Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Khát ở vùng sông nước

 Thời sự Xã hội

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/03/2014 08:05

Khát ở vùng sông nước

T.THÁI - L.DÂN - K.NAM

TT - Nhiều địa phương ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp do tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn.

Ngày 29-3-2014, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết độ mặn các sông trên địa bàn tỉnh đã tăng cao hơn 1-3‰ so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, tại điểm TP Cà Mau độ mặn đo được từ 25-27‰, điểm Sông Đốc từ 29-31‰. Dự báo độ mặn trên sông còn tiếp tục tăng vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Ông Phạm Văn Sóng, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh, cho hay hiện nay hầu hết các sông lớn như Cái Tàu, Biện Nhị đều đã bị xâm nhập mặn và lấn sâu vào nội đồng. Hiện nước dưới sông không thể phục vụ mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Còn tại huyện Thới Bình, nhiều người dân các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc đã lợi dụng nước sông bị xâm nhập mặn đưa vào đồng ruộng để nuôi tôm gây ảnh hưởng đến quy hoạch vùng ngọt hóa của tỉnh.

Tại Hậu Giang, sau một thời gian nồng độ mặn tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ giảm, thì từ giữa tháng 3-2014 đến nay độ mặn đã tăng cao trở lại. Ông Lê Văn Đời, phó giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết có khoảng 10.000ha chủ yếu là diện tích trồng lúa tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị ảnh hưởng.

Nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ có hàng chục ngàn hecta lúa rơi vào tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết khoảng một tháng nữa sẽ có hơn 40 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở các xã Hòa An, Hòa Mỹ, Tân Long, Phương Bình... thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng khoảng 9.700ha lúa.

Cùng ngày, ông Lương Quốc Bình - chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, Kiên Giang - cho biết tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra ở 3/4 xã của huyện là Nam Du, An Sơn và Lại Sơn. Theo ông Bình, cả huyện chỉ có xã Hòn Tre - nơi đặt trung tâm hành chính - là đủ nước ngọt cầm cự chờ tới mùa mưa. Còn các xã khác thì người dân tự kéo ống dẫn nước từ suối về. Hết nước suối thì phải chở nước ngọt từ đất liền ra. “Nhà nước không tổ chức tàu chở nước ngọt từ đất liền ra đảo cho dân được. Thay vào đó huyện hỗ trợ tiền dầu để dân tự chở nước ngọt ra xài” - ông Bình nói.

Theo ông Trần Thanh Hùng - chuyên viên văn phòng UBND xã Lại Sơn, năm nay dù mới vào đầu mùa khô nhưng địa phương này đã lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt khá gay gắt. Người dân đang phải trả tiền kéo nước trong các hang hốc, suối ngầm về sử dụng. Mỗi giờ kéo nước phải trả 10.000 đồng, chỉ thu được lượng nước hơn 100 lít.

Nguy cơ thiếu nước ở khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên

Ngày 29-3-2014 tại TP Tam Kỳ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; kế hoạch sản xuất vụ hè thu khu vực sáu tỉnh thành duyên hải Nam Trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) và năm tỉnh Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Một trong những vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm đó là tình trạng khô hạn hiện nay đã gây nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp trong việc triển khai sản xuất vụ hè thu. Theo Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, mực nước phần lớn các hồ thủy điện miền Trung, Tây nguyên hiện nay thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-4m. Diện tích cây trồng vụ đông xuân bị thiếu nước và hạn hán toàn vùng lên đến 12.221ha.

Riêng với tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, vài năm trở lại đây việc chống hạn đã trở thành nỗi lo thường trực. Cụ thể khi các hồ thủy điện (trực tiếp là Đăk Mi 4) bắt đầu tích nước thì các nhánh sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn của Quảng Nam và TP Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn sớm. Quảng Nam hiện có khoảng 1.500ha nguy cơ thiếu nước, trong khi Đà Nẵng không chỉ ngành nông nghiệp mà cả 1,3 triệu dân TP này cũng đang lo thiếu nước sinh hoạt.

VÕ TRƯỜNG

Không có nhận xét nào: