Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Trải lòng của cụ ông 84 tuổi đạp xe bán chuối

Trải lòng của cụ ông 84 tuổi đạp xe bán chuối
Copy từ http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2012/10/trai-long-cua-cu-ong-84-tuoi-dap-xe-ban-chuoi/ ; tin ngày 11/10/12, mục Xã hội.
4h sáng, cụ Khánh (84 tuổi) lại túc tắc đạp xe thồ không phanh chở 2 thúng chuối vào Hà Nội. Nhiều người thương tình biếu thêm tiền nhưng cụ từ chối bởi cụ muốn được làm việc chứ không phải vì kinh tế khó khăn.
Vừa hết buổi chợ, cụ Khánh lại tất bật ra vườn chuối để cắt những buồng đã đặt trước. Ảnh: Bình Minh.
 
Nhiều năm nay, hình ảnh ông cụ lưng còng mặc quần áo nâu sồng gồng mình đạp chiếc xe cà tàng không phanh chở hai thúng chuối không còn xa lạ với người dân khu Hà Đông, Thanh Xuân. Mỗi khi có người gọi mua chuối, cụ lại loạng choạng, vắt chéo chân xuống xe giữ thăng bằng rồi mới cẩn thận chọn từng nải chuối ngon cho khách. Ông lão ngoài 80 chia sẻ, bận rộn và được làm việc là niềm hạnh phúc.
16h chiều, cụ Nguyễn Trung Khánh (84 tuổi, ở thôn bãi Trung Việt, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) trở về nhà sau buổi chợ đắt khách. Hai thúng chuối tiêu đầy ắp khoảng 30 - 40 nải đã hết veo. Vừa về đến nhà, cụ Khánh lại tất bật ra bãi cắt chuối xanh về giấm. Sợ không kịp cắt, những buồng chuối già đã đặt mua ở các vườn sẽ chín rụng hết, cụ Khánh tranh thủ vừa về chợ là phải đi ngay.
Vừa về đến nhà sau buổi chợ, cụ Khánh lại tất bật ra bãi cắt chuối mang về.
 
Cụ cẩn thận xếp những nải chuối xanh vào góc nhà để chuẩn bị giấm.
 
Xếp hết hai thúng chuối vào nhà, cụ lại dắt xe đi cắt lượt nữa.
 
Đường từ nhà cụ đến bãi chuối chừng 5 km nhưng cụ phải đạp xe mất 30 phút...
 
bởi trên đường đi, chiếc xe đạp cà tàng thỉnh thoảng lại tuột xích.
 
Tới các vườn đặt mua chuối của, cụ nhờ chủ nhà đẵn hạ buồng chuối xuống.
 
Còn mình tự tay cắt, phân loại những nải chuối xanh, chuối chín...
 
Rồi xếp chúng vào đôi thúng buộc sau xe.
 
Xếp đầy hai rổ, cụ Khánh lại còng mình dắt xe ra về chuẩn bị cho buổi bán hàng hôm sau.
 
Đi từ 4h sáng nhưng phải tới 9h - 10h cụ Khánh mới ra tới Hà Nội. Bán xong, trên đường về nhà, cụ lại tranh thủ nhặt nhạnh thêm ít củi.
 
Đôi bàn tay nhăn nheo, móng dài thâm đen vì nhựa chuối này đã hàng chục năm cắt, giấm và điều khiển chiếc xe đạp cà tàng chở những nải chuối chín ngon lành bán cho người dân. Ở tuổi 84, cụ Khánh cũng chẳng biết đến khi nào mình sẽ thôi nghề bán chuối.
 
Dỡ những nải chuối xanh xếp đầy trong hai thúng buộc hai bên xe, cụ Khánh móm mém trò chuyện. Trong thúng, đôi dép xốp mòn vẹt thành lỗ to ở gót. Bận rộn với công việc đi bán, cắt chuối ngoài vườn và giấm chuối, cụ hầu như chẳng lúc nào rảnh rỗi để ngồi tiếp chuyện ai đó. Đôi bàn tay già nhăn nheo thâm đen vì nhựa chuối của cụ Khánh thoăn thoắt phân loại từng nải để đưa vào góc nhà. Tấm lưng còng của cụ gập xuống khiến người đối diện hiếm khi nhìn rõ mặt.
Giấm chuối xong, thân già mỏng manh ấy lại "đu" trên chiếc xe cà tang không phanh để "chở thêm chuyến nữa trước khi trời tối". Đoạn đường đến bãi chuối khoảng 5 km, cụ Khánh đạp xe mất 30 phút... Có lần, cụ đang đi cắt chuối, cả người và xe bỗng lao xuống sông, có người đi qua nhìn thấy đã nhảy xuống cứu.
Sinh năm 1929, thời thanh niên, cụ Khánh đã kiếm kế sinh nhai bằng nghề bán chuối. Ở vào tuổi 84 nhưng cụ Khánh vẫn còn minh mẫn, cách nói chuyện rành mạch. Đôi mắt kèm nhèm, hai bàn tay đan vào nhau, cụ cho biết, làng Cao Viên trước đây có tên là Cao Bộ và người dân chuyên bán chuối.
"Tôi bán chuối từ trước khi đất nước giải phóng rất lâu. Mãi năm 28 tuổi, tôi mới lập gia đình. Sau đó tôi với bà ấy lại cùng nhau đi chợ chuối nuôi bốn đứa con", cụ Khánh kể.
 
Chất đầy chuối vào hai bên thúng, cụ Khánh vất vả chở chuối về. Ảnh: Bình Minh
 
Trong trí nhớ của cụ, "ngày trước" đi bán chuối cực khổ hơn nhiều, vất vả mà chẳng kiếm được là bao. Đi lại khó khăn, lại không có phương tiện, cụ và vợ phải gánh chuối từ nhà lên Hà Đông. Hồi đó, mỗi cụ gánh được cả thảy ba buồng chuối cho một buổi chợ. Năm 1993 sau khi vợ mất, cụ Khánh vẫn tiếp tục công việc này như một cái nghiệp. Giờ thì bốn người con đã trưởng thành, kinh tế khá giả, cụ cũng có cháu, chắt đề huề nhưng vẫn không chịu từ bỏ nghề bán chuối dạo.
Cụ Khánh cho hay, "bố cả" giờ sống ở Hà Nội và thỉnh thoảng mới về thăm nên cụ ở cùng vợ chồng con trai thứ hai là Nguyễn Trung Điển. Anh Điển cho biết, nhiều lần, các con định bán xe, cố tình làm hỏng xe và đôi thúng để cụ ở nhà nhưng xe hỏng thì cụ sửa hoặc mua xe thồ khác rồi sắm đôi rổ mới. Những cửa hàng sửa chữa xe đạp trong làng hoặc quanh đó đều được "nhờ vả" không sửa xe cho cụ. Không ai giúp, cụ mang xe lên tận Hà Đông sửa. Ban đầu, nhiều người trách các con để bố vất vả chợ búa nhưng sau biết tính cụ Khánh, ai cũng lắc đầu chịu thua.
"Anh em tôi khuyên cụ nhiều lần nhưng không được. Kinh tế cũng không khó khăn nhưng cụ thích đi. Làm cách nào thì cụ cũng vẫn tìm được cách đi chợ cho bằng được. Chỉ trừ những lúc ốm mệt cụ mới ở nhà. Nghỉ 1-2 hôm thôi là cụ lại tiếp tục buổi chợ không sợ chuối chín hỏng", anh Điển chia sẻ.
Mưa hay nắng, ngày nào cụ cũng đạp xe đi chợ bán chuối. Đoạn đường nào khó, cụ xuống đẩy đến chỗ dễ mới lên xe đạp tiếp. Một buổi chợ của cụ bắt đầu từ lúc 3h sáng với ngày Rằm, mùng 1 và 4h sáng với ngày thường rồi trở về nhà vào chiều muộn. "Sáng mua 10.000 xôi thì ăn thoải mái, trưa tôi ăn phở. Bữa tối ở nhà tôi ăn tầm hai lưng cơm", ông cụ cười khi kể về khẩu phần ăn của mình.
"Ngày làm việc" của cụ thường kết thúc vào 12h đêm. Cụ làm không ngơi tay, hết đi bán về lại đi cắt chuối, giấm chuối rồi xếp vào thúng để chuẩn bị cho buổi chợ sau. Cụ thường không ngồi cố định ở vị trí nào mà di chuyển khắp các chợ cóc dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Nhiều năm bán chuối, cụ cũng có những khách quen. Cụ bảo, có người đến mua biếu thêm tiền nhưng cụ chỉ lấy đúng số tiền chuối và trả lại cho họ.
"Có cả sinh viên cho tôi tiền nhưng các cháu còn đi học thì lấy đâu ra. Có người đưa tiền, tôi không cầm, thế là họ để vào thúng rồi chạy mất. Tôi rất ngại", cụ Khánh giãi bày và tâm sự, "biết các con không bằng lòng" nhưng mình chẳng làm điều xấu nên không có gì đáng hổ thẹn.
Đôi dép mòn vẹt để trong rổ chuối của cụ Khánh. Ảnh: Bình Minh.
 
"Đi lao động không xấu. Tôi đi ăn xin, đi trộm, cắp mới để người ta phải bình luận. Tôi đến chỗ mua, bán nào người ta cũng yêu, cũng quý. Và tôi cũng không làm gì để ai phải chê cười", cụ già 84 tuổi nói. Theo cụ, các con không muốn bố đi chợ và mong ông ở nhà hưởng thụ tuổi già nhưng cụ thấy "tiếc việc".
Chia sẻ thêm về công việc thường ngày, cụ Khánh tiết lộ "bí quyết" giấm chuối. Để chuối chín ngon và đẹp, cụ thường xếp một mẻ 30 - 40 nải vào thùng phuy và bịt kín. Mùa đông, có hôm phải thắp tới chục nén hương còn mùa hè, cụ chỉ dùng tới ba nén để giấm. Để từ sáng hôm trước tới sáng hôm sau là có thể mang đi bán.
Khi được hỏi sẽ đi chợ đến lúc nào, cụ Khánh ngập ngừng: "Ai cũng hỏi tôi câu đó. Tôi sẽ đi đến lúc nào còn có thể".
Bình Minh

14 nhận xét:

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Minh Tam 11/10/2012: Gửi anh, chị con cụ:
xe cụ không có cái thắng kìa, sao cụ chạy dc, nguy hiểm quá, gắn dùm cụ cái bố thắng xe ah. Chúc cụ mãi còn sức khỏe để sống vui với con cháu và để chúng cháu noi theo để siêng năng hơn trong cv ah.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc khánh vân 11/10/12: Tuyệt vời:
" Đỉnh của đỉnh". Cụ là đại diện tiêu biểu nhất cho tính cách con người Việt Nam : chất phác, thật thà, chịu thương chịu khó. hình ảnh Đôi bàn tay nhăn nheo, móng dài thâm đen vì nhựa chuối của cụ là hình ảnh đẹp nhất năm 2012 đầy biến động này. hãy ủng hộ cụ bằng cách mua cho cụ thật nhanh hết chuối để cụ được về sớm.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Chu Quang Minh 11/10/12: Không lạm phát:
Nếu người Việt, ở bất cứ cương vị nào đều chịu khó, chất phác và công tâm thế này, đảm bảo VN không những không lạm phát mà còn xứng tầm các nước lớn. Buồn vì một thế hệ tốt, tấm gương tốt sắp qua mất rồi.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc BÙi Hanh 11/10/12: Cháu yêu ông quá:
Mình cũng từng đã nhìn thấy ông ở Hà đông. Nhìn bề ngoài mình cứ tưởng ông nghèo khó lắm nên mới đi bán chuối. Hôm ấy đi cùng một người bạn nhìn thấy ông lần mò từng nải chuối bị rơi mà thương quá định xuống cho ông một ít tiền nhưng cô bạn đã đi vụt qua ko chịu đứng lại. Thật may khi đọc bài này và biết được rằng ông đi bán chuối cho vui chứ không phải vì tiền.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc nguyễn thị Chinh 11/10/12: Cảm động và khâm phục:
Hình ảnh của cụ làm cho tôi xúc động không cầm được nước mắt. Một con người tận tụy chăm chỉ với công việc. Cụ cũng nên nghỉ ngơi vì tuổi đã cao rồi, hơn nữa đi lại xa như vậy không an toàn chút nào vì giao thông đông đúc. Kính chúc cụ có sức khỏe và bình an.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc langthang 11/10/12: Thương cụ:
Mua cho cụ đôi dép mới đi. Thấy thương cụ quá! cụ lao động vì yêu nghề mà!

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Công Thực 11/10/12:
Tôi cũng may mắn được chứng kiến tận mắt tấm gương lao động đáng khâm phục của cụ.Ban đầu khi từ quê lên HN học, ngồi trên xe bus tới trường, tôi nhìn thấy hình ảnh cụ mà không tin vào mắt mình.Vì bản thân tôi ban đầu còn không dám sang đường vì nhiều xe quá, thế mà cụ vẫn miệt mài lao động với chiếc xe đạp không phanh như thế.Có lần tôi nhìn thấy cụ đi qua ngã tư bùng bình vườn hoa Hà Đông, gặp đèn đỏ cụ không thể phanh xe ngay lại được, mà phải ra quá nửa đường thì xe mới dừng lại được...Cụ ạ.Cụ bây giờ cũng lớn tuổi rồi, cụ đi như thế nguy hiểm lắm, cụ hãy sớm nghỉ ngơi bên con cháu cụ nhé.Cháu chúc cụ sống vui vẻ, hạnh phúc và có thật nhiều sức khỏe.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Trần Nguyễn Lý 11/10/12: Cụ già ham lao động,
đó là niềm vui và cũng cải thiện sức khỏe của cụ, con cháu không nên cấm cản mặc dù như vậy là muốn cho Cụ được an nhàn, tránh tiếng dị nghị của những kẻ buôn điều. Quan trọng là cần duy trì niềm vui và cải thiện sức khỏe tuổi già cho cụ thì chắc chắn cụ sẽ rất thọ. Nghỉ lâu không lao động nữa là cụ phát bệnh và "đi" đấy.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Văn Thành 11/10/12: Ôi thương Cụ quá: Đọc và xem hình ảnh của cụ mà cháu rưng rưng nưóc mắt cảm động và nhớ đến ông nội của cháu đã qua đời cách đây 3 năm, ông đã hưởng thọ 100 tuổi, từ lúc sinh ra và lớn lên cháu luôn được ở gần ông nội và nhận được rất nhiều tình thương mà ông dành cho cháu, gần 1 tháng nữa là cháu về quê ăn đám giỗ ông nội của cháu rồi, cháu chúc ông luôn mạnh khoẻ và vui vẻ, nếu được gặp ông cháu sẽ ôm ông vào lòng ông như ông nội cháu vậy...

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc nguyễn đăng hoạch 11/10/12:
Chuối là loại quả an toàn không thuốc sâu, không chất bảo quản: Ông cụ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ. Nhà tôi ở ngay gần cạnh nhà ông cụ, tất cả mọi người ai cũng phải thán phục. Ông cụ thật là phi thường. Chuối của cụ Khánh là an toàn nhất đấy cụ chỉ giấm chuối bằng hương thôi.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Chu Văn Hoàng 11/10/12:
Mọi người nhìn vào ông là một tấm gương lao động và học tập lao đông theo sức của mình là điều đáng trân trọng. Không xin hay cướp của ai sao phải thẹn với đời. Chúc ông luôn có sức khỏe. Nếu được ông có thể thêm tiền để thay xe để đảm bảo sức khỏe và an toàn.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Tungbach 11/10/12:
Mình rất thik những bài báo có ý nghĩa có tính nhân văn như thế này. Mong tòa soạn và các tác giả sẽ có nhiều bài ý nghĩa như thế này. Cảm ơn tác giả, cảm ơn cụ đã cho độc giả 1 bài báo hay. mình đã nhiều lần nhìn thấy cụ đi bán chuối dọc đường rồi.mặc dù cụ đi bán chuối chỉ là niềm vui nhưng mình vẫn rất thương cụ. Chúc cụ luôn luôn khỏe mạnh nhé!

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc Nguyên Phạm Gia Khoa 11/10/12:
Cách đây 10 năm mình chưa lấy chồng, đi làm về qua chợ Phùng Khoan hay dừng lại mua chuối của cụ lắm. Cụ nói năng nhẹ nhàng và thật thà. Giá cả cũng hợp lý, hôm nào còn ít chuối cũ, Cụ bán rẻ. Cách bán hàng cũng rất chân phương, ko nài nỉ khách.
Từ ngày có đường Lê Văn Lương kéo dài mình ko đi đường Nguyễn Trãi nữa, nên ko gặp cụ. Hôm nay thấy Cụ trên báo thật xúc động thấy cụ khỏe mạnh.

dvnien nói...

Ý kiến của bạn đọc VAN 11/10/12:
Tôi sinh ra và lớn lên ở QNgãi. Gia đình tôi sống với ông Ngoại. Thập niên 80-90 ông ngoại tôi đi bộ từ 15-20km để bán gầu sòng (tát nước vào ruộng lúa). Khi đến mùa mưa Ngoại tôi lại bán tranh lợp nhà, lờ thả cá,...Có ngày hết hàng có ngày không hết phải đem về. Nhưng lúc nào ngoại cũng mua đồ ăn vặt cho tôi. Nhìn ông cụ tôi lại nhớ ngoại tôi quá (Ngoại tôi đã qua đời năm 2009). Chúc ông cụ mạnh khỏe sống lâu. Cụ là niềm vinh hạnh của các con cháu cụ.