Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Dự án trọng điểm quốc gia hầm đường bộ Đèo Cả: Ách tắc vì… bụi tre

Dự án trọng điểm quốc gia hầm đường bộ Đèo Cả: Ách tắc vì… bụi tre
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=527907 , đăng ngày 02/11/14, mục Thời sự.
(CATP) Là dự án giao thông trọng điểm của quốc gia nhằm giải quyết cung đường đèo nguy hiểm nhất còn lại trên tuyến Quốc lộ 1A nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa, nhưng hai năm qua nhiều lần chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát gặp phải những chuyện dở khóc dở cười vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) ở hai đầu công trình.
Máy móc phải nằm chờ vì vướng bụi tre
Công trình “bất động”
Đứng ngay khu vực đại công trường ngổn ngang xe cộ, phương tiện thi công cửa hầm và khu tái định cư phía nam cửa hầm chính Đèo Cả (thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), anh Phúc - người được giao nhiệm vụ trông coi việc xây dựng khu tái định cư (TĐC) giải thích: “Mấy anh không hình dung nổi đâu. Đúng ra tiến độ đục cửa hầm chính và xây dựng khu TĐC này đã tiến hành hơn nửa năm trước. Riêng khu TĐC có thể nay hoàn chỉnh để dân vào ở hết rồi. Theo tiến độ thì chủ đầu tư được bàn giao mặt bàng từ đầu năm 2013. Nhưng đến giữa 2014 vẫn chỉ bàn giao theo kiểu da beo. Như cả khu TĐC này, mấy tháng liền hàng chục phương tiện, con người của chúng tôi “án binh bất động” vì còn vướng... bụi tre ở đằng kia”.
Nguyên nhân là cơ quan chức năng huyện và tỉnh vẫn chưa thể thu hồi mấy trăm mét đất của một hộ dân do “không thống nhất phương án tính giá trị để bồi thường bụi tre”. Cũng vì bụi tre, hàng chục phương tiện, thiết bị của nhà thầu - Cty Lũng Lô khi vào công trình vô cùng khó khăn. Mãi đến khi có chuyến thị sát tình hình giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các gói thầu dọc dự án cải tạo Quốc lộ 1A đi qua các tỉnh miền Trung vào cuối tháng 9-2014 của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì mọi việc mới đâu vào đấy.
Một lý do khác khiến khu TĐC tại Đại Lãnh kéo dài tới nay là vì ban đầu được giao cho phía chủ đầu tư Dự án hầm Đèo Cả là Cty CP Đầu tư Đèo Cả thực hiện. Nhưng vì mặt bằng không có nên công ty không thể tiến hành nhanh được. “Sốt ruột” với sự chậm trễ, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giao lại cho tỉnh đầu tư. Nhưng khi phía Cty bàn giao rồi thì ngân sách nhà nước chưa có cùng với hạn chế về việc điều hành nên sau đó tỉnh lại “trả” khu TĐC này lại cho phía chủ đầu tư ứng tiền thi công.
Tre án ngự giữa đường
Tương tự, ở cửa hầm phía bắc, hàng loạt hạng mục công trình đều có nguy cơ không thể đẩy nhanh tiến độ vì vướng công tác GPMB, dù chủ đầu tư và nhà thầu luôn sẵn sàng con người và phương tiện để thi công. Đứng giữa ngổn ngang công trình đang xây cầu trên đoạn đường chính dẫn vào cửa hầm Đèo Cả (thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên), ông Phan Văn Hưng, người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý mặt bằng của Cty CPĐT Đèo Cả chỉ tay về phía mấy bụi tre đang đứng sừng sững trước mặt: “Đó là một phần của mặt đường và cái cầu này. Nhưng vì người dân không cho đụng đến bụi tre với lý do nếu bụi tre bị bứng để thi công cầu thì sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa của họ trong vườn. Có người vác dao rựa ra hăm họa nhà thầu nên anh em không thể thi công”.
Đứng từ chiếc cầu này nhìn ra hai bên, cầu đã gần xong, đoạn Quốc lộ 1A mới cũng đang được san lấp mặt bằng rộng thênh thang. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận ra ngay cả đại công trường quốc lộ này đang có một khoảnh rất rộng nhà thầu phải bỏ lại bởi mấy bụi tre nằm ngay lòng đường và một phần trụ cầu. Khi máy móc của nhà thầu đến thi công thì có người cản trở nên họ phải “né” qua bụi tre.
Từ chiếc cầu này, chạy về hướng cửa hầm chính thêm 1km, đoạn đường dẫn vào cửa hầm sau khi băng qua cánh đồng trống lại tiếp tục bị “cụt”. Con đường mới đang được đổ đất thi công nhưng không thể làm nốt đoạn vài chục mét để nối với đoạn tiếp theo phía trước vì vài bụi tre, tràm và hai căn nhà nằm gần như giữa tim đường theo hướng tuyến quy hoạch. Theo lý giải của cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa, phía trước là hai hộ dân Đỗ Thành Nghĩa, Trương Minh Trung, huyện đã ban hành phương án bồi thường nhà cửa, hoa màu và hỗ trợ tái định cư lâu rồi nhưng vẫn không đồng ý giao đất. Bởi hai hộ dân đều ở trong diện tích “đất 5%” (dạng đất công do địa phương quản lý), xây cất nhà không có giấy tờ, trong khi cả hai hộ cương quyết đòi bồi thường theo giá đất thổ cư, chứ không chịu nhận hỗ trợ theo diện “đất 5%”. Vì lý do trên nên đoạn đường chính dẫn vào hầm qua hai hộ dân này đang bị “cắt khúc”, không biết bao giờ mới có thể thi công.
Gần hai hộ ông Trung và Nghĩa còn một hộ dân khác cũng nằm trong đoạn đường chính dẫn vào sát cửa hầm Đèo Cả là ông Dương Văn Đức cũng “gai góc” không kém, nên đến nay đất để thi công công trình không có, thậm chí nhà thầu còn phải thuê đất của ông với giá rất cao để có mặt bằng làm công trình phụ. Huyện và tỉnh nhiều lần đến vận động thuyết phục ông Đức bàn giao mặt bằng theo phương án bồi thường được duyệt nhưng ông Đức không đồng ý. Trong khi ông đòi bồi thường thì cơ quan chức năng trưng ra bằng chứng ông đã mua đất bằng giấy tay từ chủ cũ vào năm 2012, sau khi huyện thông báo thu hồi đất thực hiện dự án (năm 2011). Do đó đất ông không được sang tên và không thể là “chính chủ” để nhận bồi thường.
Vướng vài hộ dân
Ông Phan Văn Hưng cho biết, trong quá trình các nhà thầu đưa phương tiện đi ngang hoặc thi công đường chính và đường công vụ dẫn vào cửa hầm Đèo Cả, nhiều lần bị vài người dân tự ý ngăn cản, không cho thi công. Như việc một chiếc xe tưới nước mặt đường bị “nhốt” 5 ngày không cho chạy tới chạy lui, “tạm giữ xe chở bê-tông khiến hơn 20 tấm bê-tông hư hỏng, hay việc có vài chục hộ dân ở hai bên tuyến chính vào cửa hầm liên tục đòi nhà thầu bồi thường tiền mỗi khi nhà có vết nứt, trong khi phía chủ đầu tư đề nghị là đã có công ty bảo hiểm công trình chịu trách nhiệm về tất cả ảnh hưởng sau khi thi công hoàn chỉnh một lần... Tại những đoạn thi công phần thô xong, một số hộ dân đã được bảo hiểm đánh giá thiệt hại và bồi thường đầy đủ một lần. “Chứ cứ ra cản trở đòi tiền từng vết nứt thì anh em nhà thầu biết sao để tính toán mà đưa cho bà con” - ông Hưng giải thích.
Ông Võ Tấn Ích - Giám đốc Trung tâm phát triển qũy đất huyện Đông Hòa cho biết: Toàn bộ phía bắc dự án hầm Đèo Cả thuộc Phú Yên có 525 hộ dân bị ảnh hưởng khi đền bù GPMB phục vụ dự án. Việc GPMB do Nhà nước thực hiện vì đây là dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, sau đó giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, huyện Đông Hòa đã vận động để GPMB nhanh nhất có thể. Hiện chỉ còn 3/525 hộ chưa di dời, trong đó có hộ vì mua bán giấy tay sau khi đã thông báo thu hồi đất, hai hộ canh tác, dựng nhà trên đất do địa phương quản lý nhưng nay đòi bồi thường thay vì chỉ được hỗ trợ về cây cối, công trình. Ngoài ra còn một chủ hộ đã mất, do con cái đang tranh chấp tại tòa án nên vẫn chưa xong thủ tục (dù đã bàn giao mặt bằng). “Tất cả những vướng mắc của các hộ này và các hội hai bên đường có hiện tượng nứt lún nhà cửa, cuối tuần trước đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc đến tận từng hộ dân kiểm tra, giải thích với bà con. Chúng tôi sẽ giải quyết xong toàn bộ để giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 11-2014 này” - ông Ích cho biết.
Về phản ảnh của bà con tại khu TĐC chưa có điện, nước, theo ông Ích, khu TĐC rộng 7,8ha lẽ ra do Nhà nước bỏ ngân sách xây dựng nhưng chưa thu xếp được nên phía chủ đầu tư là Cty CPĐT Đèo Cả đã tạm ứng toàn bộ số tiền 128 tỷ để xây dựng, đã có 79 hộ dân nhận nền TĐC về đây sinh sống. Cty đã xây dựng đầy đủ trường học, chợ, nhà văn hóa thôn, nhà trẻ, hệ thống điện, nước đầy đủ. Tuy nhiên điện thì ngành điện mới đóng điện cho toàn khu, còn nước là do nguồn nước máy của tỉnh chưa được đấu nối. Chủ đầu tư đã bỏ tiền hỗ trợ khoan cho mỗi hộ dân một cái giếng dùng tạm trong khi chờ nước máy.
“Đây là công trình trọng điểm quốc gia. Cả hệ thống chính trị của tỉnh và huyện đang tập trung mọi nguồn lực cùng chủ đầu tư giải quyết xong các vướng mắc, tồn tại để quê hương có một công trình giao thông khang trang, hiện đại, giảm thiểu tai nạn tại cung đường Đèo Cả nguy hiểm hàng chục năm nay” - ông Ích khẳng định.
Sông Gianh

Không có nhận xét nào: