Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Kỷ niệm 25 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ

Kỷ niệm 25 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ
Copy từ http://www.vietdongtam.net/showthread.php?t=70644, đăng 2 tuần trước ngày 10:15 AM 12/2/2014 (ngày 02 tháng 12/14).
Tác Giả: Dương Hùng & Bảo Huân
Ngày 9 tháng 11(năm 2014) đánh dấu 25 năm ngày sụp đổ của bức tường Bá Linh, biểu tượng của chiến tranh lạnh chia đôi Đông và Tây. Việc này mở đường cho một nước Đức thống nhất và chấm dứt những chế độ cộng sản tại châu Âu. Khi cư dân của Đông và Tây Bá Linh đập vỡ bức tường chia đôi thành phố trong 3 thập niên, hình ảnh này được thấy trên toàn thế giới.
Bức tường Berlin được tái tạo bằng những bóng đèn Helium nhằm kỷ niệm lần thứ 25 ngày sụp đổ - nguồn mauer.visitberlin.de
Bức tường Bá Linh được chính quyền Đông Đức dựng lên vào năm 1961 chia đôi thủ đô nước Đức nhằm ngăn cản những người dân nước này thoát sang phía Tây. Nó còn được người dân Đức gọi là bức tường ô nhục, và nó là biểu tượng cho sự phân cách ý thức hệ trong thời chiến tranh lạnh.
Ngày 9/11/1989, sau 28 năm tồn tại bức tường bị dỡ bỏ. Biến cố trọng đại này gây xúc động cho toàn thế giới.
“Có thể là giống như người vỡ tung vậy. Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ cảm giác đó, nó vừa giống như một ngày hội mà lại không phải là một ngày hội. Cảm giác về nước Đức thống nhất nó tác động đến những người hợp tác lao động như mình. Ngoài cái nỗi mình cảm thấy giống như đất nước mình được thống nhất vậy. Ở trong nhà máy bọn mình cũng la hét, cũng hò reo, rồi những lời chúc mừng, chúc mừng các đồng nghiệp.”
Đó là lời chị An nói về cảm xúc của chị trong đêm 9/11/1989 khi chị và các đồng nghiệp người Đức nghe tin bức tường Berlin ngăn đôi nước Đức bị kéo đổ. Chị An là một trong hàng chục ngàn công nhân Việt Nam đến Đông Đức làm việc theo một chương trình gọi là hợp tác lao động giữa Việt Nam và các quốc gia cộng sản Đông Âu lúc đó.
Hồi tưởng lại ngày ấy: Thông tin từ các đài truyền thanh và truyền hình của Tây Đức và Tây Bá Linh dưới tựa đề “Bức tường đã mở!” hằng ngàn người dân Đông Bá Linh đã kéo đến các cửa khẩu và yêu cầu mở cổng. Lực lượng biên phòng và cả các đơn vị kiểm tra hộ chiếu của Đông Đức hoàn toàn không được thông báo gì về vấn đề này. Dưới áp lực của số đông quần chúng, ngay sau 23 giờ, cửa khẩu biên giới tại đường Bornholm - - ở Bá Linh được mở đầu tiên mà không có lệnh hay chỉ đạo cụ thể. Sau đó đến lượt các cửa khẩu khác trong toàn thành phố cũng như tại biên giới nội địa Đức.
Đêm xuống, nhiều người theo dõi việc mở các cửa khẩu biên giới qua truyền hình và một phần đã bắt đầu ra đi. “Cơn bão” nổi dậy hôm sau, ngày 10 tháng 11, vì rất nhiều người vẫn còn đang ngủ khi biên giới được mở vào giữa đêm khuya. Ngày 22 tháng 12 năm 1989, toàn bộ những cổng ngăn cách giữa bức tường được mở toang.
Công dân Đông Đức đã được người dân Tây Berlin đón chào nồng nhiệt. Phần lớn các quán bia gần bức tường tự phát cho uống bia không phải trả tiền và trên đại lộ Kurfürstendamm hằng đoàn ô tô bóp còi diễn hành, những người hoàn toàn xa lạ ôm choàng lấy nhau. Khi có thông tin về việc bức tường được mở cửa, Quốc hội Liên bang đã tạm ngừng phiên họp về ngân sách quốc gia và các nghị sĩ đã bật hát quốc ca. Mỗi người dân Đông Đức được chính phủ CHLB Đức tặng 100 Đức mã khi qua cổng (lúc đó trị giá trên thị trường chợ đen là 1,000 tiền Đông Đức, gần bằng 1 tháng lương trung bình), gọi là “tiền chào mừng”.
Nước Đức thống nhất trong hòa bình, cường thịnh. Sau 25 năm, các thành phố ở Đông Đức được xây dựng lại tân tiến hơn cả Tây Đức.
DH & BH - Tổng hợp (theo Trẻ)

Không có nhận xét nào: