Cửu huyền thất tổ là gì?
|
Copy từ http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-337/Cuu-huyen-that-to-la-gi.html, mục Các vấn đề Phật học. |
Câu hỏi này, có lần bạn kayo đã đặt ra. Chúng tôi tình cờ đọc được bài trả lời của Thầy Thích Giác Hoàng, sau câu hỏi của cư sĩ Ánh Quang. Bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” mang ý nghĩa gì trong văn hoá Việt Nam? Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn câu hỏi của cư sĩ và phần trả lời của thầy Thích Giác Hoàng. |
Cư sĩ Ánh Quang hỏi: |
Kính chào quý Thầy và quý đạo hữu, |
Tôi thường nghe đến bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ", vậy bốn chữ này mang ý nghĩa gì vậy trong văn hoá Việt Nam? |
Kính chúc quý đạo hữu thân tâm thường lạc. |
Kính chào thân ái, |
Ánh Quang. |
Thầy Thích Giác Hoàng trả lời: |
Kính chào cư sĩ Ánh Quang, |
Chúng tôi xin trình bày lần lượt hai vấn đề mà cư sĩ đã nêu: |
1) Ý nghĩa của bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” |
Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học, hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại Đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy từ nguyên của bốn chữ này. Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hoá, tôn giáo Hán - Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà Sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hoá của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ. |
Không biết bốn chữ nầy được xuất hiện trong văn bản nào sớm nhất, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, bốn chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1728 - 1715) được Tiến sĩ Lê Mạnh Thác (1a) đã dày công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Nhà Xuất bản TP. HCM, 2000). Phía sau cuốn sách có in toàn bộ tác phẩm và ngữ lục của Thiền sư bằng chữ Hán. Tác phẩm Sự Lý Dung Thông (trang 416) cũng nằm trong phần phụ lục này, có đề cập đến bốn chữ này trong hai câu thơ: |
"Thích độ nhân miễn tam đồ khổ |
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương " |
(Ðại ý là giáo lý đức Phật Thích-ca hoá độ chúng sanh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, và có khả năng cứu thoát cửu huyền và thất tổ được siêu thăng). |
Có lẽ vì câu trên quá cô đọng nên bản Việt ngữ của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (1b) (trang 392), vẫn giữ nguyên như vậy, và phần dưới có chú thích ngắn gọn về bốn chữ "cửu huyền thất tổ" như sau: |
"Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ." |
Mặc dầu trong các từ điển, chúng tôi không thấy có chữ "huyền" nào có nghĩa là "đời" cả, nhưng qua quá trình Việt Hoá, chữ nầy được hiểu như là "đời", và có lẽ nên dịch là "thế hệ" thì chính xác hơn. |
Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời. |
Một vị Hoà Thượng mà người viết có duyên học hỏi đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ "Huyền" ở đây vì chữ "Huyền" trong "cửu huyền" này vốn có nghĩa là "đen", vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tuỷ xương máu và thịt tan rã, huỷ hoại đều biến thành màu đen nên gọi là "huyền". Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là "cửu huyền". |
Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ. |
Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho các thế hệ đi trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" (viết bằng chữ Hán). Quý Tăng Ni miền Nam và miền Bắc cũng dùng cụm từ này để chỉ cho nơi thờ ông bà, cha mẹ mình nhiều đời, nhưng không phổ biến rộng rãi, các vị thường dùng từ "hương linh" chỉ người đã khuất, và nơi thờ các hương linh ấy được gọi là "bàn linh". Các tịnh xá thuộc hệ phái Khất Sĩ dùng từ "Cửu Huyền" hoặc cả "Cửu Huyền Thất Tổ" chỉ cho nơi thờ những người đã quá vãng. |
Các tịnh xá thuộc hệ phái Khất Sĩ dùng từ "Cửu Huyền" hoặc cả "Cửu Huyền Thất Tổ" chỉ cho nơi thờ những người đã quá vãng. (2) |
2) “Cửu Huyền Thất Tổ” trong nền văn hoá Việt Nam |
Theo cách nhìn tổng quát, văn hóa có hai phần đặc trưng, đó là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nền văn hóa vật chất bao gồm các lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật. Văn hóa tinh thần bao gồm các lĩnh vực thuộc học thuật, tư tưởng, tôn giáo và các loại hình giải trí, nghệ thuật. |
Cách biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn và biết ơn ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp qua việc thờ cúng của người Việt Nam thuộc loại hình văn hoá tinh thần. Cách tôn kính, thờ cúng này không phải ở Việt Nam mới có, mà từ thuở nhà Hạ (2183-1752 trước TL), Thương/ Ân (1751-1112 trước TL), Chu (1111? – 249 trước TL) bên Trung Hoa cũng đã có nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên rồi. Các vua chúa thường đi tế Giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên trong Thái Miếu. Nền văn hoá Việt Nam thời cổ và trung đại cũng vậy. Các vua chúa thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, nơi đền thờ các vị khai quốc công thần. Còn người dân dã thì thường thờ ông bà cha mẹ tại nhà và làm lễ cúng giỗ hàng năm. |
Điều đáng nói ở đây, là nền văn hoá tinh thần nầy đã được duy trì, phát huy và thấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam dù trải bao biến thiên lịch sử. Không phải đất nước nào cũng duy trì được nền văn hoá quý báu này. Trung Hoa, một trong 3 cái nôi văn minh nhân loại thời cổ, đến khi Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 thì nền văn hoá tinh thần bị hạ bệ, nhất là giai đoạn “Cách Mạng Văn Hoá” thì tinh thần “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ người đào giếng” hoàn toàn bị xoá sổ, mà thay vào đó là nền văn hoá của “Mao Chủ Tịch”. |
Ðại Ðức Minh Nghị đang du học bên Trung Hoa kể cho chúng tôi nghe, khắp đại lục Trung Hoa không có được một nhà có bàn thờ ông bà cha mẹ của mình. Vào nhà chỉ thấy hình của bác Mao Trạch Đông thôi! Các chùa chiền thì không thấy có nhà thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” hoặc “Vãng Sinh Ðường”, thậm chí một số chùa chiền cũng không thấy có nhà thờ Tổ (Tổ đường). Khái niệm “thờ cúng” ông bà cha mẹ gần như bị lãng quên và họ còn cho đó là một nghi thức “cổ lổ xỉ”. Họ cho rằng “thờ cúng” là một hình thức mê tín dị đoan, nên đã cực lực loại bỏ! |
Thế là cả một nền văn hoá “Ẩm thuỷ tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) tốt đẹp mấy ngàn năm, một truyền thống hiếu thảo “phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Kinh Thi) (3) đã từng làm xúc động bao con tim của bao thế hệ, nay không còn duy trì nữa. |
Thật buồn thay cho một nền văn hoá có bề dày nhất nhì trong lịch sử văn minh nhân loại, và cũng là một nền văn hoá được đánh giá là tôn trọng chữ hiếu bậc nhất trong lịch sử nhân loại, thế mà ngày nay lại thiếu vắng tinh thần tri ân và báo ân! |
May mắn thay, văn hoá Việt Nam, dù trải bao thăng trầm lịch sử, nhưng đạo lý: “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” vẫn được khắc sâu trong tâm khảm người Việt, vẫn ấm áp trong tiếng hát hời ru con muôn thuở: |
“Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ |
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha”. |
Lời cuối, cầu chúc cư sĩ thân tâm thường lạc và tinh tấn trong mọi thiện sự. |
Bài liên quan: Copy từ http://www.phatgiaohoahao.net/11-dhoc-bai-phap-luan/a-dhoc-phap-luan/nguyen-van-hiep/2012-05-20---y-nghia-bon-chu-cuu-huyen-that-to ; tác giả: Nguyễn Văn Hiệp, đăng ngày 20/05/2012 |
Theo truyền thống dân tộc, người Việt Nam chúng ta đều sùng ngưỡng Tam Giáo: Phật, Thánh, Tiên. Vì thế, trong nghi thức thờ cúng, Đức Thầy dạy: nơi tư gia của mỗi tín đồ có 3 ngôi thờ cúng là để tượng trưng cho tam giáo. Đó là: |
1- BÀN THỜ PHẬT: Cũng gọi là “Ngôi Tam Bảo”. Nơi đây tôn thờ vị Giáo chủ Đạo Phật trong cõi Ta Bà và mười phương chư Phật, Pháp, Tăng, cùng Phật Tổ, Phật Thầy…Bàn thờ nầy đặt ở giữa nhà, cao hơn bàn Cửu Huyền Thất Tổ, có ý nghĩa tượng trưng cho Phật Đạo. |
Lúc mới khai Đạo (1939), Đức Thầy dạy tín đồ trang trí ngôi Tam Bảo một bức trần điều, là vì noi theo truyền thống của Đức Phật Thầy Tây An. Đến tháng 2 năm Canh Thìn (1940), Đức Thầy cho toàn thể trong Đạo đổi lại bức trần màu dà, với lý do được Ngài giải thích như sau: |
“Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ Trần Điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu dà ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.” |
2- BÀN THỜ ÔNG BÀ hay CỬU HUYỀN THẤT TỔ, tượng trưng cho Thánh Đạo. Nơi đây là tôn thờ Tổ Quốc và Ông bà Cha mẹ từ vô lượng kiếp. Bàn nầy đặt giữa ngay giữa nhà, thấp hơn ngôi Tam Bảo, hoặc dưới ngôi Tam Bảo, nếu nhà nhỏ thì làm nhị cấp. |
Là một nền Đạo xuất phát trong lòng dân tộc, người tín đồ PGHH với tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” không thể thiếu bàn thờ Ông bà được. |
3- BÀN THÔNG THIÊN: Có ý nghĩa: bàn thờ thông lên Trời, cũng gọi là bàn thờ Cộng đồng Tam Giáo, dùng để tưởng niệm bốn phương Trời Phật. Nó hàm chứa tinh thần tín ngưỡng Phật Trời muôn thuở, của người dân Việt Nam chúng ta. Bàn Thông Thiên còn có ý nghĩa tượng trưng cho Tiên Đạo. |
Tóm lại, với cách thiết trí 3 ngôi thờ cúng gồm đủ Phật, Trời, Tiên, Thánh trong mỗi gia đình, nguời tín đồ PGHH thường quan niệm rằng tư gia của mình ví như một ngôi chùa nho nhỏ. |
Trong bài Góp Ý nầy, chúng tôi xin cùng quý đồng đạo thảo luận về Ý nghĩa của bốn chữ CỬU HUYỀN THẤT TỔ. Đồng thời, cũng nên tìm hiểu chữ nầy có từ lúc nào và do đâu mà tín đồ PGHH phải tuyệt đối phượng thờ. |
Như vừa trình bày, hầu như tư gia của người tín đồ PGHH nào cũng có bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ và bốn chữ nầy luôn được người tín đồ nhắc nhở mỗi ngày qua hai thời cúng lạy: |
“Cúi kính dâng hương trước Cửu Huyền, |
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng. |
Nay con tỉnh ngộ quy y Phật, |
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên.” |
Trước hết, đây là lời giải thích của Cố Đồng đạo Thiện Tâm trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ Chú Giải: |
CỬU HUYỀN THẤT TỔ: Thành ngữ chỉ cho Ông Bà Cha Mẹ từ vô lượng kiếp đến giờ. |
CỬU HUYỀN: Theo Nho giáo (Hán học) thì Cửu huyền là Cửu tộc, gồm có: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Có nghĩa trên mình bốn bực là: ông Sơ. ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực là: Con, Cháu, cháu Chắt, cháu Chít. |
Xưa, đời Hạ Võ bên Tàu có đúc 9 cái đỉnh bằng đồng để thờ Tổ Tiên tộc họ. Triều đình nhà Nguyễn Việt Nam cũng có tạo ra Cửu đỉnh đặt tại nhà Thái Miếu, có ý để tưởng nhớ Tổ Tiên nòi giống. Tuy nhiên, nên nhớ là thờ lạy bốn bực trên đã qua đời, còn sự cứu độ và liên đới trách nhiệm thì cả luôn bốn cấp dưới. |
THẤT TỔ: Theo Phật giáo (Phật học) thì Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do chữ “Thất Thế Phụ Mẫu”. Có nghĩa là mỗi lần sanh ra một xác thân đều có Tổ Tiên cha mẹ, mà bảy đời như vậy gọi là “Tổ Tông bảy đời”. Theo phong tục ở Ấn Độ, con số 7 là con số tượng trưng cho số nhiều (Vô lượng). |
Bởi từ vô thỉ tới giờ con người chết đi rồi sanh lại không biết bao nhiêu lần, cho nên Thất Tổ là chỉ cho Ông bà Cha mẹ từ vô lượng kiếp. |
Điều nầy, Đức Thầy đã bảo: |
“Chừng nào đắc được lục thông, |
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời.” |
(Cho ông Cò tàu Hảo) |
Căn cứ theo hai lý giải trên, tựu trung”Cửu huyền Thất tổ” là một thành ngữ ghép cả hai từ ngữ Cửu Huyền (Hán học) và Thất Tổ (Phật học). Ban sơ là tiếng cầu chúc lẫn nhau (chúc cho Cửu Huyền Thất Tổ Nội Ngoại), sau thành thói quen, nên dùng làm thành ngữ chỉ chung cho Ông bà Cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. |
“Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp.” |
(Mượn Cây Đuốc Huệ) |
Và: |
“Đầu cúi lạy Cửu huyền Thất tổ, |
Ngõ đáp ơn báo bổ sanh thành.” |
(Bài Nguyện trước Bàn thờ Ông Bà) |
Tiếp theo là phần giải nghĩa của Đồng đạo Nguyễn Văn Chơn trong quyển Từ Điển Đặc Dụng: |
Cửu Huyền Thất Tổ có thể hiểu theo hai nghĩa thông dụng: |
1.- Để chỉ Ông bà Cha mẹ đã nhiều kiếp cho đến bây giờ. Ngoài ra còn có nghĩa: Tổ tiên nòi giống trải qua bao thế hệ, bao đời nay. |
Theo Nho Giáo gọi Cửu Huyền là Cửu Tộc: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Thất Tổ: Phật Giáo gọi Thất Tổ là Tổ Tông bảy đời, do câu “Thất thế phụ mẫu”. Mỗi lần sanh ra một thân xác đều có Tổ Tiên cha mẹ, bảy đời như vậy gọi là Tổ Tông bảy đời. |
Ấn Độ gọi con số 7 là số tượng trưng cho số nhiều. “Cửu huyền thất Tổ”, con số tượng trưng để chỉ Ông bà Cha mẹ hoặc Tổ Tiên nòi giống trong nhiều kiếp đến bây giờ. |
2.- Cửu Huyền còn gọi là Cửu Tộc: Cao Tổ, Tằng Tổ, Khảo Tổ, Nội Tổ, Phụ, Tử, Đích Tôn, Tằng Tôn, Huyền Tôn. |
Cửu Tộc là chín lớp người trong tộc họ: Bản thân, Cha, Con, Ông Nội, Cháu Nội, Ông Cố, Cháu Tằng Tôn, Ông Sơ, Cháu Huyền Tôn. |
Thất Tổ: Phật Giáo thuyết “Thất thế Phụ mẫu” (Phụ mẫu Bảy đời). |
Riêng về PGHH, Đức Thầy có giao cho Ông Hương Hào Phỉ nguyên văn bài giải thích Cửu Huyền Thất Tổ như sau:“ Cửu Huyền là Cửu Tộc, nghĩa là chín đời trong gia tộc mình, đếm từ Cao Tổ, Tằng Tổ, Khảo Tổ, Nội Tổ, Phụ, Tử, Đích Tôn, Tằng Tôn, Huyền Tôn. Còn Thất Tổ là Bảy lớp Tông Tộc của mình trong bảy kiếp, vì Phật nói chúng ta sanh ra vô lượng kiếp, như mà dạy cầu nguyện trong bảy lớp Tông Tộc mà thôi; nên gọi là Cửu Huyền Thất Tổ. |
Sau đây là phần thuyết giảng của Cố Đồng đạo Lê văn Phú tự Tho tại xã Long Điền, quận Chợ Mới năm 1972 và một vài nơi khác: |
Chữ CỬU 九 là số Chín (không nghĩa nào khác). |
Chữ HUYỀN 玄 là đen tối, sâu kín (cho nên gọi là Huyền Bí, Huyền Diệu…). |
Chữ THẤT 七 là số Bảy (không nghĩa nào khác). |
Chữ TỔ 祖 là Ông Bà Tổ tiên. |
Bốn chữ nầy là con số tượng trưng, vì chữ CỬU và THẤT còn ám chỉ cho bên Nam và bên Nữ (Nam thất, Nữ cửu). Ai trong chúng ta cũng có Ông Bà quá vãng tức là có Nam, có Nữ. Chữ HUYỀN là sâu kín, ám chỉ không biết bao nhiêu đời Ông bà. Cho nên Đức Thầy có dạy:“Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp.” nghĩa là ơn sâu của Cha mẹ là con số vô lượng đếm không hết được. |
Nho giáo dùng chữ Cửu Tộc để giải thích cho chữ Cửu Huyền là không đúng, bởi vì không ai đem con cháu mà thờ chung với Ông bà Tổ tiên bao giờ. |
Năm 1939, Đức Thầy viết bốn chữ nầy đem lên để trên Bàn thờ Ông bà, tín đồ lui tới Tổ đình thấy vậy nên bắt chước, về nhà cũng viết bốn chữ nầy đặt lên bàn thờ Tổ tiên, thờ phụng cho đến ngày nay. |
Quý Đồng đạo vừa theo dõi sự giải thích của các cao đồ PGHH về ý nghĩa bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ, sau đây chúng tôi giới thiệu thêm sự giải đáp của nhà sư Thích Giác Hoàng cũng về bốn chữ nầy để mở rộng tầm hiểu biết. |
Không biết bốn chữ nầy được xuất hiện trong văn bản nào sớm nhất, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, bốn chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1728 - 1715) được Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã dày công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải. Phía sau cuốn sách có in toàn bộ tác phẩm và ngữ lục của Thiền sư bằng chữ Hán. Tác phẩm Sự Lý Dung Thông cũng nằm trong phần phụ lục này, có đề cập đến bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ trong hai câu thơ: |
... ... ... |
Bên trái: Kính Cửu huyền thiên niên bất tận; bên phải: Trọng Thất tổ nội ngoại tông đường; Giữa: Cữu Huyền Thất Tổ. |
Chú thích: |
(1a) và (1b): Trong 2 đoạn văn không xa nhau mà tên người đã khác rồi. |
(2) Tôi dùng "Cửu huyền thất tổ" theo nghĩa trong đoạn này. |
(3) Chú thích này là của trang hoalinhthoai.com/ : Cha sanh ra ta, mẹ nuôi lớn ta, xót thương cha mẹ, nuôi ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu của cha mẹ, như vói lên trời cao không cùng.” |
Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014
Cửu huyền thất tổ là gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét