Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Ở ngôi trường làng tỉnh lẻ có... chuyên gia Microsoft

 

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 01/03/2024 06:43

Ở ngôi trường làng tỉnh lẻ có... chuyên gia Microsoft

tác giả
MAI VINH

Khi nhắc đến chuyên gia tin học được Microsoft công nhận, nhiều người sẽ nghĩ một "cao thủ" vùi đầu trong những phòng máy tính hiện đại ở thành phố lớn.

Thầy giáo Nguyễn Bích Ngọc

Thầy giáo Nguyễn Bích Ngọc

Ở Lâm Đồng là một câu chuyện khác, chuyên gia ấy là giáo viên của một trường tiểu học thuộc vùng sâu vùng xa.

Và chuyên gia công nghệ ấy lại có cái tên rất "nữ tính": Nguyễn Bích Ngọc (34 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi, huyện Đạ Tẻh).

Xã hội ghi nhận mình rất vui. Những việc mình chia sẻ đơn thuần vì mong muốn lan tỏa tình yêu công nghệ với thầy cô giáo. Mình cũng học hỏi từ cộng đồng chứ không phải tự phát kiến ra điều gì lớn lao.

Thầy NGUYỄN BÍCH NGỌC

Tự học tiếng Anh để trao đổi với chuyên gia quốc tế

Thầy Ngọc mở đầu câu chuyện của mình bằng cái tên mà đến nay anh không rõ nguyên cớ gì mà bố đặt tên mình như vậy.

"Cũng vui. Vì tên lạ nên các thầy cô và các bạn yêu công nghệ gặp ở các diễn đàn trên mạng dễ nhớ mình dù trước đó lại nhầm với một cô gái" - thầy Ngọc cười.

Ở các diễn đàn công nghệ liên quan đến hoạt động giảng dạy, nhiều người được thầy Ngọc hướng dẫn một cách hiệu quả nên tò mò về xuất phát của thầy Ngọc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thầy Ngọc thật thà về khởi đầu khiêm tốn của mình: "Tôi học cao đẳng chuyên ngành phần cứng và hạ tầng mạng tại một trường tư thục vào năm 2008. Sau một thời gian đi làm ở TP.HCM thì tôi đi học nghiệp vụ sư phạm và xin đi dạy học ở trường gần nhà".

Không có chuyên môn về phần mềm và lập trình nên thầy Ngọc tự học thêm tiếng Anh rồi mày mò trao đổi với những chuyên gia quốc tế trên các diễn đàn mở.

Thầy Ngọc kể: "Hồi xưa mỗi lần bố mẹ vắng nhà, tôi lén kết nối mạng để vọc phần mềm tìm được từ tạp chí Làm Bạn Với Máy Tính. Hậu quả có tháng tôi bị phụ huynh phạt roi chạy trốn không kịp. Hồi đó mình học về máy tính, công nghệ bị cấm cản nên đam mê bị dồn nén.

Sau này được "xổ lồng" mình lao vào học không biết mệt. Bây giờ cứ vợ con ngủ là lại học tiếp những món thời thượng trong giới công nghệ mà mình mới nghe nói chứ chưa biết chưa hiểu".

Xuất phát từ đam mê

Năm 2020-2021, thời điểm nổ ra đại dịch COVID-19, hoạt động giảng dạy online và chuyển đổi số trong giáo dục bùng nổ. Đam mê thúc giục thầy phải tìm cái này, học cái kia để hướng dẫn lại những thầy cô khác.

"Tôi và nhiều cô thầy sợ nếu bị động ngồi chờ cấp trên đào tạo sẽ chậm và thiệt thòi cho các em học sinh đang ở nhà vì dịch bệnh", thầy Ngọc tâm sự.

Thầy Ngọc được Microsoft công nhận Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert program - MIEE) vì những đóng góp của mình trong năm học 2022-2023. Thầy giáo trường làng được công nhận ở cấp độ chuyên gia đã khiến nhiều người bất ngờ, kể cả thầy Ngọc.

Thầy nói: "Những đóng góp của mình với cộng đồng MIEE xuất phát từ đam mê và lẽ thường có cho có nhận. Cho nên được Microsoft công nhận mình bất ngờ".

Thầy Ngọc kể về quá trình gia nhập cộng đồng chuyên gia của mình: "Dịch COVID-19 cũng là thời điểm chuyển đổi số rất mạnh trong dạy học. Mình là giáo viên vùng sâu vùng xa rất bị động. Mình tham gia cộng đồng chuyên gia của Microsoft để được các anh chị hướng dẫn. Nhờ vậy mình và thầy cô nơi mình công tác nhập cuộc chuyển đổi số dạy học nhanh.

Mình may mắn có nền tảng về công nghệ nên cố gắng tư duy thêm để có những sáng kiến nho nhỏ thiết kế bài giảng, chấm điểm, dạy học và mang nó chia sẻ ngược lại với cộng đồng. Đó cũng là cách trả ơn của mình".

Thầy giáo Nguyễn Bích Ngọc gần gũi với các em học sinh và hướng các em tình yêu với công nghệ máy tính - Ảnh: M.V

Thầy giáo Nguyễn Bích Ngọc gần gũi với các em học sinh và hướng các em tình yêu với công nghệ máy tính - Ảnh: M.V

Luyện tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Cô Nguyễn Thị Kim Phụng (hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi) cho biết đặc điểm trường vùng xa nên thành phần dân tộc của học sinh đa dạng. 50% là học sinh dân tộc Châu Mạ, Nùng, Tày, S'tiêng…

Vấn đề nhà trường đối diện là các em nghe nói tiếng Việt không thạo. Phải cải thiện tiếng Việt cho các em thì mới giúp các em học tốt được.

Lớp học đông, giáo viên không thể kèm một - một cho tất cả học sinh nên hiệu quả không đạt như mong muốn. Thầy Ngọc đã tìm hiểu sâu phần mềm Teams của Microsoft và phát hiện có thể biến công cụ Reading Process thành một trợ lý dạy ngôn ngữ cho học sinh.

Bản chất của công cụ này là chuyển ngữ giọng nói theo thời gian thực (realtime) giúp những nhóm đang sử dụng Teams có thể theo dõi sát hơn buổi học hoặc cuộc họp.

"Mình bàn với các thầy cô, ứng dụng để dạy bổ túc tiếng Việt cho học sinh. Các em chỉ cần nhận bài tập từ giáo viên, ngồi trước máy tính đọc để phần mềm nhận diện giọng nói. Nếu học sinh đọc bị sai, phần mềm sẽ hiển thị lỗi trên văn bản. Giáo viên sẽ rèn lại.

Cái hay khi ứng dụng công nghệ là các em có thể tự luyện tập khi không có giáo viên, như vậy tâm lý các em cũng thoải mái hơn" - thầy Ngọc lý giải.

Cô Phụng cho biết thầy Ngọc thường xuyên tìm hiểu hoạt động giảng dạy của các thầy cô khác. Các thầy cô khi gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ hay tìm thầy Ngọc nên thầy có nhiều chất liệu về hoạt động giảng dạy. Do đó, các sáng kiến của thầy Ngọc đều sát với hoạt động giảng dạy không chỉ của nhà trường mà của huyện, của tỉnh.

Thầy Ngọc nói đơn giản về cách tiếp cận công nghệ của mình: "Mỗi khi vọc một phần mềm mình hay tự hỏi nó có dùng cho dạy học được không. Hoặc mỗi khi dạy học mình hay tự hỏi rằng nếu ứng dụng công cụ nọ, công cụ kia thì có tốt hơn không? Mình tự hỏi và tự giải đáp lấy".

Nhà giáo tiêu biểu của năm

Ngoài việc dạy học, thầy giáo Nguyễn Bích Ngọc còn làm quản trị website lamdong.itrithuc.vn thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Để quảng bá cho huyện Đạ Tẻh, thầy Ngọc còn tham gia quản trị diễn đàn Đạ Tẻh trong tôi trên Facebook. Vì những đóng góp của cá nhân cho giáo dục trong liên tục nhiều năm liền, cuối năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận thầy Ngọc là "Nhà giáo tiêu biểu của năm".

"Kỳ tích"

Nhắc đến thầy Ngọc, hầu như những giáo viên giỏi công nghệ ở Lâm Đồng đều nhớ đến "kỳ tích" năm 2020. Ngày đó, để bắt đầu dạy online, cần tạo 30.000 tài khoản Teams cho học sinh tiểu học toàn tỉnh.

Học sinh khối này chắc chắn chưa tự làm được. Một nhóm nhập liệu được lập ra để tạo tài khoản giúp học sinh trong vòng hai tuần. Thầy Ngọc được triệu tập tham gia nhóm.

Sau ba ngày cần mẫn, thầy Ngọc nhận thấy nếu cứ làm thủ công thì không thể nào hoàn tất. Thầy bắt đầu rút ra khỏi công việc thủ công.

"Tôi cũng ngại các thầy cô không hiểu lý do tôi dừng nhập liệu sẽ trách móc tôi. Nhưng tôi nghĩ mình cần phải đánh giá lại công việc và có giải pháp công nghệ để hoàn thành đúng tiến độ".

Trong lúc cả nhóm vẫn nhập liệu cật lực, thầy Ngọc tìm hiểu để tạo ra một phần mềm giúp tạo tài khoản hàng loạt. Phần mềm ra đời dựa trên nền tảng của một phần mềm thầy Ngọc được cộng đồng công nghệ quốc tế chia sẻ.

Ngày hoàn thành công việc chỉ còn ba ngày. Sau khi trình bày phương án, cả nhóm tập trung chuẩn hóa dữ liệu để nhập vào phần mềm. Và chỉ một cái nhấp chuột, hàng vạn tài khoản đã được tạo ra. Cả nhóm thầy Ngọc ngỡ ngàng vì về đích quá sớm.

Thành tích này là điểm nhấn để thầy Ngọc được ngành giáo dục chú ý về khả năng ứng dụng công nghệ.

Cô giáo vùng cao dùng tiền tiết kiệm tặng sách giáo khoa cho học tròCô giáo vùng cao dùng tiền tiết kiệm tặng sách giáo khoa cho học trò

Những ngày qua, Trường tiểu học và THCS Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) vui như Tết

Không có nhận xét nào: