Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Bác tin đồn cam sành Vĩnh Long là cam Trung Quốc

Bác tin đồn cam sành Vĩnh Long là cam Trung Quốc
Copy từ http://tuoitre.vn/Kinh-te/518318/Bac-tin-don-cam-sanh-Vinh-Long-la-cam-Trung-Quoc.html ; tin ngày 31/10/12, mục Kinh tế.
TTO - Ngày 30-10-12, ông Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết tin đồn cam sành Vĩnh Long là cam Trung Quốc xuất hiện mấy ngày qua trên thị trường làm người tiêu dùng quay lưng, nông dân điêu đứng.
Ông Châu nói: “Không tin lời đồn đại được vì cam sành Việt Nam khác xa cam Trung Quốc nên không thể có chuyện nhầm lẫn. Cam sành Việt Nam trồng ở vùng nhiệt đới nên khi chín vỏ cam màu xanh. Còn cam Trung Quốc luôn có màu vàng hoặc cam. Đặc điểm nổi bật nữa là chất lượng cam sành Việt Nam hơn hẳn cam Trung Quốc dù có hạt”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện cam sành ĐBSCL được thương lái mua tại vườn với giá 7.000-8.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Tại các chợ, sản lượng cam sành về nhiều do đang vào thu hoạch rộ. Theo ông Châu, tin đồn cam sành Việt Nam là cam Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Còn người dân miền Nam biết rõ cam sành vỏ màu xanh là cam Việt Nam nên không bị nhầm.
V.Tr.
 
Ý kiến bạn đọc TV: Nên chụp hình quả cam cho bạn đọc nhận diện và phân biệt - 31/10/2012 19:27:10
Qua vụ này càng thấy việc quản lý xuất xứ sản phẩm trái cây cần thiết bao nhiêu. Tôi và mọi người ăn trái cây là để bổ sung hàm lượng vitamin cho cơ thể thêm khỏe mạnh. Mà giờ vì vụ lấp lửng nguồn gốc từ phía người bán, khiến tôi và người mua khác cứ lo sợ mua nhầm. Cứ muốn mua hàng chính gốc trong nước vừa bảo vệ sức khỏe vừa ủng hộ hàng trong nước, nhưng sao mà khó. Hiện tại đành phải chọn mua trái cây chắc chắn nhìn qua là biết hàng VN hoặc là vào siêu thị mua (hy vọng siêu thị cũng không nhầm lẫn). Dù đôi khi so giá cùng loại thì giá trong siêu thị mắc hơn chút đỉnh.
Ở bài viết về vụ nhầm lẫn trái cam VL với TQ, đáng lẽ quý báo nên chụp hình hai loại trái cam này để người xem nhìn 'trực diện' dễ phân biệt hơn là chỉ dùng từ mô tả. Để cả người miền nào cũng có thể nhìn ra vì tiêu thụ là cho cả nước mà.
 
Các ảnh sau do tôi tìm thấy trên báo Giáo Dục (giaoduc.net.vn). Trong các ảnh này, cam TQ không có màu vàng hoặc màu cam như ông Nguyễn Minh Châu nói.
Cam sành Vĩnh Long ế ẩm vì tin đồn Cam Trung Quốc
 
Chùm ảnh đăng ngày 19/10/12: Một đoạn đường tràn ngập cam Trung Quốc giá rẻ tại Hà Nội.
Ảnh 1: Tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, có tới cả chục xe máy, xe đạp chở đầy cam bán với giá rẻ.
 
Ảnh 2: Theo anh Hải, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội (người bán cam), những sọt cam này được lấy từ chợ đầu mối Long Biên. Người ta chở cả những chuyến xe tải từ trên Lạng Sơn về đấy đổ buôn. Cũng theo anh Hải, anh cũng biết thông tin về việc các mẫu hoa quả từ Trung Quốc nhiễm độc. "Chúng tớ không bán hoa quả Trung Quốc thì lấy đâu ra hoa quả mà bán? Nếu muốn ăn hoa quả không có độc thì chỉ có mỗi một cách là tự trồng lấy thôi", anh Hải nói.
 
Ảnh 3: Một đoạn đường có tới hàng chục người bán cam giá rẻ.
 
Ảnh 4: Sáng nào cũng lấy hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên về bán, một người bán cam cho biết trên infonet: cam Trung Quốc được đóng theo thùng giấy hoặc tre. Giá bán tại chợ đầu mối khoảng 100.000 đồng/thùng 17-18 kg. Tính ra, mỗi kg chỉ khoảng 6.000 đồng. Loại héo, vàng, mua tại chợ đầu mối, có khi giá chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.
 

Siêu bão Sandy tấn công Mỹ

Siêu bão tấn công Mỹ
Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121031/sieu-bao-tan-cong-my.aspx ; tin ngày 31/10/12, mục Thế giới.
Hoạt động tại nhiều thành phố thuộc bờ đông nước Mỹ đang bị tê liệt vì siêu bão Sandy gây ra từ ngày 29.10.12.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên tại Mỹ, vợ chồng bà Thu - ông Hòa sống tại thành phố Providence thuộc bang Rhode Island ở vùng đông bắc cho hay, mưa gió nổi lên rất dữ. Con cái của họ không thể đến trường vì hệ thống trường học và nhiều cơ quan khác bị buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thiệt hại tại khu vực này chẳng đáng kể gì so với ở 2 bang New Jersey hay New York.
Ngày 30.10.12, AP dẫn thông báo từ nhà chức trách cho hay bão Sandy ập vào bờ đông nước Mỹ với sức gió mạnh khoảng 130 km/giờ kéo theo mưa to cùng những đợt sóng lớn khiến nhiều nơi bị ngập lụt.
 
Tính đến tối qua (theo giờ VN), ít nhất 34 người thiệt mạng tại 7 bang vì bão lụt. Tổng thiệt hại tạm tính đến 20 tỉ USD. Ngoài ra, khoảng 7,4 triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh mất điện sau khi 2 nhà máy điện hạt nhân bị tạm ngưng hoạt động vì thiên tai. Ngoài ra, Ủy ban Giám sát nguyên tử Mỹ cho biết đang theo dõi sát sao tình hình tại các nhà máy điện nguyên tử khác để sẵn sàng ứng phó nếu an toàn bị đe dọa. New Jersey và New York là hai trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì siêu bão Sandy hoành hành. Tại thành phố New York, hầu hết mọi hoạt động bị ngưng trệ, đường sá bị tắc nghẽn vì nước lụt dâng cao. Đặc biệt, một số tuyến đường hầm bị ngập nặng, nhiều xe cộ bị nước cuốn trôi.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạm ngưng chiến dịch tranh cử của mình để quay về thủ đô Washington D.C chỉ đạo việc ứng phó trận siêu bão. Dường như, nỗ lực đối phó thiên tai đã giúp ông Obama kiếm thêm điểm trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra gay cấn. Thống đốc New Jersey Chris Christie, vốn là một đồng minh thân cận của ứng viên tổng thống Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa, cũng vừa lên tiếng ca ngợi ông Obama. Lâu nay, ông Christie từng nhiều lần chỉ trích chủ nhân đương nhiệm của Nhà Trắng. Thế nhưng, AFP dẫn lời Thống đốc Christie hôm qua cho biết: “Tổng thống thật tuyệt vời. Ông ta gọi tôi đến 3 lần trong tối qua và khẳng định sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu (để đối phó thiên tai - NV)”.
Những hình ảnh nước Mỹ giữa trận siêu bão Sandy - Ảnh: AFP/Reuters
 
Trong một diễn biến khác, vụ hỏa hoạn hy hữu xảy ra tại quận Queens của thành phố New York giữa lúc bão lụt đã thiêu rụi khoảng 50 căn hộ lúc 23 giờ ngày 29.10.12 (11 giờ trưa ngày 30.10 tại Việt Nam). Theo kênh Fox News, gần 200 nhân viên cứu hỏa lập tức có mặt tại hiện trường nhưng công tác chữa lửa diễn ra hết sức khó khăn vì đường sá bị ngập nước cùng tình trạng gió thổi mạnh. Có lúc, trận hỏa hoạn tưởng chừng đã ngoài tầm kiểm soát. Lực lượng cứu hộ đã giải thoát được hàng chục người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, có 2 bạn trẻ bị thương trong vụ cháy trên nhưng tình trạng không quá trầm trọng. Hiện tại, nhà chức trách tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ việc.
Ngô Minh Trí

The New York Times hứng “cuồng phong”

The New York Times hứng “cuồng phong”
Copy từ http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121030/the-new-york-times-hung-cuong-phong.aspx ; tin ngày 1/10/12, mục Thế giới.
Truyền thông và chính quyền Trung Quốc phản ứng dữ dội việc tờ The New York Times đăng bài về sản nghiệp của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Ngày 30.10.12, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vừa tuyên bố rằng những hành động cố tình phá hoại uy tín của lãnh đạo nước này “cuối cùng cũng sẽ thất bại”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các luật sư đại diện gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bác bỏ thông tin trên nhật báo Mỹ The New York Times (NYT) rằng ông sở hữu gia tài kếch sù trị giá 2,7 tỉ USD.
Ngoài ra, phát ngôn viên Hồng Lỗi còn tuyên bố là luôn có các thế lực trên thế giới không muốn chứng kiến sự phát triển ngày càng mạnh của Trung Quốc nên cố ý gây bất ổn cho nước này. Trả lời câu hỏi về phản ứng của gia đình Thủ tướng Ôn, ông Hồng Lỗi cho biết: “Gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã giao phó cho luật sư để đưa ra tuyên bố chính thức về vụ việc và sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề”.
Trước đó, 2 tờ báo ở Hồng Kông là South China Morning Post và Sing Tao Daily, đã đăng tải tuyên bố từ phía luật sư của nhà họ Ôn. Theo tờ South China Morning Post, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có phản ứng công khai đối với việc báo chí nước ngoài đăng tải thông tin riêng tư về mình. Trong bài viết được đăng trên báo NYT vào ngày 26.10, những người thân của ông Ôn bị cho là đang sở hữu nhiều phần tài sản lớn và tính tổng cộng thì giá trị lên đến 2,7 tỉ USD.
Dù hứng “cuồng phong” từ phía luật sư của ông Ôn (ảnh nhỏ), báo The New York Times vẫn giữ vững quan điểm - Ảnh: AFP
 
Truyền thông Trung Quốc phản đòn
Một ngày sau khi luật sư đại diện gia đình ông Ôn thông qua báo chí Hồng Kông phản bác tờ NYT, Nhân Dân nhật báo ngày 29.10.12 tung đòn trả đũa. Theo đó, Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận mang tiêu đề New York Times: bê bối chất đầy, uy tín suy tàn dài hơn 1.500 chữ để đả kích tờ đối phương, vốn có lịch sử 161 năm. Bài xã luận có đoạn: “Tờ báo hơn một thế kỷ này tuyên bố thông tin của mình là đáng tin cậy và xác thực, nhưng lại cho đăng các tin tức dối trá và thậm chí còn đạo văn trong những năm gần đây”. Thậm chí, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận cho đảng Cộng sản Trung Quốc, còn cáo buộc NYT trở thành công cụ tuyên truyền của chính phủ Mỹ. Đồng thời, nhằm khơi lại vụ bê bối của nhà báo Jayson Blair, bài viết này còn có thêm đoạn: “Hóa ra tờ NYT có lịch sử đăng tin dỏm”. Hồi năm 2003, nhà báo danh tiếng Blair đã phải rời khỏi tờ NYT sau khi bị phát hiện liên tục “xào nấu” từ những bài báo khác.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi cáo buộc đồng nghiệp Mỹ gian trá, tờ Nhân Dân nhật báo lại bị “lật tẩy” rằng đã “xào nấu” để viết ra bài xã luận trên. Theo tờ The Telegraph, bài xã luận trên sao chép ý tưởng và thậm chí câu chữ từ nhiều nguồn trên mạng. Trong một số đoạn, Nhân Dân nhật báo sao chép nguyên văn câu chữ từ một bài viết trên Tân Văn xã.
NYT giữ lập trường
Phản ứng trước phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, tờ NYT khẳng định vẫn giữ vững lập trường và cho rằng luật sư của Thủ tướng Ôn cũng không đưa ra tranh cãi trực tiếp về nội dung bài viết mà báo này đã đăng. Trong khi đó, thông cáo do luật sư đại diện nhà họ Ôn đăng trên 2 tờ báo Hồng Kông chỉ khẳng định ngắn gọn rằng: Thủ tướng Trung Quốc không tham gia trực tiếp vào các công việc kinh doanh của người nhà, cũng như không hề sử dụng vị thế để trục lợi. Ngoài ra, tờ The Telegraph dẫn phân tích của Giáo sư luật Donald Clarke thuộc Đại học George Washington (Mỹ) nhận định tuyên bố từ các luật sư trên khá chung chung, không phản biện gì nhiều. Theo Giáo sư Clarke, thông cáo trên chỉ đề cập chuyện mẹ ông Ôn bị đồn là triệu phú và lý luận rằng người giàu thời nay thì ai chẳng sở hữu cổ phiếu. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin phía luật sư của ông Ôn vẫn để ngõ khả năng kiện tờ NYT.
Thụy Miên

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Ác mộng kỳ nam

Ác mộng kỳ nam
Copy từ http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Phong-su-Ky-su/170589,Ac-mong-ky-nam.ttm; đăng ngày 30 /09/12 ;mục Phóng sự - Ký sự .
TT - Hàng ngàn lượt người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã đổ về núi Gộp Ngà (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đào bới rừng để tìm kiếm kỳ nam, nuôi mộng đổi đời.
PV Tuổi Trẻ đã đi cùng những con người nghèo khó này suốt một tuần lễ.
Hơn một tuần qua, cơn sốt kỳ nam ở khu vực núi Gộp Ngà, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa nguội. Hàng ngàn dân "địu" (người đi tìm trầm) từ các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã khăn gói về nơi sơn cùng thủy tận này với ước vọng "trúng" kỳ nam đổi đời.
Một người đào được mẩu kỳ nam bằng ngón tay, nhưng hàng trăm đôi mắt chăm chăm thèm khát - Ảnh: TIẾN THÀNH
Tuy nhiên, chuyện đổi đời chưa thấy đâu, chỉ biết đằng sau nghề săn trầm, kỳ nam là cuộc hành trình dài ngày, đầy gian nan thử thách, ăn bụi ngủ rừng... Núi rừng Khánh Sơn những ngày này hầu như đêm nào cũng mưa dầm dề, ẩm ướt. Thế nhưng mỗi ngày vẫn có hơn trăm lượt người băng rừng, lội suối qua tỉnh lộ 9 hoặc lầm lũi cả đêm vòng qua đèo Ngoạn Mục, tiến thẳng lên núi Gộp Ngà đào bới tìm kỳ nam.
Tại khu vực có tin đồn đã trúng "hàng" bạc tỉ (cách gọi của dân săn kỳ nam) ngổn ngang những gốc cây, đá tảng bị đào xới là hàng trăm lán lều, võng dã chiến của những "đội quân" đến từ những vùng quê khác nhau. Có đội chỉ vài người, đội vài chục người và cũng có đội cả trăm người cùng túc trực ngày đêm săn "hàng". Sống và trải nghiệm bên những phận người này mới thấy cảnh sống của họ chẳng khác nào người rừng: lấy nước uống từ vũng nước ven đường, dùng cành cây nhỏ làm đũa ăn, lấy nắp nồi làm chén cơm...
Chỗ ở chỉ cần một chiếc võng mắc giữa rừng, mặc kệ muỗi cắn và nguy cơ sốt rét rừng. Khi nửa đêm mưa xuống, cả nhóm phải vội cất võng, dựng lán trại bằng tấm nilông giữa rừng cây, rồi mấy chục con người cùng ngồi ngủ gật gù bên bếp lửa tới sáng.
Hầu hết dân săn kỳ nam đều thuộc diện nghèo khó, phải bấm bụng vay tiền, rồi lặn lội đêm hôm cho những chuyến đi tìm giấc mơ tỉ phú. Có người may mắn khi đội mình trúng được một ít kỳ nam bé tẹo, đủ để trang trải chi phí, nhưng cũng không ít người trắng tay ra về trong bộ dạng gầy xọp, đen nhẻm, mắt sâu hoắm vì nhiều đêm thiếu ngủ.
Ông Trương Tấn Đạt (47 tuổi, quê xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) thở dài: "Sau 20 năm bỏ nghề săn hàng, tôi mới trở lại Gộp Ngà bằng đường vòng (tránh chốt chặn của công an, biên phòng) hơn 400 cây số. Phần vì tò mò tin đồn trúng kỳ nam ở quê, nhà lại có 4-5 miệng ăn nên bấm bụng đi. Nhưng tình hình trời cứ mưa như thế này, có lẽ chuyến này về tay không!".
Dân săn kỳ nam hành quân tìm bãi
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên chỉ là một phần, dân "ăn trầm" còn phải đánh cược bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt với những nguy cơ tai nạn từ cung đường đèo hiểm trở trong đêm tối, những tảng đá núi khổng lồ, chênh vênh; hay nguy cơ bị cướp giật, xin đểu, thậm chí hỗn chiến để giành lấy khu vực.
Thực tế sau trận hỗn chiến xảy ra sáng 27-9, đội quân săn trầm Quảng Nam, Đà Nẵng đã phải nhường chỗ cho đội Vạn Ninh, Khánh Hòa kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả sau trận xích mích này thật chẳng đáng: khoảng 1kg kỳ nam được đội Vạn Ninh tìm thấy, phần bị công an thu giữ, phần chẳng thấm tháp khi chia cho hơn 300 con người trong đội.
Chiều mưa rầu rĩ, tôi theo chân một nhóm săn kỳ nam quê Vạn Giã rời núi Gộp Ngà, không khỏi chạnh lòng khi thấy từng tốp người vẫn đang ngược xuôi đổ về đây tìm trầm.
Đúng là ác mộng kỳ nam.
Một thanh niên đứng ngóng cảnh sương mù dày đặc bao phủ núi Gộp Ngà trước khi cùng bạn quyết định đi vào khu vực đào kỳ nam cách đó vài trăm mét
Bữa cơm chiều chỉ độc một con cá khô nướng của những người săn kỳ nam quê ở xã Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa)
Một nhóm người săn kỳ nam quê ở Vạn Ninh cùng ngồi chờ mưa tạnh trong túp lều tạm bợ giữa rừng
Ông Huỳnh, 50 tuổi (trái) và ông Kiệm (quê Vạn Giã, Khánh Hòa) liều mạng ở dưới một tảng đá khổng lồ. Họ ngây thơ tin vào sự an toàn nhờ những cây chống nhỏ nhoi
Khi nửa đêm mưa xuống, cả nhóm người săn kỳ nam cùng ngồi thức tới sáng dưới tấm bạt
Cùng đào xới, tìm kiếm kỳ nam tại khu vực rộng hơn 200m2 được cho là có "gốc hàng"
Trong mỗi nhóm săn kỳ nam luôn có một ông trùm ghi tên các thành viên làm việc để dễ chia tiền công nếu "trúng hàng"
Hai thanh niên quê Vạn Thắng, Vạn Ninh nằm nghỉ trưa trước khi tiếp tục đào trầm
Trúng được một mẩu kỳ nam bằng một đốt tay ở khu vực núi Gộp Ngà
Sau vài giờ cật lực đào xới, đội săn kỳ nam quê Vạn Giã tìm được vài mẩu kỳ nam bằng đốt tay. Hơn 300 thành viên trong đội cùng hân hoan vui sướng, còn ông trùm vội cất kỳ nam vào túi để tránh bị cướp giật
Trên đường về quê trưa 28-9-12, nghe tin đội săn kỳ nam Đà Nẵng chặn đánh ở ngã ba Đồng Lác (TP Cam Ranh), đội săn kỳ nam quê Vạn Ninh phải rút chạy theo đường tắt tới địa phận huyện Cam Lâm
TIẾN THÀNH thực hiện

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Những tầng sâu khác trong vấn đề biển Đông

Những tầng sâu khác trong vấn đề biển Đông
Copy từ http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan//Van-de-Su-kien/517848/Nhung-tang-sau-khac-trong-van-de-bien-Dong.html ; tin ngày 28.10.12, mục Vấn đề & Sự kiện.
TTCT - Hội thảo “Biển Đông: vùng xung đột mới?” diễn ra ngày 16-10-12 tại Paris (Pháp) đã dành suốt năm giờ trong buổi chiều để bàn về tính chiến lược và giải pháp cho vấn đề biển Đông .
Hội thảo “Biển Đông: vùng xung đột mới?” diễn ra ngày 16-10-12 tại Paris (Pháp) - Ảnh: Võ Trung Dung
 
Cho đến nay, các chính trị gia, chuyên gia, nhà báo và cả công chúng đều nhìn sóng gió ở khu vực biển Đông dưới góc độ kinh tế. Nhìn chung tất cả quốc gia đều tranh chấp các vùng ngư trường hoặc các mỏ dầu khí dưới biển. Phải chăng Trung Quốc thật sự muốn độc chiếm các nguồn tài nguyên tự nhiên đó? Các chuyên gia về địa chiến lược tham dự hội thảo tại Paris tuy vậy lại đồng quan điểm: “Đúng, nhưng chỉ một phần”.
Biển Đông không chỉ có dầu khí
Giáo sư François Godement khẳng định: “Theo các chuyên gia về dầu khí mà tôi đã gặp, tiềm năng dầu khí ở các khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp với những nước láng giềng thật ra khó khai thác và không sinh lợi. Bởi lẽ nếu không thì chiến tranh đã xảy ra từ lâu rồi và không chỉ giữa các nước trong khu vực!”. Phân tích này của vị chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Trung Á thuộc Viện Chính trị học Paris (Science Po) được ông Pierre-René Bauquis chia sẻ.
Ông Bauquis, cựu giám đốc chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp), giải thích với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Hơn thế, không một công ty dầu khí quốc tế nghiêm túc nào lại muốn đầu tư vào những vùng mà vấn đề chủ quyền còn đang bị tranh chấp. Quá nguy hiểm. Chỉ cần xảy ra một đụng chạm quân sự là tất cả đi tong. Các công ty dầu khí luôn muốn tranh chấp giải quyết xong theo luật quốc tế, ở các định chế tòa án quốc tế được công nhận”.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng mục đích thật sự của Trung Quốc nằm ở chỗ khác. Nó vừa là vấn đề quân sự trong đối ngoại và chính trị trong đối nội.
Có những dấu hiệu chỉ ra điều đó. Tháng 9-2012, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không ngần ngại công bố rằng “thế kỷ 21 của nước Mỹ sẽ nằm ở Thái Bình Dương!” (Foreign Policy). Nhưng đâu chỉ có Mỹ mong muốn điều đó.
Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault chọn khởi điểm đầu tiên cho chuyến công du quốc tế của mình là châu Á - Thái Bình Dương. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Singapore (bắt đầu từ ngày 18-10), ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng vai trò then chốt của Singapore trong khu vực và đặc biệt trong khả năng giải quyết xung đột ở biển Đông. Singapore được cho là có lợi thế do vị trí trung lập trong ngoại giao, có tiềm lực kinh tế và nổi tiếng về vận hành chính phủ cũng như tính luật pháp cao.
Ngày 18-10-12, thủ tướng Pháp cùng người đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác về quốc phòng. Sau thỏa thuận, ông Lý tuyên bố: “Cùng với Mỹ, Pháp là quốc gia mà chúng tôi đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược” (AFP).
Thật ra giữa Pháp và Singapore từng có “tăng cường hợp tác” trong lĩnh vực quốc phòng, cụ thể bằng chương trình đào tạo phi công chiến đấu của Singapore ở miền nam nước Pháp. Đến nay, nội dung chính của thỏa thuận mới ký chưa được tiết lộ, nhưng Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault giải thích thỏa thuận ấy “gắn kết hai quốc gia có cùng tầm nhìn: tầm nhìn về một thế giới đang đòi hỏi cao về liên kết đa cực và cần có sự điều tiết để có thể phát triển trên một hành tinh đang cạn kiệt tài nguyên”.
Phó đô đốc Jean-Louis Vichot, thuộc bộ tham mưu hải quân Pháp, khẳng định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Sự hiện diện ngày càng nhiều công dân Pháp ở châu Á và lợi ích của Pháp là yếu tố mới làm thay đổi chiến lược của Pháp ở châu lục này. Đó là chưa kể các lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở phía nam Thái Bình Dương mà Pháp cần bảo vệ trong trường hợp có xung đột quân sự. Vì điều đó, Pháp đã chuẩn bị và sẵn sàng với các căn cứ quân sự trong khu vực”.
Liên minh châu Âu sẽ cùng bàn với ASEAN về vấn đề biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEM sắp diễn ra ở Lào tháng 11 tới đây. Trong khi chờ đợi hội nghị Á - Âu này tại Vientiane, cố vấn Christian Lechervy cảnh báo: “Trung Quốc đang gây sức ép với tất cả các nước có liên quan để không đưa hoặc nêu vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự hoặc các phiên thảo luận!”.
“Địa Trung Hải của Thái Bình Dương”
Vị trí đặc biệt của khu vực biển Đông là điều không ai còn bàn cãi. Một phần ba thương vụ hàng hải của Mỹ (trị giá 1.200 tỉ USD) qua lại trên tuyến đường này. Tướng Pháp Daniel Schaeffer - một diễn giả của hội thảo - bình luận: “Ai kiểm soát được biển sẽ giành chiến thắng! Về điểm này, Trung Quốc còn xa nhưng đang tiến bộ từng ngày”. Trong khi đó, phó đô đốc Jean-Louis Vichot khẳng định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Tàu ngầm đang trở thành vũ khí tối thượng của quốc phòng ở thế kỷ 21. Nhưng với điều kiện là các đội tàu đó có thể di chuyển “vô hình” dưới biển, cắm chốt ở những vị trí chiến lược nằm trong tầm bắn của tên lửa có trên tàu”.
Các bộ tham mưu quân sự phương Tây hiện nay gọi khu vực biển Đông là “Địa Trung Hải của Thái Bình Dương”. Phó đô đốc Jean-Louis Vichot giải thích: “Giới hải quân các nước có tàu ngầm hạt nhân rất thích các eo biển Đài Loan và Luzon (Philippines) bởi có vùng biển sâu hơn 4.000m giúp các con tàu khổng lồ này ra vào dễ dàng ở khu vực biển Đông hoặc tiến ra các vùng đại dương khác”. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như bãi cạn Macclesfield cũng có những khu vực biển sâu 2.500-4.000m giúp các tàu ngầm giấu mình, cũng như có thể thành lập các căn cứ quân sự.
Tướng Daniel Schaeffer phân tích: “Do vậy chúng ta dễ hiểu vì sao Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông”. Một nghiên cứu của Trung tâm CESM (trung tâm nghiên cứu cấp cao của hải quân Pháp) từng cảnh báo: “Các tàu ngầm của Trung Quốc ở căn cứ Tam Á có thể được dùng làm con bài chiến lược nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ ở khu vực biển Đông trong trường hợp có xung đột. Viễn cảnh đó khiến Washington âu lo nên thường điều các đội tàu tiếp cận căn cứ này và vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu USNS Impeccable của Mỹ vào tháng 3-2009 là một ví dụ”.
Bất chấp một số va chạm lớn nhỏ trên biển trong hai năm gần đây, bất chấp vài lần chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với một số đảo trong khu vực, các tranh chấp ở biển Đông vẫn chưa được giải quyết tới nơi tới chốn vì thiếu định chế tài phán quốc tế, do lẽ Trung Quốc luôn tìm cách từ chối và ngăn cản mọi giải pháp ngoại giao.
Đụng độ quân sự: Có thể. Xung đột vũ trang: Không!
Những động thái gần đây của Trung Quốc ở khu vực biển Đông không chỉ nhằm vào các quốc gia có liên quan. Ông Jonathan Holslag - nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại (BICCS) ở Brussels (Bỉ) - phân tích: “Những hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc giúp họ làm giảm sự chú ý của dư luận trong nước đối với các vấn đề nội bộ. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc đã đạt đến hết các lợi điểm của nó, giờ là lúc bộc lộ các khuyết điểm như khoảng cách giàu - nghèo, tham nhũng và sự sụt giảm niềm tin”.
Nhà nghiên cứu chính trị Fabienne Clérot thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) cùng chung nhận định: “Tình cảm dân tộc khiến dư luận Trung Quốc quên đi các vấn đề nội tại. Các lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ điều đó”.
Từ cách nhận định như thế, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng nguy cơ xung đột quân sự vẫn còn xa. Ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande, khẳng định: “Theo thông tin chúng tôi có được hiện nay, tôi không tin khả năng xảy ra chiến tranh ở khu vực biển Đông. Có thể sẽ có đụng độ quân sự nhưng một cuộc xung đột vũ trang đúng nghĩa thì không. Bởi vì sự phát triển kinh tế tuyệt vời của Trung Quốc đã giúp ngăn chặn và tránh ý định tấn công quân sự đối với các vùng lãnh hải đang tranh chấp. Dù có là cường quốc nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc các quốc gia khác. Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc luôn giữ không vượt qua lằn ranh đỏ khiến làm bùng nổ cuộc chiến trên Thái Bình Dương”.
Các chuyên gia Pháp và châu Âu tại hội thảo cũng đồng tình trước luận điểm sau: ngoài động cơ “làm quên đi các vấn đề trong nước” của Trung Quốc, những căng thẳng trên khu vực biển Đông vừa qua thật ra bắt nguồn từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt từ việc Mỹ quyết định quay lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy giải pháp làm giảm nhiệt sẽ là gì? Tướng Daniel Schaeffer nêu quan điểm ở góc nhìn của một nhà quân sự chuyên nghiệp: “Trong kiểu xung đột này, hành động ngoại giao phải đi song hành với cách gây sức ép quân sự với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đánh giá rằng mình không thể làm gì ghê gớm về mặt quân sự với Nhật, Mỹ và các đồng minh thì Trung Quốc sẽ chẳng làm gì nữa cả”. Các chuyên gia cho rằng mối tương quan thực lực quân sự giữa các bên đang đóng vai trò cốt tử trong việc duy trì hiện trạng để chờ đợi một giải pháp tài phán quốc tế.
Ông Christian Lechervy bình luận: “Tình trạng này là ngõ cụt kéo dài! Phải học cách sống với nó, hóa giải nó sao cho có lợi cho mình. Không nên để yếu tố “Trung Quốc - Mỹ” kéo dài mãi trong chuyện này. Vì vậy ASEAN, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò tích cực hơn. Phải quốc tế hóa giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp trên. Đó là lối ra duy nhất và khả dĩ!”.
Võ Trung Dung (Paris) / Thanh Liêm (chuyển ngữ)
Ven biển vào thu

Để những mùa hoa luôn đẹp

Để những mùa hoa luôn đẹp
Copy từ http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=517934&ChannelID=100 ; tin ngày 28/10/12, mục Du lịch.
TT - Năm nay, nhiều bạn trẻ đến với “Mùa hoa cải Mộc Châu” hay “Đồng Văn, mùa tam giác mạch” trở về đều vương vấn nỗi buồn. Giẫm nát hoa lá, làm đủ trò vì nghĩ “mình đã trả tiền”..., nhiều du khách vì thế không được chào đón, thậm chí bị xua đuổi.
Mùa hoa cải Mộc Châu - Ảnh: Việt Cường
 
Cường, một dân đi du lịch có khá nhiều kinh nghiệm dẫn bạn từ Sài Gòn lên Đồng Văn (Hà Giang) tháng 10 năm nay, đã lắc đầu ngao ngán rời khỏi những ruộng tam giác mạch được những người Mông không biết nói tiếng Kinh canh giữ, nhưng thái độ như xua đuổi du khách vào “quấy phá” vườn nhà. Trên các diễn đàn mạng, đây đó là những lời than phiền rằng người Mộc Châu (Sơn La) đã nhìn du khách đầy cảnh giác, lảng tránh. Đôi khi còn gây khó dễ, tịch thu xe cộ, máy ảnh rồi... vòi tiền. Còn gì buồn hơn?
Cách đây vài năm, khi phong trào đi “phượt” chưa rầm rộ, những cảm nhận của du khách khi đến với Mộc Châu hay Đồng Văn thật ấn tượng và đặc biệt, cái ở lại sâu lắng hơn cả chính là sự mộc mạc, thân thiện của người dân bản địa. Nhưng giờ đây, điều đó đang mất dần.
Không phải vô cớ mà bà con vốn dĩ cách xa sự bon chen, xô bồ của cuộc sống lại có phản ứng như vậy. Thái độ vô tư, hồn nhiên một cách thái quá của nhiều bạn trẻ đã làm người dân mất cảm tình. Đi đoàn đông, gây ồn ào, tự do vào giữa vườn hoa chụp ảnh, giẫm nát cây cỏ, bẻ hoa không xin phép... Một số du khách trả tiền cho người dân bản địa và cho phép mình tùy tiện làm những gì mình muốn và tư tưởng “mình đã trả tiền” đã làm hỏng chính hành động của họ, đồng thời tạo tiền lệ xấu cho văn hóa địa phương. Trẻ con và cả người lớn ở cao nguyên đá đã bắt đầu muốn chạy ra đường “xin tiền” du khách. ở Ma Lé hay Mã Pì Lèng, đám trẻ thậm chí bất chấp nguy hiểm vừa chạy theo ôtô, vừa xòe tay xin tiền.
Xin hãy thận trọng, khi đi du lịch ở những vùng đất cần phải giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Hãy biết tiếp cận với người địa phương thông qua thái độ hòa nhã, thân thiện khi đến và đi. Tự biết phải làm gì để bảo vệ thành quả lao động của bà con, kể cả khi cảm ơn bằng cách tặng một món tiền cho chủ nhà, chủ vườn. Cũng là tiền, nhưng cách cho và nhận như thế nào sẽ giúp hai bên đều thấy ấm áp, tình cảm thay vì người trả ấm ức, còn người nhận thì khó chịu, hoặc nếu không vì tiền thì cũng không cho du khách vào vườn.
Chúng ta không mong đợi một “Sa Pa” thứ hai, thứ ba với những biến đổi tiêu cực trong hành trình du lịch hóa. Ở góc độ vĩ mô hơn, có lẽ các cấp chính quyền cũng cần có những động thái định hướng, hỗ trợ trong việc nhìn nhận nhu cầu của du khách và vấn đề làm kinh tế của địa phương. Trước tiên, phải xác định rằng các mùa hoa cải ở Mộc Châu hay tam giác mạch ở Hà Giang đã tạo một sức hút đáng kể về du lịch. Vậy hãy khuyến khích bà con trồng hoa cải, tam giác mạch, hãy hướng dẫn bà con kiểm soát và có thu phí với các điểm nhìn ngắm, chụp ảnh. Du khách, nếu trả tiền, cũng thấy hài lòng với cảnh quan và thái độ của người dân.
Một đồng hoa cải ở Mộc Châu bị giẫm nát sau một “pha” chụp ảnh - Ảnh: Hoàng Hà Mai
Để những mùa hoa vẫn còn trở lại mỗi năm và để du khách còn muốn quay lại với điểm đến, mỗi một “dân đi” hãy luôn nhớ một câu nói nổi tiếng trong ngành du lịch: “Không lấy đi gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng xin ghi nhớ, những dấu chân lữ khách cũng nên đặt đúng chỗ, đừng đặt vào ruộng hoa, ruộng lúa đẹp như tranh vẽ ấy.
MỘC MIÊN
Cứ như vầy sẽ còn được mấy mùa hoa?
Thành viên có nick saobang2011 của diễn đàn phuot.vn kể lại: “Đoàn mình vừa về đầu tuần này, tam giác mạch đã nở nhiều và đẹp. Nhưng có quá nhiều hình ảnh không đẹp của các “phượt tử” và khách du lịch. Từng đoàn, từng đoàn ùa vào ruộng hoa tạo dáng..., hoa tả tơi rạp dưới chân người, rồi bị đè bẹp cả một khoảng để ngồi cho áo váy khỏi bị bẩn. Chụp xong, họ kéo nhau đi với cả ôm hoa to đùng cột sau xe máy! Cứ như vầy sẽ còn được mấy mùa hoa?”...
Nick Sonvc viết: “Nhìn bức hình này của bác... lại làm em chạnh lòng khi nghĩ đến mùa hoa cải Mộc Châu năm rồi. Chủ vườn ra tận ruộng chỉ để đuổi khách vì cứ giẫm bừa lên hoa màu nhà người ta... Các “mẫu”, các bác chụp ảnh mà cứ “ruộng hoa tung cánh”... thế này thì những người đi sau ngắm gì?”.
Và đây là lời kêu gọi của thành viên transon_travel: “Hãy đặt mình vào địa vị là người trồng, hơn nữa người trồng đây là người dân tộc, nghèo lắm, tam giác mạch là phần sự sống của họ. Mong mọi người trước khi bước vào ruộng hoa hãy trân trọng công sức của bà con, trân trọng miếng cơm manh áo của họ”.
HOÀNG HÀ MAI ghi

Triều cường, chân ngắn & rau sạch

Chuyện cuối tuần
Triều cường, chân ngắn & rau sạch
Copy từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/517908/Trieu-cuong-chan-ngan--rau-sach.html ; tin ngày 28/10/12, mục Văn hóa - Giải trí.
TT - 1. Cả tuần qua, sáng nào mình cũng phải làm nhiệm vụ đưa con tới trường. Có bữa dở việc tới hai giờ sáng thì năm giờ rưỡi đã lục đục dậy, tranh thủ vệ sinh cá nhân trước, cho thằng con ngủ nướng đến sáu giờ rồi cũng phải đánh thức nó dậy, xong hai cha con lại tất tả lên đường.
Đang đợt triều cường, đường từ nhà tới trường phải lội qua mấy đoạn nước ngập như sông, lại thêm sóng đánh ầm ập mỗi khi có ôtô hay xe buýt chạy qua. Cha co chân rồi hối con co chân. Người và xe đi như xiếc. Có người sau khi vừa co chân thì mất thăng bằng, cả người và xe ngã đánh oạch xuống... sông. Có người không làm xiếc được nhúng luôn cả chân giày xuống nước...chèo đi. Có người chẳng may rớt trúng cái ổ gà rồi cả người và xe tung lên chới với. Thằng con bấu chặt hai tay vào hông mình, không líu lo như mọi bữa mà im lặng hồi hộp. Mình cũng không biết nói gì ngoài lời nhắc “co chân lên con” mỗi khi tới đoạn ngập sâu. Có bữa, màn xiếc “bể dĩa”, chân giày mình cũng nhúng xuống nước. Có bữa xe buýt chạy qua tạt ướt hết cả hai cha con.
Triều cường quả là quá khổ. Và, không hiểu trái đất biến đổi thế nào mà cứ nghe triều cường năm nay cao hơn năm trước. Mình quả thật không biết chống đỡ với triều cường nước ngập thế nào, ngoại trừ việc xung phong nhận trách nhiệm nặng nề là mỗi sáng đưa con tới trường, chiều đón con về nhà an toàn.
Có đêm nằm đuối quá bèn... thỏ thẻ với vợ rằng: “Em à, anh xin phép được đổi vợ trong mùa triều cường này được không?”. Thoạt nghe vợ không hiểu, nhưng biết là mình đang đùa chuyện gì đó. Tất nhiên là mình đang đùa. Mình nói với vợ là phải chi em sở hữu cặp chân dài thì đời anh bớt khổ, chân ngắn quá thì sao có thể cưỡi xe... chèo chân vào mùa triều cường. Nghe nói vậy vợ chỉ cười: “Nhiều chuyện quá”!
2. Lại nghe nói giá rau tăng chóng mặt vì mưa gió liên miên khắp nơi và cũng bởi triều cường. Nghe thì nghe vậy nhưng không biết cụ thể tăng ra sao. Nhiệm vụ đi chợ là của vợ, mình thi thoảng đi chợ chỉ để hưởng cái... không khí ngoài chợ. Nhưng một bữa vợ mắc việc đột xuất nhờ mình đi chợ chiều. Mình quơ một nắm rau cải vừa đủ nấu một nồi canh nhỏ, nhưng bỏ lên cân thì cô hàng rau nói là... mười tám ngàn đồng. Mình tưởng nghe nhầm, hỏi lại thì đúng là giá như vậy. “Rau tăng giá ghê lắm anh à. Tụi em không muốn bán mắc, nhưng biết làm sao khi mua vào đã mắc”- cô hàng rau phân trần.
Về nói chuyện giá rau với vợ, nghe xong vợ cười: “Giá rau tăng cả tháng nay rồi. Nhiều người nói là rau đắt như nhân sâm. Em cũng định nói với anh, nhưng nghĩ lại nói chỉ làm anh thêm lo. Với lại mấy bữa nay em toàn cắt rau sạch ngoài vườn”. À, ra thế.
Nhà không có vườn nhưng có một miếng đất sát cạnh chưa cất nhà, bà hàng xóm biến nó thành một vườn rau. Dạo trước nhà mình cũng trồng ké một ít rau bên đó, nhưng sau bận quá nên thôi. Mùa nắng bà hàng xóm thường xin nước nhà mình để tưới rau, và mỗi buổi sớm khi cắt rau bà thường để trước cửa nhà mình một mớ, coi như là... góp tiền nước. Thỉnh thoảng, mỗi sáng mở cửa ra thấy mớ rau xanh non khiến mình thấy rất vui. Giờ thì mùa mưa nên bà hàng xóm không cần phải xin nước nữa, bó rau mỗi sớm cũng không còn. Không phải vì bà “sòng phẳng” mà vì bà đang bệnh. Mùa mưa người già thường bệnh. Thế là vợ mình phải làm siêng ra vườn cắt rau.
Thú thật là nếu như giá rau không tăng quá thì vợ mình vẫn mua rau ngoài chợ luôn cho tiện. Giờ thì bớt chút thời gian ra vườn, vừa có rau sạch ăn vừa khỏi tốn tiền, vậy có hơn không. Hóa ra ở đời việc gì cũng có hai mặt của nó. Chẳng phải là triết lý cao siêu gì. Lại nghĩ nếu vợ mình là một... chân dài, chắc gì chân dài đã chịu thức khuya dậy sớm, “cưỡi xe chèo chân” đưa con tới trường.
Mùa triều cường chợt thấy thương “chân ngắn” tảo tần và biết ơn vườn rau sạch bên nhà.
 
TRẦN NHÃ THỤY

Cần trừng trị những kẻ ấu dâm

Cần trừng trị những kẻ ấu dâm
(Nhân đọc bài “Dụ dỗ trẻ con đi khách”, “Trẻ em trai bị hiếp dâm: Thiếu luật hay thiếu quan tâm?”, Tuổi Trẻ 22-10 và 27-10-12
Copy từ http://tuoitre.vn/Ban-doc/Trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai/517900/Can-trung-tri-nhung-ke-au-dam.html ; tin ngày 28/10/12, mục Trong mắt người nước ngoài.
TT - Từ Salt Lake, thành phố lạnh giá và luôn có tuyết phủ của Mỹ, tôi đến VN sinh sống được gần một năm. Công việc chính của tôi là viết bài cho một số tạp chí VN lẫn quốc tế.
Tuy nhiên tôi cũng thường đồng hành cùng một số hoạt động xã hội liên quan đến đối tượng trẻ em bị nhiễm HIV.
Nhà văn Sarah Dallof - Ảnh: David Dallof
Tuần qua tôi có dịp được nghe về câu chuyện một số trẻ em nam ở VN bị lạm dụng, dụ dỗ “đi khách”, cảm giác của tôi dĩ nhiên là sốc và đau lòng. Không đau lòng sao được khi những đứa trẻ thậm chí chưa đến tuổi thiếu niên đã bị lạm dụng để rồi mang biết bao nguy cơ tiềm ẩn trong người.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe về chuyện này. Từ lúc còn ở Mỹ, những người bạn làm trong ngành y tế đã kể tôi nghe câu chuyện tương tự trong chuyến công tác thiện nguyện tại VN. Khi thấy một bé trai có cân nặng quá thấp so với yêu cầu, họ quyết định kiểm tra sức khỏe toàn diện để rồi phát hiện cậu bé dương tính với HIV. Điều đáng nói là cậu bé nhiễm HIV bởi bản thân đang hành nghề “trai gọi”.
Ở nước tôi, báo chí liên tục mô tả đây là một vấn đề “đang ngày càng nở rộ”, hằng năm tại Mỹ có khoảng 300.000 thiếu niên có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mại dâm trẻ em. Các luật gia, những bậc cha mẹ và các tổ chức xã hội đang rốt ráo phối hợp cùng nhau để giải quyết vấn đề này trước khi mọi chuyện trở nên quá trễ.
Năm 2003, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột và một bộ phận của Bộ Tư pháp đã cho ra đời chương trình sáng kiến toàn liên bang có tên Innocence Lost National Initiative (tạm dịch: Tuổi thơ bị đánh cắp - PV). Chương trình nhằm cứu những đứa trẻ đang bị buộc hành nghề mại dâm cũng như bắt giữ, trừng phạt những kẻ cầm đầu, dẫn dắt đường dây.
Nhờ quyết tâm cao độ, chương trình được phát động mạnh mẽ khắp nơi và mọi người dân đều được cung cấp những chỉ dẫn cần thiết để báo cáo kịp thời những đối tượng, hành động khả nghi. Chương trình đã đạt được thành công đáng kể khi hơn 2.100 trẻ được cứu thoát và hơn 1.000 bản án đã được tuyên cho những kẻ phạm tội.
Các nhà thi hành luật đang gia tăng mức độ cứng rắn của hình phạt dành cho những cá nhân liên quan đến vấn nạn trên như khách hàng, các tú ông... Cụ thể, các tú ông nếu bị kết tội sẽ bị phạt nặng hơn rất nhiều so với trước đây ở bang Georgia, còn bang California tăng mức tiền phạt những kẻ quan hệ với trẻ em từ 10.000 USD lên 25.000 USD. Số tiền phạt này sau đó được đóng vào quỹ hỗ trợ những trẻ em trên.
Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng các khu lưu trú riêng dành cho các trẻ em từng bị lạm dụng hay xâm hại tình dục để tiện trong việc cung cấp các hỗ trợ tâm lý, thể chất và dạy các em học. Một trong những tổ chức làm tốt nhiệm vụ này có thể kể đến là Children of the Night, được hình thành từ năm 1979 và là nơi tìm đến của những trẻ em là nạn nhân của mại dâm.
Tôi nghĩ xã hội chúng ta, dù là ở Mỹ hay VN, đều không nên xem nhẹ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Tôi rất ngạc nhiên khi biết lâu nay tòa án ở VN chưa xử được các đối tượng hiếp dâm trẻ em nam. Tôi nghĩ cần bổ sung luật pháp để nghiêm khắc trừng trị những kẻ ấu dâm, không phân biệt nạn nhân là nữ hay nam.
SARAH DALLOF (Nhà văn, người Mỹ) -Công Nhật ghi.

72 giờ sau

Truyện ngắn 1.200:
72 giờ sau
Copy từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/517907/72-gio-sau.html ; đăng ngày 28/10/12, mục Văn học.
TT - 1. X nửa mê nửa tỉnh. Khi tỉnh, X biết hết mọi chuyện đang diễn ra trong phòng anh. Chỉ tiếc là anh không cất được lời nói nào. Mọi người bàn với nhau sẽ làm theo lời anh dặn. Không chôn mà thiêu.
Minh họa: Trần Ngọc Sinh
Tro cốt khỏi gửi nhà chùa, cứ đem rải hết xuống sông. Mà phải đứng trên cây cầu sắt nhiều kỷ niệm của đời anh để rải. Phòng của anh nhỏ, chỉ có mười hai mét vuông, có ở thì cũng chỉ được một người nên cứ để trống. Vả lại, cũng không nên để bất cứ ai trong nhà ở phòng anh, kẻo họ sợ. Nhất là đám con nít. Ảnh thờ của anh thì cứ để ở bàn thờ chung nơi phòng khách. Biến căn phòng của anh thành phòng lưu niệm là tốt nhất.
X cho rằng mình đã hoàn thành tốt đẹp một đời người. Dù anh mới chỉ bốn mươi tuổi! Bốn mươi thì đã sao? Chẳng thiếu gì người sống đến bảy, tám mươi mà có đạt được ước mơ đời mình đâu. Ông D rời bỏ quân ngũ để theo nghề viết báo, đến tận lúc về hưu cũng không thành nhà báo nổi tiếng. Đồng ngũ không xem ông là cựu chiến binh đã đành, mà cánh nhà báo trẻ cũng coi thường ông. Ông P bỏ nghề giáo ra làm kinh tế. Ba chục năm lặn ngụp trong chốn thương trường, cuối cùng vẫn ở trong căn nhà cấp bốn ngày nào. Còn may là không bị nợ nần. Còn ông H mới đáng buồn. Sống thọ tám mươi sáu tuổi, cả đời không dám ăn bát phở cho bõ thèm vì "tiền bát phở được một ngày đi chợ, ăn tiếc lắm!". Đến những ngày cuối đời, thập tử nhất sinh rồi mới sai con cháu mua cho bát phở đặc biệt thì không còn ăn được nữa, chỉ ngửi mùi phở mà chết!
X khác. Anh làm được điều mình ao ước từ khi còn là một chú bé. Anh cũng đã "hưởng" mọi thứ trên đời, kể cả việc đôi ba lần lén vợ đi "ăn bánh trả tiền". Vậy thì anh còn lý do gì để ân hận khi phải vĩnh biệt cõi hồng trần ở tuổi bốn mươi nữa..
2. Đại đức chùa ĐG bảo chỉ để bảy mươi hai giờ là động quan. Thế mới được giờ tốt. Thôi cũng được, ba ngày cũng đủ để người thân, người quen đến viếng tang. Như vậy là đúng sáu giờ sáng thứ hai, cậu X sẽ được đưa đến nghĩa trang thành phố hỏa thiêu. Đầu tuần lắm việc, chắc cơ quan cậu ấy chỉ cử vài người đại diện đi tiễn. Bạn bè cánh công chức các cơ quan khác chắc cũng chỉ những ai thân nhất mới xin phép nghỉ buổi sáng. Nhưng bà con làng xóm thì chắc không đến nỗi.
Thế là sướng rồi! Cuộc đời cậu X dường như được lập trình sẵn theo một kiểu mẫu. Học hành vào loại khá từ bậc tiểu học, trung học đến đại học. Trở thành công chức mẫn cán, làm việc đúng ngành nghề được đào tạo. Cứ ba năm lên một bậc lương. Rồi cưới vợ, rồi có con, một trai một gái, đúng chỉ tiêu; cả hai đứa cùng dễ thương, ngoan ngoãn, học hành bằng chúng bằng bạn. Vợ là cô giáo dạy một trường khá nổi tiếng ở địa phương, là vợ đảm, mẹ hiền, dâu thảo. Bà con lối xóm chưa bao giờ nghe vợ chồng cậu X to tiếng với nhau. Trái lại, cứ cuối tuần là mọi người lại thấy vợ chồng con cái họ chở nhau trên hai chiếc xe máy đi ăn sáng ở đâu đó. Thỉnh thoảng cả nhà dẫn nhau đi siêu thị, đi nhà sách.
Cuộc đời cậu X như thế chẳng có gì phải phàn nàn! Chắc chắn thế!
3. Khi chỉ còn là một linh hồn, X theo dõi những gì xảy ra cho phần xác của anh. Mọi việc đều đúng như lời anh dặn. Thiêu. Vợ con đem bình tro cốt ra cây cầu sắt, rải tất cả xuống dòng sông.
Vợ X không khóc nhiều. Hai đứa con của anh cũng không khóc nhiều. Đúng như lời anh dặn. Nhưng mẹ anh thì rũ người ra trong nước mắt và tâm trạng "tre già khóc măng non". Anh hiểu lòng mẹ.
Coi như cả khi anh ra đi, mọi chuyện đều tốt đẹp.
4. Ở quán cơm tấm ven sông, vào buổi sáng ngày tro cốt của X được rải trôi theo con nước của dòng sông, có người nhắc chuyện mới ba ngày trước mình còn ngồi ăn cơm tấm bì cùng bàn với X rồi tắc lưỡi: “Nó đi lẹ quá!”. Bà bán quán góp chuyện: “Nghe nói đang trên đường từ cơ quan về nhà, vừa dừng xe trước đèn đỏ thì bị chiếc tải nhỏ chạy phía sau với tốc độ khá nhanh tông vô. Tới bệnh viện vẫn còn tỉnh táo, dặn dò vợ con đủ chuyện. Vậy mà chỉ mấy tiếng sau đã đi rồi...”.
5. Vẫn ở quán cơm tấm ven sông, những buổi sáng sau đó nhiều tháng vẫn có những người đến ăn như mọi ngày. Không nghe ai nhắc đến X nữa.
Cuộc đời anh chẳng có gì để nhắc. Trừ chuyện anh bị chiếc xe tải nhỏ không chịu dừng đèn đỏ tông chết.
Nhưng chuyện ấy thì bà bán quán đã nói một lần rồi! Mà ai cũng biết!
Truyện 939 chữ của KHÔI VŨ

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Vị tỷ phú ẩn danh ở Việt Nam

Vị tỷ phú ẩn danh ở Việt Nam
Copy từ http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/kinh-nghiem/2012/10/vi-ty-phu-an-danh-o-viet-nam-1-2/ ; đăng ngày 25/10/12, mục Kinh doanh - Doanh nhân.
"Trở thành tỷ phú đôla nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina và sau đó là đầu tư bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế", Bloomberg nhận định trong bài viết mới đăng.
Theo hãng tin này, dù đang sở hữu 8 dự án bất động sản hỗn hợp tại những khu đất vàng ở Việt Nam, ông chủ tịch 44 tuổi của Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục phát triển những dự án mới, thu hút sự quan tâm của những người đang sở hữu vàng hay tiền mặt.
Ông Phạm Nhật Vượng, ảnh: Vinacorp
"Cũng tương tự như người Trung Quốc, nhiều người Việt hiện nay giữ vàng như một cách tiết kiệm", ông Phạm Nhật Vương trao đổi tại trụ sở chính của công ty ở Hà Nội. Theo ông, họ sẽ không thể ngồi trên đống vàng chôn dưới chân giường mãi được. Cuối cùng gì người có vàng cũng sẽ phải mang chúng đi đầu tư. Nếu thu hút được nguồn vốn này, đó là cú hích lớn đối với thị trường bất động sản, ông nhận xét.
Ông Vượng và vợ - bà Phạm Thu Hương - đang nắm giữ 50% cổ phần tại Vingroup, công ty được đánh giá lớn thứ năm tại Việt Nam về giá trị thị trường. Theo tính toán của Bloomberg, ông hiện sở hữu 1,3 tỷ USD, chưa kể những tài sản cam kết sẽ đầu tư vào một số dự án. Dẫu vậy ông chưa từng xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú quốc tế nào. Do đó, hãng truyền thông Mỹ gọi Phạm Nhật Vượng là vị tỷ phú ẩn danh.
Hiện Vingroup tìm cách huy động khoảng 300 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu tại Singapore, nhằm phục vụ tham vọng mở rộng tại Việt Nam. "Nếu đưa cho tôi 10 tỷ USD ngay bây giờ, tôi sẽ đầu tư hết vào lĩnh vực xây dựng vì ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải xây", ông Phạm Nhật Vượng phát biểu. Tỷ phú ẩn danh này cho biết ông cũng lên kế hoạch xây bất động sản tại Singapore, Hong Kong, nơi có các công ty xây dựng hàng đầu châu Á.
Vị tỷ phú ẩn danh
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, kinh tế địa lý tại Đại học Moscow Geology ở Nga, ông Phạm Nhật Vượng chuyển đến Ukraine. Kể từ đó, ông sáng lập nên công ty LLC Technocom, sản xuất hơn 100 nhãn hiệu thực phẩm, bao gồm mỳ gói và khoai tây nghiền. Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng bán công ty cho Nestle SA với cái giá không được tiết lộ. Vào thời điểm bán, công ty Technocom đang có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm.
Ông Vượng trở về Việt Nam từ năm 2001 và thành lập công ty cổ phần Vinpearl. Một năm sau đó, ông thành lập tiếp công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Đến năm nay, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup.
Bằng cách mua lại đất khi các nhà máy chuyển từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, Vingroup dần nắm trong tay khoảng 10.200 hecta đất vàng tại Hà Nội, phía nam TP HCM cũng như các thành phố khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng. Dự án đa năng Royal City của Vingroup tại Hà Nội có giá bán căn hộ từ 1.800-2.500 USD/m2. Khi hoàn thành vào năm tới, dự án này sẽ có công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên ở Việt Nam.
Mới đây, công ty đã bán 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Đây là lần bán thứ hai sau khi Vingroup huy động được 100 triệu USD cũng bằng hình thức này thông qua một công ty khác hồi 2009. Tính đến ngày 31/12 năm ngoái(2011), Vingroup có tài sản 1,7 tỷ USD, theo dữ liệu thống kê của Bloomberg.
Ông Phạm Nhật Vương tiết lộ đang lên kế hoạch đầu tư ra bên ngoài Việt Nam. Ông vừa thuê công ty tư vấn McKinsey & Co. để đánh giá hoạt động kinh doanh của Vingroup và đưa ra các lời khuyên thích hợp.
Trước khi lên ý tưởng cho một dự án mới, ông cũng thường đi đây đi đó để tham khảo. Ví dụ như trước khi xây Vincom Center ở TP HCM, ông tổ chức một chuyến tham quan Singapore. Cùng với nhân viên, ông đã tham khảo cách làm tại trung tâm thương mại Ion Orchard để học hỏi cách tạo một trung tâm thương mại hạng sang.
Hay trước khi bắt tay xây dựng dự án nghỉ dưỡng đầu tiên của mình ở Nha Trang, ông cũng bay qua Phuket để xem xét cách làm khách sạn ở đây. Khi vào phòng khách sạn, thậm chí ông còn lật tung hết đồ đạc lên trước khi sắp đặt lại như cũ để tìm hiểu cách bố trí.
"Ông ấy là một người rất giản dị và khiêm tốn", bà Lê Thị Thu Thủy, từng làm ở ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và hiện là CEO của Vingroup cho biết. Theo bà, ông luôn thôi thúc ban lãnh đạo công ty phải tự học mỗi ngày, không được hài lòng thỏa mãn với những gì đã làm được.
Là một người luôn đề cao kỷ luật, ông Phạm Nhật Vượng yêu cầu nhân viên của mình thuộc lòng câu khẩu hiệu "Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng việc làm, trong từng hành động".
Trong bài viết của Bloomberg, chân dung ông Phạm Nhật Vượng cũng được khắc họa là một lãnh đạo hòa đồng. Hàng tuần ông thường chơi đá bóng, bóng rổ với nhân viên tại trung tâm thể thao của công ty. Trong bộ đồ thể thao và giày đá bóng, ông chọn chơi ở vị trí tiền đạo. "Tấn công luôn tốt hơn là phòng thủ", đó là nguyên tắc được ông áp dụng cho mọi việc làm của mình.
Anh Đức
Lan Đà Lạt

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Thêm hội thảo quốc tế về chủ quyền biển Đông

Thêm hội thảo quốc tế về chủ quyền biển Đông
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/517313/Them-hoi-thao-quoc-te-ve-chu-quyen-bien-Dong.html ; tin ngày 23/10/12 .
Sáng 23-10-12, hội thảo quốc tế về “Thực trạng vấn đề chủ quyền biển Đông và giải pháp” do Đại học Chosun và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Đại học Tổng hợp Chosun, Gwangju, Hàn Quốc.
Các đại biểu dự hội thảo
Tham dự hội thảo có đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, hiệu trưởng Đại học Chosun Suh Jae Hong cùng đông đảo các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh của hai nước.
Phóng viên TTXVN từ Gwangju cho hay phát biểu khai mạc hội thảo, hiệu trưởng Đại học Chosun Suh Jae Hong nhấn mạnh với mục tiêu cùng nhau trao đổi thẳng thắn, cởi mở về quan điểm, những chứng cứ lịch sử liên quan, hi vọng các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra được những giải pháp mang tính khuyến nghị, góp phần giúp các nước giải quyết vấn đề tranh chấp trong hòa bình, giữ ổn định trong khu vực.
Trong phát biểu của mình, đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh: “Đây là một cuộc hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ trên biển và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ngày càng gay gắt tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á".
Theo đại sứ, là một quốc gia ven biển Đông và thành viên Công ước Luật biển 1982, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam có chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo đúng các quy định của Công ước Luật biển 1982.
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông thể hiện rõ và nhất quán, đó là: Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) theo đúng tinh thần Tuyên bố 6 điểm.
 
Đại sứ Trần Trọng Toàn tham dự hội thảo
Trong một ngày hội thảo, các học giả trình bày các tham luận về “Điểm tương đồng và khác biệt trong tranh chấp lãnh thổ giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á: Trường hợp chủ quyền đảo của Việt Nam và Hàn Quốc”; “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam”; “Chiến lược của Việt Nam trước những mâu thuẫn về quyền sở hữu quần đảo trên biển Đông và chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh”; “Thực trạng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và một số quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông hiện nay”; “Về yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông”...
Tuần trước, ngày 16-10-12, tại Paris (Pháp) cũng đã diễn ra hội thảo về “Biển Đông - vùng xung đột mới” do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị có uy tín tại Pháp, tổ chức. Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia hàng đầu của Pháp và châu Âu về Luật biển quốc tế và địa chính trị.
Theo TTXVN

Lan tỏa những tấm lòng

Lan tỏa những tấm lòng
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/517100/ Lan-toa-nhung-tam-long.html ; tin ngày 22/10/12, mục Phóng sự - Ký sự.
TT - Giữa đất Sài Gòn đắt đỏ, nếu một ngày bạn phát hiện trong túi mình chỉ còn vài ngàn lẻ, bạn sẽ sống sao đây? “Vẫn sống được” - câu trả lời của ông Tư Hòa, một ông già với thâm niên bán vé số dạo gần chục năm. Sống làm sao thì cứ nhìn ông là biết.
Sau nửa ngày mài mòn chân trên đường phố Sài Gòn, thứ ba, năm, bảy, ông ghé quán cơm 2.000 đồng ở đường Ngô Quyền, P.5, Q.10 ăn một phần thật nhiều cơm. Trưa các ngày thứ hai, tư, sáu, ông Tư đổi lộ trình, đi bộ tới đường 281, P.15, Q.11. Ở đây cũng có một quán cơm giá 2.000 đồng khác sẵn sàng chờ đợi để phục vụ những thực khách ít tiền như ông. “Vậy còn chủ nhật?”. Ông cười xòa: “Còn thiếu gì chỗ. Chủ nhật người ta có phát cháo trên đường Nơ Trang Long, ở gần Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Khu vực gần Bệnh viện Ung bướu mỗi ngày đều có nấu cơm, canh cho thân nhân, bệnh nhân và người nghèo”.
Dọc theo bước đường bán dạo, hôm nào bán lòng vòng Q.3 thì buổi ăn trưa của ông Tư sẽ ở quán cơm Thiện Tâm, đường Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3. Nếu đi bán phía Q.5, ông ghé chùa Vạn Thiện ở hẻm 360 đường Trần Phú, P.4, Q.5. Đi bán ở Q.Bình Thạnh càng không sợ đói vì có đến mấy điểm nấu cơm miễn phí phục vụ người nghèo: quán cơm chay xã hội ở đường Vũ Tùng, P.1 hay bếp cơm ở chùa Diệu Pháp, đường Nơ Trang Long, P.13... Ông Tư ít khi nào đi bán ở phía Q.Thủ Đức nhưng ông nói nếu có đi mé đó cũng yên tâm, vì mấy ông bạn đồng nghiệp của ông nói là ở đường Đặng Văn Bi cũng có nấu cơm chay phục vụ người nghèo mỗi ngày cả mấy trăm suất.
Ông Tư kể có hôm tới ăn ở quán cơm 2.000 đồng, ông ngồi chung với một đôi nam nữ chừng 20 tuổi. Nhìn cách ăn bận lịch sự của họ, ông đoán họ không phải người nghèo. “Hai cô cậu đó hỏi thăm tui nhiều. Hỏi ra mới biết cậu này đi du học đã mấy năm, giờ về thăm nhà, nghe nói Sài Gòn có quán cơm 2.000 đồng nên kêu bạn gái chở tới ăn cho biết. Ăn xong, tui thấy cậu đó để lại tờ 50.000 đồng dưới đĩa cơm. Cậu còn biếu tui 60.000 đồng, nói là mời tui ăn cơm một tháng” - ông cười nhớ lại.
Còn mỗi lần ghé ăn cơm miễn phí ở quán Thiện Tâm ven đường Hoàng Sa, ông Tư đều gặp một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự. Nghe đâu ông này làm việc ở một ngân hàng lớn. Trưa nào ông cũng nhín thời gian ghé quán... nhìn thực khách ăn cơm. Lâu lâu lại có một anh xích lô, bác xe ôm đến gặp ông xin cho con mình chiếc xe đạp, xin “tài trợ” cái ruột xe... Và lần nào ông cũng gật đầu.
MAI HƯƠNG

Chuyện "đỡ lắm" ở quán cơm Nụ Cười

Chuyện "đỡ lắm" ở quán cơm Nụ Cười
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/517101/Chuyen-“do-lam”-o-quan-com-Nu-Cuoi.html ; tin ngày 22/10/12, mục Phóng sự-Ký sự.
TT - 11g, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10g, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.
Khách đến ăn tại quán cơm xã hội Nụ Cười - Ảnh: T.ĐẠM
 
Ông im lặng chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: : “Cơm trưa 2.000 đồng - vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho gừng - Xào chua ngọt - Canh cải thịt bằm - một miếng đu đủ - Cơm canh không hạn chế - Trà đá miễn phí - Giữ xe miễn phí”.
Thấy ông đứng ngoài nắng, một cô tình nguyện viên vội bước ra mời ông vào. Ông cứ chần chừ rồi rụt rè hỏi: “Thiệt không cháu, hai ngàn?...”. Cô tình nguyện viên cười: “Dạ, thiệt mà, bác chịu khó vào ngồi đợi tí. 11g bác đến quầy này mua cái phiếu rồi vào lấy cơm...”
Nụ cười của khách hàng
Có lẽ không riêng gì người đàn ông ấy, nhiều người mới đến quán lần đầu đều hỏi như vậy. Rồi khi đã mua cái phiếu 2.000 đồng và bưng khay cơm có nhiều ngăn đựng đầy đủ những món ghi trong thực đơn cùng muỗng, nĩa bọc trong miếng giấy lau trắng toát, đến ngồi ở chiếc bàn sạch sẽ... thì không hỏi nữa mà ai cũng nói: “Đỡ lắm...”.
Như ông Nguyễn Văn Dương, 65 tuổi, đang bị bệnh gan cũng phải ráng đi làm bảo vệ ở Bệnh viện Da liễu, vừa ăn miếng đu đủ tráng miệng vừa nói: “Hôm khai trương, tôi qua thấy bữa cơm có hai ngàn mà ghi “sạch, no, ngon, thân thiện”, cứ ngờ ngờ, nhưng ăn rồi mới thấy y như vậy. Có cái quán này đỡ lắm...”. Đỡ làm sao? Ông chứng minh cụ thể: “Thường tôi ăn bữa hết 19.000 đồng, ăn ở đây dư ra được 17.000, tuần ba bữa, gom lại, bù vào tiền khám bệnh, khỏi ngửa tay xin thêm con cái...”.
“Đỡ lắm” là hai từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ hai, tư, sáu), hầu hết ai cũng nói đi nói lại hai từ ấy. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, cái “đỡ lắm” của người này khác với cái “đỡ lắm” của người kia, nhưng tất cả đều giống nhau là bữa cơm ở quán đều giúp họ giảm nhẹ phần nào những khó khăn, nhọc nhằn, lo toan mà họ luôn phải mang vác trên đường đời.
Với cháu Hùng, 13 tuổi, ở Tuy Hòa, đi bán vé số, thì ngoài chuyện “ăn được miếng thịt gà kho sả ngon quá chú ơi”, cái “đỡ lắm” của cháu là “dư ra thêm được mấy chục ngàn gửi về phụ mẹ nuôi em”. Vì cha cháu mất rồi, mẹ ở quê nhà phải nuôi ba đứa em của cháu mà chỉ dựa vào gánh rau cải tròng trành...
Ngồi chung bàn với mấy em học sinh là một người đàn ông mặc chiếc áo kaki đầy những vết bẩn, tóc loe hoe khô cháy, đi lượm ve chai. Ông tên Hùng, ở Bình Dương. Khi tôi dò hỏi một ngày lượm bán được bao nhiêu, ông không trả lời, cứ từ từ bỏ chiếc muỗng xuống, đưa tay moi vào túi quần và móc ra một mảnh giấy nhàu nát: “Không giấu gì chú, đây, lượm cả chiều với đêm hôm qua đây...”. Thì ra đó là mảnh giấy của một vựa ve chai ghi: “Mủ 3.800 - bình 1ký 8 21.500 - lon 20c 7.600 - cộng 32.900”.
Với số tiền ít ỏi đó, hằng ngày ông phải tìm về tận khu Vườn Chuối để ăn đĩa cơm “nhiều cơm, ít đồ ăn” và trả 12.000 đồng. Giờ đây, với ông, ăn bữa cơm 2.000 đồng “no, ngon, sạch...” tất nhiên đỡ lắm. Biết vậy, nhưng điều tôi không ngờ là nhờ những bữa cơm của quán Nụ Cười mà trong tuần qua ông... tắm được vài lần. “Có dư đồng tiền mới tắm được, mỗi lần tắm mất 5.000 đồng chớ có ít đâu...”.
Tất nhiên, đến với quán cũng có những khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy cứ gật gật đầu, hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một đỗi sau, bất ngờ anh chở đến hai bao gạo, bỏ xuống rồi đi, không chịu nói tên nói tuổi. Một anh khác mặc quần lửng áo thun, ăn xong hỏi quán có bao nhiêu người phục vụ, không biết để làm gì, té ra anh đi mua 20 ly sữa đậu nành đem lại quán: “Cho mấy em phục vụ uống, thấy em nào cũng tận tình, thương quá...”.
Như bốn em học sinh lớp 6, lớp 7 ăn xong chưa chịu về, cứ ngồi xầm xì với nhau, rồi một em đến quầy mua một cái phiếu nữa. Một anh tình nguyện viên ân cần hỏi: “Em ăn chưa no à? Sao không lấy cơm thêm?”. Em rụt rè đáp: “Dạ không, no lắm rồi ạ. Cho cháu mua phiếu nhưng không lấy phần ăn nữa, cháu xin góp cho quán ấy mà”.
“Tiền thiêng liêng”
Ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm quán Nụ Cười) cho biết sau mấy ngày hoạt động, có thể ước tính về thành phần khách như sau: 30% là sinh viên, học sinh; 30% là bà con bán vé số, xe đẩy, xe ôm, đạp xích lô, lượm ve chai, thợ hồ...; 25% là bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt; 15% không xác định được thành phần, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự.
Quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc quỹ từ thiện Tình Thương. Quỹ được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Trong “10 nguyên tắc ứng xử cho các thành viên quỹ từ thiện Tình Thương” có ghi: “Những đóng góp dù ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng...”.
Tiền thiêng liêng nên chỉ dành toàn bộ để chi cho người nghèo, không chi bất cứ một đồng nào cho “bộ máy” quản lý, tất cả đều là tình nguyện viên.
 
Nụ cười tình nguyện viên
Trong sổ tay tình nguyện viên của quán ghi rất rõ: “Quán cơm xã hội Nụ Cười luôn chào đón những tình nguyện viên mới. Các bạn sẽ được phân công theo nhóm, và dù có thực hiện nhiệm vụ gì thì tình nguyện viên chúng ta phải thật sự hòa nhã, vui vẻ...”. Tình nguyện viên được chia làm bảy nhóm: nhóm P (bán phiếu), nhóm R (rửa khay cơm), nhóm B (bếp)...
Mới hoạt động được năm ngày mà nhóm nào cũng thừa người. Nhiều bạn trẻ đến, quán đành phải hẹn hôm sau. Sáng sớm đến quán, xuống bếp tôi thấy ai cũng cặm cụi làm việc như trong một nhà hàng chuyên nghiệp: hai cô gái rửa rau, hai cô xắt thịt, một cô đang đun chiếc xoong to, hai cô khác tỉ mỉ lau những chiếc khay...
Hầu hết các cô đều là sinh viên, nhân viên ở các công ty, trừ cô đang đun chiếc xoong to làm món gà kho gừng. Đó là cô Thường, bán hột vịt lộn - cháo lòng ở lề đường Hồ Xuân Hương, đối diện với quán. 12g cô mới bắt đầu bán. Bán đến tối, dọn hàng xong là mẹ con cô lại tất tả chạy qua quán làm thịt, cá, ướp sẵn đâu vào đó rồi mới về, và sáng sớm cô lại đến nấu, kho...
9g, quán còn vắng, bỗng một chiếc ôtô màu đen bóng loáng dừng ngay trước quán. Một người ăn mặc tươm tất bước xuống, xăm xăm đi vào và không nói không rằng, anh kéo những chiếc bàn kê lại cho ngay ngắn rồi rút chiếc khăn lau bàn ghế. Hỏi ra mới biết anh là Hùng, tài xế của một công ty viễn thông. Sáng anh đưa giám đốc đến cơ quan và đánh xe về đây làm tình nguyện viên, trưa lại đến đón vị giám đốc. Anh thuộc nhóm T (trật tự), nhưng khi chưa có khách anh làm đủ việc: lau bàn ghế, chuẩn bị bình nước đá, xếp ly... Khách đến, anh đứng ngoài nắng đón khách, hướng dẫn để xe. Có khách đi xe lăn đến, anh nhanh nhẩu bế khách vào tận bàn, móc tiền mua chiếc vé và nhờ người vào lấy cơm cho khách...
Một nội dung ghi trong sổ tay tình nguyện viên đã toát lên rất rõ ở nơi này: “Hòa nhã, vui vẻ”. Tôi thấy thêm: sự trân trọng và lòng yêu thương. Chính điều đó đã làm an lòng những người khách bước vào quán, nhất là những người khách đang rơi vào cảnh khốn khó, đói nghèo nhất trong cuộc đời này, như anh Hùng lượm ve chai đã ứa nước mắt nói: “Từ trước tới giờ mình có được ai mời chào gì đâu...”.
Hàng Chức Nguyên

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Người ghi chép góc tối chốn quan trường

Người ghi chép góc tối chốn quan trường
Copy từ http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/517121/Nguoi-ghi-chep-goc-toi-chon-quan-truong.html ; tin ngày 22/10/12, mục Văn hóa - Giải trí.
TT - Với 13 tác phẩm và hàng triệu bản in được tiêu thụ trên khắp thế giới, nhà văn xuất thân công chức Vương Hiểu Phương đã dùng văn học để lột trần những góc tối trong đời sống chính trị Trung Quốc.
Nhà văn Vương Hiểu Phương - Ảnh: AFP
Ông từng là thư ký riêng của phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương Mã Hướng Đông và có kinh nghiệm hàng chục năm trong “nghề” công chức. Sau khi vụ án “Mã Hướng Đông và các canh bạc triệu đô” tạo nên chấn động lớn ở Trung Quốc, Vương từ bỏ sự nghiệp chính trị và quyết tâm chống tham nhũng bằng chính ngòi bút của mình.
Cú sốc lớn nhất khiến Vương Hiểu Phương dấn thân vào nghiệp văn chương là khi ông chứng kiến hình ảnh được ghi lại trước khi quan tham Mã Hướng Đông bị xử tử. Nhìn ánh mắt tuyệt vọng của tên quan tham nhũng từng lừng lẫy một thời, Vương viết liền một mạch 10.000 chữ. Sau này đoạn văn ấy trở thành đoạn khơi mào cho tiểu thuyết gây tiếng vang lớn Thư ký thị trưởng.
Làm thư ký cho quan tham
“Tôi đã từng nhiều năm kinh qua các công việc trong chính phủ, tích lũy vào văn học nhiều ngóc ngách cuộc sống. Những khắc khoải trong địa ngục của vụ án tham nhũng kinh thiên động địa ấy có lẽ là gia tài quý nhất trong cuộc sống của tôi” - nhà văn Vương Hiểu Phương chia sẻ trên tuần san Nhân Vật Nam Phương.
Có người gọi ông là người mở đầu cho dòng tiểu thuyết văn hóa chính trị Trung Quốc, có người gọi ông là người lột trần linh hồn công chức trên văn đàn. Nhưng độc giả vẫn quen gọi ông bằng một cái tên trực tiếp và ít hoa mỹ hơn: nhà văn chống tham nhũng. Sinh ra và lớn lên tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Vương từng phải làm nghề kéo xe tay khi thi trượt đại học vào năm 1981. Cậu học trò Vương hiểu rằng chỉ khi có được những mối quan hệ tốt đẹp thì mới có thể thay đổi vận mệnh.
Hai năm sau, Vương thi đậu khoa vật lý Trường đại học Liêu Ninh và bắt đầu tham gia một “chính trường thu nhỏ” khi trở thành hội trưởng hội sinh viên của khoa. Vương tốt nghiệp cao học vật lý năm 1991 và được đề bạt làm thư ký riêng của phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương Mã Hướng Đông năm 1997. Vương hiểu rằng mình đang tiến rất gần đến quyền lực cấp cao và mọi thứ đều có cái giá của nó.
Trong một bài phỏng vấn với tuần san Nhân Vật Nam Phương, ông bộc bạch rằng mình hiểu được “luật chơi” trong chốn quan trường khi còn làm “quan học sinh” thời đại học. “Tôi biết muốn làm chủ tịch hội sinh viên của khoa thì phải tạo mối quan hệ tốt với bí thư đảng bộ, phải luôn miệng khen ngợi lãnh đạo, phải biết tung hô cấp trên”. Đó là bài học đầu tiên sinh viên Vương học được để tồn tại ở chính trường đầy lắt léo.
Bàn thắng đẹp mắt đầu tiên của thư ký Vương với quan tham họ Mã là giúp Mã đỗ đầu trong một cuộc thi tuyển vào lớp học của các quan chức cấp cao tại Trường Đảng trung ương. Vương giúp Mã làm bài tập làm Mã mát mặt với thành tích dẫn đầu lớp học. Sau này, khi vụ án tham nhũng Mã Hướng Đông vỡ lở, người ta mới biết rằng trong thời gian “học”, Mã vung tay hàng triệu USD tiền công quỹ nhà nước vào các canh bạc “đế vương” ở Macau.
Vương đã nhiều lần khuyên nhủ Mã nhưng luôn nhận lại những lời đe dọa cách chức từ cấp trên. Có lần thư ký Vương còn buộc phải tiếp tay cho tham nhũng. Vương cho biết ông từng chuyển một bọc đồ cho Mã Hướng Đông từ tay xã hội đen khét tiếng Lưu Dũng (bị tuyên án tử hình). Sau này, Vương mới biết rằng bọc đồ ấy chứa số tiền hối lộ 20.000 USD.
Mặc dù không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án tham nhũng của Mã nhưng Vương vẫn xin từ chức để theo nghiệp văn chương. Ông hiện là thành viên Hội Tác gia Trung Quốc và đã xuất bản 13 tiểu thuyết chống tham nhũng. Tác phẩm tiêu biểu như Vòng xoáy trí mạng, Thư ký thị trưởng, Bản sắc thiếu niên... Cuốn Ghi chép của công chức xuất bản tại Trung Quốc năm 2009 đã được dịch ra tiếng Anh vào tháng 9-2012.
Văn học không đủ sức chống tham nhũng
Nhà văn Vương từng khắc khoải khi sa vào vũng lầy tham nhũng. Nhật Báo Quảng Châu dẫn lời ông thuật lại: “Trong lúc chịu đựng, tôi đã chọn văn chương để tự cứu mình! Chỉ cần biết được phương hướng đó là đúng, tôi sẽ không tiếc sức đi về phía trước”. Ông chia sẻ: “Không theo tham nhũng sẽ mất tín nhiệm với cấp trên, còn như chấp nhận tham nhũng (đối với ông) là điều hoàn toàn không thể”.
“Trên thực tế, ở Trung Quốc có rất nhiều người căm phẫn tham nhũng nhưng không dám đấu tranh trực diện với nó. Những người như vậy trên quan trường rất nhiều. Đây là đặc điểm của thành phần trí thức Trung Quốc. Họ đều có chí trị quốc bình thiên hạ, muốn làm việc lớn, có lý tưởng, có khát vọng nhưng đồng thời lại lo chuyện được mất, sĩ diện, tự tôn tự đại, coi trọng danh lợi” - Vương khẳng định.
Vương tự hào: “Các quan chức từ cấp cục trở lên trong thành phố đều đọc đi đọc lại tác phẩm Vòng xoáy trí mạng của tôi để tìm xem liệu có dáng dấp của mình trong tác phẩm hay không”. Dù các tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao, tạo làn sóng mới trong dư luận Trung Quốc, ông vẫn cay đắng thừa nhận: “Văn học không đủ sức chống tham nhũng”.
Theo Vương, con người không bao giờ “tự mình tiết chế sự suy đồi của chính mình”, nhất là trong trường hợp họ phải sống trong một môi trường đầy rẫy tham nhũng, ai không tham thì mất tín nhiệm và mất luôn chén cơm. “Trung Quốc cần tiếp tục tiến lên phía trước, cần thiết nhất là thiết lập một thể chế chính trị dân chủ. Nếu không xử lý tốt việc này, vấn đề tham nhũng khó mà giải quyết triệt để. Không có sự dân chủ thật sự sẽ không có xã hội chủ nghĩa thật sự” - báo Nhân Dân Luận Đàm dẫn lời ông.
Tìm không được một người nói thật
“... Không phải công chức không thể nói “không” mà là họ không dám nói “không”! Thử nghĩ xem, ai không lo đến con đường hoạn lộ của mình mà lại mạo hiểm nói “không”... Trên quan trường có tìm mỏi mắt cũng không được một người nói thật lòng mình. Bởi lẽ vì tiền đồ, họ phải tự áp chế tiếng nói riêng của mình... Trên quan trường không hề có tình hữu nghị, tất cả chỉ là đồng minh có chung lợi ích.
...Nếu không có người cất nhắc, cho dù có bản lĩnh thiên tài anh cũng chẳng ích chi... Muốn có tương lai, điều quan trọng nhất không phải năng lực mà là phải “phò” đúng người... Một khi ý thức được mình đã “thờ sai vua” thì có hối hận cũng không kịp... Nhiều người vì muốn leo lên cao đã không tiếc chuyện tự hạ thấp mình, thậm chí mất khả năng nhìn nhận. “Tầm thường” đã trở thành lối sống của họ.
...Chính trị là một lĩnh vực đầy xấu xa... Anh luôn phải thủ sẵn một con dao, thậm chí là đối với cấp trên của mình... Một văn phòng cỏn con, nhưng đó là sân khấu của cả đời người. Tất cả những vui, giận, yêu thương, thích, bi thương, sợ hãi đều diễn ra trên sân khấu này. Nếu bạn không tin, thử làm công chức xem”.
Trích Ghi chép của công chức
 
Đông Phương

Phép mầu của người "không gục ngã"

Phép mầu của người "không gục ngã"
Copy từ http://tuoitre.vn/Ban-doc/315212/Phep-mau-cua-nguoi-“khong -guc-nga”.html ; tin ngày 22/10/2012, mục Bạn đọc.
TT - Gần bốn năm trôi qua kể từ khi Bích Lan đi vào lòng bạn đọc Tuổi Trẻ trong loạt bài “Không gục ngã”. Và cũng đã 24 năm từ khi cô phát căn bệnh hiếm: rối loạn dưỡng cơ tiến triển.
Lúc ấy bác sĩ bất lực bảo khó có thể qua nổi tuổi 20. Nhưng Bích Lan vẫn nở nụ cười ở tuổi 37.
Gia đình là thiên đường yêu thương và là tình yêu cuộc sống của Bích Lan (thứ hai từ trái sang) - Ảnh nhân vật cung cấp
 
Có người nói rằng đó là phép mầu. Còn tôi ngay từ ngày đầu gặp cô cách đây hơn ba năm đã tin rằng chính Bích Lan đã tạo ra phép mầu cho mình. Phép mầu trong trái tim đau yếu nhưng đẫm tràn tình yêu cuộc sống!
17g ngày 17-10-2012, màn hình máy tính vẫn sáng, hiện lên những dòng văn đầy khắc khoải về thân phận con người nhưng cũng ngập tràn tình yêu cuộc sống. Nguyễn Bích Lan ngồi suy tư soi bóng mình trong màn hình máy tính. Chiếc bóng xanh gầy chưa tới 30kg lặng lẽ hiện sau từng câu chữ...
1 ngày và 2 năm 9 tháng
Bích Lan lặng lẽ ngồi làm việc trước màn hình máy tính. Cô đang dịch dở tác phẩm The wild falms (Cọ hoang) của William Faulkner. Suốt mấy tháng, cô đã đau đáu cùng tác giả nổi tiếng người Mỹ từng đoạt giải Nobel văn học năm 1949 này. Cuộc đời bệnh tật không cho cô có điều kiện cọ xát thực tế xã hội phức tạp và thân phận bi kịch của người phụ nữ như nhà văn miêu tả, nhưng trái tim nhạy cảm của cô thấu cảm, nghẹt đau cùng nỗi niềm đó. Mỗi ngày cô ngồi sáu giờ, tám giờ và hơn nữa để chuyển ngữ tiếng Việt lối hành văn thâm trầm của tác giả Mỹ.
Đây là tác phẩm văn học dịch thứ bảy của Bích Lan tính từ thời điểm tôi gặp cô vào cuối xuân 2009. Nhìn cô suy tư làm việc trước màn hình máy tính, tôi bần thần nghĩ thời gian hai năm chín tháng là thế nào so với những gì cô gái như ngọn nến trước gió này làm được? Bảy tác phẩm văn học dịch, trong đó có những tác phẩm đồ sộ, nổi tiếng cả về giá trị lẫn ngữ nghĩa phức tạp và sâu sắc như Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup, Một đêm duy nhất của Tagore, Bị bán của Patricia McCormick. Đó là chưa kể hàng trăm bài thơ và truyện ngắn mà cô vẫn âm thầm sáng tác để trải bày nỗi niềm...
Hai năm chín tháng. Vâng, là quá ngắn của lượng công việc này so với cả những dịch giả, tay bút đang ở thời kỳ sung mãn nhất, chứ đừng nói gì một cô gái nặng chưa đến 30kg, mang trong mình căn bệnh biến chứng qua tim có thể ra đi bất cứ lúc nào!
Kể từ những ngày ngồi cùng nhau trên cánh đồng rơm rạ Thái Bình, nghe Bích Lan trải bày chuyện đời mình để viết loạt bài “Không gục ngã”, tôi vẫn lặng dõi theo bước chân của cô gái kỳ lạ này. Dù rằng bước chân thật sự của cô thì ngắn lắm, chẳng thể tự lên xuống được cầu thang nhà mình, không đi đâu được quá vài trăm mét nếu thiếu bàn tay dìu đỡ. Nhưng tôi lại thấy cô đã đi được rất dài và rất xa trong căn phòng vài mét vuông của mình.
Những lần công tác miền Bắc, tôi hay ghé thăm Bích Lan, khi thì ở nhà quê Thái Bình, khi thì trong căn hộ nhỏ của em trai ở Hà Nội. Chuyến nào không ghé được, tôi cũng hỏi thăm qua nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng là cô chú của cô. Rồi tôi và cô cũng thường xuyên gặp nhau, trải bày tâm sự trên email. Hiểu tôi, cuối thư điện tử Bích Lan luôn có câu trả lời rất ý nhị bằng cách nối dài thêm các tác phẩm mà cô đã dịch. Không nhắc lại tâm sự năm xưa ở làng quê Thái Bình, nhưng tôi hiểu rằng cô muốn nói: “Em còn làm việc là em còn đang vui sống, anh à”.
Dõi theo bước đi của Bích Lan, hiểu cô, nhưng đôi khi chính tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu nổi tâm sức đâu để cô làm được ngần ấy việc. Vượt qua bệnh tật, chiến thắng cái kết cục đau buồn của kiếp nhân sinh khi mới tuổi 13 đã là phép mầu do chính cô tạo ra. Tự học trên giường bệnh để có kiến thức, nhất là tiếng Anh, để trở thành dịch giả của 25 tác phẩm văn học thế giới và tác giả của hàng trăm bài thơ, truyện ngắn đăng báo, in sách là một sự phi thường. Nhưng còn một điều kỳ diệu nữa là tình yêu cuộc sống luôn tràn ngập trong trái tim, trên ánh mắt, đôi môi cô.
Có những lần tôi biết Bích Lan trở yếu, mong manh lắm khi nhiều ngày buộc phải rời máy tính, nằm bẹp trên giường bệnh, giành giật từng hơi thở yếu ớt vào trái tim thoi thóp trong cơ thể chỉ có da bọc xương. Nhưng hỏi thăm cô, tôi cứ nghe câu trả lời: “Em vẫn khỏe, vẫn vui sống mà anh. Em còn biết rõ anh đang lang thang làm báo ở đâu đấy nhé”.
Mặt trời, chiếc lá trong tim
Bà ngồi nhặt sợi rơm khô/ dệt cho cây lúa ước mơ cuối đời/ sau xanh lại mới chổi phơi/ sau mùa lại chuốt những lời chân quê/ Ai phơi rơm óng triền đê/ dệt cho tôi một ngày về bớt xa/ cho tôi chạm góc hiên nhà/ bà tôi tóc trắng cười qua bóng mùa. Chiều thu trở lạnh se sắt ở Hà Nội, tôi lại ngồi lặng nghe Bích Lan đọc tặng bài thơ Mùa rơm. Một bức tranh quê da diết tình cảm như bài thơ tặng mẹ cách đây hơn ba năm mà cô đã đọc cho tôi nghe ở đồng quê Thái Bình: Mong mười chẳng được vẹn mười/ Vì con, mẹ chắt nụ cười ra môi/ Chênh vênh nửa dốc cuộc đời/ Vì con, mẹ mãi đầy vơi nỗi niềm... Chính cảm xúc với bài thơ thổn thức nỗi lòng này, mà tôi đã đi vào chuyện đời cô để viết nên “Không gục ngã”.
Giờ thì Bích Lan vẫn như xưa, vẫn vui sống để tiếp tục làm việc đều đặn mỗi ngày. Dịch thuật với cô thành chuyên môn mà ngày nào không làm việc sẽ cảm thấy nhớ. Còn sáng tác văn, thơ là góc riêng để cô trải bày nỗi lòng, có khi là nỗi nhớ đồng quê, là tình mẹ, và có cả sự chua xót, thương cảm cho những kiếp người bất hạnh dưới đáy xã hội. Cô tâm sự có nhiều động lực để làm điều này. Từ cách đây 24 năm, cô đã tự nhủ mình phải vượt qua thân xác ốm đau. Và thế rồi cuộc đời đã lặng lẽ nối tiếp tặng cho cô nhiều niềm vui để không gục ngã.
Khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài về cô hồi tháng 3-2009, gần 2.000 email, thư tay đã gửi đến cô tràn ngập tình bạn bè cảm thông, chia sẻ. Cô ứa nước mắt xúc động khi có cụ già miền Nam tìm ra tận Thái Bình quê cô để bày giúp bài thuốc. Cô cũng rất vui khi có những cha, mẹ viết thư báo tin: “Chính các bài viết về sự bất hạnh và nghị lực của đời cháu đã giúp kéo đứa con hư hỏng của bác về lại gia đình. Cháu đã trở thành cô giáo không biết mặt của con bác!”.
Nhiều năm gắn với chuyển ngữ văn học, Bích Lan đã chủ động hoàn toàn trong việc này. Không ngồi đợi đặt hàng, cô tự tìm kiếm tác phẩm ưng ý trên mạng, đàm phán tác quyền và đề xuất dịch với nhà xuất bản. Điều này đem đến sự hứng thú vì được dịch tác phẩm yêu thích, nhưng cũng làm cô bận rộn hơn. Tuy nhiên, ngày nào cô cũng dành thời gian để gặp gỡ, tâm sự với bạn bè trên mạng. Nhiều lần cô đã cứu được những bạn trẻ tuyệt vọng, chán nản cuộc sống. Tâm sự với họ, cô hay viết rằng: “Trước khi quyết định chết, em hãy bước ra đường, xem có ai còn khổ đau hơn mình không? Nếu thật sự chỉ em là người bất hạnh nhất cõi đời này thì chết cũng được. Nhưng chị không tin điều đó...”.
Tạm rời màn hình máy tính, Bích Lan tâm sự với tôi rằng mình đang có hàng ngàn người bạn quốc tế và trong nước. Cô rất hạnh phúc khi được sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với họ. Gia đình cũng chính là thiên đường hạnh phúc mà cô nâng niu yêu thương. Mẹ là cánh tay, em trai là bước chân nối dài, là trái tim trợ lực cho nhịp tim yếu ớt của cô. Cháu trai ba tuổi, con của người em, đã thành “viên thuốc thần kỳ” mỗi khi cô ốm đau mà được nghe tiếng cười, tiếng nói ngọng nghịu của cháu. Mỗi tuần, cô cứ mong ngày chủ nhật vì lúc đó em trai sẽ được nghỉ làm, cõng chị xuống phố để tắm nắng, ngắm những tán lá xào xạc chuyển mùa. Và mỗi buổi tối, cô đều trông đến bữa cơm gia đình để được thấy những ánh mắt ấm áp yêu thương nhau!
19 giờ...
Khung cửa sổ sau máy tính của Bích Lan đã trở tối. Nhưng tôi vẫn như đang nhìn thấy ánh mặt trời lấp lánh trên chiếc lá xanh tươi. Nó đang ở ngay trong trái tim tràn đầy tình yêu cuộc sống của Bích Lan!
Quốc Việt
 
Vài nét về Nguyễn Bích Lan
Bích Lan trong buổi giới thiệu tác phẩm của mình - Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Bích Lan là nhân vật xúc động trong loạt bài “Không gục ngã” đăng trên Tuổi Trẻ tháng 3-2009. Chuyện kể về cô gái bé nhỏ ở làng quê Hưng Hà, Thái Bình mắc bệnh nan y mãn tính từ năm học lớp 8, nhưng vẫn tự học ở nhà để trở thành giáo viên tiếng Anh và dịch giả, tác giả của nhiều tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Năm 2010, cô đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN với tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột. Bảo tàng Phụ nữ VN vinh danh cô là một trong những chân dung phụ nữ đương đại.