Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Theo chân các nhà thám hiểm

Nhật ký trên những đôi giày
Theo chân các nhà thám hiểm
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/171233/Theo-chan-cac-nha-tham-hiem.html; tin ngày 15/10/12, mục Ẩm thực - Du lịch.
SGTT.VN - Một chuyên gia thám hiểm thuộc hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh chia sẻ với tôi rằng: “Quảng Bình đang sở hữu một “mỏ vàng” lộ thiên, một di sản thiên nhiên về hệ thống hang động vô cùng phong phú, nếu biết khai thác đúng mức, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm của loại hình thám hiểm, khám phá hang động nổi tiếng thế giới”.
Vẻ đẹp hang động và thảm ngọc trai dày đặc trong lòng hang Ươi .
Tôi trở lại núi rừng Trường Sơn ở khu vực Quảng Bình lần này đồng hành cùng với nhóm thám hiểm của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đi tìm những hang động mới bổ sung vào danh sách “mỏ vàng” trong hệ thống hang động ở Quảng Bình. Chuyến thám hiểm diễn ra ở thung lũng Tú Làn vùng Minh Hoá, Howard Limbert, trưởng nhóm BCRA nói: “Càng về sau này, việc tìm kiếm những hang động mới ở Quảng Bình càng khó khăn vì phải đi xa hơn, có khi mất 4 – 5 ngày băng rừng mới tìm được cửa hang để tiến hành khảo sát”.
Bài học rừng xanh và hang động
Núi rừng luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rình rập các nhà thám hiểm hang động, ngoài những bất trắc của đường đi, núi đá hiểm trở, các loài động vật nguy hiểm như trăn rắn, ngay cả thảm thực vật cũng là những cái bẫy giăng sẵn. Howard cảnh báo tôi phải để ý kỹ một loại cây có tên “Nàng Hai” xuất hiện nhiều vô kể, lá xanh mướt, phủ một lớp lông trắng mịn dễ khiến nhìn thấy là muốn chạm tay vào. Nhưng lá chỉ chạm vào da thịt là gây bỏng rát, rất khó chịu. Howard chỉ, khi bị lá vướng phải, đừng dùng nước rửa, hay gãi bừa mà lấy gan bàn tay đặt ngay chỗ bị rát, vuốt xuôi một đường để loại các lớp lông li ti của lá ra khỏi da, như vậy sẽ giảm thiểu đau rát.
Hành trình sẽ tìm đến những hang động mới mà các thành viên đoàn BCRA chưa từng đặt chân đến, trên đường đi, ven các con suối lớn nhỏ tôi như bị mê hoặc bởi những đàn bướm dày đặc, đầy màu sắc. Nhưng ở rừng, cái gì đẹp thường ẩn chứa những nguy hiểm khó lường. Howard đã từng có kinh nghiệm khi nghỉ chân ven suối để hong khô đồ đạc, bị đàn bướm bám vào giày vớ và vương lại đó các cánh phấn, đến khi chạm vào da thịt gây sưng nhức rất đau. Trải qua từng cây số đường rừng cùng những nhà thám hiểm BCRA, tôi học được bao điều mới lạ về rừng xanh.
Chuyến đi của tôi cùng BCRA lần này sẽ thám hiểm hai hang động mới được người dân trong vùng giới thiệu là hang Ươi và hang Ken. Đường đến hang Ươi chúng tôi phải băng qua hang Chuột dài hơn 1km, đoạn đường “khuyến mãi” này thật thú vị. Đi trong hang tối, tôi luôn cảm nhận được luồng gió thổi mát rượi, điều đó có nghĩa là hang sẽ thông đến một cửa ra lớn. Thêm một điểm nhận dạng quen thuộc trong các hang động vùng Quảng Bình là cấu trúc địa tầng ngoài các lớp măng đá, thạch nhũ độc đáo, các hoá thạch cá, sò cũng được tìm thấy nhiều trên các vách hang. Và với các hang có luồng gió lớn, lớp thạch nhũ thường trổ ra các đốm nhỏ rất rắn, chồng chất lên nhau mà Howard định danh là “bắp ngô” (popcorn) hang động.
Đường đến hang Ươi không dễ dàng chút nào, chúng tôi phải cắt rừng mà đi, cửa hang nằm tận trên đỉnh núi, dù có nhóm người địa phương dẫn đường nhưng không ít lần cả đoàn bị lạc hướng. Mãi chiều muộn chúng tôi mới tiếp cận được cửa hang. Thoạt nhìn từ xa, Howard đã nói ngay rằng, “đây là một hang lớn”. Tôi thắc mắc, Howard lý giải: “Theo kinh nghiệm 20 năm thám hiểm các hang động vùng Quảng Bình, tôi hễ thấy cửa hang nào cây mọc có lá to, thì đó nhất định sẽ là một hang động lớn”.
Khám phá mới trong hang Ươi
Nhóm BCRA bắt tay ngay vào việc, Martin Holroyd dùng giấy bút phân ô biểu đồ để lập sơ đồ chi tiết hành trình thám hiểm hang, Howard chuẩn bị máy đo bằng tia laser, đi cùng còn có chuyên gia thiết kế lối đi trên tán rừng Martin Colledge. Các thông số kỹ thuật về độ cao, độ rộng và chiều sâu của từng mét trong lòng hang Ươi được vẽ lại. Càng đi vào lòng hang, quả đúng như lời Howard tiên đoán, hang Ươi là một hang rộng, cực đẹp với vô vàn trụ thạch nhũ đủ màu sắc; nổi bật là thảm ngọc trai – gồm những viên lớn nhỏ tròn xoe phủ đầy sàn hang. Howard giới thiệu thêm: “Đây là đặc sản của hang động Quảng Bình, hang Sơn Đoòng có những viên ngọc to bằng nắm tay, ngọc ở đây nhỏ hơn nhưng cũng là kích cỡ lớn nếu so với các hang động trên thế giới. Ở Anh, cũng có vài hang tôi khảo sát có loại ngọc trai này nhưng chỉ nhỏ li ti bằng đầu đũa chứ không lớn được như ở đây”.
Khảo sát được khoảng hơn 500m, lòng hang bỗng bị chắn ngang bởi một bức tường thạch nhũ thẳng đứng, bên là vực sâu hun hút đèn soi không thấy đáy. Tưởng rằng hành trình sẽ bị gián đoạn, nhưng sau vài phút tìm kiếm, Howard phát hiện một lỗ thủng nhỏ chỉ vừa thân người, đai vào sợi dây thừng bảo hộ, Howard mất hút vào lỗ thủng, đến lượt Martin, tôi cũng bám theo sợi dây chui vào lỗ đen ấy trong nỗi hồi hộp. Chỉ sau vài mét, tôi bỗng thót tim khi lỗ thủng dẫn ra vực sâu thẳng đứng, may nhờ có sợi dây đai an toàn. Tôi nắm lấy dây thừng men theo vách đá và tiếp cận với một vòm hang cao rộng, sâu hun hút, lòng tràn ngập vui sướng khi thấy mình đang được trải nghiệm những phút giây thám hiểm hang động thực sự.
Bài và ảnh: Lam Phong

Không có nhận xét nào: