Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Văn hóa Chăm: Trăn trở bảo tồn và mưu sinh

Văn hóa Chăm: Trăn trở bảo tồn và mưu sinh
Copy từ http://laodong.com.vn/Van-hoa/Van-hoa-Cham-Tran-tro-bao-ton-va-muu-sinh/87664.bld; tin ngày 15/10/12, mục Văn hóa.
Những tháp Chămpa cổ kính bằng đất nung độc đáo; những vũ nữ Chămpa cổ xưa được chạm khắc vào các đền tháp, hay đắm mình trong những điệu múa Apsara đầy mê hoặc... Tất cả được tái hiện vô cùng ấn tượng trong lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận (tối 14.10.12) tại chân tháp PoklongGrai nổi tiếng ở TP. Phan Rang.
Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận
 
Sự khác biệt trong đa dạng
Giữa 53 dân tộc anh em làm nên một nền văn hóa VN vô cùng phong phú, văn hóa của người Chăm vẫn là một nền văn hóa được bảo tồn tốt nhất, lưu giữ nhiều nét độc đáo nhất trong cuộc sống đương đại. Hiện ở VN có gần 150.000 người Chăm, sống rải rác ở các tỉnh phía nam, nhưng đông nhất là ở Ninh Thuận (trên 57.000 người). Cũng chính vì lẽ đó, người Chăm Ninh Thuận bảo lưu được nhiều tập tục truyền thống một cách đậm nét như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới gả, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề... Họ vẫn sống tập trung thành từng làng Chăm riêng biệt.
Theo ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN: Người Chăm là một cộng đồng theo chế độ mẫu hệ từ ngàn đời nay. Cơ cấu tổ chức xã hội của người Chăm không bị mất đi, không bị xô lệch, phương thức canh tác của họ cũng ít bị thay đổi, họ vẫn sinh sống ở những cộng đồng như ngày xưa, những làng xã như ngày xưa. Điều này góp phần tạo nên những “kháng thể” đặc biệt, do vậy, dù tập trung sống ở gần những đô thị, nhưng họ vẫn giữ được bản sắc riêng. Đó là lý do để văn hóa tộc người Chăm dễ nhận dạng trong nền văn hóa Đại Việt.
Bài toán bảo tồn
Dù được coi là một dân tộc vẫn bảo lưu được nhiều tập tục truyền thống một cách tốt nhất, nhưng trước sự phát triển chung, văn hóa của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ suy giảm “hệ miễn dịch”, hay nói một cách hình ảnh là văn hóa Chăm cũng đã có những nếp gãy. Nếu như xưa kia, các đội thương thuyền của người Chăm “khét tiếng” giỏi giang ở vùng biển Đông Nam Á thì ngày nay, hầu như người Chăm không sống với biển nữa. Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng với kỹ thuật độc đáo có một không hai trên thế giới: Không có bàn xoay, nung đốt ngoài trời, sự tạo dáng và mẫu mã sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ và đôi tay tài hoa của người phụ nữ - đến nay cũng mai một đi nhiều bởi nhiều lý do.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan - người đã từng được mời đi trình diễn làm gốm ở Nhật Bản, Malaysia, Singapore... và một vài nghệ nhân khác như Đàng Thị Lực, Lộ Thị Kết... có lẽ cũng khó mà sống, chết được với nghề, bởi không có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp với hoa văn, họa tiết tinh tế và màu sắc đặc trưng, giờ đây, tuy được tỉnh đầu tư khá lớn, nhưng cũng khó tránh được tình trạng “vàng, thau lẫn lộn” giữa sản phẩm chính hiệu được làm thủ công với những sản phẩm “lai tạo”, khiến cho Mỹ Nghiệp không còn giữ nguyên được những nét độc đáo của mình. Chữ viết của người Chăm cũng trên đà mai một trong dòng chảy phát triển chung.
Cũng theo ông Chí Bền, muốn bảo tồn văn hóa thì trước hết, nhận thức của chủ thể văn hóa phải được thay đổi, nghĩa là họ phải biết tự hào với chính di sản của họ. Di sản đối với người dân thân thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày, họ thực hành văn hóa đó như là một hành động vô thức. Do vậy, trách nhiệm của các nhà quản lý, nghiên cứu phải chỉ ra được những giá trị của nền văn hóa đó.
Mặt khác, phải giải quyết được cơ chế chính sách. Có những cơ chế nằm trong ngành văn hóa, có những cơ chế nằm ngoài ngành văn hóa, do vậy phải có sự điều hành vĩ mô, hay nói cách khác phải có sự hợp tác giữa các ngành với nhau. Hiện nay, chúng ta chưa chú trọng để bảo tồn các nghệ nhân. Cả di sản quý giá nhất của người Chăm là di sản phi vật thể, vì thế, ngay từ bây giờ cần đầu tư cho nghệ nhân, ghi chép kịp thời những bí quyết của họ. Làm sao biến gốm, thổ cẩm thành sản phẩm hàng hóa, thành sản phẩm du lịch, cộng đồng sống được bằng nghề; làm sao xây dựng được tuyến du lịch đến với người Chăm, để cộng đồng hưởng lợi từ chính những sản phẩm - di sản văn hóa của họ... Đó là những bài toán đặt ra và cần giải quyết ngay, nếu muốn bảo tồn, bởi khi cộng đồng không hưởng lợi thì đương nhiên người ta phải đi kiếm con đường khác để mưu sinh.
Biển trời
- Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm 2012 diễn ra từ 14 - 16.10 tại TP.Phan Rang (Ninh Thuận) với sự tham gia của gần 800 diễn viên (chuyên và không chuyên), nghệ nhân - là người dân tộc Chăm từ các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TPHCM. BTC cũng mời các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tham gia trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa Chăm. Ngày hội diễn ra các hoạt động: Triển lãm di sản văn hóa các dân tộc; biểu diễn nghệ thuật; trình diễn trang phục dân tộc Chăm; hội chợ - triển lãm và giới thiệu sách; thi đấu thể thao các dân tộc... hội thảo “Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm” được Viện Văn hóa Nghệ thuật VN tổ chức ngày 16.10.2012.
- Nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc của người Chăm đang được Bộ VHTTDL đề xuất với Chính phủ cho làm hồ sơ trình lên UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp..
 
Copy từ http://laodong.com.vn/Van-hoa/Van-hoa-Cham-
Tháp Chàm - Ponaga
 
Tháp Chàm -Swallow
 
Thánh địa Mỹ Sơn

Không có nhận xét nào: