Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Sức sống mới ở Trà Leng

 

Sức sống mới ở Trà Leng

Bài và ảnh: T.THÀNH - C.ĐẠI  dvnien copy từ https://daidoanket.vn/..., trang web này đăng ngày 15/03/2024 06:56

Sau gần 4 năm trở lại vùng đất Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nơi xảy ra thảm họa sạt lở núi khiến cả một ngôi làng bị “xóa sổ”, nhiều người chết và mất tích, ai cũng đều hết sức ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này.

anhtocover.jpg
Một góc khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tấn Thành.

Tại khu dân cư (KDC) Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, không còn cảnh không khí đau buồn mà cuộc sống của bà con ở đây đã thực sự thay đổi với nhà cửa kiên cố, cơ sở hạ tầng khang trang và màu xanh mướt của cây cối đâm chồi, nảy lộc.

KDC Bằng La hiện có 39 căn nhà sàn bê tông, lợp mái tôn nằm sát bên nhau thành một dãy dài, cùng với đó được đầu tư xây dựng các công trình như nhà sinh hoạt văn hóa, trường học mẫu giáo, đường sá, điện lưới... Cạnh đó con sông Leng uốn quanh KDC Bằng La cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố để nhằm hạn chế tình trạng sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.

anhnhocover.jpg
Người dân Trà Leng đã vượt qua đau thương, vươn lên ổn định cuộc sống.

Xung quanh vùng đất này là những ruộng lúa bậc thang, rừng quế, vườn chuối xanh mướt. Lúc này, nhiều công nhân cùng thiết bị máy móc đang cần mẫn xây dựng cầu cống, đường sá để các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào, ra KDC Bằng La được thuận lợi. Đó đây những người dân chăm sóc vườn tược, trẻ em vui chơi, khung cảnh quá thanh bình như chưa từng xảy ra trận sạt lở đất đá kinh hoàng năm nào. Nhiều người dân ở đây cho biết, bà con vay vốn ưu đãi để kinh doanh, buôn bán hoặc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để chăn nuôi, trồng trọt, nhằm có nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

anh-1-bai-tren.jpg
Một góc Khu dân cư Bằng La.

Trong ngôi nhà sàn cấp 4, bà Hồ Thị Hằng, ở KDC Bằng La chia sẻ: “Trận sạt lở núi cướp đi mạng sống của chồng tôi và nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi mất hết. Lúc đó tôi rơi vào tình cảnh trắng tay, đau thương. Thế nhưng các cấp chính quyền cùng các mạnh thường quân đã hỗ trợ xây dựng nhà cửa kiên cố cho tôi và bà con, cùng với đó là điện, đường, hệ thống nước sạch và trạm y tế, trường học nên cuộc sống của bà con nhanh chóng ổn định”.

Hay như anh Hồ Văn Nguyên gặp chúng tôi trong lúc anh đang thu hoạch vỏ quế trên nương rẫy, anh cho biết: “Nhờ vốn vay tôi đã trồng được 5 sào cây quế đang vào mùa thu hoạch vỏ. Hiện tại vỏ quế 75 nghìn đồng/kg và cành, nhánh, thân cũng bán được từ 15 - 50 nghìn đồng/kg. Do đó, khai thác hết vườn quế tôi có được khoảng 200 triệu đồng. Tôi còn mua trâu, bò về thả chăn nuôi và trồng thêm cây cau, cây chuối ở vườn nhà nên cuộc sống giờ đã ổn định”.

anh-2-bai-tren.jpg
Ông Đào Xuân Thắng đang chăn thả bò trên núi.

Ông Đào Xuân Thắng, ở KDC Bằng La chia sẻ: “Gia đình tôi đã vay vốn ngân hàng để mua 3 con bò về chăn nuôi, đến nay 3 con bò đẻ ra 2 con nghé. Nếu bán 2 con nghé tôi cũng thu về hơn 15 triệu đồng. Tôi còn ươm cây quế và cây cau giống để bán cho bà con địa phương. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con ở Trà Leng”.

Còn anh Cao Tuấn Kiệt, ở xã Trà Leng đang cần mẫn chăm sóc hơn 10.000 cây quế giống, cho biết: “Hiện nay cây quế giống 3.000 đồng/cây, cây cau 5.000 đồng/cây. Nếu mua cây giống ở nơi khác giá thành sẽ cao hơn từng 1.000 - 2.000 đồng/cây và còn tốn công vận chuyển về. Nhờ có nguồn cây giống dồi dào ngay tại làng nên bà con đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn”.

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, để phát triển kinh tế địa phương, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân toàn xã tiếp tục đổi mới sản xuất. Người dân địa phương đã trồng được 160ha quế Trà My, 1ha sâm Ngọc Linh, cây ăn quả 4ha, cây lâm nghiệp khác 20ha. Chủ yếu trồng trên những nương rẫy cũ không có lấn chiếm đến rừng tự nhiên. Hiện nay, tổng sản lượng cây có hạt đạt khoảng 490 tấn; đàn gia súc, gia cầm trên là 2.815 con, trong đó trâu 183 con, bò 95 con, heo 398 con, dê 17 con và đàn gia súc gia cầm khác 1.852 con...

Chính quyền xã đã phối hợp với Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện triển khai thi công các tuyến đường DH01, đường vào khu định canh, định cư thôn 3 giai đoạn 2, cầu qua sông Nước Vít, bờ kè trung tâm xã và KDC, xã đã hoàn thành 500m trên tổng số 800m bê tông hóa đường đi.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh phong trào xây dựng “Thôn - khu dân cư văn hóa”, Ban văn hóa xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã triển khai thực hiện nhiệm vụ để hướng dẫn các thôn, vận động nhân dân các thôn thực hiện việc đăng ký tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, để cuối năm họp xét danh hiệu gia đình văn hóa. Kết quả họp xét Công nhận danh hiệu gia đình văn hóa năm 2023 có 350 hộ. Người dân Trà Leng đã vượt qua đau thương, để xây dựng một cuộc sống mới” - ông Cường cho biết.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Cuộc sống của bà con ở vùng sạt lở Trà Leng đã ổn định, ngày càng phát triển. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán. Cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, trạm y tế đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng, phục vụ tốt cho nhân dân. Huyện còn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, đào tạo nghề cho người dân xã Trà Leng. Nhờ vậy nhiều hộ gia đình ở đây đã ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo”.

Ngày 28/10/2020 tại làng Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết, bị thương và mất tích, lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, tìm thấy 10 người đã tử vong, đến nay vẫn còn 12 người mất tích. Nhờ sự vào cuộc sớm của chính quyền, mặt trận các cấp, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực không ngừng vươn lên của người dân, giờ đây cuộc sống của bà con nơi này đã ổn định và từng ngày đổi thay.

Không có nhận xét nào: