Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 1: Tìm nơi trú ẩn thảm họa

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 13/03/2024 13:01

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 1: Tìm nơi trú ẩn thảm họa

Nhiều người cho rằng có ngày tận thế nên đã chuẩn bị đối phó với thảm họa, tạo ra hẳn "ngành công nghiệp" chuẩn bị.

Ông Philip Gleason trước khu vườn nhà trong Riverbed Ranch - Ảnh: Jesse Fisher

Ông Philip Gleason trước khu vườn nhà trong Riverbed Ranch - Ảnh: Jesse Fisher

Trong khi nhiều người không đến nỗi phải lo xa như vậy, hay tin rằng khoa học tương lai sẽ có cách giải quyết thì không ít người trên thế giới, từ người dân bình thường tới tỉ phú và thậm chí cả những chính phủ đã chuẩn bị do lo sợ chiến tranh hạt nhân, thiên thạch hay thiên tai hủy diệt Trái đất. 

"Ngành công nghiệp" chuẩn bị cho ngày tận thế đang ăn nên làm ra.

Sau một tiếng lái xe trên những con đường đất quanh co mất sóng điện thoại, nhà văn Evan Malmgren đã nhìn thấy đám bụi cuồn cuộn sau chiếc xe bán tải của Jesse Fisher. Họ đang đi đến Riverbed Ranch, cộng đồng duy nhất sống tách biệt trong sa mạc bang Utah (vùng Trung Tây nước Mỹ).

Cộng đồng tự cung tự cấp

Riverbed Ranch do cộng đồng nông nghiệp phi lợi nhuận mang tên "Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tự lực Utah" thành lập gồm 135 thành viên nhằm thực hiện một mục tiêu duy nhất: Sống tự cung tự cấp sẵn sàng đối phó nếu thảm họa ngày tận thế xảy ra. Mùa hè năm 2019, ông Jesse Fisher cùng 15 hộ gia đình bắt tay vào xây dựng trên khu đất Riverbed Ranch rộng 503ha.

Ông giải thích trên trang Business Insider (Mỹ): "Trong đại dịch COVID-19, tôi có nhiều người hàng xóm bị mất nhà cửa do thất nghiệp. Tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi gặp vấn đề này và tại sao chúng ta không tìm cách giải quyết?".

Ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm đến kỹ năng sinh tồn để chuẩn bị cho thảm họa ngày tận thế. Nguyên nhân có thể do tình hình thiếu hụt nhu yếu phẩm trong đại dịch, vấn đề biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Nhiều người đã tự hỏi: Tôi có nên phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế công nghiệp toàn cầu hay không? Liệu có an toàn hơn khi tự trồng lương thực, dự trữ nước và không phụ thuộc vào các hệ thống phức tạp mà tôi không hiểu rõ? Đó là tâm trạng của các cư dân trong Riverbed Ranch.

Một góc Riverbed Ranch trong sa mạc bang Utah Ảnh: ic.org

Một góc Riverbed Ranch trong sa mạc bang Utah Ảnh: ic.org

Ông Philip Gleason (73 tuổi) là người sáng lập cộng đồng Riverbed Ranch, nảy ra ý tưởng thành lập cộng đồng tự cung tự cấp này sau một trải nghiệm đau đớn cách đây nhiều thập niên. Lúc đó, ông là người cha trẻ của ba con gái nhỏ sống trong bãi đậu xe kéo nông thôn gần nơi làm việc ở Idaho. Một ngày mùa đông khắc nghiệt, điện cúp lúc nửa đêm. Ông kể lại: "Nước uống đóng băng, nhiệt độ giảm nhanh, nhà không còn gì nấu cho các con ăn".

Ông chợt nhận ra gia đình đã sống quá phụ thuộc vào các yếu tố xã hội, kinh tế và công nghệ phức tạp. Từ đó, nỗi ám ảnh làm thế nào để sống ít phụ thuộc hơn đeo bám lấy ông nhiều năm.

Ông bắt đầu nghiên cứu nông nghiệp bền vững, dự trữ đồ hộp và tham khảo các cộng đồng sống không cần lưới điện trên thế giới. Ông giải thích: "Tôi cảm thấy khá hài lòng với những gì mình đạt được, nhưng sau đó tôi lại nghe tiếng thì thầm trong tâm trí: Bạn sẽ làm gì nếu vấn đề kéo dài hơn hai tuần so với nguồn lực đã dự trữ?".

Câu trả lời của ông là xây dựng cộng đồng Riverbed Ranch. Ông và các hộ gia đình ban đầu hùn hạp chi phí xây dựng Riverbed Ranch. Mỗi hộ nhận diện tích đất rộng 10.000m2. Họ cam kết trang bị hệ thống tự hoại hiện đại, pin mặt trời và cơ sở hạ tầng phục vụ trồng trọt.

Hợp tác xã nông nghiệp ra đời để mọi người chia sẻ lương thực trồng được với mục tiêu trồng đủ lương thực cho cư dân Riverbed Ranch trong trường hợp các nguồn lực bên ngoài không còn nữa.

Cư dân Riverbed Ranch tự đóng gạch xây nhà - Ảnh: Facebook

Cư dân Riverbed Ranch tự đóng gạch xây nhà - Ảnh: Facebook

Phải qua xét duyệt và đóng tiền mua quyền lợi

Không đơn giản cứ mua đất là có thể gia nhập cộng đồng Riverbed Ranch. Ứng viên phải được hội đồng quản trị phỏng vấn, xem xét mức độ cam kết, các kỹ năng liên quan và mức độ tin cậy. Ông Gleason nhấn mạnh: "Điều chủ yếu mà chúng tôi tìm kiếm là người chính trực. Một trong những điều quan trọng nhất là họ sẽ làm điều gì đó và họ tin rằng họ phải làm được điều đó".

Sau khi được xét duyệt, ứng viên phải đóng 35.000 USD để nhận các quyền lợi về sử dụng nước, đất đai và quyền sử dụng các cơ sở chung. Họ có quyền bỏ phiếu về một số vấn đề nhất định và bầu người đại diện giám sát một số lĩnh vực như quản lý đường sá, giải quyết tranh chấp.

Chị Priscilla Hart nhận xét về cư dân: "Có những người chỉ muốn nghỉ hưu. Có người chuẩn bị cho ngày tận thế. Tôi nghĩ có người theo thuyết âm mưu nhưng cũng có rất nhiều người chỉ muốn lo cho bản thân họ...". Đến nay đã có khoảng 40 gia đình sống toàn thời gian trong Riverbed Ranch. Cộng đồng có phòng y tế, trạm cứu hỏa, kho xăng dầu, cửa hàng, nhà máy trộn cát đá và nhà nguyện của Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô.

Trong trang trại không có sóng di động, nhưng hệ thống Starlink phủ kín khu vực nên nhiều cư dân vẫn có thể làm việc từ xa. Trên thực tế hầu hết cư dân vẫn dựa vào thu nhập bên ngoài để có tiền xây cất và phải mua thực phẩm, vật tư từ cửa hàng bên ngoài.

Nội thất trong hầm trú ẩn Vivos xPoint - Ảnh: Vivos

Nội thất trong hầm trú ẩn Vivos xPoint - Ảnh: Vivos

Để bảo đảm ổn định lâu dài, ông Gleason vẫn phải duy trì quan hệ tích cực với địa phương. Riverbed Ranch cách bưu điện gần nhất 96km và tuy không có mạng lưới điện, nước nhưng các pháp nhân vẫn được đăng ký hợp pháp. Cư dân phải tuân thủ quy tắc xây dựng và nộp thuế đầy đủ.

Nhà văn Evan Malmgren nhận xét: "Không đơn giản bạn cứ bước vào sa mạc và vứt bỏ các tấm pin mặt trời là xong". Dù cư dân Riverbed Ranch muốn sống tách biệt với xã hội nhưng họ vẫn phải phụ thuộc vào các hệ thống toàn cầu mà họ muốn quay lưng lại như pin mặt trời, xe cộ, Internet qua vệ tinh, thậm chí cả kiến thức trồng trọt theo hướng bền vững.

Tất cả đều có nguồn gốc từ công nghệ hiện đại và chuỗi cung ứng công nghiệp đồng thời cũng là kết quả của nhiều thập niên tiến bộ xã hội.

Cộng đồng sinh tồn lớn nhất thế giới

Khu trú ẩn Vivos xPoint tọa lạc trong khu đất 46,6km2 gần núi Black Hills hẻo lánh thuộc bang Nam Dakota. Nơi đây được thiết kế cho 5.000 người sinh sống trong 575 hầm bán ngầm. Đây vốn là kho vũ khí và đạn dược bị bỏ hoang từ năm 1967.

Năm 2016, trùm bất động sản Robert Vicino mua lại khu đất và năm 2012 cải tạo thành "kế hoạch dự phòng cho nhân loại" nếu xảy ra thảm họa toàn cầu. Ông Vicino cho biết: "Đối tượng tiềm năng của Vivos xPoint là thành phần trung lưu có trình độ học vấn cao và nhận thức sâu sắc về các sự kiện toàn cầu".

Người muốn mua hầm trú ẩn phải đăng ký thành viên và trình bày các kỹ năng cũng như lĩnh vực chuyên môn hữu ích nếu ngày tận thế xảy ra. Sau quá trình gia nhập, đơn đăng ký mua mới được xem xét. Hầm trú ẩn rộng 204m2 gồm bốn phòng ngủ và hai phòng tắm, đủ sức chứa từ 10 - 24 người và lương thực dự trữ từ một năm trở lên.

Hầm trang bị máy lọc không khí, cửa chống nổ bằng thép, kết nối với pin mặt trời và tuốc bin gió. Nước từ hai giếng ngầm được trữ trong bể. Người mua phải trả 55.000 USD cộng với tiền thuê mặt bằng 1.000 USD/năm nếu mua hầm không nội thất và thiết bị hoặc phải chi nhiều hơn tùy mức độ hoàn thiện.

-------------

Kỳ tới: Khi tỉ phú và chính phủ tìm chốn dung thân

Công việc chuẩn bị cho ngày tận thế chẳng những thu hút giới siêu giàu mà còn là mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Mỹ. Nếu các tỉ phú mua sắm hầm ngầm sang trọng thì tổng thống và Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho thảm họa ngày tận thế.

Zuckerberg và các tỉ phú chuẩn bị cho ngày tận thế?Zuckerberg và các tỉ phú chuẩn bị cho ngày tận thế?

Cùng với các tỉ phú Thung lũng Silicon, Mark Zuckerberg đang thể hiện tinh thần sinh tồn cho ngày tận thế với các dự án ngoài trời gần đây của mình.

Không có nhận xét nào: