Rừng già độc bản
TTCT - Khắp thế giới, các chính phủ vẫn chưa đủ mạnh mẽ và lẹ làng trong việc chấm dứt nạn phá rừng. Và có một thực tế là, những cam kết về phục hồi rừng sẽ không thể bù đắp cho rừng già đã mất.
Thuật ngữ "phục hồi rừng" (restoration), sau gần hai thế kỷ phá rừng làm công nghiệp, thường đồng nghĩa với "những khu rừng mới". Nhưng cây non tất kém cây già, và rừng mới không thể nào lập tức thay thế rừng cũ. Một chính sách trồng rừng sai lầm đôi khi còn tồi tệ hơn là không làm gì cả.
Rừng cây mới, chim chóc vơi
Theo nghiên cứu trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, ghi nhận những tác động bất lợi của 35 năm môi trường sống biến đổi ở miền đông Canada lên các loài chim rừng, kể từ năm 1985, hơn 30.000km2 diện tích rừng Acadian đã bị chặt phá, hầu hết nay trở thành đồn điền.
Diện tích rừng già vì thế giảm đi 39%, tuy nhiên tổng diện tích che phủ rừng lại tăng 6,5%. Từ góc nhìn của ngành sản xuất gỗ, khu vực này hẳn được xếp vào hàng "bền vững".
Thế nhưng, nhóm nghiên cứu do Matthew G. Betts dẫn đầu chỉ ra rằng: cách quản lý "bền vững" này và sự gia tăng ròng về độ che phủ rừng (số rừng phá nhỏ hơn số trồng mới) đã không giúp ích gì cho chim chóc địa phương.
Trong số 54 loài chim phổ biến nhất khu vực, 2/3 đã bị mất môi trường sinh sản. Phá rừng (deforestation) - trong trường hợp này là nhằm chuyển đổi vĩnh viễn đất rừng thành đất dùng cho mục đích khác - tuy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến mất môi trường sống của chim, nhưng những loài nào từng gắn liền với rừng già thì nay đã bị mất phần lớn môi trường sống "thích hợp".
Rừng hỗn giao (trái) và rừng vân sam, cùng chim chích Blackburne châu Mỹ, một trong những loài bị ảnh hưởng. Ảnh: Debora Carr
Bài báo trên là một trong nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của rừng nguyên sinh, hay rừng già, to lớn hơn so với rừng bị suy thoái. Những lợi ích này bao gồm: khả năng cô lập carbon lớn hơn, sức phục hồi mạnh mẽ hơn, sự giàu có về gene di truyền, nguy cơ cháy rừng thấp, và các dịch vụ thủy văn ổn định hơn.
Rừng nguyên sinh cũng cung cấp nơi ở, sinh kế và dịch vụ văn hóa cho hàng triệu người dân bản địa và địa phương, đồng thời là thỏi nam châm hút khách du lịch.
Theo Nature Ecology & Evolution, không được hạ thấp giá trị của rừng già bằng những hứa hẹn về phục hồi rừng. Ngay cả công tác phục hồi rừng đàng hoàng cũng không thể lấy lại đầy đủ các chức năng của rừng già trong khoảng thời gian đủ ngắn để kịp bù đắp cho những hệ quả về đa dạng sinh học và khí hậu.
Lời tòa soạn số tháng 6-2022 của tạp chí này có đoạn: "Bài báo của Betts và đồng sự là một bằng chứng nữa cho thấy cái gọi là 'thay thế rừng bền vững' là một cách gọi sai. Rừng già là bất khả thay thế. Các chính phủ trên toàn thế giới phải ngừng tìm lý do để khai thác những mảnh rừng già còn sót lại của chính họ, và tìm ra những cách làm sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển không dựa vào phá rừng của các nước khác".
Cây già chịu hạn tốt hơn cây non
Một phân tích trên 21.900 cái cây rải rác khắp năm châu đã cho thấy: cây già có khả năng chịu hạn tốt hơn cây non trong tán rừng, và chúng có lẽ sẽ chịu đựng tốt hơn trước các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai.
Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các khu rừng già còn sót lại trên thế giới, vốn là thành trì đa dạng sinh học với khả năng lưu trữ một lượng lớn carbon - theo Tsun Fung (Tom) Au, nhà sinh thái học thuộc ĐH Michigan (Mỹ).
"Số lượng rừng già trên hành tinh đang giảm dần, trong khi hạn hán được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trong tương lai" - Au, tác giả chính của nghiên cứu đăng tháng 12-2022 trên tạp chí Nature Climate Change, nói.
Với khả năng chống lại hạn hán và lưu trữ carbon một cách phi thường, "những cây già ở tầng tán phía trên phải là đối tượng ưu tiên bảo tồn hàng đầu, nhìn từ góc độ giảm thiểu biến đổi khí hậu", theo Au.
Thực tế không được như vậy. Nạn phá rừng, khai thác gỗ có chọn lọc và các mối đe dọa khác đã dẫn đến sự suy giảm diện tích rừng già trên toàn cầu, và việc trồng lại rừng sau đó (hoặc để mặc cho tự nhiên, hoặc thông qua trồng cây) đã cho phép thế hệ cây non trẻ "thống trị" các cánh rừng.
Trong lịch sử, con người đã quản lý rừng vì các loài cây có chất lượng gỗ tốt nhất và đó là một góc nhìn rừng thuần túy ở lợi ích kinh tế. Theo Justin Maxwell, ĐH Indiana (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu trên, "phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng việc quản lý rừng vì khả năng lưu trữ carbon và khả năng chống chịu hạn hán có thể là một công cụ quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu". Ngoài ra, độ tuổi của rừng là một khía cạnh quan trọng trong việc rừng sẽ ứng phó với hạn hán như thế nào.
Lựa chọn một loài cây
Năm 2018, một nhóm các nhà sinh thái học Trung Quốc đã xem xét lại kết quả của một trong những chiến dịch trồng rừng "mạnh tay", vốn đã giúp nước này dẫn đầu thế giới về tăng trưởng rừng.
Trồng rừng ở đây là aforestation, được hiểu là "trồng rừng ở nơi trước đó không có cây". Từ 1952, Trung Quốc đã tăng cường trồng cây ở vùng cực bắc, nơi bị đe dọa bởi tình trạng sa mạc hóa.
Nhưng nhóm nghiên cứu phát hiện rằng: người ta đã trồng xuống vô số những cây ngoại lai háo nước. Chúng đã hút nước ngầm để lớn lên, khiến mực nước ngầm giảm xuống mức nguy hiểm.
Như vậy, tốc độ phủ xanh ấn tượng của Trung Quốc có thể đang kéo theo một thảm họa lớn hơn về nguồn nước trong tương lai. Nhóm tác giả kiến nghị: "Chương trình trồng rừng này phải được đánh giá lại gấp", với công tác lựa chọn loài trong tương lai cần ưu tiên khả năng chịu hạn.
Câu chuyện của Trung Quốc không phải là ví dụ duy nhất về tác dụng ngược của việc trồng rừng quy mô lớn. Tháng 4-2016, một trận cháy rừng khủng khiếp gần như đã quét sạch thị trấn dầu mỏ Fort McMurray của Canada, phá hủy 2.400 ngôi nhà và buộc gần 100.000 người phải di tản.
Đó là thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Canada. Sau khi tro tàn nguội đi - cùng với những lập luận quen thuộc xung quanh vai trò của biến đổi khí hậu - một nhóm nhà khoa học đã vào rừng để giải một bí ẩn.
Đúng là thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi bất thường cho ngọn lửa - nhưng làm sao một đầm lầy lại có thể cháy dữ dội đến vậy? Kết luận của nhóm nghiên cứu: nguyên nhân gây ra vụ cháy, và cùng với nó là lượng CO2 khổng lồ bị thải vào khí quyển, bắt nguồn từ một chiến dịch phát triển rừng do chính phủ thúc đẩy.
Vào những năm 1980, với cuộc thử nghiệm chuyển đổi đầm lầy thành rừng sản xuất gỗ, Chính phủ Canada đã rút cạn nước trên diện rộng ở đầm lầy Alberta và trồng cây vân sam đen - tỉ mỉ cách đều nhau để cây phát triển tối đa.
Những cây vân sam mới đến tận dụng nguồn nước ngầm từ đầm lầy, mọc lên những tán cây to rộng bất thường, nên làm "ngạt" lũ rêu bên dưới. Một loại rêu khác, khô hơn, đã đến thế chỗ.
Và khi mảnh đất ngày càng khô cạn, cây cối đã trở thành những kho nhiên liệu khổng lồ. Khi đám cháy xảy ra, Alberta đã vô tình từ một bể chứa carbon trở thành nguồn phát thải carbon.
Xu thế "proforestation"
David Orwig, nhà sinh thái học của ĐH Harvard (Mỹ), đồng tác giả một bài báo năm 2018 với thống kê rằng: trên toàn cầu, 1% số cây có đường kính lớn nhất đang nắm giữ một nửa lượng sinh khối trên mặt đất (lượng carbon được "khóa" trong các khu rừng khắp thế giới). Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của những cây cổ thụ to lớn với việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của Orwig đã gợi ý cho nhà khoa học chính sách William Moomaw phát động "proforestation" - giữ nguyên những khu rừng già và trung niên vì khả năng hấp thụ carbon vượt trội của chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với Yale Environment 360, Moomaw chia sẻ: cách làm hiệu quả nhất là cho phép chỗ cây cối sẵn có, đã và đang phát triển, được tiếp tục lớn lên để đạt tối đa tiềm năng sinh thái, để lưu trữ carbon, và phát triển những khu rừng có đầy đủ các dịch vụ môi trường.
"Trồng cây là điều tuyệt vời và nó khiến tất cả chúng ta cảm thấy vui… Chúng ta nhất định nên trồng lại rừng cho những khu vực đã bị chặt phá… nhưng chúng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt trong hai hoặc ba thập kỷ tới, vì những cái cây nhỏ bé không lưu trữ nhiều carbon". Vì vậy, để các khu rừng tự nhiên hiện có được phát triển là điều cần thiết cho bất kỳ mục tiêu khí hậu nào.
Sinh thời, nhà sinh vật học nổi tiếng E. O. Wilson đã nói rằng chúng ta cần "một nửa Trái đất" - nghĩa là một nửa thế giới cần được trao lại cho Mẹ thiên nhiên để hành tinh hoạt động bền vững. Nếu một nửa Trái đất là quá nhiều, ít nhất ta cũng có thể bắt đầu bằng cách giữ nguyên những cánh rừng già ít ỏi hiện có.
Tặng gì cho thiên nhiên? Thời gian, rất nhiều thời gian
Trồng 10 cây non không thay thế được một cây sồi già cong queo. "Sinh thái chậm" là cách duy nhất để bảo tồn và khôi phục môi trường sống cổ xưa.
Chúng ta có phong trào ẩm thực chậm và du lịch chậm. Giờ đây, chúng ta cần một phong trào sinh thái chậm, và chúng ta cần có nó thật nhanh.
Nhưng hiện tại, chúng ta đang đi theo hướng ngược lại. Những hành vi vô nghĩa mang tính tư lợi do các chính phủ và các cố vấn của họ tạo ra, chẳng hạn như "kế toán vốn tự nhiên" (natural capital accounting) và "lợi nhuận ròng về đa dạng sinh học" (biodiversity net gain) cho rằng môi trường sống này có thể trao đổi với một môi trường sống khác. Đừng than khóc cho cây sồi già vặn vẹo mà chúng ta đang đốn hạ: chúng ta sẽ trồng 10 cây con vào chỗ đó. Sau đó chúng ta sẽ gọi nó là "lợi nhuận ròng".
Nhưng không có gì thay thế được một cây cổ thụ, hay bất cứ thứ gì cổ xưa khác. Những cây cổ thụ to lớn là "cấu trúc then chốt" của rừng, nơi mà nhiều loài khác đang phụ thuộc. Chính những cái cây mà người trồng rừng thường nhổ bỏ - bị chẻ đôi, vặn vẹo, bị sét đánh, mục nát, chết - lại là những cây chứa nhiều sự sống nhất.
Những vết thương lởm chởm, các chỗ lồi chỗ lõm, những vết xước chảy nhựa óng ánh, địa y và rêu, các cành cây rối bời và những chiếc tổ vô chủ, vỏ cây bong tróc hoặc cháy sém... tất cả đều là môi trường sống quan trọng.
Nhưng đặc điểm quan trọng nhất của một cây cổ thụ - và nhiều môi trường sống khác - là các hang hốc. Chúng có nhiều dạng: phần thân hoặc cành rỗng, các hành lang bí mật của lũ côn trùng, hay lỗ trống gây ra bởi chim gõ kiến.
Từ 10 - 40% số loài chim và động vật có vú hoang dã trên thế giới cần những cái hốc trên cây để làm tổ hoặc chợp mắt. Lưỡng cư, bò sát hay động vật không xương sống cũng cần chúng.
Nhưng hầu như khắp mọi nơi, những cái cây như thế đang biến mất. Một nghiên cứu ở Úc cho thấy sau một trận cháy rừng lớn, đại đa số cây cối có hang hốc đều đã bị thiêu rụi. Sẽ phải mất tới 120 năm, với điều kiện không có sự xáo trộn nào nữa, để phục hồi toàn bộ hệ sinh thái phức tạp.
Cung cách lâm nghiệp "ngăn nắp" của chúng ta và thói quen xem cây cối là những thứ có thể thay thế cho nhau đang tàn phá động vật hoang dã. "Thay thế" một cây cổ thụ thực chẳng khác nào thay thế một người thầy trăm tuổi.
Vậy phong trào sinh thái chậm sẽ trông như thế nào? Như Henry David Thoreau đã nói, sự giàu có của chúng ta tỉ lệ thuận với số lượng những thứ mà ta có thể… để yên. Vậy, chúng ta nên cho phép các kiến trúc tự nhiên phức tạp được phục hồi.
Hôm nay chúng ta cần tạo ra những hệ sinh thái đầy nút thắt và nhăn nheo mà chỉ con cháu ta mới nhìn thấy. Phục hồi tự nhiên có nghĩa là khôi phục sự phức tạp, và sự phức tạp phải mất nhiều thời gian để phát triển. Vì vậy, đã đến lúc bắt đầu.
* Lê My lược dịch từ bài viết của George Monbiot trên The Guardian ngày 8-8-2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét