ máy xe chỉ xơ dừa nên cuộc sống gia đình thoải mái rất nhiều. Nhìn thằng Thuận vậy mà cái đầu nó dữ quá, nó làm ra cái máy này nông dân tụi tui biết ơn nó lắm” - ông Khoa nói.
Sơn Bình

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Thành công trong ứng dụng công nghệ đèn LED đối với trồng thanh long

Thành công trong ứng dụng công nghệ đèn LED đối với trồng thanh long
Copy từ http://vovworld.vn/vi-VN/Video/Video-Thanh-cong-trong-ung-dung-cong-nghe-den-LED-doi-voi-trong-thanh-long/290021.vov, đăng ngày 28/11/14, mục Tiếng Việt > Video.
(VOV5)- Dùng công nghệ đèn LED giúp người dân có một công nghệ mới chiếu sáng cho cây thanh long trái vụ, tiết kiệm điện hơn nhiều so với các hệ thống chiếu sáng bằng kinh nghiệm tự phát của bà con nông dân trước kia.
Trở về Việt Nam từ năm 1999, ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada, đã đầu tư trong nhiều lĩnh vực như thành lập Công ty Home Deco chuyên sản xuất chăn, ga, gối, nệm; Công ty Cao su Hoà Lâm tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, hay mở Công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn đầu tư dự án “Nông trại ứng dụng công nghệ cao” để sản xuất chăn nuôi bò sữa, v.v. Tất cả đều nhằm mục đích mang lại lợi ích cho cộng đồng. Mới đây, công ty Cổ phần IQLinks do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có những hoạt động ý nghĩa dành cho nông dân trong việc ứng dụng công nghệ đèn LED trong việc trồng cây thanh long, cho hiệu quả năng suất cao.
Xem nội dung chi tiết tại đây: 1 đoạn video dài 3:53.

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII

Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII
Copy từ http://vovgiaothong.vn/duong-tin/toan-van-bao-cao-giai-trinh-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-tai-ky-hop-thu-8qh-khoa-xiii/13501 , đăng ngày 21/11/14 .
VOVGT - Kênh VOV Giao thông Quốc gia trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 19/11/2014.
Thưa Quốc hội,
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và các vị khách,
Thưa đồng chí, đồng bào,
Trước hết, Chính phủ xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ và đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tiếp tục phát huy những tiến bộ, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội.
Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 149 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ; trong đó, có 17 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng trực tiếp và 5 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường.
Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo, giải trình một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
1. Về tình hình kinh tế xã hội tháng 10, tháng 11 năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015
Đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2014. Trong tháng 10 và tháng 11, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm khoảng 0,2%, 11 tháng tăng 2,16%, cả năm tăng dưới 3%. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng khoảng 10%, cả năm tăng trên 12%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5 - 2% so với cuối năm 2013. Tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.
Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 137 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu khoảng 135 tỷ USD, tăng 12,6%; xuất siêu 2 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 6,16%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 5%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt dự toán, tăng 13,9%; chi ngân sách đạt 92,5% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng khoảng 7% (cùng kỳ tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 7,1%). Chỉ số hàng tồn kho đã trở lại mức bình thường. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục ổn định; sản lượng thủy sản 11 tháng đạt khoảng 5,74 triệu tấn, tăng 4,8%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,2% (loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,3%). Thị trường bất động sản có bước phục hồi. Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đạt trên 7,14 triệu lượt, tăng 4,2%. Trên 67,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; có trên 23,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,8%.
An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tạo việc làm cho trên 1,46 triệu lao động, đạt 91,2% kế hoạch năm, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tuy còn không ít khó khăn hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, nỗ lực đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2014, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%. Đồng thời chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.
Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các nhiệm vụ giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Tập trung quản lý, điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quan tâm chăm lo phát triển văn hóa xã hội, y tế giáo dục, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
2. Về quản lý nợ công và điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước
Nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Vấn đề này các đại biểu Trần Hoàng Ngân, Trần Xuân Hòa, Hà Sỹ Đồng, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Tiến Lộc... cũng đã gửi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ xin báo cáo Quốc hội và đồng bào cả nước về tình hình quản lý, sử dụng nợ công đến nay và định hướng kế hoạch đến năm 2020 như sau:
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%. Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách. Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) với 6,3 triệu người được hưởng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Do đó, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.
Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý nợ công, quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Quốc hội đã có Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015 . Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%). Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
Năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ 144 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182 nghìn tỷ đồng, trong đó dành khoảng 40 nghìn tỷ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành trên 330 nghìn tỷ đồng, trong đó dành khoảng 77 nghìn tỷ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm.
Ngày 07 tháng 11 năm 2014, chúng ta đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%). Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ khác như: Nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ nguồn chưa sử dụng của Kho bạc Nhà nước, nợ vay của Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các Ngân hàng chính sách và nợ của Doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
(2) Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
(3) Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Các khoản vay mới, kể cả vay để đảo nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
(4) Nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2014 khoảng 39,9% GDP và dự kiến đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu. Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).
(5) Đồng thời, cùng với tăng trưởng kinh tế, từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh hơn, tập trung tăng tỷ trọng thu nội địa, triệt để tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng thu nội địa chiếm khoảng 80% tổng thu; tỷ trọng chi đầu tư khoảng 25 - 30%, chi thường xuyên khoảng 50 - 55%, chi trả nợ khoảng 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước và bội chi khoảng 4% GDP.
(6) Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, Chương trình quản lý nợ công trung hạn, bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tóm lại, nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; thực hiện đúng các quy định và kế hoạch đề ra; trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác. Chủ động từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước lành mạnh. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
3. Về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, nhu cầu vốn cho phát triển là rất lớn. Trong khi ở nước ta, thị trường vốn còn chưa phát triển, tín dụng ngân hàng - nguồn vốn chủ yếu cho phát triển sản xuất kinh doanh - tăng nhanh. Dư nợ tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng từ 40% năm 2000 lên 125% năm 2010. Quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, năng lực quản trị của nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, một số trường hợp vi phạm pháp luật, cùng với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9 năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Mục tiêu của xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức an toàn trong kinh tế thị trường.
Triển khai thực hiện Đề án, Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Nhờ sự nỗ lực chung, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, đến tháng 10 năm 2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9 năm 2012 (465 nghìn tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%), ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9 năm 2012. Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng.
Năng lực quản trị, tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, đáp ứng cơ bản vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn hệ thống. Đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Giảm 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu và có thị trường tài chính phát triển. Việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Khung khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của VAMC; thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Nhiệm vụ còn rất khó khăn. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
(1) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ.
(2) Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường.
(3) Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
(4) Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về tín dụng ngân hàng. Thực hiện các biện pháp về kinh tế và dân sự trong xử lý nợ xấu.
(5) Tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
(6) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch về sở hữu và tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, trích lập dự phòng rủi ro và thúc đẩy mua bán, sáp nhập tổ chức tín dụng theo quy định. Hoàn thiện thể chế luật pháp để xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xử lý nợ xấu của doanh nghiệp. Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Đẩy mạnh tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. Bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được Quốc hội và cử tri cả nước rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận được chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Nguyễn Đức Thanh, Đặng Đình Luyến, Lê Đức Lâm, Vũ Tiến Lộc về vấn đề này.
4. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta còn nhiều hạn chế, cải thiện còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Các vị đại biểu Quốc hội Lê Đắc Lâm, Đỗ Thị Thu Hằng, Vũ Tiến Lộc, Võ Kim Cự đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2013 xếp thứ 70/148 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2012 . Hầu hết các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của nước ta đều ở dưới mức trung bình, nhất là thể chế (xếp thứ 98), hạ tầng (xếp thứ 82), giáo dục đào tạo bậc cao (xếp thứ 95), phát triển doanh nghiệp (xếp thứ 98), mức độ sẵn sàng về công nghệ (xếp thứ 102), thị trường tài chính (xếp thứ 93).
Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 1 bậc so với năm 2012. Các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của nước ta là rất thấp, nhất là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (xếp thứ 169), tiếp cận điện năng (xếp thứ 155), xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (xếp thứ 149), nộp thuế (xếp thứ 138), thành lập doanh nghiệp (xếp thứ 108).
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...
Đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp . Ngay trong năm 2014, đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6).
Đã rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, riêng việc áp dụng Cơ chế một cửa hải quan quốc gia giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Đã rút gọn quy trình nộp bảo hiểm xã hội, thành lập, giải thể doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giảm 50%, riêng thời gian thành lập doanh nghiệp giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm từ 115 ngày xuống còn 70 ngày.
Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6/2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/189. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9/2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh: Singapore xếp thứ 02, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, Việt Nam thứ 68. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh: Singapore xếp thứ 01, Malaysia thứ 18, Thái Lan thứ 26, Việt Nam thứ 78, Philippines thứ 95, Indonesia thứ 114.
Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Một số Bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp thiết. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
(1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.
(2) Thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
(3) Vận hành đồng bộ, thông suốt các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ. Thực hiện phân bổ nguồn lực và quản lý giá theo cơ chế thị trường.
(4) Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức. Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về: Thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập giải thể phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Bảo đảm công khai minh bạch. Chính phủ xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong quản lý điều hành.
Phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm, số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm; thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn 18 ngày. Khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua thì thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng.
5. Nâng cao năng suất lao động
Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng đánh giá trình độ phát triển của nền kinh tế. Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính là cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành, trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động được tính bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế.
Theo Báo cáo công bố ngày 19/8/2014 của ILO và ADB về năng suất lao động của ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2013 đã có bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Năm 2007 năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam (9.173 USD/4.322 USD tính theo sức mua tương đương - PPP), đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp còn 1,98 lần (10.812 USD/5.440 USD). Trong đó, so với Singapore giảm từ 21,3 lần xuống còn 18; so với Thái Lan từ 3 lần xuống còn 2,7; so với Philippines từ 2 lần xuống còn 1,8.
Báo cáo nêu trên cho thấy năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng giá trị gia tăng thấp so với công nghiệp, dịch vụ và chỉ chiếm tỷ trọng 18,4% trong GDP (năm 2013) nhưng lại sử dụng đến 47% tổng lao động xã hội (tỷ lệ này ở Thái Lan là 39%, Indonesia 35%, Trung Quốc 34%, Philippines 32%, Malaysia 11%, Hàn Quốc 6,5%, Singapore 1%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ của nước ta khoảng 18,2%, trong khi lao động qua đào tạo có chứng chỉ của Singapore là 61,5%, Hàn Quốc là 62%. Nếu tính cả số đào tạo dưới 3 tháng của nước ta là 49% năm 2013 so với Malaysia là 62%, Philippines 67%. Kỹ năng của người lao động trực tiếp nước ta nhìn chung không kém lao động các nước nhưng còn hạn chế về kỷ luật lao động; đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có trình độ cao còn thiếu; năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2014 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới công nghệ nước ta đứng thứ 71/143 nền kinh tế, tăng 5 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, tăng 1 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trình độ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa của các ngành kinh tế còn thấp. Theo điều tra doanh nghiệp năm 2012, khoảng 57% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ thấp, 31% có công nghệ trung bình, 12% có công nghệ cao. Đầu tư xã hội cho đổi mới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Trong giai đoạn 2011 - 2013, tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ so với GDP chỉ khoảng 0,4% . Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên 1 người dân ở nước ta năm 2012 là 3,1 USD trong khi của Thái Lan là 22 USD, Malaysia là 86 USD và của Singapore là 1.340 USD.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất lao động như sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu, công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp phần lớn là bán nguyên liệu và xuất khẩu thô. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, chưa huy động và sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Mặt khác, theo cách tính của ILO, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta thấp (1,84% vào quý II năm 2014) nên số người được coi là làm việc trong nền kinh tế để tính năng suất lao động là lớn hơn thực tế.
Để nâng cao năng suất lao động, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng, khuyến khích mạnh các ngành kinh tế có công nghệ, giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cả cấp thiết trước mắt cũng như cơ bản lâu dài. Trong đó tập trung vào các giải pháp sau:
(1) Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng mạnh khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và phát triển mạnh công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tăng nhanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
(2) Hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa trong các doanh nghiệp. Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ.
(3) Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông.
(4) Phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo. Chú trọng chất lượng đào tạo đại học, nhất là đào tạo quản trị theo các chương trình quốc tế. Đẩy nhanh đào tạo nghề chất lượng cao. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác với cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và kỷ luật lao động.
(5) Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao và sản phẩm quốc gia. Thực hiện hiệu quả việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có chính sách thuế, tín dụng ưu đãi để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao và nghiên cứu phát triển. Thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
(6) Thực hiện nhất quán cơ chế thị trường trong phân bổ, sử dụng nguồn lực, nhất là vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng... Đẩy nhanh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
(7) Chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định, cam kết thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý… từ bên ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh kinh tế tư nhân - coi đây là động lực, là giải pháp chủ yếu - để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận được Phiếu chất vấn của 3 vị đại biểu Quốc hội về vấn đề nêu trên.
6. Thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số
Giảm nghèo vừa là một nhiệm vụ trọng tâm vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách giảm nghèo, trong đó có giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 11,76% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2014 (từ năm 2011 đến 2013 đã có gần 800 nghìn hộ thoát nghèo). Bình quân mỗi năm giảm được 2%, riêng 64 huyện nghèo giảm khoảng 5% (giảm từ 50,97% năm 2011 xuống khoảng 34% năm 2014). Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số có bước được cải thiện. Đã ban hành chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Chúng ta đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chương trình, chính sách còn trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao và chưa khuyến khích người nghèo tự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Chưa đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách đã đề ra. Kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tại 64 huyện nghèo tuy đã giảm mạnh nhưng đến năm 2014 vẫn còn khoảng 34% (đầu năm 2014 còn 1 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%, 4 huyện từ 60 - 70% và 9 huyện từ 50 - 60%).
Nhiệm vụ giảm nghèo còn rất khó khăn, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm trọng điểm và đạt hiệu quả cao hơn. Rà soát các chương trình, chính sách hiện có, khắc phục những hạn chế yếu kém, xây dựng mục tiêu nhiệm vụ giảm nghèo phù hợp cho giai đoạn 2016 - 2020. Điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo trên cả ba phương diện là hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn khó khăn. Chú trọng các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Khẩn trương ban hành chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để đồng bào tăng thu nhập, thoát nghèo từ bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, gắn với phát triển chăn nuôi và đa dạng hóa cây trồng. Nghiên cứu việc nâng mức khoán, mức hỗ trợ trong bảo vệ rừng và trồng rừng. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện có, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về các chính sách này và đang chỉ đạo hoàn thiện để sớm ban hành.
Nội dung này được các đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Lâm Thành chất vấn Thủ tướng Chính phủ.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,Thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng báo cáo giải trình về một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
Xin cảm ơn Quốc hội,
Sau đây, tôi xin trả lời chất vấn của các vị đại biểu.

Thủ Tướng nói thẳng về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc

Thủ Tướng nói thẳng về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc
Copy từ https://vn.newshub.org/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-n%C3%B3i-th%E1%BA%B3ng-v%E1%BB%81-m%E1%BB%91i-quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-nam-trung-qu%E1%BB%91c-6660070.html , đăng ngày 20 th 11/14, mục Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội trong phần chất vấn cuối cùng chiều 19/11/14 liên quan đến cách ứng xử cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc cũng là chủ đề chiếm nhiều thời lượng trong phần các đại biểu đặt câu hỏi dành cho Thủ tướng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đặt vấn đề với Thủ tướng rằng: cả dân tộc hoặc nói ra hoặc không nói ra, đều thấu hiểu thấm thía cái giá của hòa bình ổn định.
"Khi Trung Quốc rút giàn khoan, cử tri muốn được nghe từ “kim khẩu” của Thủ tướng về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất?", Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.
Cũng băn khoăn về tình hình Biển Đông, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu: "Khi giàn khoan Hải Dương 981 chưa rút, TQ có hàng loạt hành động xây dựng các đảo, sân bay, biến các bãi đá chìm thành lãnh thổ thuộc quần đảo Trường Sa.Theo thông tin mà báo chí đã nêu, ở đảo Chữ Thập, Trung Quốc đã bồi lấp thành đảo lớn nhất Trường Sa, khoảng 49 ha.
Đó là kế sách không đánh mà thắng. Vậy kế của ta như thế nào để bảo vệ quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?", Đại biểu Lê Nam chất vấn Thủ tướng.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước sau khi Trung Quốc rút giàn khoan là phải thực hiện đường lối đối ngoại, kiên trì nhất quán đối với không chỉ Trung Quốc mà với tất cả các nước trên thế giới.
Theo Thủ tướng, Hiến pháp 2013 đã nêu toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước được nêu trong Điều 12, đó là: Đối ngoại tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trên cơ sở độc lập chủ quyền trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tuân thủ hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuân thủ các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên vì lợi ích quốc gia dân tộc, tích cực đóng góp cho hòa bình, độc lập, dân chủ trên thế giới.
"Trên cơ sở đường lối đối ngoại này, dù với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân theo đường lối đó", Thủ tướng nói.
Theo đó với Trung Quốc, Thủ tướng cho rằng: "Trung Quốc là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Dù mưa nắng hay bão lũ thì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam-Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Để thực hiện thực chất hiệu qủa phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cả 2 nước”.
Ông cũng bày tỏ mong muốn 2 bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa 2 nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982 và theo thỏa thuận cấp cao 2 nước.
"Chúng ta mong muốn như thế, làm hết sức mình như thế. Mong muốn cùng Trung Quốc hòa bình, hợp táp cùng phát triển và giải quyết thỏa đáng trên tinh thần luật quốc tế", Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Nói ngắn gọn, đầy đủ về quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
“Vừa hợp tác đấu tranh để có hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; cùng phát triển thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng trên cơ sở đường lối đối ngoại, nhất quán”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt nghĩa.
Liên quan đến việc chủ quyền đảo nhỏ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn lại sự kiện đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị TQ cưỡng chiếm năm 1988.
Sau tình thế đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ký với TQ Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), trong đó có nguyên tắc phải "giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm mọi tranh chấp, giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực".
"Việc TQ bồi lấp biển mà nếu theo thông tin báo chí đã nêu là ở đảo Chữ Thập là bồi đắp lớn nhất thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, khoảng 49ha. Lập trường là chúng ta phản đối vì điều này đã vi phạm điều 5 của Tuyên bố DOC, tức tuyên bố thái độ của các bên, ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà TQ là một bên ký kết với các nước ASEAN", Thủ tướng nêu quan điểm.
Theo người đứng đầu Chính phủ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường này. Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, đích thân ông đã thay mặt Chính phủ phát biểu tại các hội nghị. Trong các hội nghị đó có lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc.
"Chúng ta bày tỏ công khai, rõ ràng lập trường của mình", Thủ tướng nhấn mạnh
Nguồn: vietbao.vn

Loại bỏ bệnh vô cảm, hành dân

Loại bỏ bệnh vô cảm, hành dân
Copy từ http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2014/11/367602/, đăng ngày 21/11/14 , mục Sự kiện và vấn đề.
Theo dõi mấy phiên chất vấn tại Quốc hội gần đây, có thể nhận thấy một điều, chưa bao giờ mà câu nói cửa miệng của người dân “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ rồi mới đến trí tuệ” lại được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dẫn giải nhiều như vậy để nói về thực tế nhức nhối hiện nay trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức.
Cũng đã từ lâu, vấn đề bộ máy công vụ cồng kềnh, ngày càng phình ra bất chấp các giải pháp tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy; vấn đề một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức kém chất lượng, ì ạch làm việc, thậm chí gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp cũng đã bị xã hội kêu ca, phàn nàn nhiều. Điều này cũng đã được đặt ra từ lâu, nhiều lần trên nghị trường Quốc hội, thậm chí còn được định lượng bằng một con số khoảng 30% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ngay tại kỳ họp này, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đã chỉ ra phản ánh của dư luận là ngày càng có nhiều người kém năng lực chui vào khu vực nhà nước, còn người giỏi thì tìm cách thoát ra. “Vì sao số công chức tận tâm với công việc và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, chỉ một dạ hai vâng, lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều” - ĐB Đỗ Văn Đương nêu câu hỏi.
Đây không chỉ là trăn trở của riêng ĐBQH Đỗ Văn Đương, mà đáng tiếc, đây còn là thực tế đang xảy ra ở bất cứ cơ quan nhà nước nào. Và dĩ nhiên, người dân cho rằng, đó chính là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính, cũng là nguyên nhân của nạn tham nhũng. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thậm chí cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức không muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà tìm mọi cách để hành dân và hành doanh nghiệp. “Đây là một nhận xét cách đây 20 năm nhưng vẫn còn đúng với ngày hôm nay. Nếu không có bước đột phá thì có thể 10 năm sau vẫn lặp lại nhận xét này”, ĐB Bùi Mạnh Hùng nói. Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì không chỉ đau vì sự xuống cấp về đạo đức cũng như nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. “Bây giờ lại thêm cái bệnh mà nhiều người gọi đó là bệnh vô cảm đang khá phổ biến hiện nay và ngày càng tăng”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhận xét.
Dĩ nhiên, như ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng thừa nhận, để đòi hỏi một người cán bộ, công chức, viên chức phải biết đồng cảm trong thực thi công vụ là điều rất khó. Nhưng mà yêu cầu phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì không phải là điều khó. Chắc hẳn người dân cũng chỉ mong như vậy. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong một lần phát biểu ở thảo luận tổ cũng đã phải thốt lên: “Chúng ta kêu gọi người dân thực thi pháp luật. Nhưng dân bảo chỉ cần các cơ quan nhà nước thực thi đúng pháp luật là tốt lắm rồi. Quá xấu hổ”. Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì lý giải: Vì sao dân cứ đưa tiền cho cán bộ khi thực hiện các giao dịch. Vì họ mất lòng tin, vì họ sợ không đưa tiền thì không được việc. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn khiến cho căn bệnh tham nhũng vặt cứ ngày càng nảy nở, còn lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy công vụ thì bị hao mòn đi.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trước bức xúc của dư luận, trong năm 2013 đã tiến hành phân loại cán bộ, công chức trên cả nước. Kết quả tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%; hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%...; không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,46%. Con số này ở lực lượng viên chức cũng rất “đẹp”, khi tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ là chỉ là 0,24%. Có 23 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Có 7 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có viên chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với khối bộ, ngành trung ương có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 2 đơn vị. Đối với địa phương, chỉ có 4 đơn vị có cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao… Như vậy, mặc cho xã hội phàn nàn, con số báo cáo về chất lượng của bộ máy công vụ vẫn cứ “đẹp như mơ”. Khi con số này được đưa ra, không khí nghị trường có sự im lặng rất đáng kể. Sự im lặng đó thể hiện thái độ của Quốc hội, phần nào có lẽ cũng là thái độ của người dân. Bởi nó tỷ lệ nghịch với những gì mà dân đang kêu ca về thái độ tiếp dân, phục vụ dân của lực lượng công vụ.
Để nâng cao chất lượng công vụ, người dân chỉ mong các cơ quan nhà nước sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đúng với phẩm chất, trình độ, năng lực của từng người. Ai có công thì được thưởng, ai có tội phải bị phạt nghiêm. Chế độ tiền lương, đãi ngộ và cách tuyển dụng cũng phải được thay đổi để hút được người có tâm, có tài. Nếu làm được điều đó thì chắc chắn chất lượng bộ máy công vụ sẽ được nâng lên, hiệu quả phục vụ nhân dân cũng sẽ tốt, niềm tin của dân với bộ máy công vụ cũng từ đó mà được bồi đắp. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ Nội vụ đang được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp suất sắc, các nhà khoa học trẻ. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ tuyển khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào làm việc ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Có lẽ đó là một tin vui. Nhưng cùng với những đột phá trong công tác trọng dụng nhân tài, người dân cũng mong phải quyết liệt trong thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không đáp ứng được công việc. Chỉ khi làm được điều đó thì mới hy vọng hoàn thiện được hệ thống bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, từ đó mà nâng cao chất lượng cán bộ công chức, loại bỏ bệnh vô cảm, hành dân.
- See more at: http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2014/11/367602/#sthash.PtptFsyU.dpuf
Lâm Nguyên

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Mô hình tăng trưởng méo mó của Trung Quốc

Mô hình tăng trưởng méo mó của Trung Quốc
Tác giả: Keyu Jin | Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung
Hầu hết các nhà kinh tế đều có lý do để lo lắng cho nền kinh tế Trung Quốc: mức tiêu thụ thấp và thặng dư xuất khẩu lớn, dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp, suy thoái môi trường, hoặc sự can thiệp của chính phủ như việc kiểm soát vốn hoặc áp chế tài chính (financial repression).[1] Nhưng nhiều người không nhận ra đó chỉ là những triệu chứng của một vấn đề cơ bản duy nhất: mô hình tăng trưởng sai lệch của Trung Quốc.
Trong một chừng mực nào đó, mô hình này là hệ quả của chính sách, của thành kiến lâu đời coi xây dựng và sản xuất là đầu tàu của phát triển kinh tế. Ưu tiên này nhắc chúng ta nhớ lại thời kỳ Đại nhảy vọt vào những năm 1950, khi kim loại phế liệu được nấu chảy để đáp ứng các mục tiêu sản xuất thép vô cùng lạc quan nhằm thúc đẩy giấc mơ công nghiệp hóa nhanh chóng của Mao Trạch Đông.
Ngày nay, khuynh hướng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc được thể hiện ở các dự án sản xuất và cơ sở hạ tầng quy mô lớn, được chính phủ khuyến khích thông qua những khoản trợ cấp trực tiếp và gián tiếp. Bằng việc thúc đẩy đầu tư và tạo ra doanh thu thuế cho chính quyền địa phương, phương pháp này có nhiều tác động tích cực nhanh chóng đến GDP hơn là nỗ lực phát triển các ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, mô hình này cũng đem đến nhiều chi phí đáng kể. Quả thật, Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong một vòng kinh tế méo mó được duy trì bởi các chính sách lệch lạc. Các chính sách này trông có vẻ như không liên quan đến nhau nhưng thật ra lại gắn bó mật thiết, thậm chí là cộng sinh với nhau.
Một trong những đặc điểm rõ ràng nhất của mô hình này là sự chênh lệch giữa tăng trưởng GDP của Trung Quốc, trung bình gần 10% mỗi năm trong vài thập kỷ qua, với tăng trưởng việc làm, chỉ tăng 1-2% mỗi năm. Rõ ràng, chỉ công nghiệp hóa và mở rộng xuất khẩu không thể đáp ứng hết lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc.
Vấn đề là việc năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng nhanh – hơn 10% mỗi năm trong hai thập kỷ qua – đang làm giảm nhu cầu thuê thêm lao động. Ngược lại, trong lĩnh vực dịch vụ, năng suất lao động tăng chậm hơn (chỉ tăng khoảng 5% mỗi năm trong cùng kỳ). Điều này có nghĩa là ngành dịch vụ hiệu quả hơn trong việc tạo ra tăng trưởng việc làm. Ở Mỹ, có khoảng 80% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ trong năm 2012.
Một hậu quả khác của mô hình tăng trưởng sai lệch của Trung Quốc là sự suy giảm của tỉ lệ thu nhập hộ gia đình trên tổng GDP, từ mức 70% năm 1990 xuống còn 60% năm 2009. Trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này vẫn ổn định ở mức khoảng 80% GDP. Nói cách khác, các hộ gia đình Trung Quốc đang không được hưởng lợi (tương xứng) từ tăng trưởng kinh tế.
Hiện tượng này cũng có thể được cho là lỗi của các chính sách méo mó. Để ngăn chặn sự gia tăng chi phí lao động, tiền lương đã bị áp chế, chỉ tăng 5% mỗi năm trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm là 8,5%. Trong khi đó, áp chế tài chính lại làm giảm chi phí vốn. Trong thập kỷ qua, lợi nhuận trung bình tiền gửi thực tế (đã được điều chỉnh theo lạm phát) xuống gần bằng không. Với khoảng 80% hộ gia đình Trung Quốc gửi tiết kiệm vào ngân hàng, khoản thuế ngầm đánh vào tiết kiệm này có tác động lớn đến nền kinh tế, củng cố xu hướng tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc, do đó làm giảm tăng trưởng tiêu dùng và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng toàn cầu.
Bằng cách này, các chính sách méo mó của Trung Quốc đã giúp duy trì một mô hình tăng trưởng không hiệu quả. Việc kìm hãm tăng lương, áp chế tài chính, và định giá thấp tỷ giá hối đoái để hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất đã làm suy yếu nhu cầu trong nước do các hộ gia đình bắt buộc phải tăng cường tiết kiệm. Do đó, chính phủ phải phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng – phương pháp này dẫn đến việc tích lũy dự trữ ngoại tệ lớn vốn sau đó cần phải được vô hiệu hóa (sterilize)[2] để không ảnh hưởng đến lượng cung tiền cơ sở. Lãi suất thấp giúp kiểm soát chi phí vô hiệu hóa ở cấp độ quốc gia và giảm chi phí ở cấp độ doanh nghiệp. Lãi suất thấp, một lần nữa, lại làm thiệt hại các hộ gia đình.
Phá vỡ vòng luẩn quẩn này sẽ không dễ dàng, nhưng không có cách giải quyết nào khác cho những vấn đề cấp bách mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Trên thực tế, mô hình tăng trưởng hiện nay cũng đang gây thiệt hại nặng nề cho môi trường. Ô nhiễm môi trường hiện đang đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.
Hơn nữa, sự thiên vị đối với ngành sản xuất và xuất khẩu dẫn đến việc phân bổ vốn không đồng đều. Những ngành công nghiệp kém hiệu quả đã tích lũy vốn dư thừa một cách đáng kể, gây bất ổn toàn bộ nền kinh tế, trong khi các ngành công nghiệp có năng suất và hiệu quả cao hơn không được tiếp cận các nguồn tài nguyên mà chúng cần.
Tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ là thách thức cấp bách và khó khăn nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay. Do những sai lệch trong nền kinh tế hiện tại liên quan tới nhau, chúng cần phải được giải quyết đồng bộ. Cách tiếp cận tiệm tiến từng bước của Trung Quốc sẽ không còn hiệu quả.
Keyu Jin (Kim Khắc Vũ) là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, Lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và là thành viên của Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Richemont.
Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate - http://www.project-syndicate.org/commentary/china-economic-restructuring-growth-model-by-keyu-jin-2014-10.
Chú thích
[1] Áp chế tài chính (financial repression) là những biện pháp được các chính phủ sử dụng để nâng cao ngân quỹ hoặc giảm nợ. Các biện pháp này tập trung vào việc giữ tỉ lệ lãi suất thấp hơn tỉ lệ lạm phát (tức lãi suất thực âm), một hình thức “đánh thuế” lên người tiết kiệm và chuyển lợi ích từ người cho vay sang người đi vay. Việc giữ lãi suất thực âm giúp các chính phủ dễ dàng phát hành trái phiếu, qua đó tạo được nguồn vốn cho ngân sách với chi phí rẻ hơn so với khi không có các biện pháp áp chế tài chính (NBT).
[2] Vô hiệu hóa (sterilization) là việc mua hoặc bán ngoại tệ bởi một ngân hàng trung ương nhằm tác động lên tỉ giá hối đoái của đồng nội tệ mà không làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền cơ sở. Ví dụ, khi Fed lo ngại về sự xuống giá của đồng đô la so với đồng Euro thì nó sẽ bán một lượng trái phiếu định giá bằng đồng Euro trị giá 10 tỉ Euro và thu về 14 tỉ đô la từ giao dịch này. Việc 14 tỉ đô la được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng vào kho của Fed sẽ ảnh hưởng tới lượng cung đồng đô la trên thị trường và lãi suất qua đêm liên ngân hàng tại Fed. Vì vậy Fed sẽ thực hiện tiếp giao dịch thứ hai qua thị trường mở bằng cách mua vào lượng trái phiếu kho bạc Mỹ giá trị 14 tỉ đô la, qua đó bơm lại 14 tỉ đô la vào hệ thống ngân hàng thương mại. Giao dịch này giúp “vô hiệu hóa” tác động của việc bán số trái phiếu định giá bằng đồng Euro lên lượng cung tiền cơ sở (NBT)