Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Mùa nước nổi trên búng Bình Thiên

Nhật ký trên những đôi giày
Mùa nước nổi trên búng Bình Thiên
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/168784/Mua-nuoc-noi-tren-bung-Binh-Thien.html, đăng ngày 01/10/12, mục Ẩm thực-Du lịch .
SGTT.VN - Vào mùa nước lũ, dòng sông Bình Di cuồn cuộn phù sa đục ngầu, nhưng đến cửa búng Bình Thiên, nước đục bị gạn lại, nhường chỗ cho dòng nước trong xanh vào hồ nước trời ban. Mặc cho lũ tạo những vòng nước xoáy mạnh ngoài sông, khi vào búng, mặt nước êm đềm lại, đôi lúc phẳng như một tấm gương soi khổng lồ.
Những bè cá nhỏ trên búng Bình Thiên.
Từ tháng 7 âm lịch, dòng sông Mekong đổ nước cuồn cuộn vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, nước tràn khắp ruộng vườn, nhà cửa, nhiều nơi chỉ thấy đồng nước mênh mông vô tận. Sống trên đồng nước suốt đến tháng 10 âm lịch, thế nhưng, người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thích gọi hiện tượng tự nhiên này là lũ lụt, mà là “mùa nước nổi”. Ít nhất đã bốn năm qua, mùa nước nổi trở thành một mùa du lịch độc đáo, chỉ ĐBSCL mới có.
Búng Bình Thiên gạn đục giữ trong
Mùa nước nổi đến An Giang sớm nhất so với các tỉnh chịu ảnh hưởng lũ trên dòng sông Hậu và huyện An Phú là một trong những nơi đón lũ đầu tiên. Vượt gần 100 cây số từ thành phố Long Xuyên, chúng tôi đến An Phú – điểm đầu đón lũ (cũng là nơi tổ chức du lịch mùa nước nổi đầu tiên từ năm 2006), sững sờ khi dừng chân trước búng Bình Thiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) – một hồ nước thiên nhiên mênh mông thông với sông Bình Di (nhánh sông Hậu đổ vào huyện An Phú). Bởi trên đường đâu đâu cũng thấy nước sông, kênh rạch, nước trên đồng đục màu phù sa; nhưng nước trong búng dâng cao đến mực nào vẫn xanh ngắt.
Tương truyền rằng, một tướng nhà Tây Sơn đem quân đuổi giặc đến nơi này đồn trú thì gặp hạn, dân trong vùng không có nước uống. Trước tình cảnh ấy, vị tướng Tây Sơn cầu trời, rồi đâm thật mạnh mũi kiếm xuống đất, nước từ lòng đất trào lên, dâng tràn cả một vùng tạo thành hồ nước thật lớn nằm gọn trong lòng đất liền. Người dân thấy nước trong xanh, uống ngọt, mát nên vui mừng, họ gọi hồ nước lớn trời cho này là búng Bình Thiên hay hồ Nước Trời. Người dân nói, cha ông họ tin là lối mà đoàn quân tiến vào và rút đi ở đầu ngọn búng trước đó không thông với sông, nhưng hàng ngàn bước chân dẫm nhau làm đất rúng động, nứt ra tạo thành cửa thông từ búng ra sông Bình Di, con sông là ranh giới giữa huyện An Phú và huyện Kor Thum, tỉnh Kandal (Campuchia).
Theo quan sát của người dân sống lâu năm ở xã Nhơn Hội, búng Bình Thiên như một thế giới riêng, nước trong búng dâng lên và hạ xuống tuỳ mùa trong năm. Diện tích mặt nước của búng Bình Thiên vào mùa nước kiệt khoảng 220ha, còn mùa nước nổi lên đến 800ha. Mặt búng đẹp nhất trong kỳ nước nổi. Điều đặc biệt mà chưa ai giải thích được là cho dù nước sông chở đầy phù sa vào mùa lũ, khi đến “cửa” búng, dòng nước đục như được gạn lại cho trôi theo sông, không để tràn vào làm hoen màu trong xanh của hồ nước tự nhiên này.
Để tận tường điều kỳ lạ ấy, chúng tôi ngồi trên chiếc tắc ráng đi một vòng quanh búng rồi ra sông Bình Di. Nước trong xanh làm cho búng Bình Thiên như gương, in bóng những hàng cây ngập nước, những cây điên điển trổ bông vàng và những bè cá nhỏ của người dân nuôi trong búng. Mặt nước chỉ cuộn sóng khi tắc ráng, ghe xuồng chạy qua. Tắc ráng đến chỗ cầu C3 bắc ngang cửa búng, chúng tôi đã thấy mặt nước gợn chút màu phù sa kéo ra đến sông Bình Di. Khi quay trở lại, tốc độ nhanh của tắc ráng kéo nước phù sa ào theo, nhưng qua cầu C3, nước phù sa dạt ra từ từ và lại thấy gương nước phản chiếu nắng chiều, không ai nghĩ mình đang đi trong mùa lũ.
Ẩm thực mùa nước nổi ở làng Chăm
Làng xóm quanh bờ búng Bình Thiên hầu hết là đồng bào Chăm sinh sống, nhưng mỗi bên là một hình ảnh khác nhau. Phía bờ thuộc hai xã Nhơn Hội và Quốc Thái, từng xóm Chăm với những ngôi nhà sàn kế nhau nằm dọc theo lộ; chen lẫn vào đó là các khu hàng quán và xóm người Kinh, trông có vẻ nhộn nhịp. Bờ thuộc xã Khánh Bình, xa vào trong là những đồng lúa, bắp, hoa màu, một khung cảnh miền quê thanh bình; một vài ngôi nhà sàn trên mặt nước, thấp thoáng giữa những tán cây, đó là nhà của những người nuôi cá lồng bè trên búng.
Búng Bình Thiên là “túi cá đồng” phong phú, cung cấp cho người dân quanh năm. Ông Mách Ly, phó bí thư chi bộ ấp Búng Lớn tâm sự: biết bao năm qua, mỗi năm nước nổi người dân chỉ biết chống xuồng đi kiếm con cá, con tôm, hái bông điên điển. Từ mùa nước nổi năm 2006, đồng bào ở đây tiếp xúc với du khách khắp nơi đến. Hai năm qua ông Mách Ly trở thành hướng dẫn viên địa phương đưa khách tham quan thánh đường Hồi giáo, tìm hiểu các lễ nghi của đạo Hồi, giải thích các phong tục tập quán, những điều kiêng kỵ của người Chăm…
Nhà ông Mách Ly cũng là nơi khách ăn trưa. Nhà người Chăm không có bàn, trải chiếu cho khách ngồi ăn. Tuy người Chăm ăn uống có hơi khác, nhưng được thưởng thức hương vị đồng nội mùa nước nổi, toàn đặc sản của búng, của sông Bình Di, của đồng ruộng quanh làng. Từ cá linh kho me, cá rô chiên xù chấm mắm me, bánh xèo cá linh, cá rô kho tộ, canh chua bông điên điển, cho đến gỏi tép bông súng đồng… du khách cảm thấy thú vị hơn vì trong món ăn có cá, lươn, bông điên điển, bông súng mà mình tự bắt, tự hái.
Có thể đi từ trung tâm thị xã Châu Đốc theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên có xóm Chăm Đa Phước, đến Km 23+100 là ngã tư Quốc Thái, quẹo trái đi khoảng 2,5km là đến búng Bình Thiên. Đi du lịch mùa nước nổi, nên mặc quần áo gọn nhẹ, không nên mặc váy, những vật dụng cá nhân như điện thoại di động, tiền, nữ trang nên cho vào túi chống thấm. Nên mặc áo dài tay, quần dài khi vào thánh đường Hồi giáo. Khi tham gia trò chơi trên sông nước, trên đồng ruộng nên theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên địa phương.
Êm ả trên búng Bình Thiên.
bài và ảnh: Nguyệt Hồng

Không có nhận xét nào: